Viết về các chiến sỹ Công an hy sinh trong thời bình:

"Rạng rỡ tên Anh"

Thứ Sáu, 15/10/2010, 12:29
Đó là đầu đề một bài hát về truyền thống của lực lượng Công an, trong đó ghi danh người liệt sỹ Công an Phan Công Việt, cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Đà Nẵng đã anh dũng hy sinh trong khi truy quét đối tượng ma túy. Đó cũng là sự tri ân của tất cả mọi người đối với những cán bộ chiến sỹ Công an, những đảng viên trong lực lượng Công an, đã không tiếc máu xương của mình cho cuộc sống an bình của người dân hôm nay.

Viết về các chiến sỹ Công an hy sinh trong thời bình:Giữa thời bình, khi mọi người đang hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn về vật chất và tinh thần, thì họ, những người chiến sỹ Công an, vẫn luôn âm thầm cống hiến và hy sinh. Xin được thắp nén nhang tưởng nhớ và vinh danh những người đã ngã xuống vì cuộc sống yên bình của nhân dân ấy, cho dù chính họ khi bước vào cuộc chiến đấu, chưa bao giờ nghĩ đến chuyện được vinh danh…

Những sự hy sinh không nói hết bằng lời

Mỗi lần nghe tin một cán bộ Công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, trong lòng những cán bộ phóng viên Báo CAND chúng tôi lại bàng hoàng, đau đớn. Thế là một người đồng đội của mình đã lại ra đi bởi cuộc chiến đấu chống tội phạm khốc liệt, để lại đằng sau còn bao việc dang dở.

Lần nào cũng vậy, các nhóm phóng viên chúng tôi cũng được Ban biên tập cắt cử luôn có mặt sớm để thăm hỏi và động viên gia đình người đã khuất. Và không biết bao lần, nước mắt chúng tôi đã rơi khi phải chứng kiến những nỗi đau nghẹn ngào của đồng đội và gia đình các anh.

Đại diện Báo CAND thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ cho gia đình Thượng tá Hứa Văn Tấn (CA Lạng Sơn).

Trong lễ tang Thượng tá Hứa Văn Tấn, cán bộ Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Lạng Sơn, nhiều người đã lặng đi trước tiếng khóc đau đớn "lá vàng khóc lá xanh rơi" của bà Triệu Thị Tuyết, mẹ Thượng tá Tấn. Bà không còn đủ sức để đứng vững bên thi hài con trai, những giọt nước mắt cứ tự ứa ra, lăn òa theo những nếp da nhăn nheo trên gương mặt mẹ. Đại tá Nông Văn Định, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn, người chỉ huy đầy bản lĩnh, đã từng cầm quân bao trận đánh truy quét tội phạm vùng biên cũng không ngăn được nước mắt rơi.

Ông kể rằng, tối hôm Tấn mất, đồng đội đã làm trước một mâm cơm cúng anh, bởi từ sáng sớm, mải ra trận, cho đến lúc hy sinh, anh Tấn chưa kịp ăn gì. 5h sáng 25/9, Thượng tá Tấn và đồng đội đã tập trung ở đơn vị để tham gia chuyên án triệt phá đường dây mua bán ma túy do đối tượng Trần Đức Nghĩa, 35 tuổi, trú tại xã Trung Kênh, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) cầm đầu. 11h, trận đánh bắt đầu, anh Tấn cùng đồng đội bắt giữ được đối tượng Nghĩa, thu 5 bánh heroin, nhưng anh đã hy sinh bởi loạt đạn do tên Lê Quang Sơn (tức Sơn "trọc"), 36 tuổi, trú tại phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh, kẻ được Nghĩa thuê 20 triệu đồng/ngày để mang súng đi theo bảo kê những phi vụ mua bán ma túy.

Anh Tấn ra đi khi nỗi lo về 2 đứa con còn nhỏ vẫn còn canh cánh trong lòng, người vợ của anh hiện không có việc làm nhưng vẫn phải vượt lên nỗi đau, thay chồng gánh cả trách nhiệm làm cha cho các con trên đôi vai vốn đã gày mỏng.

Thiếu tá Phan Công Việt, cán bộ của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Đà Nẵng cũng hy sinh trong một chuyên án truy bắt tội phạm. Khi tiếp cận đối tượng Trần Quang Khải, anh Việt ra hiệu kiểm tra vì đối tượng này chưa bị khởi tố bị can nên anh không thực hiện biện pháp khống chế.

