Những chuyện nhỏ về một giám đốc công an vùng cao (Phần I)

Thứ Năm, 14/07/2005, 14:21

Gắn bó với tỉnh Lai Châu từ những năm 80 qua những chuyến đi công tác, nhà báo Nguyễn Như Phong giữ trong mình những ấn tượng mạnh mẽ về vùng đất và con người nơi đây. Một người anh không thể quên là Đại tá Đậu Quang Chín, Trưởng công an Huyện Tủa Chùa (Lai Châu) năm xưa và Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên hôm nay.

Có lẽ tôi là một trong số không nhiều nhà báo có nhiều gắn bó với một tỉnh nghèo nhất Việt Nam - đó là tỉnh Lai Châu cũ. Ngay từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi đã đi hết các xã biên giới Việt-Trung-Lào ở xã Xín Thầu, huyện Mường Tè; đã đi hết 8 xã khu vực Dào San của Phong Thổ và các xã vùng ven sông Đà của huyện Tủa Chùa...

Thời gian càng lùi xa, con người cũng thay đổi, cảnh vật phân chia. Tỉnh Lai Châu cũ nay đã thành hai: Điện Biên và Lai Châu, nhưng rất nhiều cán bộ chiến sĩ công an của Điện Biên và Lai Châu tôi vẫn nhớ và một trong số những người tôi không thể quên là Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên hôm nay - Đại tá Đậu Quang Chín. Tôi gặp anh lần đầu tiên vào ngày 13/8/1986, khi đó anh đang là Trưởng Công an huyện Tủa Chùa (tỉnh Lai Châu cũ).

Từ thị xã Lai Châu, qua đèo Clavô sang Tủa Chùa, quãng đường chỉ có hơn 100 km, vậy mà chúng tôi đi mất một ngày cật lực. Chiếc xe Uoát thùng chở nặng, bốn lốp nhẵn thín, máy móc ọc ạch nặng nhọc bò trên con đường xấu... không thể tả được. Đã thế, từ Mường Báng đi lên huyện lị Tủa Chùa, liên tục có những con dốc ngắn nhưng cứ dựng ngược lên giời. Chiếc xe ậm ạch nhích từng mét lên đến huyện thì trời đã tối. Anh em bố trí cho tôi ngủ một phòng cạnh buồng của Trưởng Công an huyện là anh Đậu Quang Chín. Lúc ấy, anh đi xuống xã chưa về.

Quá nửa đêm, thấy ánh đèn pin quét loang loáng và nghe giọng xứ Nghệ nằng nặng, tôi đoán là anh Chín đi cơ sở về. Anh hỏi một cán bộ là  tôi lên khi nào, chiều nay cơm nước ra sao...

Người thứ 2 từ phải qua là anh Đậu Quang Chín, người đứng giữa là tác giả trên đường đi xuống xã Xín Chải (tháng 8/1986).
Sáng sớm hôm sau, tôi lại tỉnh giấc khi nghe tiếng chổi tre trong lúc trời vẫn tối mờ mờ. Và khẽ nhấc cánh cửa liếp lên, tôi thấy anh Chín đang quét sân. Ngoài sân cũng có  các chiến sĩ, người thì nhổ cỏ, người tập xà đơn buộc qua hai cây pơmu. Nhìn người Trưởng Công an huyện quét từng nhát chổi thong thả, đều đặn, tôi giật mình và thầm nghĩ: “Mãi quá nửa đêm, ông ấy mới từ xã về, thế mà đã dậy quét sân” - và tự nhiên trong lòng tôi thấy sợ - sợ cái tính gương mẫu của người chỉ huy.

Tôi đã từng nhiều năm đi bộ đội, rồi lại về công an. Thời nào cũng thế, lính tráng “hãi” nhất là ở dưới quyền những người... gương mẫu. Sống và làm việc với người như vậy, tự nhiên mình cũng thấy đứng đắn, tử tế trở lại. Cái sự buông thả cũng như tự kìm bớt.

