Lực lượng CAND trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước:

Nhớ mãi Anh hùng liệt sĩ Hồ Thị Hương

Thứ Hai, 25/01/2010, 10:28
Một chiều muộn giữa tháng 1/2010, ngồi nói chuyện với chúng tôi ở nhà riêng tại thị xã Long Khánh (Đồng Nai), chị Phùng Thị Thận - nguyên cán bộ Công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), thương binh hạng hai, đã nghỉ hưu, giọng trầm xuống như nghẹn lại khi kể về Anh hùng liệt sĩ Hồ Thị Hương - người Tổ trưởng Tổ trinh sát vũ trang (thuộc Đội Trinh sát vũ trang An ninh thị xã Long Khánh), người bạn chiến đấu thân thiết của chị.

Qua câu chuyện của chị Thận, chúng tôi được biết: Đầu năm 1975, sau một thời gian trinh sát nắm tình hình, Ban An ninh thị xã Long Khánh quyết định đánh địch tại quán Song Nga - quán ăn của một tên đại úy an ninh quân đội Sài Gòn, nằm kề khu vực hậu cứ của sư đoàn 18, phía trên quán là đồn Hoàng Diệu. Khách đến ăn nhậu chủ yếu là bọn an ninh quân đội, cảnh sát đặc biệt và tình báo tiểu khu Long Khánh, chính quyền Sài Gòn.

Theo kế hoạch, Hồ Thị Hương và Phùng Thị Thận trực tiếp đi đánh, còn Lê Thị Lệ (tức Thọ) ở nhà, sẵn sàng đối phó với những tình huống bất trắc có thể xảy ra. Sau khi nhận quả mìn 2kg kèm kíp nổ, 19h30' ngày 29/1/1975, Hồ Thị Hương và Phùng Thị Thận đóng vai những thiếu nữ đi chơi tối, vào quán Song Nga, ăn kem và bí mật gài mìn dưới gầm bàn. Mọi việc diễn ra suôn sẻ, Hồ Thị Hương rời quán trước, còn Phùng Thị Thận bình tĩnh gọi tính tiền rồi rời quán sau.

Do sàn nhà trơn, Phùng Thị Thận trượt chân làm đổ chiếc ghế vừa ngồi, gây tiếng động; bọn địch trong quán cảnh giác, đồng loạt đứng dậy ra về. Đối tượng cần tiêu diệt không còn, Hồ Thị Hương quyết định hủy trận đánh và lệnh cho Phùng Thị Thận đưa mìn ra ngoài, tháo kíp ném đi. Phùng Thị Thận đạp xe chở Hồ Thị Hương ôm quả mìn vừa ra khỏi quán Song Nga hơn 10m, chưa kịp tháo kíp thì mìn nổ, Hồ Thị Hương hy sinh tại chỗ, Phùng Thị Thận bị thương gãy nát cẳng chân trái và bị địch bắt.

Giọng của chị Thận như đặc lại: "Trong chiến đấu, Hương rất năng nổ và dũng cảm. Trước khi Hương hy sinh, chúng tôi đã vài lần gài mìn hẹn giờ xong, rồi lại phải lấy mìn về vì đánh không hiệu quả (đối tượng chính không còn) hoặc có nhiều người dân xuất hiện. Riêng Hương dự định sau trận đánh này sẽ báo cáo tổ chức cho lập gia đình, nhưng không thực hiện được. Hương hy sinh khi vừa bước qua tuổi 20 được 5 tháng 10 ngày".

Chị Thận kể tiếp: Hồ Thị Hương sinh ngày 20/7/1954, tại xã Bình An, huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định), trong một gia đình nghèo, do đông em nên Hương phải lao động vất vả từ nhỏ và đã chứng kiến những tội ác của Mỹ và quân đội Sài Gòn nên rất căm thù chúng. Năm 1960, gia đình Hương rời quê hương vào Long Khánh sinh sống. Tháng 8/1970, khi vừa tròn 16 tuổi Hương được người chị họ (Hồ Thị Cận) giác ngộ cách mạng và gia nhập lực lượng trinh sát vũ trang An ninh thị xã Long Khánh. Cũng thời gian này, địch tăng cường hành quân càn quét, lập vành đai trắng, khống chế địa bàn thị xã Long Khánh, gây nhiều khó khăn đối với phong trào cách mạng. Cơ sở của ta bên trong hầu như mất trắng, quần chúng bị kìm kẹp, không dám đi lại làm ăn, các cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải dạt ra ngoài rừng. An ninh thị xã Long Khánh được giao nhiệm vụ phát triển mạng lưới cơ sở mật trong thị xã, làm chỗ dựa cho lực lượng cách mạng đi sâu hoạt động, nắm tình hình địch, diệt ác, phá kềm…

