Câu chuyện xúc động về vị quản giáo già tại Trại giam Bến Giá

Thứ Sáu, 28/04/2017, 09:10
Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp đến thăm Trại giam Bến Giá, nghe kể lại câu chuyện xúc động về vị quản giáo già năm xưa, đã cống hiến gần trọn cuộc đời, gắn bó với Trại giam cùng người dân vùng căn cứ kháng chiến.

Năm 2017, tròn 20 năm ngày mất của đồng chí Lê Văn Nhân (sinh năm 1913, cán bộ quản giáo Trại giam Bến Giá, đóng trên địa bàn Duyên Hải, Trà Vinh, nay thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an).

Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp đến thăm Trại giam Bến Giá, nghe kể lại câu chuyện xúc động về vị quản giáo già năm xưa, đã cống hiến gần trọn cuộc đời, gắn bó với Trại giam cùng người dân vùng căn cứ kháng chiến. Những cán bộ chiến sĩ trẻ hôm nay, luôn nhớ về vị quản giáo với tên gọi thân thương là ông Hai Mung.

Giác ngộ Cách mạng từ những năm 1945, trải qua 31 năm công tác và chiến đấu, ông Hai Mung được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Ba, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Khi mất, di ảnh ông được thờ trong khuôn viên của Trại giam Bến Giá, chung với 10 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong quá trình công tác, chiến đấu. Đây cũng là nơi sinh hoạt truyền thống, giáo dục cho cán bộ trẻ noi gương phấn đấu xứng đáng với lớp cha anh đi trước.

Trung tướng Sơn Cang, Anh hùng LLVTND, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II (Bộ Công an), nguyên Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh rất xúc động khi nhắc về ông Hai Mung. Bởi, vừa là bạn chiến đấu vừa là đồng nghiệp công tác chung tại Trạm giam Bến Giá (khi đó là Trại giam thuộc Ban An ninh Trà Vinh).

Đại tá Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám thị Trại giam Bến Giá cùng cán bộ chiến sĩ bên phòng truyền thống của đơn vị. 

Qua lời kể của Trung tướng Sơn Cang, ông Hai Mung quê ở tỉnh Sông Bé (nay chia tách Bình Dương và Bình Phước). Thời trẻ, ông Hai Mung theo đoàn quân công tác bảo vệ của Trung tướng Nguyễn Bình về Cà Mau và được tổ chức phân công bám địa bàn.

Ông lập gia đình với một phụ nữ ở địa phương. Trong trận càn của quân Mỹ, vợ và con ông thiệt mạng. Về sau, ông được phân công về chiến đấu, bảo vệ Trại giam thuộc Ban An ninh Trà Vinh.

Theo nhận xét của Trung tướng Sơn Cang, ông Hai Mung rất bình dị, sống tình cảm và dễ gần, đặc biệt nhiệt tình với cách mạng, trung thành với Đảng, Nhà nước. Quá trình công tác, ông rất có trách nhiệm với công việc. Tổ chức giao nhiệm vụ tới đâu hoàn thành tới đó, không từ chối, không thoái thác. Mọi việc đều làm rất kỹ, chặt chẽ và hiệu quả. Khi làm việc, chuyện gì chưa hài lòng là ông phê bình ngay, thậm chí phê bình và gọi thẳng Ban giám thị Trại giam với cách nói dí dỏm “Ban chỉ huy con nít”.

“Năm 1972, khi được đơn vị phân công, quản lý hai phi công người Mỹ bị tạm giữ tại Trại giam, một trong hai phi công này đã tráo còng, lợi dụng đêm tối bỏ trốn. Sau đó, ông Hai Mung đứng ra nhận khuyết điểm, tự phong kỷ luật tử hình”, Trung tướng Sơn Cang kể. Thời điểm đó, chưa có Nghị quyết TW4 như hiện nay nên việc đứng ra tự phê bình, xin nhận hình thức kể trên của ông Hai Mung khiến nhiều người bất ngờ.

“Với nhiệm vụ là cán bộ phụ trách trực tiếp, ông Hai Mung nhận trách nhiệm. Đó là trách nhiệm rất lớn với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Vì người bỏ trốn là phi công Mỹ, mang yếu tố nước ngoài. Vì vậy, ông Hai Mung mới tự phong hình thức kỷ luật trên, nhận khuyết điểm trước Đảng”, Trung tướng Sơn Cang nói về ông Hai Mung với vẻ kính trọng.

Trung tướng Sơn Cang kể lại quá trình công tác và chiến đấu của ông Hai Mung.

