Những kỷ niệm sâu sắc về người Bộ trưởng đầu tiên của lực lượng Công an

Thứ Bảy, 20/08/2005, 06:30

Bằng tài năng và sức lực, trí tuệ và tâm huyết, đồng chí Trần Quốc Hoàn, vị Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên và lâu năm nhất, đã để lại những dấu ấn lịch sử, những nét son trong “thiên anh hùng ca vĩ đại” sáng mãi trong lòng các thế hệ chiến sĩ CAND Việt Nam.

Năm 1965, trước yêu cầu của chiến trường miền Nam, được sự động viên của Đảng Đoàn và lãnh đạo Bộ, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ CAND đã tình nguyện vào Nam công tác. Tôi cùng gần 100 đồng chí tập trung tại C500 học tập, rèn thể lực, chuẩn bị chi viện cho chiến trường. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã nhiều lần đến thăm lớp, ăn cơm, chụp ảnh với chúng tôi trước khi lên đường.

Ở chiến trường nhớ anh “Quốc”

Tôi và 22 đồng chí được phân công vào chiến trường khu VI. Tưởng rằng ở tiền tuyến, sẽ không còn được nghe đồng chí Bộ trưởng giáo dục, căn dặn như hồi còn ở 15 Trần Bình Trọng, vậy mà, giữa nơi chiến trường gian khổ, ác liệt này, chúng tôi vẫn thường xuyên nhận được điện ở “nhà” do anh “Quốc” (bí danh của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn) ký, gửi vào động viên giữ vững địa bàn, giữ vững cầu nối giữa khu VI với Trung ương cục.

Còn nhớ, năm 1972, tôi là uỷ viên Ban An ninh khu phụ trách công tác điệp báo. Để nắm được diễn biến tình hình, hàng ngày, chúng tôi hàng ngày đọc báo Sài Gòn xuất bản đưa tin về Hội nghị Paris theo luận điệu của nguỵ quyền. Nhưng nhờ có điện của anh “Quốc” báo vào, nên chúng tôi nắm được thực chất của Hội nghị, sự biến động trong nguỵ quân, nguỵ quyền, từ đó hướng dẫn cơ sở điệp báo hoạt động và chuẩn bị lực lượng vùng lên khi Hiệp định Paris ký kết. Những lúc như thế, khu uỷ rất phấn khởi khi có điện của anh “Quốc” vì giúp cấp uỷ nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn, chủ động kế hoạch mọi mặt tốt hơn. Nhiều lần, nhờ điện hoả tốc của anh “Quốc” báo tin ngày giờ địch thả bom B52 vào toạ độ X nên khu uỷ, tỉnh uỷ chủ động tránh được tổn thất. Do đó, An ninh các cấp cũng được cấp uỷ quan tâm chỉ đạo chặt chẽ, gắn bó hơn. Anh em chi viện chúng tôi mỗi lần nhận được điện của “nhà”, của anh “Quốc” cảm thấy lãnh đạo Bộ luôn gần gũi bên mình, thấy ấm lòng như vẫn được gặp Bộ trưởng những ngày ở Hà Nội.

Xa nhà, số cán bộ công an miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam, ai cũng mong ngóng thư gia đình vì giao thông liên lạc cách trở, mất thư là chuyện thường và nếu vào được đến chiến trường phải mất trọn cả năm. Tôi nhớ nhất lá thư do anh Nguyễn Huy Lương thay mặt Đảng uỷ Cục bảo vệ Chính trị viết từ ngày 1/1/1968 kể chuyện tình hình anh em ở Cục, tình hình gia đình tôi và chúc Tết tôi, đến tay tôi đúng vào dịp Tết Kỷ Dậu (16/2/1969). Có lẽ thông cảm với chiến trường khu VI nên trong một số điện của “nhà”, chúng tôi lại nhận được tin gia đình. Đây là món quà vô giá của Bộ, của anh “Quốc” với anh em ở chiến trường.

Cuối năm 1974, khu VI lần đầu tiên đánh chiếm được chi khu Tánh Linh, tỉnh Bình Tuy. Địch phản kích quyết liệt, ta quyết giữ nên cuộc tranh chấp càng thêm quyết liệt. Thật phấn khởi vì lần đầu tiên, ta chiếm và giữ được một chi khu, quận lỵ nhưng cũng hết sức vất vả vì bao việc phải làm. Đúng lúc đó thì nhận điện của anh “Quốc” khen An ninh khu VI và hướng dẫn các việc cần làm như thu thập, khai thác hồ sơ, tài liệu của địch; khai thác số cảnh sát đặc biệt; truy tìm, bóc gỡ màng lưới mật báo viên; phát động quần chúng tham gia giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chính quyền cách mạng. Được cấp uỷ chỉ đạo kịp thời, anh em càng phấn khởi.

Đầu tháng 3/1975, sau khi ta đánh chiếm Buôn Ma Thuột, anh “Quốc” luôn thông báo tình hình các chiến trường và hướng dẫn những việc cần làm. Nhờ đó, chúng tôi kịp thời nắm được tình hình chiến sự chung, biết sâu những vấn đề theo chức năng, nhiệm vụ công an và tính toán được những việc phải làm khi chiếm lĩnh đô thị.