Quả nhiên, ngay sáng hôm ấy, tôi đã thấy ngay nền nếp điều lệnh nội vụ ở Công an huyện Tủa Chùa không thể chê vào đâu được. Nhà tuy vách gỗ mái tôn nhưng tất cả đều ngăn nắp, gọn gàng và rất sạch sẽ. Buổi họp giao ban được tiến hành không chậm một phút...

Anh Chín bảo đồng chí Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự - kinh tế cung cấp cho tôi tài liệu về một vụ trộm. Duy có một chi tiết mà tôi không thể tin được là làm sao trong một đêm - từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng - đối tượng cõng 3 chiếc máy khâu Con bướm Trung Quốc, đi tắt đường rừng từ Tủa Chùa ra gần đèo Clavô - quãng đường mà đo trên bản đồ là 40 km đèo dốc.

Để chắc ăn, tôi xin anh đội trưởng cho gặp đối tượng. Khi tôi đang hỏi đối tượng thì anh Chín vào. Anh hỏi vài câu về sức khỏe của tên trộm và bỗng anh nghiêm mặt bảo đưa hắn ra ngoài. Chỉ còn lại tôi và người đội trưởng, anh chỉ vào con dao đi rừng treo ngay sau lưng đối tượng và phê phán sự mất cảnh giác của chúng tôi:

- Cậu có biết lúc bắt nó, phải bốn người mới quật được nó không? Làm công an không bao giờ được lơ là mất cảnh giác với đám tội phạm hình sự.

Khi nghe tôi nói là không tin gã trộm có thể đi bộ nhanh thế, anh cười và hỏi tôi có biết chuyện Quang Đệ cõng lợn về tỉnh nhanh hơn ôtô không. Nghe vậy tôi mới nhớ ra chuyện Quang Đệ, phóng viên ảnh của Phòng Chính trị công an tỉnh. Quang Đệ là người đam mê chụp ảnh đặc biệt và cũng có nhiều năm là cộng tác viên ảnh của Báo Công an nhân dân. Tiếc thay, sau này vì hoàn cảnh gia đình, anh phải rẽ sang ngang.

Số là Đệ được công an huyện cho con lợn khoảng 20 kg đem về nuôi. Nhưng chiếc xe Uoát của UBND tỉnh thì quá chật, không thể nào còn chỗ cho Đệ về nhờ. Thế là Quang Đệ cho lợn vào gùi, cõng sau lưng, balô đeo trước ngực và khi chiếc Uoát  khởi hành về thị xã thì Đệ cũng... cuốc bộ cắt đường rừng về. Đệ về đến nhà ở thị xã Lai Châu, tắm rửa, cơm nước xong xuôi thì mới biết chiếc xe kia vẫn còn nằm trên đỉnh đèo Clavô. Nghe tin ấy, Quang Đệ thở phào: “May quá, nếu cố xin đi theo ôtô thì khéo... mất toi con lợn giống”.

Thế rồi hơn một chục ngày sau đó, tôi theo anh Chín và trinh sát Sùng A Trường (bây giờ anh Trường là Phó chủ tịch huyện Tủa Chùa) đi đến một loạt xã heo hút nhất của huyện Tủa Chùa như Xín Chải, Tả Sìn Thàng... Nơi nào gần thì đi bộ nửa ngày, nơi xa thì cả ngày. Anh được Thường vụ Huyện ủy giao cho nhiệm vụ đi chỉ đạo đại hội Đảng ở một số xã. Xã Xín Chải có 8 bản là  Xín Chải, Mạn Chiền, Chế Cu Nhe, Háng Chua, Séo Mi Chải, Cáng Chua, Cán Tỷ và Lầu Câu Phình... Bản nọ cách bản kia có khi gần nửa ngày đường đi bộ, thế mà anh đến từng bản.

