Những người lính áp tải hàng mang mã số “đặc biệt”

Thứ Bảy, 17/02/2007, 08:28
Có một đơn vị thuộc lực lượng Công an mà ít người biết bởi vì tính chất bí mật của nghề nghiệp, nhưng lại đang ngày đêm lập những chiến công thầm lặng. Với phương châm “Bí mật tuyệt đối”, ngay cả việc trò chuyện với các anh cũng thật không dễ.

Có được thông tin rồi, việc xử lý thông tin để vẫn giữ được bí mật của các anh lại càng khó hơn. Bởi vậy, trong bài viết nhỏ này, tôi không có tham vọng (và không được phép) là giúp mọi người hiểu mà chỉ đơn giản là để mọi người biết các anh, những người bảo vệ những mục tiêu kinh tế của Đảng và Nhà nước và áp tải những chuyến hàng đặc biệt từ Trung ương đi các địa phương trong cả nước.

Bí mật là phương châm để an toàn

Đó là Đại đội 3 (C3), Trung đoàn 99 (E99) thuộc lực lượng Cảnh sát bảo vệ. Thiếu tá Phạm Văn Tiến, Phó Đại đội trưởng cho biết: do đặc thù của công việc nên đòi hỏi về tư cách đạo đức, lập trường chính trị tư tưởng của anh em chiến sỹ trong đội rất cao.

Những chuyến hàng đặc biệt đó có khi là tiền, là những hiện vật có giá trị, nhưng đôi khi chỉ là một tập tài liệu nhẹ tênh về trọng lượng, khối lượng nhưng lại trĩu nặng trọng trách. Nhiệm vụ của các anh là đưa những chuyến hàng đó đi đến nơi về đến chốn.

Thế nên ngay cả những người đi áp tải hàng chưa hẳn đã biết rõ về hàng mà mình đang áp tải. Các chiến sỹ khi nhận được lệnh đi công tác thì phải luôn trong tư thể sẵn sàng. Còn chuyện đi đến đâu, đi trong khoảng thời gian bao lâu thì các anh chỉ được biết trước giờ xuất phát.

Ấy là lúc các anh được các đồng chí chỉ huy quán triệt nhiệm vụ trước khi lên đường. Sau đó những người chuẩn bị khởi hành sẽ ở vào diện “cấm trại”, cho đến lúc xuất phát. Dĩ nhiên là không ai được gọi điện thoại, không mang điện thoại di động theo chuyến công tác, phương tiện liên lạc duy nhất là máy bộ đàm trực tiếp.

Tùy theo mức độ quan trọng của chuyến hàng, tùy theo đặc điểm tình hình của địa phương nơi chuyến hàng sẽ đi qua và đến, số lượng người và phương tiện đi áp tải được bố trí cho phù hợp.

Có khi, một chuyến hàng chỉ cần 4-5 người đi theo là đủ, nhưng cũng có khi, chuyến hàng đó cần tới hàng chục chiến sỹ đi áp tải, gồm cả xe đi trước và xe đi sau, ấy là chưa kể lực lượng Công an địa phương, nơi chuyến hàng đi qua, sẽ có thêm hàng chục đồng chí khác cùng áp tải. Có thể hình dung như một cuộc chạy đường dài, và có sự tiếp sức của lực lượng Công an địa phương.

Áp tải hàng hoá đặc biệt, các anh có thể đi bằng bất kỳ phương tiện gì, từ tàu hỏa, ôtô, tàu thủy, máy bay... tùy thuộc vào tính chất công việc. Đi áp tải hàng vốn đã không dễ, áp tải hàng đặc biệt lại càng khó. Được “trang bị tận răng” với đầy đủ súng ống đạn dược nhưng vẫn phải “bên ngoài bình thường, bên trong nghiêm túc” thì mới đảm bảo được tính bí mật cho sự thành công.

Ngoài sự căng thẳng để đối phó với tình huống bất ngờ, các anh còn phải chịu đựng những vất vả dọc đường. Đi ôtô được đánh giá là nhàn hơn tàu hỏa là vì bắt buộc phải nghỉ, không được chạy đêm vì lý do an toàn. Nhưng lúc đó, dẫu đoàn xe được tập kết ở sân của Công an địa phương, có người canh gác nghiêm ngặt thì các anh vẫn phải cùng thức để canh hàng. Bởi vậy, đêm trắng đối với chiến sỹ áp tải hàng là chuyện bình thường.

Trước đây, hiện nay và mai sau vẫn là quán triệt

Thiếu tá Đỗ Duy Nhương, Phó Đại đội trưởng C3, người đã có hơn 20 năm đi áp tải hàng đặc biệt, cũng là một người đặc biệt, chỉ cần gặp một lần là khó quên. Chắc nịch và vạm vỡ, anh mang vẻ mặt lạnh lùng đầy “nghiệp vụ” nhưng lại khiến cho người đối diện một cảm giác tin cậy.