Cuối tháng 3/1975, sau khi ta giải phóng thị xã Bảo Lộc và đang giằng co với địch ở quận lỵ Di Linh thì anh “Quốc” điện vào hỏi tình hình giải phóng và căn dặn, khi đánh chiếm Đà Lạt cần chiếm ngay Nha Địa dư (nơi in bản đồ quân sự của Mỹ - Nguỵ) và Viện Nguyên tử Đà Lạt. Phải tìm ngay số nhân viên ở đây để bảo quản phương tiện kỹ thuật, nhất là Viện Nguyên tử, không để gây ra phóng xạ nguy hiểm cho toàn vùng. Nhờ có điện này nên cấp trên đã cử đơn vị đặc trách chiếm lĩnh 2 mục tiêu trên.--PageBreak--

Đầu tháng 4/1975, tôi dẫn một đoàn cán bộ của An ninh khu nằm ven thị xã Phan Thiết hỗ trợ an ninh tỉnh Bình Thuận chiếm lĩnh thị xã. Sáng 19/4/1975, theo đại quân, chúng tôi vào Phan Thiết. Nhớ lời dặn ở “nhà”, tôi và một tay súng xộc vào chiếm lĩnh ngay trụ sở F. Cảnh sát đặc biệt và trung tâm thẩm vấn. Nhờ đó, thu được toàn bộ hồ sơ của cảnh sát đặc biệt, sơ đồ tổ chức, hồ sơ màng lưới và một số vụ nội gián. Sau này khi bàn giao lại cho Ban An ninh Bình Thuận, đồng chí Năm Lương, Trưởng ban An ninh tỉnh, xúc động: “Chúng tôi có cơ đồ ngày nay là nhờ có các anh ở khu về giúp đỡ.” Riêng chúng tôi lại nghĩ là chúng tôi mới chỉ làm được một phần mà “nhà” và anh “Quốc” căn dặn.

Đang tất bật với những công việc mới mẻ phải làm để quản lý thị xã Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận mới giải phóng thì sẩm tối 5/5/1975, tôi thấy một đoàn xe Jeep xộc thẳng vào trụ sở công an tỉnh. Người bước xuống xe đầu tiên chính là đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Thật bất ngờ, xúc động biết bao! Tôi vội chạy ra đón (anh em ở đây nhiều người chưa biết mặt bộ trưởng) đưa vào nơi anh Năm Lương, Trưởng ban An ninh tỉnh, làm việc. Dáng vóc, phong cách vẫn như ngày nào ở hội trường 15 Trần Bình Trọng, vẫn giọng nói thân tình, ấm áp của quê hương xứ Nghệ pha trộn sương gió, âm hưởng của miền Bắc. Tình hình thị xã Phan Thiết lúc đó chưa thật ổn định, vũ khí, chất nổ còn vứt rải rác trong thị xã và cả bọn tàn quân vẫn hoạt động. Thế mà ngay hôm sau, anh Hoàn đã lại vào Sài Gòn chỉ đạo việc giữ vững an ninh trật tự trong bối cảnh miền Nam vừa giải phóng.

Chi viện cho An ninh miền Nam

Cũng trong những năm đánh Mỹ, hưởng ứng lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Hồ Chủ tịch, đồng chí Bộ trưởng cùng Đảng Đoàn và lãnh đạo Bộ đã phát động phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”, chủ động chuẩn bị 834 cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam, phục vụ Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1968 (trong đó có đồng chí Nguyễn Quang Việt, Cục trưởng Lê Thanh Vân...) đồng thời, chi viện gần 100 bộ điện đài thu phát 2 chiều, hàng trăm báo vụ, cơ yếu an ninh toàn miền Nam thông suốt 2 chiều giữa lãnh đạo Bộ với An ninh Trung ương Cục, An ninh các khu và An ninh các tỉnh trọng điểm. Qua đó, Bộ trưởng đã thông báo tới An ninh miền Nam nhiều tin tức chiến lược; ngày giờ, địa điểm ném bom B52 và cơ quan đầu não; nơi tập trung các binh đoàn chủ lực, tin về nội gián... để xác minh, xử lý.

Năm 1968, địch thay đổi thẻ căn cước bọc nhựa có hình rồng phát quang. Bộ trưởng đã tập hợp đội ngũ kỹ sư giỏi của Bộ, lập thành một bộ phận chuyên trách làm thẻ căn cước giả trong nhiều năm và huy động cán bộ công an đang hoạt động ở nước ngoài tìm mua nguyên, vật liệu ở các nước tư bản chuyển về, nên đáp ứng được yêu cầu của An ninh miền Nam.

Cuộc kháng chiến ngày càng ác liệt, việc phát triển lực lượng an ninh tại chỗ ở một số địa phương gặp nhiều khó khăn nên đồng chí Bộ trưởng cùng Đảng Đoàn và lãnh đạo Bộ báo cáo và được Ban Bí thư chấp thuận cho thành lập Trường An ninh miền Nam (E1171) tuyển chọn con em cán bộ công an ở miền Nam ra hoặc đang học văn hoá ở miền Bắc, để đào tạo có hệ thống, chuẩn bị nguồn cán bộ lâu dài cho An ninh miền Nam. Số học sinh của trường phần lớn đã trưởng thành: đồng chí Ksor Phước, hiện là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc; đồng chí Cao Minh Nhạn, Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hoà; Đào Xuân Thống, nguyên Giám đốc Công an Quảng Trị...

Từ 1972 đến sau ngày giải phóng miền Nam, Bộ đã điều động gần 2 vạn cán bộ vào Nam, góp sức chi viện cho miền Nam sớm được giải phóng và lại cùng lực lượng tại chỗ quản lý, giữ vững an ninh trật tự ở vùng mới giải phóng

Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL
.
.