Nóng bỏng giữ trật tự giao thông tại cửa ngõ phía Tây Hà Nội

Thứ Năm, 17/06/2010, 12:15
Những ngày này, khi Hà Nội đang trong thời gian cao điểm của nắng nóng kéo dài, những người tham gia giao thông đều có chung tâm trạng thông cảm, chia sẻ trước khó khăn, vất vả của lực lượng CSGT trong việc giữ gìn TTATGT trên các tuyến đường của Thủ đô. Trong lúc mọi người đều tìm cách tránh nắng thì hàng ngày, các chiến sĩ áo vàng vẫn kiên trì bám trụ trên mặt đường bỏng rát, chỉ có nắng và bụi đường. Ghi nhận của phóng viên Báo CAND tại cửa ngõ phía Tây thành phố.

16h. Đã gần một tuần Hà Nội chịu ảnh hưởng của đợt nắng nóng kéo dài. Trời vẫn nắng như đổ lửa. Hơi nóng hầm hập từ đất bốc lên, từ trên đổ xuống. Đoạn đường từ Cầu Diễn đến Nhổn chưa đầy 4km chìm trong bụi đất mù mịt như "đại công trường". Từ vài năm nay, trục đường này được người ta đặt cho cái tên "con đường cát bụi", bởi việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp được tiến hành song song khiến đường 32 cũ vốn đã chật hẹp và xuống cấp, nay oằn lưng gánh thêm sự quá tải của các phương tiện giao thông. Cao điểm trên tuyến đường này diễn ra thường xuyên vào 7h - 8h30' và từ 16h đến 18h hằng ngày.

Vừa toát mồ hôi cùng anh em giải tỏa ùn tắc ở đoạn Cầu Diễn, Trung tá Lê Quang Mỹ - Đội trưởng CSGT Công an huyện Từ Liêm nhận được điện thoại yêu cầu "chi viện" của chốt gần ngã ba chắn tàu. Anh lập tức lên xe chạy xuống chốt dưới. Trong chốc lát, cái bóng áo vàng của anh đã chìm trong làn sóng của hàng trăm phương tiện ôtô, xe máy bóp còi inh ỏi, tạo thành một mớ hỗn độn giữa lòng đường. Bụi khói từ các phương tiện xả ra đen ngòm, bụi từ những công trình đang phá dỡ mù mịt, bụi đất đỏ quạch từ công trình đào đường đặt cống thoát nước dồn lại, bao vây tứ phía.

CSGT Công an huyện Từ Liêm làm nhiệm vụ tại ngã tư Cổ Nhuế - một "điểm nóng" về giao thông trên địa bàn (ảnh chụp chiều 16/6).

Đứng giữa mặt đường bỏng rát cùng CBCS tạo thành "giải phân cách" phân luồng cho các phương tiện tham gia giao thông, khi đã hết ùn tắc, lưng áo của Trung tá Mỹ đẫm mồ hôi, hai hàng mi trắng bụi đường. "Tự tình hình giao thông trên đường sẽ phản ánh công việc của CBCS trong đội. Ở những điểm nút giao thông mà chỉ cần một va chạm nhỏ cũng sẽ dẫn tới ùn tắc như thế này thì muốn tránh nắng cũng chẳng được" - Trung tá Mỹ cho biết.

17h. Trên tuyến đường Láng - Hòa Lạc, cửa ngõ Tây Nam thành phố nối Hà Nội với Sơn Tây, Ba Vì. Bụi cũng không kém phần mù mịt so với "điểm nóng" Cầu Diễn - Nhổn. Thông cảm với vất vả của CBCS, từ đầu năm 2010, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh - Giám đốc Công an TP Hà Nội đã cho phép CSGT làm nhiệm vụ tại 2 "điểm nóng" trên và cũng là 2 điểm duy nhất trên địa bàn thành phố, được phép sử dụng khẩu trang. Buổi sáng trước khi lên đường, CBCS nhận ca trực bao giờ cũng phải chuẩn bị một can nước lọc bởi trên tuyến đường này không có hàng quán vì bụi không bán được. Đến ca trực, đội sẽ cử người ra thay cho anh em về đơn vị ăn  uống và nghỉ ngơi. Đấy là những hôm giao thông không có vấn đề gì bất thường. Nếu xảy ra ùn tắc, việc ăn bánh mỳ, uống nước lọc cầm hơi với anh em là chuyện bình thường.