Trao bằng Tổ quốc ghi công của Thủ tướng Chính phủ cho thân nhân liệt sĩ Phan Công Việt (CA Đà Nẵng).

Bất ngờ, đối tượng đi cùng Khải là Phạm Đình Dương đã rút dao đâm thẳng vào ngực anh. Dù đã bị đâm 2 nhát vào tim, nhưng anh Việt vẫn cố sức giữ lấy tay Phạm Đình Dương chờ đồng đội bắt tên tội phạm nguy hiểm.

Anh hy sinh khi vợ con vẫn chưa có nhà ở, đang phải ở trọ, con nhỏ bị dị tật ở tay chưa được phẫu thuật. Anh ra đi khi cũng chưa thực hiện được lời hứa của mình sẽ đưa ba đi xạ trị bệnh và đưa mẹ đi chữa bệnh tiểu đường…

Đau đớn nhất là sự hy sinh cùng lúc 3 cán bộ Công an tỉnh Hòa Bình trong cuộc truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Vàng A Khua vào những ngày giáp Tết Nguyên đán vừa qua.

Trung úy Sùng A Trư, cán bộ Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an huyện Mai Châu ra đi khi hai vợ chồng vừa dự định sinh con sau hơn 3 năm phấn đấu cho sự nghiệp. Chị Hà Thị Thúy, vợ anh Trư, cô gái Thái mong manh đã quị xuống trước nỗi đau không thể chịu đựng được. Còn Thượng úy Bùi Quốc Đại, cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Hòa Bình cũng ra đi khi còn quá nhiều dang dở, trong trái tim anh đang ấp ủ bao mơ ước ngọt ngào về hạnh phúc lứa đôi với người con gái anh yêu…

Họ sẵn sàng ra trận, dẫu biết trước là sự hy sinh

Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã từng nói: "Trong giai đoạn hiện nay, tội phạm hoạt động ngày càng phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhất là bọn côn đồ, lưu manh chuyên nghiệp, khi bị phát hiện bắt giữ, chúng manh động, điên cuồng chống trả.--PageBreak--

Để đối phó với các loại tội phạm, ổn định an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội cho đất nước trong thời kỳ hòa bình, đã có không ít CBCS Công an bị sát hại. Các anh ngã xuống, máu của các anh đã tô thắm thêm ngọn cờ truyền thống của lực lượng Công an, giữ vững niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự tin tưởng, yêu thương của nhân dân vào lực lượng Công an".

Vâng, hiểu về cuộc chiến đấu khốc liệt với tội phạm, chúng tôi biết rằng, sự hy sinh của lực lượng Công an để giữ gìn sự bình yên cho nhân dân là khó tránh khỏi. Nhất là trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy, bọn tội phạm biết chắc rằng, nếu chúng bị bắt, đồng nghĩa với cái án cao nhất của pháp luật. Chính vì thế, chúng luôn mang theo người vũ khí nóng, khi bị phát hiện, bắt giữ, sẵn sàng xả súng vào lực lượng Công an để thoát thân.

Khi đối diện với loại tội phạm này, các chiến sỹ Công an đều xác định trước tính chất manh động, liều lĩnh của chúng. Các anh cũng hiểu rằng, trong cuộc chiến ấy, sẵn sàng có đổ máu, hy sinh. Thế nhưng, tất cả các anh, khi ra trận, đều không hề nề hà, bởi họ hiểu rằng, họ chỉ cần chùn bước trước cuộc chiến này thì có hàng trăm, hàng nghìn con người khác sẽ bị hủy hoại bởi chất độc ma túy.

Qua công tác trinh sát, Thượng tá Hứa Văn Tấn và đồng đội của mình đã biết chắc chắn rằng, đối tượng Trần Đức Nghĩa và Sơn "trọc" lúc nào cũng mang theo một túi đựng vũ khí bên người. Khi vào trận bắt giữ các đối tượng, các anh cũng đã vô hiệu hoá được tên Nghĩa cùng súng và lựu đạn, nhưng viên đạn hiểm ác của tên Sơn "trọc" đã găm vào cơ thể anh Tấn, khiến anh gục ngã và hy sinh.

