Phá án trong rừng thẳm

Thứ Tư, 12/07/2006, 08:21

Điều tra tìm ra thủ phạm của một vụ trọng án là công việc chưa bao giờ được coi là "nhẹ nhàng" đối với các điều tra viên (ĐTV). Đối với công an ở các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng... thì hình như sự khó khăn, gian khổ tăng thêm gấp bội...

Một ngày cuối tháng 8/2001, dân đi rừng phát hiện một xác chết kẹt trong lùm cây ngả xuống con suối Ea Drăng giữa những cánh rừng già Ea Khăi, Ea Wy thăm thẳm, hoang sơ.

Nhận được tin báo, Cảnh sát điều tra (hồi đó là PC16) và bác sĩ pháp y của Phòng Khoa học kỹ thuật hình sự vội vã lên đường. Chiếc Uoát phóng băng băng trên đoạn đường dài 120 km từ Buôn Ma Thuột đến trung tâm huyện Ea H'Leo phải dừng lại dưới sườn núi Cư Mốt hùng vĩ. Những cánh rừng hoang sơ hiện ra trước mắt. Các anh cứ lần dọc con suối Ea Drăng mà cuốc bộ theo những dấu chân người sơn tràng đi rừng chuyên nghiệp. Cứ đi như vậy từ sáng đến chiều thì cũng đến được nơi có xác chết.

Từ xác chết giữa rừng truy tìm ra thủ phạm

Khi các anh vừa đến nơi, một đồng chí công an xã đã dựng lều ở cách xác chết 50 mét, có nhiệm vụ trông coi xác chờ công an tỉnh vào bàn giao công việc cho các ĐTV. Nhiệm vụ lúc này là của bác sĩ pháp y, của các ĐTV thuộc Công an tỉnh. ĐTV Phạm Thanh Tùng cùng bác sĩ pháp y nhảy xuống dòng nước chảy xiết kéo cái thây người trương phềnh đó lên.  Không còn nhận ra đây là hình hài một con người nữa. Quần áo rách mướp, hình hài biến dạng, các ngón tay cũng đã rụng, rữa ra hoặc bị cá rỉa mất da thịt,  không thể lấy được vân tay. Chính vì thế không thể xác định được những đặc điểm cụ thể của nạn nhân. Trong hồ sơ vụ án, nạn nhân chỉ có vài dòng đơn giản: giới tính nam, chiều cao... cân nặng khoảng... độ tuổi khoảng... chết vào thời gian... chết do bị đánh đập...

Khu vực này toàn là rừng nguyên sinh, con suối Ea Drăng nước chảy xiết, mấy ngày trước lại có lũ nên không thể xác định được xác chết trôi từ đâu đến. Cũng có thể xác chết trôi về từ mãi huyện Chư Sê của Gia Lai, hoặc huyện biên giới Ea Súp, hoặc bị dòng Ea H'Leo đẩy về từ tận Campuchia. Thông tin mù mịt như vậy  nên thật khó tiến hành điều tra và không biết phải bắt đầu từ đâu. Chẳng lẽ cái chết của một con người lại oan trái đến vậy?

Dựng lại hiện trường vụ án giết người vứt xuống suối Ea Drăng.

Sau khi làm thủ tục chôn cất người xấu số, các đồng chí Tùng, Hà, Văn (đồng chí Văn giờ là Phó phòng PC14), cùng một chiến sĩ công an huyện chuẩn bị balô, mì tôm, lương khô, nước lọc, cưa xẻ gỗ, dao đi rừng ngược tiếp con suối Ea Drăng để... tìm chứng cứ.

Theo nhận định của các ĐTV thì hung thủ hạ sát nạn nhân sẽ ở một địa điểm ven suối, sau đó phi tang xác chết xuống suối luôn. Gần một ngày trời cuốc bộ ngược suối Ea Drăng, không biết đã đi được bao nhiêu cây số, trèo qua không biết bao nhiêu dốc núi trong đại ngàn hoang thẳm. Trời lúc nắng như đổ lửa, lúc mưa trút nước, vắt nhảy như vãi trấu,... trải qua bao gian nan rồi các anh cũng gặp được dấu chân người.