Đoạn đường 6km trên tuyến Láng - Hòa Lạc từ Trung tâm Hội nghị Quốc gia đến km8+400 do Đội CSGT Công an huyện chịu trách nhiệm đảm bảo TTGT lại là đoạn thi công chậm nhất, nhiều hạng mục công trình nhất, trong đó có công trình hầm chui đường sắt mới thông làn bên trái từ ngày 5-6. Sống chung với bụi đất, vất vả là đương nhiên. Song điều CBCS làm nhiệm vụ trên tuyến đường này trăn trở, đó là những vật cản do chính các nhà thầu thi công gây ra. Cộng thêm hệ thống biển báo thiếu và không đồng bộ đang là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng trên tuyến đường này.

18h30'. Tại ngã tư Cổ Nhuế. Trong lúc mọi người đang hối hả về nhà để kịp xem  World Cup, 4 chiến sỹ CSGT vẫn đang căng mình ở 4 góc đường. Khuôn mặt đen sạm nhễ nhại mồ hôi, Đại úy Bùi Ngọc Thao cho biết, ngã tư Cổ Nhuế nằm trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, con đường huyết mạch đi sân bay Nội Bài, đồng thời cũng là tuyến đường duy nhất của các phương tiện xe khách từ bến xe Mỹ Đình, bến xe Yên Nghĩa - Hà Đông đi các tỉnh tuyến Tây Bắc và ngược lại. Ngoài ra, tuyến đường này cũng là cung đường của các xe tải trọng lớn như xe chở rác từ nội thành sang bãi rác Nam Sơn - Sóc Sơn, xe chở cát, vật liệu xây dựng, gạch đá từ dọc hai bên bờ sông Hồng vận chuyển vào các công trình xây dựng phía Tây thành phố gồm các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Thạch Thất.

Trong khi đó, đường 69 Cổ Nhuế trước đây là đường liên xã, phục vụ nhân dân xung quanh khu vực, nay trở thành trục đường chính dẫn vào một loạt các trường đại học như Học viện Cảnh sát, Tài chính, Mỏ - Địa chất… và một số khu đô thị mới đang được xây dựng. Mật độ phương tiện giao thông tăng trong khi đường lại không mở rộng khiến nguy cơ ùn tắc lúc nào cũng rình rập. Vào các giờ cao điểm, mặc dù đã chốt ở 4 góc đường nhưng chỉ cần CSGT mải xử lý một trường hợp nào đó, những phương tiện còn lại sẽ ào lên, tranh nhau sang đường, ùn tắc lại xảy ra...

19h. Thành phố đã lên đèn. Giữa loang loáng ánh đèn pha, tôi vẫn thấy bóng áo vàng của các chiến sĩ CSGT thoăn thoắt đi lại trên nền đường hầm hập. Chợt nhớ tới nụ cười của Đại  úy Bùi Ngọc Thao khi tôi giơ tay ra so làn da cùng anh. Anh bảo, buổi tối về nhà, cậu con trai hôm nào cũng kiểm tra cổ bố, mỗi ngày một sẫm lại bởi nắng hè. Chợt nhớ tới bài hát "Từ một ngã tư đường phố" của nhạc sỹ Phạm Tuyên: "Và trên ngã tư này đây/ Dẫu nắng mưa hay đêm ngày/ Thân thiết dáng hình của người chiến sĩ giữ trật tự an ninh/ Bảo vệ hạnh phúc cho câu ca rộn rã lúc bình mình"...

Hương Vũ
.
.