Những người lính cứu hỏa quả cảm

Chủ Nhật, 25/10/2015, 09:48
Trong cuộc chiến đấu với “giặc lửa” bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, không ít người lính cứu hỏa đã hy sinh và bị thương để làm tròn nhiệm vụ. Những tấm gương quả cảm của họ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân.


Nỗi đau lớn với gia đình và đồng đội

8h sáng 24/10, tại ngôi nhà của chiến sĩ Võ Mạnh An, Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) số 2, Cảnh sát PC&CC tỉnh Nghệ An rất đông người đến dự lễ truy điệu và tiễn đưa đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều người không kìm nổi dòng nước mắt trước sự mất mát quá lớn, An hy sinh khi còn rất trẻ, vừa bước qua tuổi 20.

Mẹ của An đã ngất trong vòng tay của người thân khi hay tin về cậu con trai thứ hai gặp nạn trên đường đi làm nhiệm vụ. Lúc đó, vào khoảng 16h30 ngày 22/10, tại trạm biến áp thuộc phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) xảy ra cháy. Phòng Cảnh sát PC&CC số 2 đã xuất 2 xe chữa cháy cùng 14 cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy. 

Trên đường đến đám cháy, xe chữa cháy Zil 130 (BKS 37A-000.40) trên xe chở 7 cán bộ, chiến sĩ gặp tai nạn khiến hạ sĩ Võ Mạnh An (20 tuổi) bị đa chấn thương nặng. An nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa thị xã Cửa Lò để cấp cứu, do vết thương nặng được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An nhưng An đã hy sinh vào khoảng 19h cùng ngày.

Di ảnh chiến sĩ Võ Mạnh An.

Sự ra đi đột ngột của An khiến người thân bàng hoàng, bố mẹ, anh trai, em gái An vẫn chưa thể tin An đã ra đi. Mẹ An nằm một chỗ, giọng khản đặc gọi tên con, còn bố An ngồi bất động khi mọi người đến chia sẻ, động viên. 

Cách đây gần 2 năm, sau khi không thi đỗ vào Học viện An ninh nhân dân, An chọn công việc của người lính chữa cháy, mong ước một ngày trở thành chiến sĩ Cảnh sát nhân dân giống như các bác của mình. Từ tháng 2/2014 đến nay, An đã cùng đồng đội đã tham gia 30 vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, ngoài ra An còn tham gia tích cực trong phong trào văn nghệ, An hát rất hay và được nhiều người yêu quý.

Theo Đại tá Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 2, dù gia đình có điều kiện nhưng An sống chan hòa rất được lòng anh em trong đội, biết quan tâm và đặt lợi ích tập thể lên trên. Với thành tích đạt được, vừa qua Phòng cũng đề xuất kết nạp Đảng cho An nhưng do An chưa đủ năm công tác nên việc kết nạp đã phải gác lại. Từ lúc An gặp nạn, anh em đồng đội luôn tức trực bên giường bệnh và lo tang lễ giúp gia đình.

Trên mạng xã hội, hình ảnh của chiến sĩ Võ Mạnh An ngập tràn, kèm đó là những lời chia buồn, động viên của mọi người gửi tới người thân của An. Nick Tuan Anh Nguyen viết: “Là người đồng nghiệp của đồng chí, tôi xin được chia buồn cùng gia đình, đồng chí hãy yên nghỉ nhé, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mà bản thân các chiến sỹ Cảnh sát PCCC chúng ta luôn thực hiện… bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân”.

Trên gương mặt của những người lính chữa cháy Cảnh sát PC&CC tỉnh Nghệ An hàng ngày gan dạ khi đối mặt với “giặc lửa”, nhưng đứng trước anh linh của đồng đội, họ đã khóc, tự hứa sẽ hoàn thành nốt những công việc của An vẫn còn dang dở.