Rải rác trong cánh rừng Cư Mốt có những nhóm người Tày di cư từ Bắc vào sinh sống. Họ dựng lều trại sống tạm bợ trong rừng để khai thác gỗ, khai thác trụ tiêu, đóng thành bè mảng thả suối xuôi ra cuối nguồn bán. Các ĐTV tính toán thời gian xác chết trôi đến điểm phát hiện phù hợp với khu vực này nên phân chia mỗi người một hướng, tìm đến các lều bạt của các nhóm lâm tặc để... xin việc.

Đám lâm tặc đều là dân tứ chiếng từ miền Trung, miền Bắc dạt vào nên sẵn sàng thuê mướn những người đang cần miếng cơm, manh áo. Ngày ngày các ĐTV sống như lâm tặc, làm như lâm tặc, ăn ngủ như lâm tặc, chỉ có điều mấy ông “lâm tặc” này có tính hay chuyện, cứ hỏi han, khơi gợi mọi chuyện trên trời dưới bể, trong khi đó lại chẳng chịu... phá rừng.

Sau đúng một tháng trời ăn rừng, ngủ bụi, tham gia cùng lâm tặc phá mất một số cây nhỏ trong rừng, ĐTV Phạm Thanh Tùng mới nghe phong thanh một mẩu tin do một lâm tặc người Tày hé lộ: “Cách đây khoảng tháng rưỡi nhóm thằng Minh có tổ chức nhậu nhẹt lớn lắm, hình như có ẩu đả”. Tính toán chi tiết thì thấy thời gian tổ chức cuộc nhậu này phù hợp với thời gian nạn nhân bị chết. Tuy nhiên, một điều lạ là các nhóm lâm tặc ở khắp khu rừng này khẳng định không mất tích một ai, không chết người nào, cũng chẳng có ai bỏ về quê. Như vậy, nhiều khả năng người chết là một nhân vật khác. Các ĐTV cũng không loại trừ khả năng người chết là một tay trộm từ nơi khác đến bị nhóm người ở đây đánh chết, phi tang xác, như vậy, nhiều khả năng nạn nhân không quen biết gì với những người ở đây.--PageBreak--

Từ hôm đó, cứ tranh thủ lúc xong việc, các anh lại âm thầm tiếp cận khu vực quanh túp lều của nhóm thằng Minh để xem xét địa bàn, thu thập chứng cứ. Đêm đêm, khi đám lâm tặc đi ngủ, dưới ánh trăng mờ sương núi, các anh lại chụm đầu bàn bạc, suy luận nhằm tìm ra một chút ánh sáng bổ sung cho chút tài liệu sơ sài. Và cuối cùng các anh quyết định tấn công tên Minh.

Đêm ấy trời tối đen như mực, 4 ĐTV đến túp lều của Minh và nằm bẹp ở bên ngoài. Khi nghe thấy nó thở đều đều thì các anh ập vào khống chế, nhét giẻ vào mồm rồi lôi tuột hắn vào rừng sâu, nơi cây cối rậm rạp, chằng chịt, không có người qua lại. Đốt ngọn đuốc cháy bùng bùng, anh Tùng gí sát vào mặt nó quát: “Tao là anh thằng Tuấn, mày giết nó phải không?”. Thằng Minh chối bai bải, thề sống thề chết là không. Suốt hai ngày hai đêm đấu trí không khai thác được gì, song bằng linh cảm nghề nghiệp các anh biết tên Minh còn giấu nhiều chuyện. ĐTV Hà lạnh lùng dọa: “Tao sẽ xử mày đúng luật giang hồ. Nợ máu phải trả bằng máu”, tức thì nó sợ đến mức khai ra tuốt tuột, tuy nhiên, nó đổ hết tội cho mấy thằng trong nhóm, nó bảo: “Em chỉ đuổi thằng Quyền ra khỏi nhà thôi, sau đấy em không biết. Mà nó bảo tên là Quyền chứ có phải Tuấn đâu anh?”. ĐTV Tùng nhanh trí: “Tên ở nhà gọi là Tuấn, tên ngoài gọi là Quyền”.