Hồ Thị Hương nhận nhiệm vụ vào hoạt động trong nội ô thị xã Long Khánh. Chị đã khôn khéo vượt qua hiểm nguy, đi sâu từng gia đình tìm người móc nối xây dựng cơ sở bí mật, nắm tình hình địch. Trong 23 tháng, Hồ Thị Hương xây dựng được 16 cơ sở bí mật có tác dụng tốt. Các cơ sở bí mật đó đều được kết nạp đảng, kết nạp đoàn, một lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, phục vụ chiến đấu xuất sắc (một số đã hy sinh cuối tháng 4/1975 khi hỗ trợ lực lượng vũ trang tiến vào giải phóng Xuân Lộc. Nhiều người sau 30/4/1975 công tác trong lực lượng Công an và các ban, ngành ở Đồng Nai).

Để mở các trận đánh diệt ác phá kềm, thọc sâu đánh mạnh vào hàng ngũ địch, cuối năm 1973, tổ trinh sát vũ trang của Hồ Thị Hương, Phùng Thị Thận và Lê Thị Lệ được giao nhiệm vụ đánh địch trong nội ô thị xã Long Khánh. Đánh địch ngay trong lòng địch, phải dựa vào dân, bảo vệ nhân dân và tránh đổ máu đối với dân, tổ của Hồ Thị Hương đã giữ nghiêm kỷ luật bảo đảm an toàn cho bản thân, cho cơ sở, mưu trí, dũng cảm chiến đấu hàng chục trận, tiêu diệt hàng trăm tên thám báo, biệt kích, cảnh sát đặc biệt của địch và những kẻ chiêu hồi, phản bội. Riêng Hồ Thị Hương diệt được 74 tên địch, trong đó có 1 tên quận phó ác ôn, nhiều sĩ quan cảnh sát, tình báo… Một số trận đánh hoặc hành động dũng cảm, mưu trí của Hồ Thị Hương đến nay vẫn in đậm trong tâm trí đồng đội và nhân dân thị xã Long Khánh.

Từ công tác nắm tình hình, An ninh thị xã Long Khánh quyết định giao cho tổ trinh sát vũ trang của Hồ Thị Hương đánh quán Nghĩa Ký - nơi bọn cảnh sát dã chiến Tiểu khu Long Khánh hằng đêm thường ra ăn nhậu. Đêm 7/12/1974, Hồ Thị Hương và Lê Thị Lệ mang theo túi xách có quả mìn hẹn giờ (2kg) được ngụy trang bằng hộp sữa, ung dung bước vào quán ăn kem. Khi Hồ Thị Hương gài mìn xong rút lui ra đến cửa cũng là lúc bọn địch tàn tiệc nhậu, kéo nhau ra khỏi quán. Tình huống xảy ra ngoài dự đoán, trong quán chỉ còn lại một số người làm công, nếu để mìn nổ một số người dân vô tội sẽ bị chết, ý đồ đánh địch sẽ bị lộ và địch có cớ để tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu cách mạng, Hồ Thị Hương quyết định quay trở vào quán và nhanh trí nói lớn "Chết, đi vội bỏ quên túi xách" và đến lấy túi xách có quả mìn hẹn giờ bình tĩnh đi ra, rút kíp hẹn giờ, làm mất tác dụng của khối thuốc nổ. Hành động dũng cảm, mưu trí của Hồ Thị Hương đã cứu được tính mạng của nhiều người dân.

Trở về đơn vị, Hồ Thị Hương và Lê Thị Lệ được giao nhiệm vụ đánh vào quán Hoàng Diệu - nơi bọn thám sát của sư đoàn 18 quân đội Sài Gòn thường ăn nhậu trước hoặc sau mỗi lần đi gây tội ác về. Khoảng 21h15' ngày 13/12/1974, Hồ Thị Hương và Lê Thị Lệ vào quán Hoàng Diệu, Lệ giả bộ bỡn cợt, lả lơi với một số tên thám sát, còn Hồ Thị Hương lợi dụng đông người đặt mìn dưới gầm bàn. Khi hai nữ chiến sĩ an ninh rời khỏi quán được 15 phút thì mìn nổ tiêu diệt tại chỗ 33 tên thám sát ác ôn (có 1 tên trung úy). Sau trận đánh, nhân dân thị xã Long Khánh rất hoan nghênh tinh thần dũng cảm, gan dạ của lực lượng giải phóng...

Với thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 6/11/1978 liệt sĩ Hồ Thị Hương được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Công Trường
.
.