Những người chuyên điều tra các… VIP

Thứ Ba, 17/01/2006, 06:45

Nhiều tiền, nhiều quan hệ nên khi hai tay đã bị tra vào còng, Nguyễn Đức Chi, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Rus-Invest-Tur vẫn ngạo mạn thách thức các điều tra viên của Phòng 10, C15: "Hôm nay các ông bắt tôi thì ngày mai sẽ có người bắt các ông".

Phòng 10, Cục CSĐT tội phạm về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15) có tên gọi đầy đủ là Phòng Hướng dẫn và Điều tra án tham nhũng và chức vụ. Thượng tá, điều tra viên cao cấp Trần Đức Vĩnh - Trưởng phòng - bảo với tôi rằng, chỉ cần nghe tên phòng là biết ngay đây là nơi chuyên đấu tranh với các... bị can tham nhũng và vì thế mà  phải đối mặt với một số VIP.

Thượng tá Trần Đức Vĩnh tự hào kể với tôi rằng, trong năm 2005, qua tổng kết của Lực lượng Cảnh sát kinh tế, toàn quốc có 10 vụ án kinh tế nghiêm trọng thì có tới 5 vụ là do Phòng 10 điều tra. Đó là các vụ: cố ý làm trái ở Công ty Điện lực Tp. HCM; vụ lừa đảo của Nguyễn Đức Chi ở Công ty Rus-Inves-Tur; vụ cố ý làm trái do Nguyễn Lâm Thái thực hiện tại 38 bưu điện tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Bưu chính viễn thông; vụ lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi bằng việc nâng khống giá in danh bạ điện thoại xảy ra tại Bưu điện Nghệ An, Hà Tây và vụ vi phạm pháp luật trong xuất khẩu lao động ở một doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Dệt may.

Hai lần được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba cho tập thể và rất nhiều bằng khen của các cấp, đó là những phần thưởng xứng đáng cho các điều tra viên Phòng 10, những điều tra viên đặc biệt - những người thường xuyên phải đối mặt với các cựu tham nhũng...

Ngày 10/1/2006, Phòng 10-C15 đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. 2 cá nhân: Thượng tá Trần Đức Vĩnh, Trưởng phòng và Trung tá Trần Quang Huy, Phó trưởng phòng cũng được tặng Huân chương cao quý này. Trung tá Nguyễn Ngọc Khanh, Phó trưởng phòng và Điều tra viên cao cấp Mai Văn Viết được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

5 vụ còn lại là: vụ lừa đảo hoàn thuế giá trị gia tăng ở Cần Thơ; vụ sử dụng trái phép đất đai ở Phú Quốc, Kiên Giang; vụ cố ý làm trái ở Tổng công ty Phát triển nhà và Đô thị (HUD) - Bộ Xây dựng; vụ lừa đảo bảo hiểm ở PJICO và vụ vi phạm ở Công ty Yteco TP HCM do các đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát và công an các địa phương điều tra.

Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2005 của Phòng 10 thì năm qua, các điều tra viên đã điều tra 14 vụ án với 120 bị can, thu hồi cho Nhà nước 16,5 tỉ đồng, 135 nghìn USD, kê biên tài sản của các bị can trị giá khoảng 50 tỉ đồng. Ngoài 5 vụ án nghiêm trọng đã nêu ở trên, Phòng 10 còn điều tra một số vụ án lớn khác được dư luận quan tâm, được Trung ương, Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo như vụ tham ô trong thi công đường Hồ Chí Minh, vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT ở Công ty XNK Lạng Sơn, vụ buôn lậu, trốn thuế xảy ra tại Công ty XNK Vật tư đường biển thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam...

14 vụ án điều tra trong một năm - con số ấy tưởng chừng như ít ỏi - nhưng với các điều tra viên của Phòng 10 đó là những thành tích đáng nể. Bởi, điều tra đã là một công việc khó khăn nhưng điều tra VIP còn khó khăn gấp bội lần. Phần vì họ dùng quyền chức để che đậy những hành vi vi phạm pháp luật một cách tinh vi. Phần vì, khi đã có quyền, có chức, có tiền, các “cựu tham nhũng” sẽ có vô khối các quan hệ dọc ngang, trên dưới chằng chịt.

