Những bác sĩ trại giam và sự hy sinh thầm lặng

Chủ Nhật, 01/03/2015, 08:06
Tai nạn phơi nhiễm HIV xảy ra với 4 y, bác sĩ khác tại BV Chí Hòa. Song, vượt lên rất nhiều khó khăn đời thường, trở ngại và hiểm nguy rình rập ấy, những CBCS, thầy thuốc CAND nơi này vẫn hằng ngày tận tụy bên những bệnh nhân “mang áo số”.

Hàng ngàn can phạm nhân nhập viện Chí Hòa (Trại giam Chí Hoà, TP Hồ Chí Minh) thì mỗi năm khoảng 1/4 trong số đó có kết quả dương tính với HIV, nhiều người đã bị bệnh AIDS giai đoạn cuối. Không có người thân, họ phó mặc cuộc đời cho bác sĩ; cùng với 120 giường bệnh trong bệnh viện luôn kín bệnh nhân và đảm trách một khối lượng công việc khổng lồ như vậy nhưng nơi này chỉ có 15 đồng đội “chia lửa” cho nhau.

Đã có 4 y, bác sĩ trong số họ từng bị phơi nhiễm HIV. Sau những áp lực tưởng rằng khó vượt qua được ấy, họ vẫn không rời xa nhiệm vụ, thầm lặng hy sinh, thầm lặng cống hiến.

Đã trót mang “nghiệp” bác sĩ trại giam

Tốt nghiệp ngành Y sĩ Đa khoa của Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Đại uý - BS CKI Nguyễn Văn Liệu, Giám đốc Bệnh viện (BV) Chí Hoà đã có 15 năm công tác tại đây. Cái cảm giác hồi hộp trong ngày đi làm đầu tiên với anh vẫn còn như nguyên vẹn. Anh kể: “Tôi đã mất ngủ cả đêm trước khi tới buổi làm việc đó. Lúc đầu còn không dám tới gần giường bệnh. Lo nhất là can phạm nhân có hành vi manh động”.

Thời gian đầu, mỗi lần xuống thăm bệnh, các cán bộ quản giáo phải đi cùng anh. Còn giờ thì tới tính khí của từng can phạm nhân anh đều nắm được. Cùng tốt nghiệp ra trường như anh, nhiều đồng nghiệp ra làm tại các bệnh viện (BV) bên ngoài, họ có điều kiện tốt hơn, có người mở phòng mạch rất thành công. Còn anh vẫn ngày 2 buổi “đi, về” từ nhà tới BV trại giam, hưởng đồng lương khiêm tốn.

Nhưng như anh nói, có khi giờ mà phân công nhiệm vụ khác, lại không làm được tốt như vị trí hiện tại. Người bệnh, dù là đối tượng phạm pháp, lúc bệnh tật, họ cũng đau đớn, khổ sở, họ cần tới kiến thức chuyên môn của mình. Giúp họ là cái tâm của người bác sĩ, còn là trách nhiệm của một chiến sĩ CAND.

BS Liệu cho biết: BV Chí Hòa có 120 giường bệnh, phải cần tới 30 BS, nhưng hiện mới có 15 BS. Ở BV Chí Hoà nói riêng, tình trạng “đói” BS, không tuyển được BS là chuyện phải chấp nhận. Sau 6 năm học tập tại trường ĐH y khoa, ít BS nào muốn phát triển nghề nghiệp ở nơi này. Đã trót mang cái nghiệp BS trại giam thì đừng “mơ” chuyện mở phòng mạch “cải thiện” đời sống vì chắc chắn mở ra sẽ không có bệnh nhân nào tới.
Y, bác sĩ Công an với công việc chăm sóc sức khỏe can phạm nhân trong trại giam.

Trước năm 2014, BV Chí Hòa chỉ có 10 BS, nay là 15 BS, cùng với 29 người là điều dưỡng, kỹ thuật viên và nữ hộ sinh nhưng phải lo chăm sóc sức khỏe cho hàng ngàn can phạm mỗi năm của các trại giam trong khu vực phía Nam. Thiếu nhân sự, nên các BS thường xuyên đón Tết trong BV. BS Liệu có 15 năm công tác thì có tới 14 mùa Xuân trực trong BV. Năm nào cũng vậy, tới mùng 2 Tết, vợ chồng anh cùng 2 con mới lên xe về quê ăn Tết.

Thầm lặng hy sinh

BS Liệu nói, một trong nhiệm vụ đặc thù của BS trại giam là phải “chẩn” được bệnh giả của can phạm nhân. Không ít can phạm nhập BV Chí Hoà trong tình trạng bụng chướng to, sùi bọt mép, mắt trợn trắng, tay chân “bại xuội” như thật… nhưng chỉ sau vài phút nhập viện, màn kịch “đau bụng”, “xuất huyết đường tiêu hoá” can phạm khai trước đó đã bị lật tẩy. Đó là nước xà phòng pha loãng dùng theo đường uống. Nguyên nhân của việc “tự làm khổ mình” này là can phạm muốn trốn lao động hoặc muốn… “phạm pháp” tiếp.

BV trại giam cũng là nơi có đủ mọi loại bệnh trên đời. Đặc biệt là bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Vì sự kỳ thị, nhiều can phạm nhân đã bị gia đình bỏ rơi. Không ai khác, chính các BS nơi này trở thành người thân, trực tiếp lau rửa vết thương, chăm từng miếng sữa, theo dõi từng hơi thở cho họ cho tới ngày nhắm mắt. Môi trường đầy nguy cơ tới tính mạng, nhưng “bảo hộ” cho chính mình, người BS trại giam cũng chỉ có đôi găng tay, khẩu trang y tế được cấp phát.

Với Thiếu úy, BS Đào Thị Phin thì kỷ niệm nghề nghiệp có lẽ theo suốt cuộc đời vì nó gắn liền với chính sinh mệnh của chị bị đe dọa. Tai nạn xảy ra khi chị thực hiện đặt kim tiêm truyền dịch cho một nam can phạm mắc bệnh AIDS giai đoạn cuối. Khi bệnh nhân vật vã do căn bệnh hành hạ đau đớn, mũi kim bất ngờ bật ngược, đâm sâu vào bàn tay chị. Ngay sau đó, chị đã thực hiện các bước phòng chống phơi nhiễm HIV, uống thuốc dự phòng suốt 1 tháng, nhưng lo lắng vẫn bao trùm cả gia đình chị. Sau 6 tháng, kết quả xét nghiệm máu âm tính với HIV, cả nhà mới ăn ngon, ngủ yên trở lại.

Tai nạn phơi nhiễm HIV cũng đã xảy ra với 4 y, bác sĩ khác tại BV Chí Hòa. Song, vượt lên rất nhiều khó khăn đời thường, trở ngại và hiểm nguy rình rập ấy, những CBCS, thầy thuốc CAND nơi này vẫn hằng ngày tận tụy bên những bệnh nhân “mang áo số”.

Chưa khi nào khó khăn khiến họ chùn bước. Họ luôn giữ ý chí vững vàng trên trận tuyến thầm lặng của người BS trại giam, tô thắm thêm hình ảnh đẹp về người chiến sĩ CAND, góp phần trong công tác hướng thiện, giúp những mảnh đời lầm lỡ có cơ hội trở về cộng đồng, hòa nhập cuộc sống.

Huyền Nga
.
.