Nữ Anh hùng trên đất Thép Củ Chi

Thứ Hai, 22/02/2010, 08:31
18 tuổi, Năm Thu tham gia hoạt động cách mạng, 20 tuổi được kết nạp Đảng. Chị từng là người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phụ trách tuyến giao thông liên nội thành ra căn cứ kháng chiến. Bị địch bắt, tra tấn nhiều lần tưởng chừng chết đi, sống lại nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết người đảng viên cộng sản. Hòa bình lập lại, chị trở thành một trong những gương mặt nữ Cảnh sát xuất sắc của ngành Công an.

Những chiến công đầu

Nhớ lại những tháng ngày mới đi theo cách mạng, Đại tá Đoàn Thị Thu (Năm Thu) kể với chúng tôi rằng, mặc dù năm 1958 chị mới đi thoát ly nhưng thực tế, chị đã tham gia hoạt động từ trước đó khá lâu. Năm 1956, 1957, Khu ủy Khu Sài Gòn, Gia Định đã xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng, trong đó có gia đình chị ở Củ Chi. Gia đình trực tiếp nuôi giấu một số cán bộ lãnh đạo của Khu ủy trong những căn hầm bí mật ở sau nhà. Năm Thu được các chú, các anh phân công làm nhiệm vụ nấu cơm, đưa cơm cho các chú, phụ in ấn tài liệu trong nhà và canh gác.

Do làm nghề may lại có nhan sắc nên nhiều binh lính bảo an đóng đồn ở xã, thường vào ve vãn, tán tỉnh. Theo sự chỉ đạo của các chú, Năm Thu lợi dụng các buổi trò chuyện, nắm tình hình quân số, đồng thời tác động tâm lý, tư tưởng của chúng. Một ngày, 2 binh sĩ đào ngũ lập tức được Năm Thu hướng dẫn ra vùng giải phóng để đi theo cách mạng. Năm 1957, Năm Thu được kết nạp Đoàn, được giao nhiệm vụ làm công tác vận động nữ thanh niên trong ấp tham gia đào địa đạo, vót chông và đêm đêm đi phá hoại giao thông. Cùng thời điểm này, Q S, một tên ác ôn khét tiếng làm xã trưởng An Nhơn Tây vừa ra tay bắt bớ, giết hại cán bộ, cơ sở, vừa bắt thanh niên làm xâu đắp đường, xây đòn bót… Ai làm việc trễ nải, lập tức bị đánh đập dã man. Năm Thu đã vận động một số thanh niên bố trí đoạt súng và tiêu diệt tên S ngay khi hắn đang thúc ép anh em làm xâu.

Xây dựng nhiều cơ sở cách mạng

Năm 1958, Năm Thu được đưa ra ấp Xóm Chùa, bố trí làm công tác Đoàn Thanh niên. Ngày ngày, chị vận động thanh niên tải thương, tải đạn và phá đường, gây dựng phong trào thanh niên tại ấp. Do tích cực trong công tác, năm 1960 chị vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được cử vào Ban chấp hành Phụ nữ huyện Củ Chi, đồng thời trực tiếp phụ trách công tác phụ vận xã An Nhơn Tây.

Năm 1963, Năm Thu được điều về công tác tại Ban an ninh T4. Nhiệm vụ của chị là xây dựng tuyến giao liên chuyển thư từ, tài liệu và đưa rước cán bộ ra vào nội thành Sài Gòn. Bằng nỗ lực và kinh nghiệm của bản thân, chỉ trong một thời gian ngắn, chị đã xây dựng được 15 cơ sở ở các xã Nhuận Đức, Bàu Trâu, Phước Hiệp, Trung Hòa, Trung Lập, chợ Củ Chi… Tuyến giao liên hoạt động ổn định, năm 1965, Năm Thu được giao nhiệm vụ trực tiếp vào nội thành xây dựng cơ sở, nắm tình hình. Dựa vào cơ sở giao liên, chỉ một thời gian ngắn, chị có được tấm căn cước, hợp thức hóa lai lịch ở nội thành. Chị thay hình đổi dạng, khi là cô thợ may, khi là người giúp việc, có khi lại là người bán cháo huyết, bánh mì, bắp để có điều kiện thực hiện nhiệm vụ. Chị đã xây dựng được hàng loạt cơ sở, cụm cơ sở tại Tân Sơn Nhì, Phú Thọ Hòa… Nhiều cụm cơ sở hoạt động hiệu quả về việc tuyên truyền, chống bắt lính, đánh ác ôn, vận động tiểu thương, phật tử nuôi giấu bảo vệ cán bộ, cất giấu vũ khí… Cũng trong thời gian này, Năm Thu kết duyên với một cán bộ an ninh T4. Sinh con, chị gửi về quê nhờ bà ngoại nuôi giúp để tiếp tục hoạt động.

