"Kỷ niệm" rùng rợn của Đại tá Công an tham gia giải phẫu... hơn 8.000 tử thi
Khi nhắc lại kỷ niệm về nghề, chúng tôi nhận thấy mắt vị Đại tá Công an kỳ cựu Nguyễn Văn Hòa – nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS) Công an tỉnh Hòa Bình sáng lên. Chúng tôi hiểu rằng, ông vẫn đam mê với nghề “mổ tử thi” ấy lắm. Cái nghề mà chỉ nghe thôi nhiều người đã sởn gai ốc, nói gì đến trực tiếp làm nhiệm vụ như ông. Trọn đời với cái nghề đầy gian nan, vất vả ấy, người thương binh, Đại tá Nguyễn Văn Hòa là tấm gương sáng về sự cần mẫn, tận tụy, trách nhiệm với công việc. Ông để lại một phần cơ thể của mình trong một trận chiến quyết liệt chống tội phạm...
Đại tá Nguyễn Văn Hòa chia sẻ: “Thú thực tôi cũng chẳng biết đó là cái duyên hay cái nghiệp vận vào mình mà theo cái nghề “bắt bệnh cho tử thi” này. Ngày bé, nhìn thấy ai đứt tay, đứt chân chảy máu đã sợ run người. Nhưng nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn con đường mình đang đi. Dù có gian khổ, thậm chí đôi lúc là sự ám ảnh, nhưng tôi vẫn chọn, chọn là vì nghĩ rằng mình còn có thể giúp được những người tốt không vướng phải cảnh oan trái, người xấu phải trả giá cho những việc mình làm”.
Khám nghiệm tử thi một vụ án. Ảnh: Hoa Oanh Vũ |
Năm 1972, khi vừa tròn 17 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Hòa tình nguyện nhập ngũ, vừa học tập, vừa tham gia chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược. Thời gian đầu học tập tại Trường Trung cấp Cảnh sát tại Suối Hai, Ba Vì Hà Sơn Bình (nay là Hà Nội), ông cùng đồng đội phải hứng chịu đợt rải bom của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến 12 ngày đêm lịch sử bảo vệ Thủ đô Hà Nội.
Trong hoàn cảnh ấy, ông cùng đồng đội vững vàng tay súng, bảo vệ an toàn nhà trường và các căn cứ quân sự trên địa bàn. Năm 1974, Nguyễn Văn Hòa được phân công công tác tại Phòng Trinh sát Kỹ thuật - Ty Công an Hòa Bình. Giống như những học viên mới ra trường, ban đầu là sự bỡ ngỡ, choáng ngợp với những gì diễn ra xung quanh.
Đại tá Nguyễn Văn Hòa bên ngôi mộ vô danh. |
Cho đến tận bây giờ, kỷ niệm về lần đầu tiên tiếp xúc với xác chết vẫn để lại trong tâm trí Đại tá Nguyễn Văn Hòa ấn tượng sâu sắc. Đó là vụ tai nạn giao thông xảy ra vào tháng 4 năm 1974. Khi đó ông vừa nhận công tác chưa đầy 1 tháng. Nhận lệnh của cấp trên điều động tham gia tổ khám nghiệm, lần đầu tiên được cử đi công tác, ông không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, lo lắng.
Hiện trường còn lại là tử thi của một đứa trẻ khoảng 6 tuổi, đầu bị dập nát, máu loang lổ khắp mặt đường. Chứng kiến tình cảnh đó, ký ức tuổi thơ bất chợt hiện về trong nỗi ám ảnh. Nhưng vì nhiệm vụ ông đã tiến hành mổ tử thi, chụp ảnh, lấy vân tay và vẽ hiện trường...
Nhìn thao tác thuần thục của ông, nhiều người nghĩ ông là một cán bộ lâu năm trong nghề chứ không phải “lính mới tò te”. Sau khi làm xong thủ tục khám nghiệm, ông cẩn thận lau sạch vết máu, bế xác đứa trẻ giao cho cơ quan chức năng làm thủ tục mai táng.