Tôi hết sức ngạc nhiên là đến xã nào anh cũng được các trưởng bản, trưởng thôn, hầu hết trong số họ là những người có uy tín, đón tiếp hồ hởi. Anh nhớ tên từng người, thuộc gia cảnh từng người và rất đồng cảm với cuộc sống của bà con người Mông, người Giấy, người Thái...  Theo anh trong chuyến đi đó, tôi học được rất nhiều. Hôm trở về, chúng tôi phải cuốc bộ một ngày cật lực. Tới buổi chiều, khi còn cách công an huyện vài cây số, tôi tưởng như lê không nổi trên những con dốc đang vào giữa mùa mưa trơn nhẫy. Thế mà anh vẫn chống gậy đi thoăn thoắt và cứ chốc chốc dừng lại động viên tôi.

Những ngày đi với anh, tôi mới hiểu thêm thế nào là vai trò đầu tàu gương mẫu  của người chỉ huy. Và không phải ngẫu nhiên mà dưới sự lãnh đạo của anh, 7 năm liền Công an Tủa Chùa là đơn vị Quyết thắng và thành tích đó đóng góp quan trọng vào sự trưởng thành của Công an Lai Châu (cũ).--PageBreak--

“Ôn cố tri tân” - Nhớ chuyện cũ để biết cái mới hôm nay, thiết tưởng đó là điều nên có đối với Công an Lai Châu (cũ) và Công an Điện Biên bây giờ.

Trong khoảng những năm từ 1980 đến 1988, Công an Lai Châu luôn là đơn vị mạnh. Nhưng từ sau khi Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp được điều về Bộ nhận công tác mới, thì từ đây, Công an Lai Châu như chiếc xe xuống dốc không phanh. Một số đồng chí trong Ban giám đốc, người thì yếu sức khỏe, người thì có tuổi, thế là hầu hết đều lấy chữ “im lặng là vàng” để chờ nghỉ. Vậy là sự độc đoán, gia trưởng có đất để phát triển. Đó là nguyên nhân lớn nhất để dẫn đến tình trạng Công an Lai Châu sa sút.

Thời gian này, chính tôi cũng đã có một loạt bài điều tra về những tiêu cực của một số cán bộ Công an tỉnh Lai Châu và sau loạt bài đó thì tôi nhận được lời đe: "Đừng có vác mặt lên đây nữa!".

Thấy cảnh Công an Lai Châu xuống dốc, tôi cũng ít lên và chỉ tò mò theo dõi với sự tiếc nuối một quá khứ vinh quang.

Sự buông lỏng quản lý của các cấp chỉ huy, sự tha hóa biến chất của một số cán bộ đã dẫn đến vụ án nổi tiếng Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường. Một loạt cán bộ, chiến sĩ công an Lai Châu bị bắt và có người bị tử hình như Vũ Phong Mã, nguyên Trưởng phòng Hậu cần. Rồi Nguyễn Trọng Kỳ, lái xe của giám đốc cũ thì bị tù chung thân... Tôi rất biết Vũ Phong Mã bởi mỗi lần tôi lên Lai Châu, khi đi xuống xã, với cương vị là Trưởng phòng Hậu cần, anh là người duyệt cấp cho tôi từng phong lương khô, đôi pin đèn, vài chục viên thuốc cảm ABC...

Hôm đi chứng kiến buổi thi hành án tử hình 7 đối tượng trong đường dây này, tôi gặp lại Vũ Phong Mã, Bùi Danh Ca, là hai người tôi biết rõ. Tôi với Bùi Danh Ca đã ăn cơm với nhau trên Đồn biên phòng Tây Trang từ những năm 1984. Trong lúc chờ làm thủ tục ra pháp trường, Ca hỏi tôi có nhớ tối hôm ăn thịt chó trên đồn Tây Trang ngày xưa không... Lúc ấy tôi muốn trả lời mà cổ cứ nghẹn lại.

Còn Vũ Phong Mã, anh rụt rè hỏi tôi: “Anh đi tất sợi hay tất nilon đấy”. Tôi bảo là tất nilon, quân trang phát. Mã bảo: “Anh cho tôi xin đôi tất đi. Tôi đi tất thì sau này sang cát, cũng đỡ phải mò xương”. Tôi đưa đôi tất mình đang đi cho Vũ Phong Mã rồi không đủ can đảm đứng nhìn những người mình đã quen biết phải ra trường bắn, tôi chuồn thẳng lên xe của Giám đốc Công an Hà Nội và rúc ở đó cho đến khi buổi thi hành án thực hiện xong.

