Những nữ cán bộ cơ yếu vượt Trường Sơn đi B

Thứ Sáu, 13/03/2015, 13:02
Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, người nữ chiến sĩ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam nay tóc đã bạc, mắt đã mờ. Những kỷ niệm về một thời hoa lửa vẫn còn đó, ký ức luôn hiện về.

Đặc biệt là nhớ về những người đồng đội từng đồng cam cộng khổ, có người đã nằm lại chiến trường không bao giờ trở lại… Tất cả đều ùa về với bà Hoàng Thị Hồng Lựu, một cán bộ cơ yếu An ninh R, khi cả nước đang náo nức chuẩn bị lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Có lẽ, suốt chặng đường dài ấy, những năm tháng ở chiến trường, bà  Hồng Lựu khó lòng quên được. Bà bồi hồi nhớ về ngày ấy và kể cho chúng tôi nghe những tháng ngày gian khổ mà vô cùng oanh liệt. Trong tổng số trên 11.000 cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam có gần 300 cán bộ cơ yếu. Đó là những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, không sợ hy sinh gian khổ, là đảng viên cộng sản và có tuổi đời còn trẻ, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Họ đi vào chiến trường với khí thế hừng hực của tuổi thanh xuân, khi Tổ quốc gọi lên đường với niềm tin chiến thắng. Trong đoàn quân đó có 8 đồng chí nữ cơ yếu tuổi đời 19-20. Những nữ chiến sĩ ra trận mà lòng vui phơi phới, dẫu biết rằng những khó khăn gian khổ hy sinh đang đợi chờ phía trước…

Đường hành quân ròng rã mấy tháng trời cuốc bộ, ba lô nặng trĩu trên vai, chân bước dưới làn mưa bom bão đạn. Cuối cùng, bà và đoàn cán bộ đã vào tới Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Kỷ niệm thì nhiều, nhưng có lẽ nhớ nhất là trên đường vào Nam, bà đã gặp một trận B52 rải thảm nên bị điếc suốt 2-3 năm trời, hai tai ù đặc. Những cơn sốt rét rừng cứ triền miên kéo dài, địa điểm làm việc là những hầm bí mật nằm sâu dưới lòng đất ở cánh rừng già tỉnh Tây Ninh.

Bà Hoàng Thị Hồng Lựu.

Những năm tháng chiến đấu và công tác ở chiến trường, những cán bộ, chiến sĩ cơ yếu đã cùng bà đồng cam cộng khổ là anh Hùng, chị Thu, chị Lan, anh Hạnh… đã cần mẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vẻ trầm ngâm, bà Lựu nhớ lại, căn cứ luôn biến động, địch càn quét đổ biệt kích liên miên. Người cán bộ cơ yếu với thiết bị và tài liệu trên vai, vừa đi vừa làm việc không kể ngày đêm, làm việc dưới hầm, bên ngọn đèn dầu leo lét, bụng đói cồn cào, phải ăn sắn và lá rừng thay cơm, có khi làm việc trong cơn sốt rét...

Họ dồn tất cả tinh thần và nghị lực để mã hóa, giúp mạch máu thông tin liên lạc thông suốt từ Bộ ra chiến trường và tin tức chiến thắng kịp báo cáo về nhà. Trong chiến đấu đã có hàng chục đồng chí cơ yếu hy sinh, thương tật và hầu như tất cả đều chịu ảnh hưởng của chất độc da cam. Có bốn đồng chí đã chết sau hòa bình ở tuổi bốn mươi vì bị ung thư...

Cơ yếu là một ngành kỹ thuật nghiệp vụ cơ mật đặc biệt. Sử dụng đúng quy trình kỹ thuật, giữ yếu tố bí mật bất ngờ trong kỹ thuật khiến kẻ địch có mắt cũng như… không. Có thể nói, trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, cơ quan mã thám của địch đã hoàn toàn thất bại. Nguyên nhân chính làm nên thắng lợi, đó là ý thức trách nhiệm của cán bộ cơ yếu, đã chấp hành nghiêm ngặt quy trình, quy ước công tác, bịt kín mọi sơ hở, đồng thời là sự chỉ đạo sáng tạo của lãnh đạo Bộ Công an. 

Trò chuyện với chúng tôi vào một ngày mưa rét, khi chiến tranh đã lùi xa, người nữ chiến sĩ cơ yếu năm xưa tự hào ôn lại chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc. "Chúng ta càng tự hào về sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, Bác Hồ. Đối với công tác cơ yếu, sự lãnh đạo sáng suốt của lãnh đạo Bộ Công an, đứng đầu là Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, sự chỉ đạo trực tiếp của Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam và các đồng chí lãnh đạo Công an các cấp trong cả nước", bà Hồng Lựu bộc bạch. Và, thời kỳ lịch sử huy hoàng ấy mãi mãi sẽ được ghi nhớ. Trong thời khắc này, chúng ta nhớ tất cả các đồng đội, những người “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” cùng tất cả các đồng đội tại chỗ đã kề vai sát cánh sống chết có nhau để cùng nhau vượt qua khó khăn gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện nay, bà đã nghỉ hưu tại Hà Nội, có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, con cái thành đạt và đang tiếp bước con đường mà cha mẹ đã đi. Bà cảm thấy rất vinh dự và tự hào về một thời tuổi trẻ đã được cùng đoàn cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam, được trực tiếp tham gia cuộc trường chinh cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Kim Kim
.
.