Thượng tá Vĩnh nhớ lại ngày đầu khi mới tiếp nhận hồ sơ vụ Nguyễn Đức Chi. Khi ấy, Nguyễn Đức Chi là một người khá nổi tiếng về khả năng quan hệ cũng như về tiền bạc. Từng học Đại học An ninh ở Liên Xô cũ nên trình độ pháp luật cũng như nghiệp vụ công an của Chi cũng được xếp vào loại tương đối. Hơn thế, trong tay Chi lúc bấy giờ còn nhiều tỉ đồng có được do lừa đảo và vô số những mối quan hệ chẳng biết có thực hay không nhưng đi đâu Chi cũng khoe khoang thậm chí còn mang ra để... hù dọa. Ngay cả khi hai tay đã bị tra vào còng, Chi vẫn còn ngạo mạn thách thức các điều tra viên: "Hôm nay các ông bắt tôi thì ngày mai sẽ có người bắt các ông". Phải là người có thế lực lắm thì Chi mới dám tuyên bố như vậy.

Hồ sơ về Chi lúc đó chỉ đơn thuần là một vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế mua bán gạo giữa Chi và Công ty Lương thực Trà Vinh. Nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, các điều tra viên Phòng 10 đã tìm thấy ở trong đó những dấu hiệu của phạm pháp hình sự. Sau một thời gian nghiên cứu hồ sơ kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ khác, các điều tra viên đã làm rõ được những hành vi lừa đảo của Nguyễn Đức Chi và tìm ra sự thật về hàng loạt những công ty ma ở nước này, nước nọ mà Chi vẫn thường mang ra để làm con bài lừa đảo. Trên cơ sở các tài liệu đã thu thập được, Phòng 10 đã đề xuất lãnh đạo cấp trên khởi tố vụ án và thi hành lệnh bắt khám xét đối với Nguyễn Đức Chi.

Khi bị bắt tại Khánh Hòa, Nguyễn Đức Chi hoàn toàn bất ngờ. Rồi trong quá trình điều tra, Chi còn bất ngờ hơn nữa khi Cơ quan Điều tra đã làm rõ được bản chất của vụ án, chứng minh được hành vi phạm tội của bản thân Chi và hàng loạt những người khác có liên quan.

Xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra trên địa bàn rộng, liên quan đến nhiều đối tượng cả ở trong nước lẫn nước ngoài, nhiều cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương, Phòng 10 đã huy động hàng chục điều tra viên cùng tham gia điều tra, làm việc liên tục trong một thời gian dài, không quản ngày đêm. Cho đến nay đã qua 6 tháng điều tra nhưng vụ án vẫn đang tiếp tục.--PageBreak--

Đây cũng là một trong những vụ án mà trong quá trình điều tra thường xuyên phải báo cáo Trung ương và Chính phủ bởi tính chất nghiêm trọng của nó - Thượng tá Vĩnh cho biết như vậy.

Hay như trong vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Công ty Điện lực Tp. HCM mà dư luận quen gọi là “vụ điện kế điện tử”, nhân vật chính là ông Lê Minh Hoàng, người lúc đó giữ cương vị cao nhất ở cơ quan này, hơn nữa lại đang là đại biểu Quốc hội, đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của hàng triệu cử tri ở Tp. HCM. Khởi tố, bắt giữ một con người như vậy là một việc hoàn toàn không đơn giản. Mặt khác, khi các sai phạm bắt đầu bị hé lộ, với chức quyền sẵn có trong tay ông Lê Minh Hoàng cũng đã tìm mọi cách để che giấu, ngụy trang một cách tinh vi bằng việc chỉ đạo cấp dưới và những người có liên quan hợp thức hóa mọi hợp đồng mua bán, sổ sách, chứng từ...

Cơ quan Điều tra tiến hành khám xét trong vụ án xảy ra tại Nhà máy Dệt Nam Định.

Một yêu cầu tối quan trọng mà cấp trên đặt ra đối với các điều tra viên Phòng 10 và các đơn vị nghiệp vụ khác đó là quá trình điều tra phải hết sức thận trọng và các tài liệu chứng cứ phải thật chuẩn xác. Ngày 18/8/2005, vụ án được khởi tố, 8 bị can bị bắt tạm giam, trong đó có ông Lê Minh Hoàng. Những hình ảnh bắt giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Hoàng được đông đảo quần chúng nhân dân chứng kiến và chính điều đó đã góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào sự công bằng của pháp luật, vào công cuộc chống tham nhũng của nước nhà.

"Mistơ Oai" và những nỗi khổ không biết tỏ cùng ai...