Đại tá Hòa nói vui rằng, nếu có khiếu, ông có thể viết được cả một cuốn tiểu thuyết dày nghìn trang. Khi chúng tôi có nhã ý muốn nghe ông kể về những kỷ niệm sâu sắc mà ông tham gia khám nghiệm, ông cười bảo: “Nhiều lắm, khó mà có thể nhớ ngay được, bởi quá nhiều vụ. Bình quân mỗi năm, lực lượng KTHS phải khám nghiệm khoảng 200 tử thi”.
Như vậy, làm một phép tính đơn giản, suốt 40 năm gắn bó với nghề, ông cùng đồng đội tham gia khám nghiệm khoảng 8.000 tử thi các loại. Con số trên thực sự làm chúng tôi giật mình. Phải mất hồi lâu và uống liên tục 2 chén chè nóng, chúng tôi mới có thể tiếp tục câu chuyện. Khi chúng tôi trấn tĩnh lại, cũng là lúc Đại tá Nguyễn Văn Hòa lục tìm trong trí nhớ những vụ án đáng nhớ của mình.
Tiếp tục câu chuyện, Đại tá Nguyễn Văn Hòa bảo: “Có lẽ hiếm có vụ án mạng nào lại khó khăn, phức tạp như vụ giết người, cướp tài sản tại tiểu khu 14, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn. Chúng tôi nhận được tin vào khoảng 20h ngày 20/3/1999, tại nhà ông Nguyễn Hồng Tuấn ở tiểu khu 14, phát hiện xác một người đàn ông khoảng 43 tuổi, cao khoảng 1m65, người đậm, chết do bị cắt cổ.
Ngay sau khi nhận được tin báo, anh em trong đội KTHS đã có mặt tiến hành dựng lại hiện trường, thu thập dấu vết, vật chứng có liên quan và tiến hành mổ tử thi. Hiện trường có sự xáo trộn, dưới nền nhà có vết giằng co, cơ thể nạn nhân có nhiều vết máu ở cổ, thân và bàn chân.
Tiến hành khám nghiệm tỷ mỷ, thận trọng, không bỏ sót bất kỳ dấu vết nào tại hiện trường, cuối cùng anh em chúng tôi phát hiện ra một chi tiết quan trọng. Phía trên chiếc công tắc đèn có dấu vân tay lạ, không giống vân tay của nạn nhân. Đây rất có thể là chứng cứ để buộc tội đối tượng. Lực lượng trinh sát một mặt tổ chức thông báo, tìm tung tích nạn nhân, một mặt gửi thông báo tới Cục Hồ sơ nghiệp vụ (Bộ Công an) và Công an các tỉnh, thành đề nghị phối hợp tra cứu dấu vân tay lạ trên.
Cùng thời điểm trên, Công an huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc phát đi thông báo, trên địa bàn có 2 người mất tích, một trong số đó có đặc điểm giống với đặc điểm tử thi. Tiếp tục điều tra, xác minh theo đề nghị của Công an Vĩnh Phúc, các trinh sát phát hiện cách đó không xa có một xác nam giới. Tuy nhiên, do bị chết quá lâu, tử thi phân hủy, thối rữa, không thể lấy được vân tay. Khi ấy tôi đã chỉ đạo anh em bằng mọi cách phải lấy được vân tay, vì đây là thông tin duy nhất để xác định tung tích nạn nhân.
Để thực hiện điều đó, tôi rút phần da trên ngón tay nạn nhân, sau đó cho vào tay mình để lăn vân tay. Đúng như dự đoán, thông tin từ dấu vân tay trùng khớp với danh tính người mất tích tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Kết hợp những thông tin trên, cơ quan điều tra đủ căn cứ xác định, 2 vụ án mạng trên do 1 đối tượng gây ra. Sau đó không lâu, thông qua các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã bắt gọn đối tượng gây án”.
Rồi vụ giết người, đốt xác xảy ra tháng 3/2007, tại xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu (Hòa Bình) lại mang đến cho ông một trải nghiệm khác. Dưới con mắt tinh tường, đầy kinh nghiệm của ông thì đây là vụ trọng án giết người đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng gây án một cách chủ động và có kế hoạch từ trước. Hiện trường là một đống tro tàn, nạn nhân là nữ giới đã bị cháy đen và biến dạng.
