Cuộc chiến chống phương tiện chở quá khổ, quá tải ở xứ Thanh
Theo báo cáo của Cục CSGT - Bộ Công an thì Thanh Hóa là trong những địa phương làm tốt công tác này. Phóng viên Báo CAND đã tới Thanh Hóa ghi nhận tình hình thực tế.
Tỉnh Thanh Hóa nằm cách Thủ đô Hà Nội 153km về phía Bắc, có tổng mạng lưới chiều dài đường bộ hơn 21.000km, trong đó chỉ tính riêng quốc lộ là 793km. Hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn Thanh Hóa rất đa dạng, thuận lợi cho phát triển kinh tế nhưng cũng tạo ra nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý, do nhiều loại phương tiện hoạt động với tần xuất liên tục trên các tuyến quốc lộ quan trọng như: QL1A, QL10, đường Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của Phòng CSGT, Công an tỉnh Thanh Hóa, nếu như trước đây, lực lượng CSGT Công an tỉnh khi tiến hành kiểm tra các phương tiện chở hàng quá tải thường gặp phải sự đối phó của lái xe vì thiếu phương tiện kiểm định thì kể từ khi được Bộ Công an trang cấp trạm cân chất lượng cao (đặt tại Trạm CSGT Quảng Xương), việc kiểm tra, xử lý đối với các phương tiện vi phạm tải trọng đạt hiệu quả cao hơn nhiều. Lái xe chở hàng quá tải khi bị lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý gần như không còn tình trạng đối phó, nhưng vẫn còn hiện tượng nhờ các mối quan hệ can thiệp, tác động xin bỏ qua.
CSGT Thanh Hóa hướng dẫn lái xe vào trạm cân để cân tải trọng. |
Nửa ngày cùng tổ công tác của Trạm CSGT Quảng Xương làm nhiệm vụ tại tuyến quốc lộ 1A, chúng tôi thấy các xe ô tô có tải trọng lớn vận chuyển hàng hóa có biểu hiện quá tải khi bị tổ công tác ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra, cân tải trọng đều có ý thức chấp hành nghiêm túc. Ngày 6-11, anh Nguyễn Văn Trình, lái xe container BKS 51C-077.61 khi bị phát tín hiệu để kiểm tra đã nghiêm chỉnh chấp hành. Quá trình cân tải trọng, tổ công tác đã phát hiện phương tiện này chở quá tải.
Khi lái xe đưa ra lý do với tổ công tác rằng: “Chiếc cân tải trọng có thể cân sai thì sao?”. Tổ công tác giải thích với lái xe: “Nếu không đồng ý, anh có thể thuê cân tải trọng khác cân lại trước khi chúng tôi lập biên bản”. Nghe giải thích hợp tình, hợp lý như vậy, lái xe đã đồng ý xử lý lỗi quá tải trọng. Đây chỉ là một trong số ít lái xe vi phạm còn biểu hiện gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ. Tiếp xúc với chúng tôi, Đại úy Trịnh Xuân Tùng, Trạm trưởng Trạm CSGT Quảng Xương cho biết, bình quân một ngày, trạm chỉ xử lý được từ 3-4 trường hợp vi phạm về tải trọng. Đây là con số ít so với trước đây. Lý do vì từ khi có trạm cân này, các lái xe khi chạy qua địa bàn thường không dám chở hàng vượt quá tải trọng, bởi theo quy định, khi chở quá tải trọng thì số tiền xử phạt sẽ rất lớn.
Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm, để việc thực hiện đợt cao điểm về tăng cường kiểm tra, xử lý xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe cơ giới không có niên hạn hoặc hết niên hạn kiểm định có hiệu quả, thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện nghiêm túc việc kiểm định phương tiện theo quy định, tự giác thực hiện nghiêm túc.
Qua đó đã có 223 doanh nghiệp, 2.477 chủ phương tiện ký cam kết, 359 phương tiện đã cắt thùng xe theo đúng quy định hiện hành. Đối với các trường hợp vi phạm, lực lượng CSGT tỉnh Thanh Hóa kiên quyết xử lý, trong đó tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây TNGT như: chở hàng quá trọng tải, chở hàng vượt quá chiều cao, chở hàng rơi vãi. Căn cứ tình hình vi phạm chở hàng quá trọng tải của ôtô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ, lực lượng CSGT tích cực phối hợp với lực lượng TTGT tỉnh trong việc thành lập nhiều tổ công tác liên ngành, sử dụng trạm cân cố định và trạm cân lưu động tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên các tuyến quốc lộ trọng điểm. Chỉ tính từ tháng 7 đến tháng 9/2015, tổ liên ngành tuần tra kiểm soát giao thông trên các tuyến quốc lộ trên địa bàn Thanh Hóa đã lập biên bản xử phạt 571 trường hợp vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải.
Cũng theo Đại tá Khương Duy Oanh, bên cạnh mặt thuận lợi thì vẫn còn những khó khăn trong việc xử lý phương tiện vi phạm khi lái xe luôn tìm mọi cách né tránh, đối phó với lực lượng thi hành nhiệm vụ, sử dụng mọi quan hệ để tác động đến vấn đề xử lý vi phạm. Một hạn chế nữa trong việc chưa xử lý triệt để phương tiện vi phạm là sự đôn đốc của chính quyền một số cơ sở trong chỉ đạo còn chậm, có tâm lý phó mặc cho các lực lượng chức năng trong kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ và ngăn chặn phương tiện hết niên hạn sử dụng trên địa bàn.
Dù đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa biểu dương về những kết quả đã đạt được, nhưng theo Ban Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, thời gian tới, lực lượng CSGT Công an tỉnh cần tích cực hơn nữa trong công tác phối hợp với các đơn vị hữu quan và kiên quyết xử lý phương tiện vi phạm, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Từ ngày 10/6 đến ngày 30/9/2015, lực lượng Công an Thanh Hóa đã kiểm tra, xử lý 338 trường hợp xe ôtô hết niên hạn sử dụng, không có hoặc hết hạn kiểm định, tạm giữ 338 phương tiện, tước 338 giấy phép lái xe. Các lực lượng chức năng trong tỉnh đã lập biên bản kiểm tra, xử lý 2.862 trường hợp xe ôtô vận tải hàng hóa vi phạm quá khổ, quá tải, phạt tiền gần 12 tỷ đồng. Phòng CSGT kiểm tra, xử lý 1.612 trường hợp, phạt tiền nộp kho bạc gần 10 tỷ đồng… Quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, cán bộ, chiến sĩ luôn chủ động nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức nghiệp vụ, bắt giữ nhiều đối tượng phạm pháp hình sự, đối tượng truy nã, hàng chục vụ vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng gian lận thương mại. |