Còn nhớ sự hy sinh anh dũng của liệt sỹ Phạm Văn Cường, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Điện Biên, người được ghi danh đầu tiên trong "Bảng vàng truyền thống, vinh danh anh hùng" của lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy. Cường là một trinh sát trẻ, được phân công xâm nhập vào đường dây mua bán ma túy của các đối tượng ở Na Ư, một vùng đất nóng về tội phạm ở đất Lai Châu.

Các đối tượng trong băng nhóm này cực kỳ manh động, lúc nào đi buôn ma túy cũng mang kèm súng AK. Cường cũng như các trinh sát được cử làm nhiệm vụ xâm nhập vào các đường dây mua bán ma túy, luôn hiểu rằng, họ đang vào "hang cọp", đang phải tay không đối mặt với cả ổ nhóm tội phạm với vũ khí trong tay và sự hy sinh đối với họ có thể xảy ra bất cứ khi nào.

Họ luôn xác định được như vậy, nhưng vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Và chàng trai ấy đã bị bọn tội phạm ma túy sát hại khi tuổi đời còn rất trẻ, anh ngã xuống cho sự bình yên của mảnh đất Tây Bắc của Tổ quốc…

Họ, những người chiến sỹ Công an đã ngã xuống trong cuộc chiến chống tội phạm thời bình, luôn được đồng đội và nhân dân tiếc thương. Chúng tôi đã từng gặp rất đông những người không hề quen biết đến khóc thương và tiễn đưa các anh về cõi vĩnh hằng. Bởi họ hiểu được rằng, giá của mỗi ngày bình yên mà chúng ta đang được sống, được hưởng chính là do máu của các chiến sỹ Công an đã đổ xuống trong cuộc đấu tranh chống tội phạm.

Đúng như lời bài hát "Rạng rỡ tên Anh": Các anh đã chiến đấu đẩy lùi cái ác, đẩy lùi bóng tối, gọi mặt trời lên… 

Theo Thượng tá Đinh Văn Minh, Trưởng phòng Chính sách người có công và hậu phương CAND, Cục Chính sách - Tổng cục XDLL-CAND, ngày 24/7/2002, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định 687/2002/QĐ-BCA quy định một số chế độ đối với vợ, con liệt sỹ thương binh nặng trong lực lượng Công an trên cơ sở Quỹ "Nghĩa tình đồng đội" CAND. Sau gần 10 năm tổ chức thực hiện, đến nay, đã có gần một nghìn lượt con liệt sỹ, thương binh nặng được hưởng phần quà mang nhiều ý nghĩa của các cô, bác, đồng chí, đồng đội cha mẹ các cháu trao tặng. Vì vậy mà hầu hết các cháu đã nỗ lực phấn đấu, học tập, rèn luyện tiến bộ, tiếp bước cha mẹ, gia nhập lực lượng CAND để đóng góp sức mình vào sự nghiệp bảo vệ ANTQ.

Theo quy định trên, đã có hàng trăm cháu là con liệt sỹ dưới 18 tuổi được tuyển vào học tại các trường văn hóa CAND và hàng chục vợ liệt sỹ được tuyển dụng hoặc vào hợp đồng lao động tại Công an các đơn vị, địa phương. Điều đó thể hiện một phần kết quả hoạt động có hiệu quả của Quỹ "Nghĩa tình đồng đội" CAND và đồng thời cũng là sự tri ân của CBCS Công an đối với các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ ANTQ. Nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27-7-1947- 27-7-2011) vừa qua, lãnh đạo Bộ Công an đã có quyết định nâng mức trợ cấp hàng tháng đối với con liệt sỹ, con thương binh nặng lên gấp 4 lần so với quy định ban đầu, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tốt hơn cho các cháu ổn định cuộc sống để học tập và phấn đấu vươn lên.

Theo thống kê, trong 65 năm qua, lực lượng Công an nhân dân đã có 13.547 liệt sỹ và 4.788 thương binh qua các thời kỳ. Từ năm 2007 đến nay, đã có hơn 20 cán bộ chiến sỹ Công an đã hy sinh và hàng trăm cán bộ đã bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Đối với lực lượng Công an xã, từ năm 1999 đến nay, cả nước có 56 cán bộ Công an xã hy sinh, 424 người bị thương trong khi làm nhiệm vụ.

Thu Hòa
.
.