Đại tá Lê Sơn Điền, nguyên Giám thị Trại giam Bến Giá kể lại, sau giải phóng hai năm, ông Hai Mung nghỉ hưu. Thời điểm đó, ông không có vợ con nên Công an tỉnh bố trí xe đưa về Thủ Dầu Một (Bình Dương) tìm người thân. Về đến nơi thì mẹ đã mất, anh em không còn nên ông Hai Mung quay về sống với tập thể và sinh hoạt Chi bộ với đơn vị Trại giam. Lúc đó, lương hưu cũng không bao nhiêu, nhưng mỗi lần lãnh tiền là ông mua đồ mang cho anh em và bà con xung quanh.

Thiếu tá Lê Thanh Vũ, Đội trưởng Đội Tham mưu, Trại giam Bến Giá nhớ lại: “Bác Hai Mung sống rất hoà đồng với anh em và kể cả người dân địa phương. Ai cũng quý”.

Năm 1997, ông Hai Mung đã 84 tuổi. Về già bệnh tình có dấu hiệu trở nặng và nằm điều trị tại Bệnh xá Công an tỉnh. “Lúc này, ông Hai Mung đã rất yếu. Sợ mình không qua khỏi, ổng nhắn tôi lên gặp và có nguyện vọng được chôn gần Trại giam và lập bàn thờ. Bởi, nơi này ông Hai Mung đã công tác và gắn bó gần cả cuộc đời”, Đại tá Lê Sơn Điền kể.

Ban giám thị Trại giam đã xin ý kiến đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh về nguyện vọng này. Căn nhà được gấp rút hoàn thành, bởi lúc đó, ông Hai Mung đã rất yếu. Dự định khi cất nhà xong, Ban giám thị đón ông về ở và sau này làm nơi thờ cúng.

Đại tá Lê Sơn Điền kể tiếp: “Khi đưa từ bệnh xá về lại Trại giam, anh em đưa ông Hai Mung tham quan một vòng căn nhà. Xem xong, ông rất mãn nguyện rồi vỗ tay hoan nghênh Ban giám thị. Ở được hơn tuần lễ, sáng 17-10-1997, ông Hai Mung qua đời”.

Đại tá Lê Sơn Điền, nguyên Giám thị Trại giam Bến Giá.

Tối mấy ngày trước đó, sau khi nhận được Quyết định tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cho ông Hai Mung, Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh (Trung tướng Sơn Cang, lúc đó mang hàm Đại tá) đã mang ngay xuống Trại giam trao tận tay vị quản giáo già. “Lúc đó, ông Hai Mung yếu đi rất nhiều, nhưng vẫn còn tỉnh táo. Nhận quyết định, ông rất xúc động, vì đó là danh dự lớn”, Trung tướng Sơn Cang kể lại.

Sau khi mất, ông Hai Mung được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Duyên Hải, di ảnh được đặt trang trọng thờ trong khuôn viên Trại giam. Sau này, Ban giám thị sưu tầm đủ di ảnh của 10 liệt sỹ của Trại giam hy sinh thờ chung. 

Năm nào đến ngày giỗ của ông Hai Mung đều có rất đông người đến dự. Chủ yếu những người quen biết, từ già tới trẻ ở xung quanh Trại giam, người dân vùng căn cứ kháng chiến ngày xưa đều quy tụ lại.

Trung tướng Sơn Cang nhắn nhủ đến cán bộ chiến sĩ trẻ, xem việc làm của ông Hai Mung là tấm gương sáng của người đảng viên, chiến sĩ CAND. 

“Chính ông Hai Mung, mấy chục năm về trước đã phấn đấu, mạnh dạn nhìn nhận khuyết điểm để khắc phục, thì bản thân chúng ta, những cán bộ chiến sĩ trẻ phải xem đó là tấm gương noi theo, học tập. Khi mắc sai sót, phải dám đứng ra nhận khuyết điểm. Dù khuyết điểm đó là rất lớn, nhưng thấy sai thì phải nhận trước Đảng để được xem xét, giải quyết. Sau đó, bản thân phải tu dưỡng, khắc phục để rèn luyện phấn đấu vươn lên, nâng cao phẩm chất đạo đức của người cán bộ đảng viên, tiếp tục cống hiến”, Trung tướng Sơn Cang nói.

Đến nay, Trại giam Bến Giá đã trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Các thế hệ cán bộ chiến sỹ đơn vị đã trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, nhiều lúc phải đánh đổi cả xương máu để hoàn thành nhiệm vụ. Những cái tên như: Huỳnh Quang Trứ, Nguyễn Văn Trung, Võ Ngọc Trưởng, Sơn Cang… luôn gắn liền với những chiến công vẻ vang của Trại giam Bến Giá. Đây là niềm tự hào, tấm gương sáng về lòng qủa cảm, anh dũng, tinh thần tận tụy vì nước quên thân, vì dân quên mình để các thế hệ mai sau học tập, tiếp bước góp phần tô thắm thêm những trang sử vẻ vang của quân dân tỉnh Trà Vinh và lực lượng CAND".
Văn Vĩnh
.
.