Sau khi lấy đủ lời khai, các mũi triển khai tiếp cận chỗ ở của thằng Xiêm, thằng Quang, Cường, Trung, Vận, Chương, Sáng, Đạo,... tổng cộng 13 thằng, đều là một lũ lâm tặc. Tuy nhiên, nhà cửa, lều lán của chúng nó đều trống trơn.  Hóa ra là sau khi thấy thằng Minh mất tích, bọn này biết có mối nguy sắp đến nên mạnh thằng nào thằng nấy chạy. Thằng trốn ra Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, thằng vào tận rừng sâu miền tây của Nghệ An, Quảng Bình và phải mất gần nửa năm sau, các điều tra viên mới tóm được hết bọn chúng để kết thúc vụ án. Thằng bị bắt cuối cùng tên là Đông khi nó trốn về quê ở Thái Nguyên.

Lời khai của 13 tên hung thủ có nội dung như sau: Ngày 10/8/2001, tại một cánh rừng thuộc xã Cư Mốt, huyện Ea H'Leo, nhóm Đào Văn Minh tổ chức uống rượu gồm 13 thằng lâm tặc. Khoảng 12 giờ, khi đang uống rượu thì có hai thanh niên lạ mặt ghé vào lều và giới thiệu là Quyền và Linh. Nhóm Minh mời hai thanh niên uống rượu. Linh từ chối, bảo đang ốm, còn Quyền uống vài ly thì thôi. Sau khi Quyền thôi uống thì Linh mới nhảy vào uống thay Quyền. Minh liền nói nặng lời: “Sao lúc đầu bảo mày không uống?”. Thế là mâu thuẫn dẫn đến cãi nhau. Cả bọn lao vào đánh đấm Linh túi bụi. Tuy nhiên, Linh đã chạy thoát. Bực mình, bọn côn đồ quay sang Quyền để trút giận và Quyền đã gục tại chỗ. Khi kiểm tra, thấy còn thoi thóp thở thì chúng quẳng Quyền xuống giếng nước cho chết hẳn rồi vứt xác ra bìa rừng. Nửa đêm, thằng Quang và thằng Đông mò ra khiêng xác Quyền quẳng xuống suối.

Cho đến giờ đây, dù đã tốn rất nhiều công sức điều tra song nạn nhân của vụ án vẫn chưa có lý lịch rõ ràng. Nạn nhân có thực sự tên là Quyền hay không? Một người liên quan giới thiệu tên là Linh, bạn của nạn nhân hiện vẫn chưa rõ tung tích.

Những người tuyên truyền luật... bất đắc dĩ

Một ngày đầu tháng 7/2000, khi nhận được thông tin ở một khu rừng nguyên sinh cách buôn E Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông hai ngày đường đi bộ xảy ra án mạng, chết hai người, ngay lập tức ĐTV Phạm Thanh Tùng đã phải cùng đồng đội vác súng lên đường. Các anh phải mất hai ngày mới vào đến nơi theo sự dẫn đường của mấy người thoát chết. Tuy nhiên, khi đến gần khu rừng đó thì mấy người báo tin này nhất định không đi nữa vì lý do đám người sống trong rừng rất hung dữ, lại có nhiều súng...

Còn mấy anh công an xã thì đến lúc này mới biết trong khu rừng thuộc địa bàn xã mình có cả một bản người lạ sinh sống. Từ bao nhiêu năm nay, chưa có ai trong xã đặt chân đến khu rừng nguyên sinh này, vậy mà giờ đây, giữa khu rừng hoang thẳm đó lại có án mạng.--PageBreak--

Dù mấy người dẫn đường không dám đi tiếp thì các ĐTV, các trinh sát dày dạn đường rừng vẫn tiếp tục lên đường. Gian khổ, hiểm nguy đã chai sạn trong ý thức của các anh và chính sự chai sạn đó mới giúp các anh vượt qua được mọi trở ngại.