Trò chuyện với anh, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: con người đang ngồi trước mặt mình đây liệu có phải sinh ra để làm công việc này hay chính công việc đã tôi luyện anh thành một con người chắc chắn như thế. Hơn hai mươi năm rong ruổi theo hành trình của những chuyến hàng suốt cả chiều dài đất nước, ngay cả bản thân anh cũng không thể nhớ được mình đã áp tải bao nhiêu chuyến hàng và đã trải qua những khó khăn thử thách.

“Đối với chúng tôi, dù quen hay lạ, dù đã công tác lâu năm hay những anh em mới nhận nhiệm vụ, mỗi chuyến hàng là một lần thử thách đầy căng thẳng từ khi lên xe cho đến đích”, anh tâm sự. Còn nhớ ngày trước, tuy tình hình an ninh trật tự không phức tạp như bây giờ nhưng do phương tiện, hạ tầng cơ sở kém nên những chuyến hàng kéo dài hàng tháng trời là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Suốt cả tháng trời, mấy anh em chiến sỹ đi áp tải hàng đặc biệt phải nằm trên nóc container. Trong cái khoảng hẹp đó, các anh phải tự thổi cơm bằng bếp củi, hun khói mù mịt trên nóc xe...

Đồng chí Nhương nhớ lại, ngày xưa, khi xe cộ còn chưa hiện đại, những chuyến áp tải hàng lên các tỉnh miền núi luôn là nỗi căng thẳng cho người nhận nhiệm vụ. Đã nhiều lần, khi xe trèo đèo Pha Đin, xe ì ạch bò lên trước, anh và một chiến sỹ khác phải ôm đá chạy theo sau, phòng trường hợp khẩn cấp thì phải chèn bánh xe để nó đừng trôi xuống.

Thú thực chỉ ngồi nghe anh kể, tôi đã thấy toát mồ hôi hột. Đèo Pha Đin nổi tiếng cao, dốc và rất dài, là một con đường độc đạo, hẹp, chênh vênh giữa một bên là vực thẳm, một bên là vách núi. Nói dại chứ nếu xe chẳng may mất phanh, cả khối hàng đồ sộ ấy mà “đổ đèo” thì thật khủng khiếp.

Kể chuyện này, trong khi người nghe thót tim, thì đồng chí Nhương vẫn thản nhiên như đang kể chuyện của ai khác. Dường như đối với các anh, những nguy hiểm như thế chỉ là chuyện nhỏ.

Bây giờ, xe cộ hiện đại hơn, đường sá khá hơn nhiều nhưng sự phức tạp cũng theo đó mà nhân lên. Ngay cả việc đơn giản như chuyện lưu thông trên đường cũng đâu có dễ gì mà nói tài được, huống hồ những tình huống xảy ra bất ngờ. Bởi vậy dù có cải tiến, có hiện đại đến mấy thì cách làm việc của các anh vẫn giữ nguyên một quy trình: “Trước đây quán triệt, bây giờ quán triệt và mãi mãi về sau vẫn quán triệt”.

Quán triệt ở đây không phải chỉ về tư tưởng, về hành động, về con người mà đã trở thành phương châm. Với trọng trách đặc biệt mà các anh được giao phó thì dù cẩn thận đến mấy vẫn còn là chưa đủ. Thế nên các đồng chí trong Ban chỉ huy ở C3 có đùa với tôi rằng, nhiều khi “quán triệt” cho anh em chiến sỹ, vẫn biết là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng các anh vẫn không thể nói khác được.

Hôm qua vừa nhận nhiệm vụ đi công tác, anh được “quán triệt”, hôm nay nhận nhiệm vụ mới, anh lại được “quán triệt”. ấy là chưa kể hàng tuần, hàng tháng, các anh lại được học các lớp bồi dưỡng về tư cách đạo đức, tư tưởng chính trị... “Tuy rằng đến giờ phút này chưa xảy ra vấn đề gì nhưng chúng tôi không bao giờ chủ quan, không bao giờ mất cảnh giác và luôn luôn cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ”, đồng chí Nhương tâm sự.

Với những cố gắng đó, kể từ khi tách ra khỏi đơn vị C2 năm 2000, đến nay, 5 năm liền, C3 là đơn vị Quyết thắng của Cục, 3 năm liền là đơn vị kiểu mẫu về Điều lệnh CAND, năm 2006 được tặng danh hiệu Đơn vị văn hóa.

Đấy là chưa kể hàng năm, đơn vị nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen dành cho tập thể, cá nhân... Hai hàng bằng khen, giấy khen chạy dài trên tường phòng khách là minh chứng cho một đơn vị có tuổi đời còn trẻ mà không non, trẻ tuổi đời nhưng dày thành tích

Lệ Thuý
.
.