Vết bỏng không đánh gục lòng quyết tâm

10 ngày trôi qua sau vụ chữa cháy ở huyện Thường Tín (Hà Nội), chiến sĩ Nguyễn Văn Quang, Phòng PC&CC số 7, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội vẫn đang nằm điều trị tại Viện bỏng quốc gia. Vết bỏng ở tay, chân và lưng của Quang đã đỡ hơn so với ngày đầu nhập viện. 

Chiến sĩ Nguyễn Văn Quang nằm điều trị tại Viện bỏng Quốc gia.

Trước đó, vào khoảng 23h50 ngày 14/10, đơn vị Quang nhận được lệnh chi viện chữa cháy cho Phòng Cảnh sát PC&CC số 12. Hiện trường vụ cháy là xưởng sản xuất tái chế nhựa của ông Nguyễn Văn Tất và xưởng sản xuất ống nhựa nước của Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Hòa Anh, cụm làng nghề Ninh Sở, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (Hà Nội). Lửa bén vào nguyên vật liệu sản xuất trong xưởng gồm nilon và nhựa ép nhanh chóng lan rộng. Toàn bộ diện tích nhà xưởng bao trùm trong khói lửa.

Quang kể, 30 phút chữa cháy, gần 80 CBCS vẫn chưa thể dập tắt được vì phía bên trong toàn chất dễ cháy nên chúng càng bùng mạnh. Quang được lệnh cùng với chiến sĩ Triệu Quang Duy cầm lăng tiến sâu chống cháy lan sang xưởng khác. “Lúc đó, em phát hiện dưới đất một dòng chất lỏng đặc quánh ùn ùn từ trong xưởng chảy ra, không thể vứt lăng xuống đất em và anh Duy tiếp tục đưa cao dòng nước thì chân bỏng rát không nhấc nổi, em ngã, anh Duy cũng ngã theo”- Quang nói.

Duy đứng phía sau chống tay nên dễ dàng đứng dậy, còn Quang ngã, tay, chân, lưng và mông đã bị dòng chất lỏng nhựa đặc quánh “nướng” ngất ngay sau đó. Quang và Duy được đồng đội đưa vào Viện bỏng quốc gia cấp cứu.

Gần 2 năm làm lính chữa cháy, Quang đã 40 lần trực tiếp giáp mặt với “giặc lửa” và lần chữa cháy này là lần đầu tiên Quang bị thương. Ít ai biết rằng, trong vụ cháy khu đô thị chung cư Xa La, phường Phúc La, Hà Đông, chàng lính trẻ này cũng tham gia chữa cháy và hướng dẫn 30 người xuống đất an toàn.

Ngoài ra, Quang còn trực tiếp cõng một bà cụ từ tầng 18 xuống đất. Khi quay lên tầng 23 tiếp tục gõ cửa từng phòng tìm người, Quang phát hiện một phụ nữ đứng tuổi do bị bệnh thoái hóa đốt sống không tự đi xuống được. Thấy chàng lính trẻ đậm người nhưng nhỏ con tiến vào để cõng, người phụ nữ từ chối vì sợ không cõng nổi. Lo sợ người này ở trong phòng lâu sẽ bị ngạt khói “dường như em phải ép bà để mình cõng xuống” - Quang nhoẻn miệng cười nhớ lại. 

Xuống đất an toàn, chỉ kịp nghe thấy lời cảm ơn của người phụ nữ lớn tuổi bên tai, chàng lính tiếp tục cùng đồng đội cứu những người khác đang mắc kẹt ở hai tòa nhà CT4A và CT4B.

Quang tâm sự: “Nằm trên giường bệnh, em nhớ lại những lần chữa cháy, sốt ruột mong vết thương mau lành để trở lại với công việc”. Nhắc đến vết bỏng có thể trở thành sẹo, Quang cho biết: “Hình dáng không quan trọng, chỉ mong có thật nhiều sức khỏe để chiến đấu với “giặc lửa” và sau này có bạn gái, người ấy sẽ hiểu thêm về công việc vất vả của những người lính chữa cháy”.

Minh Hiền
.
.