Với tinh thần trách nhiệm cao, ông cùng đồng đội thận trọng, tỷ mỷ thu lượm các vật chứng tại hiện trường, xem xét, đánh giá dấu vết một cách khách quan, chính xác, tiến hành các thao tác mổ tử thi nhằm xác định nguyên nhân chết. Qua đó, tổ khám nghiệm phát hiện có vết nứt trên hộp sọ, cơ thể hằn lên các vết buộc, thâm tím.
Bên cạnh đó, tổ khám nghiệm thu được một thanh gỗ tại hiện trường. Trên cơ sở kết luận của tổ khám nghiệm, Ban Chuyên án nhận định, nạn nhân bị lừa vào phía trong Hang Khoài, sau đó bị tấn công từ phía sau dẫn tới tử vong. Sau khi chết, đối tượng đã sử dụng dây thừng buộc nạn nhân, dùng xăng đốt xác phi tang. Kết hợp với các nguồn tin do quần chúng cung cấp, cơ quan điều tra đã xác định nạn nhân là chị Phùng Thị Minh, sinh năm 1974 ở xóm Hữu Tiến, xã Xăm Khòe, Mai Châu.
Từ những thông tin hết sức có giá trị đó, Ban chuyên án đã bắt 2 đối tượng phạm tội là Lê Thị Hoa, sinh năm 1966 và Bùi Văn Trưởng, sinh năm 1974, đều trú tại xóm Hữu Tiến, xã Xăm Khòe. Những thông tin do đối tượng khai nhận tại cơ quan điều tra hoàn toàn trùng khớp với nhận định, phán đoán trước đó của ông và đồng đội.
Cho chúng tôi xem vết thẹo trên đôi tay chai sạn, dấu ấn của một trận chiến quyết liệt chống tội phạm ma túy, Đại tá Nguyễn Văn Hòa nhớ lại, đó là ngày 5-2-2010, trong trận vây bắt trùm ma túy Vàng A Khua ở xã Hang Kia, huyện Mai Châu (Hòa Bình). Trong thế đường cùng, tên Vàng A Khua chống trả quyết liệt, thậm chí bắn chết con trai hắn là Vàng A Của để kích động người dân địa phương. Trong cuộc chiến ấy, có 3 cán bộ, chiến sỹ Công an Hòa Bình anh dũng hy sinh, còn ông thì bị thương.
Theo chân ông, chúng tôi có mặt tại nghĩa trang Sông Đà, thuộc thành phố Hòa Bình, nơi chôn cất thi hài một người lính bộ đội Cụ Hồ năm xưa. Vào dịp lễ tết hay ngày rằm, mùng 1, ông và các con lại đến đây thắp nén nhang thơm trước ngôi mộ vô danh, làm cho người đồng đội đã khuất bớt cô quạnh hơn.
Đại tá Nguyễn Văn Hòa nhớ lại, đó là ngày 13/3/1993, trong một chuyến đi công tác tại huyện Kim Bôi, ông được người dân báo tin tại khu vực thành nhà Mạc, thuộc xã Cao Thắng (Lương Sơn) phát hiện xác một người đàn ông chết trong tư thế ngồi, cao khoảng 1m60, người nhỏ. Tại hiện trường, các giám định viên thu được 1 khẩu súng ngắn thời Pháp, 1 quả lựu đạn mỏ vịt, 1 khuy áo đồng, 1 ống nhòm, 1 cúc áo.
Ngay sau đó, ông đã đưa xác người đàn ông xấu số trên về an nghỉ tại Nghĩa trang Sông Đà, lập bàn thờ riêng. Sau khi hoàn tất các thủ tục điều tra, các cơ quan tư pháp đã khẳng định, đây là một sỹ quan chỉ huy của Quân đội ở vào khoảng những năm 1950 - 1954 của thế kỷ trước. Đại tá Nguyễn Văn Hòa nói với chúng tôi rằng, mong muốn lớn nhất đời ông là ngôi mộ vô danh đang được các anh trân trọng chăm sóc giữ gìn kia sớm được đoàn tụ với gia đình, người thân.