Hiểu quá khứ, luôn lấy bài học tốt của quá khứ học tập và lấy bài học xấu để làm gương, nhưng rất ít khi nói về quá khứ, đó là điều tôi nhận thấy ở Đại tá Đậu Quang Chín. Sau này khi Công an Lai Châu (cũ) liên tiếp được tặng Cờ thưởng Luân lưu của Chính phủ - ngay từ năm 2001 cho đến 2004 (đây là hiện tượng ít có ở một đơn vị công an cấp tỉnh), tôi có hỏi anh Chín về những khó khăn của anh trong những ngày đầu nhậm chức Giám đốc. Anh nói ngắn gọn:

- Thật ra lúc đó đa số cán bộ chiến sĩ đều rất hiểu những yếu kém của công an tỉnh và đều mong muốn phải làm điều gì đó để lấy lại danh dự của đơn vị. Vì thế, Đảng ủy, Ban giám đốc và chỉ huy các đơn vị đã thể hiện được sự đoàn kết, nhất trí. Nguyên tắc lãnh đạo tập trung, dân chủ được quán triệt đến từng đơn vị cơ sở. Và mỗi người chỉ huy phải là một đầu tàu gương mẫu... Tất cả chỉ có thế thôi.

Anh nói đơn giản như không và xem ra rất “cổ”. Nhưng ngẫm lại thì quả là cũng chỉ có vậy. Tất nhiên, kèm theo đó phải là vô vàn những biện pháp để tăng cường công tác giáo dục quản lý cán bộ chiến sĩ. (Nếu nói hết những biện pháp này thì phải thành một chuyên đề).

Thời nào cũng vậy, ở đâu cũng thế, cấp dưới thường nhìn cấp trên làm. Nếu trên làm sai một, dưới làm sai hai, trên “ăn” một đồng thì dưới sẽ “ăn” một trăm, trên say rượu thì dưới cũng sẵn sàng “xỉn”... và ngược lại, nếu người chỉ huy gương mẫu thì đó sẽ là hành động tốt nhất để ngăn chặn tiêu cực ở dưới.

Anh Chín không nói nhưng tôi biết rất rõ những khó khăn chồng chất đè nặng lên vai người người lính Công an Lai Châu vào thời điểm năm 2000 - 2001.

Trong lĩnh vực bảo vệ an ninh chính trị, tà đạo đang phát triển như cỏ gianh mùa khô bén lửa và Lai Châu trở thành điểm nóng của Tây Bắc về an ninh. Những cuộc di dân ồ ạt từ Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái sang các huyện Mường Tè, Mường Lay kéo theo bao nhiêu là hệ lụy cho xã hội. Nhiều cấp chính quyền cơ sở chậm giải quyết những yêu cầu chính đáng của nhân dân dẫn đến khiếu kiện kéo dài, gây ảnh hưởng xấu tới phát triển kinh tế, đồng thời làm giảm lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và không ít cán bộ lãnh đạo ở tỉnh... Tội phạm hình sự, trong đó đặc biệt là nạn buôn bán ma túy phát triển như một thứ bệnh dịch. Với 11.000 con nghiện vào thời điểm đó, Lai Châu đã trở thành vùng đất đầy bất trắc, hiểm nguy.

Còn về lực lượng Công an tỉnh có quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết cấp bách. Nội bộ tuy thế vẫn chưa ổn định. Một số ít cán bộ đã có những liên quan dù ít hay nhiều đến các vụ tiêu cực trước kia, hay là người của phe này phái nọ thì lo lắng cho số phận chính trị của mình. Vì thế họ làm việc cầm chừng và tìm cách che chắn cho những việc làm cũ của mình.

Trước tình hình đó, việc ưu tiên trước hết là củng cố lại tổ chức, trong đó có công tác thuyên chuyển cán bộ, không để những người kém uy tín giữ cương vị quan trọng; tăng cường đấu tranh phê bình và tự phê bình trong nội bộ Đảng... (Còn tiếp)

.
.