Tôi gọi Thượng tá Trần Đức Vĩnh và các điều tra viên Phòng 10 của anh là các “mistơ Oai” vì họ là người chuyên điều tra... VIP. Tôi bảo rằng, mỗi khi tôi nhìn thấy các sĩ quan cảnh sát bắt, khám xét rồi dẫn giải những người từng giữ chức vụ cao, từng nổi tiếng, được nhiều người biết đến, tôi thấy các anh oai ghê lắm.

Thượng tá Vĩnh cười, chối bai bải: "Không đâu, chúng tôi chỉ là những người thực thi pháp luật bình thường. Bất kỳ ai - dù có quyền cao chức trọng đến đâu - nhưng khi đã vi phạm pháp luật thì vẫn chỉ là những con người phạm tội. Chỉ khác là với họ, cuộc điều tra trở nên khó khăn hơn và các điều tra viên phải vất vả hơn”.

Ngồi nói chuyện với tôi vào một buổi sáng chủ nhật mà lẽ ra với người bình thường phải được nghỉ ngơi, thư giãn; ấy thế mà Thượng tá Trần Đức Vĩnh cứ y như người ngồi trên đống lửa. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại của các mũi điều tra viên đang ở Tp. HCM, Khánh Hòa và nhiều địa phương khác.

Thượng tá Vĩnh bảo rằng, suốt 5 tháng nay, Trung tá Trần Quang Huy - Phó trưởng phòng - cùng với hàng chục điều tra viên phải rời Hà Nội vào Tp. HCM bám trụ để điều tra vụ án điện kế - điện tử. Thượng tá Vĩnh sốt ruột lắm vì anh em nào cũng có gia đình, vợ con với trách nhiệm gia đình phải gánh vác. Thế mà xa nhà đằng đẵng ngần ấy tháng, có bao nhiêu lương tiêu bằng sạch, chả giúp gì được vợ con. Ngay bản thân Thượng tá Vĩnh cũng vậy. Tuy là chỉ huy nhưng anh cũng phải lăn vào cùng làm, cùng lo với anh em chứ không thể ngồi một chỗ mà “chỉ tay năm ngón” được.

Hồi điều tra vụ án Lã Thị Kim Oanh, ở giai đoạn đầu Oanh luôn lẩn tránh không chịu làm việc với trinh sát. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triệu tập đến làm việc nhưng Oanh không chấp hành và ngấm ngầm làm thủ tục xuất cảnh đi Hàn Quốc. Thời điểm đó, do Oanh chưa bị khởi tố nên không thể từ chối làm thủ tục cho Oanh xuất cảnh. Vì thế, để đề phòng truờng hợp Oanh đào thoát khỏi Việt Nam, các mũi trinh sát, điều tra viên phải thay nhau giám sát Oanh liên tục 24/24 giờ.

Trong vụ này, Trung tá Trần Quang Huy là điều tra viên chính nhưng Thượng tá Vĩnh và tất cả 37 điều tra viên trong phòng đều phải đồng sức, đồng lòng cùng tham gia để cuộc điều tra đạt kết quả cao nhất. Thượng tá Vĩnh phải thường xuyên theo dõi tiến độ điều tra và trực tiếp hướng dẫn cho từng điều tra viên. Hôm khám xét nơi ở và nơi làm việc của Lã Thị Kim Oanh thực là vất vả. Cuộc khám xét kéo dài suốt từ 8h cho tới 21h, các điều tra viên hầu như không có thời gian để ăn chứ nói gì đến nghỉ.

Trung tá Huy và nhóm điều tra phải làm việc liên tục ròng rã trong suốt 16 tháng, không được nghỉ một ngày nào kể cả ngày lễ và chủ nhật. Trung tá Huy còn phải mang tài liệu về nhà nghiên cứu vào ban đêm. Sổ sách, tài liệu, máy tính thu giữ trong vụ án này chất nửa căn phòng làm việc của Thượng tá Vĩnh. Thế mà anh em làm án phải nghiên cứu toàn bộ, không bỏ sót một trang tài liệu nào, cộng với hàng loạt các chứng cứ khác mới làm rõ được hành vi phạm tội của Lã Thị Kim Oanh.

Trước sự am hiểu luật pháp và tư duy sắc bén của các điều tra viên, từ chỗ luôn chối tội, cuối cùng Oanh và các đồng phạm của thị đều nhanh chóng tâm phục khẩu phục. Chính bị can Lã Thị Kim Oanh, trong một số lá thư viết từ trại giam gửi cho đồng chí Phó thủ trưởng thứ nhất Cơ quan Điều tra đã phải thừa nhận: “Những cán bộ dưới quyền của ông đều là những người trung thành và đều có tài năng đáng kính trọng”

.
.