Dũng cảm trong lao tù

Do có kẻ phản bội, 7h sáng 16/7/1970, Năm Thu bị địch bắt. Sau trận đòn phủ đầu, Năm Thu bị tên Đ, một ác ôn khét tiếng của Ty Cảnh sát Tân Bình thẩm vấn và tra tấn, nhưng chị chỉ nhận là Trần Thị Bửng có chồng đi lính, chết trận, không còn cha mẹ.

Địch tra tấn dữ dội hơn nhưng Năm Thu vẫn một mực không khai. Địch chuyển qua mua chuộc, cho một tên sĩ quan hứa đứng ra bảo lãnh, mướn nhà cho ở và cho làm vợ bé. Chị từ chối. Chúng chuyển chị về bót Hàng Keo, thuộc Bộ Chỉ huy Cảnh sát Gia Định, nhốt trong xà lim, chích điện, đổ nước xà phòng đầy bụng rồi đánh, khiến Năm Thu nhiều lần tưởng chết. Bất lực, chúng tiếp tục chuyển chị về Tổng nha Cảnh sát rồi về Trại Thủ Đức. Vừa gặp mặt, tên thẩm vấn cao cấp đã phủ đầu: "Mày sẽ biết, gặp tụi tao thì Năm mập sẽ trở thành Năm ốm". Vậy là chị biết mình bị lộ rồi vì tên Năm mập chị mang từ thời thơ ấu.

Địch hù dọa rồi đưa một loạt hồ sơ, hình ảnh đồng đội bắt Năm Thu nhận diện và nói về từng người, nhưng chị vẫn một mực không biết. 3 ngày sau, chúng dẫn B. H, một đồng đội phản bội ra đối chất. Vừa thấy B. H, chị bật dậy, tát ngay cho hắn 1 cái. Bọn áp tải Năm Thu đạp chị văng vào tường rồi dựng dậy. B. H nói: "Mình lỡ sa cơ rồi, em nói thiệt đi, họ đánh quá, anh chịu không nổi đã nhận hết rồi!". Chị nhìn hắn với ánh mắt khinh bỉ...

Bị tra tấn nhiều, sức khỏe Năm Thu giảm sút nghiêm trọng, mắt mờ, chân đi không vững và có dấu hiệu bị bệnh động kinh. Địch tiếp tục chuyển chị về trại giam, không tra tấn nhiều như trước nhưng cài người vào phòng giam. Họ cho rằng Năm Thu khai báo khiến họ bị bắt rồi chửi bới, mắng nhiếc. Chị nhẫn nhịn chịu đựng tất cả, không một lời thanh minh.

Chẳng khai thác được gì thêm, năm 1972, địch đưa Năm Thu ra xét xử với tội danh gây rối trật tự trị an, sử dụng giấy tờ giả, phạt 1 năm 3 tháng tù treo, song chị đã bị giam đến 2 năm tù. Năm 1973, chị trở về cứ, vừa công tác, vừa trị bệnh, sau đó vào nội thành móc nối lại cơ sở hoạt động, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn. Đất nước thống nhất, Năm Thu xin trở lại công tác tại Tân Bình, một địa bàn phức tạp về ANTT của TP Hồ Chí Minh lúc bấy giờ.

Liên tiếp trong 5 năm giữ cương vị Đội trưởng Đội Bảo vệ chính trị, chị đã trực tiếp tham gia điều tra, khám phá 24 tổ chức phản động, thu giữ nhiều vũ khí, con dấu, bắt 700 tên, trong đó có nhiều đối tượng cộm cán. Từ năm 1979 đến khi về nghỉ hưu, chị lần lượt giữ cương vị Phó trưởng Công an quận rồi Trưởng Công an quận Tân Bình. Vì có nhiều sáng tạo trong công tác củng cố, kiện toàn tổ chức, xây dựng, phát triển đơn vị vững mạnh, góp phần bảo vệ an ninh trật tự xã hội, chị liên tục được các cấp từ địa phương đến Trung ương khen thưởng. Năm 1995, chị được phong tặng danh hiệu AHLLVTND

Ngọc Nguyễn
.
.