Đi miết rồi trước mắt các anh hiện ra 30 nóc nhà nằm khum khum bên dòng suối nhỏ, nước trong vắt, chảy hiền hòa. Ngay bìa rừng, giáp với khu dân cư có hai xác chết bợt bạt, mặt úp xuống đất. Manh áo rách tả tơi vì có đến cả trăm viên đạn chì từ nòng súng kíp găm vào. Nguyên nhân cái chết đã rõ, việc tìm ra thủ phạm không có gì khó khăn, tuy nhiên, trong 30 nóc nhà này không thấy có bóng dáng một ai. 6 trinh sát và cán bộ điều tra chia thành nhiều mũi theo những dấu vết lần vào trong rừng. ĐTV Phạm Thanh Tùng đang lò dò dọc con suối nhỏ thì thấy lù lù 3 nòng súng đen ngòm chĩa vào ngực.

Một người đàn ông nói trọ trẹ tiếng phổ thông quát: “Các anh vào đây làm gì?”. Anh Tùng điềm tĩnh đáp lại: “Chúng tôi là công an, là người Nhà nước đang đi điều tra vụ án mạng, mong các anh hợp tác để chúng tôi thu thập thông tin, làm rõ vụ án giết người và xét xử thủ phạm theo luật pháp. Nếu các anh bao che cho thủ phạm thì cũng sẽ là tòng phạm”. Người đàn ông này nói xì xồ mấy tiếng với hai tay súng còn lại và khai hai đối tượng là Sùng Văn Sình và Sùng Văn Hòa đã bắn chết hai nạn nhân trên và chỉ đường cho anh Tùng và đồng đội truy bắt hai đối tượng này.

Đội CSĐT của Phòng PC14, Công an tỉnh Đắk Lắk.

Thế nhưng, một sự kiện xảy ra ngoài dự tính khi các anh đang dẫn giải đối tượng: 30 khẩu súng kíp đen ngòm đã nạp đạn chĩa về phía ĐTV Phạm Thanh Tùng và đồng đội. Anh Tùng đứng ra phía trước giải thích, thuyết phục, song đáp lại chỉ là những tiếng la ó, không ai hiểu họ nói gì.

Trong đầu anh em đều đã lên phương án sẵn sàng chiến đấu. Phạm Thanh Tùng dặn dò mọi người tuyệt đối bình tĩnh, kiềm chế, song phải cảnh giác hết sức trước mọi diễn biến có thể xảy ra. Tình trạng căng thẳng diễn ra độ chục phút thì người đàn ông biết nói tiếng phổ thông chạy đến. Người này sau khi trao đổi với nhóm người đang nấp sau những bụi cây lăm lăm súng ống thì quay lại giải thích với anh rằng: Họ yêu cầu phải thả Sình và Hòa, nếu không sẽ nổ súng giết tất cả.

Vẫn bài giải thích như lúc trước: Rằng là cán bộ Nhà nước, rằng đi làm việc Nhà nước, đi bắt người vi phạm pháp luật... thì một người già nhất trong nhóm ra bắt tay rất... tình cảm. Thì ra mọi người tưởng nhóm lâm tặc kia vào trả thù nên định tiêu diệt, chứ nếu biết các anh là công an, là cán bộ Nhà nước thì đâu có phải trốn vào trong rừng, phải phòng thủ như vậy.

ĐTV Phạm Thanh Tùng không hiểu lúc đó cảm hứng thế nào mà cứ nói trơn tru những chính sách của Đảng và Nhà nước khiến người dân gật gù liên tục. Người dân đều hiểu điều anh nói, lại còn thống nhất nộp hết súng đạn để không săn thú rừng, không lỡ tay giết người để không vi phạm pháp luật, không phải sống cảnh tù tội nữa. Suốt hai ngày liền, các anh không những phải dắt hai tội phạm mà còn phải khiêng hai cái xác đã bốc mùi và mấy chục khẩu súng.

Hai nạn nhân của vụ án trên nằm trong nhóm người chuyên đi khai thác gỗ và song mây trong rừng già. Nhóm người này thường xuyên qua lại chỗ những người Dao Đỏ di cư từ mãi Hà Giang vào khai hoang, sinh sống quấy rối, xin xỏ, dọa dẫm họ. Hôm đó, những người này sau khi uống rượu say đã tìm vào địa bàn người Dao Đỏ sinh sống để gây sự nên đã bị Sùng Văn Sình và Sùng Văn Hòa bắn chết. Mấy người mạnh chân nên đã chạy thoát rồi ra báo Công an huyện.

(Còn nữa)

Phạm Ngọc Dương
.
.