Người thắp lửa tình yêu sách

Thứ Sáu, 06/03/2009, 12:12
Tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ - Đại học KHXH và NV Hà Nội năm 2000, Nguyễn Việt Hà về nhận công tác tại Ban biên tập sách văn nghệ Nhà Xuất bản CAND. Những ngày bắt đầu công việc thật vô cùng khó khăn: không có nghiệp vụ và kinh nghiệm biên tập, không có quan hệ với giới trí thức, văn nghệ sĩ… Phải học nghề từ đầu, học từ cách đọc bông, chữa moras, soi can…

Nhưng khó khăn nhất là học tri thức, những tri thức đủ mọi lĩnh vực, từ nghệ thuật, luật pháp, đến vô vàn những chi tiết nhỏ nhặt của đời sống… để xử lý bản thảo. Lúc này Hà mới thấm thía rằng, làm biên tập không phải là làm việc với chữ, mà là xử lý cả một thế giới, cả một lịch sử hiện diện qua chữ, phải biết chữ nào, chi tiết nào đúng - sai, hợp lý hay không, có khi phải chắc chắn chính xác.

Cũng không thể căn cứ vào từ điển, vì đời sống và ngôn ngữ trong bản thảo văn học phong phú, sinh động và mới mẻ hơn nhiều lần trong các từ điển. Chỉ có cách phải tự học. Hà đã nỗ lực, học mọi lúc, mọi nơi, học trong sách vở, học ở cuộc đời, và học từ những người đồng nghiệp lâu năm giàu kinh nghiệm. Từ chỗ rất bỡ ngỡ, Hà đã tự mình xử lý được nhiều bản thảo của các nhà văn, trí thức tên tuổi.

Nhưng công việc của người biên tập xuất bản trong cơ chế thị trường không chỉ có thế. Biên tập tự khai thác đề tài, tự xây dựng bản thảo, bản thảo phù hợp tiêu chí của nhà xuất bản đồng thời phải thu hút được độc giả. Hà lại nỗ lực đi xây dựng cộng tác viên. Bản tính một người nữ dịu dàng, một biên tập viên ham học hỏi, yêu sách và yêu văn chương khiến nhiều nhà văn không thể không yêu mến Hà.

Còn trẻ tuổi đời và trẻ tuổi nghề, nhưng trong Cuộc vận động viết tiểu thuyết và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ nhất (1999-2002) Hà đã xây dựng tiểu thuyết Hồ sơ một tử tù của nhà văn Trần Đình Tú, cuốn sách được đánh giá cao và về sau được trao giải ba cuộc vận động và giải hai Giải thưởng Văn học 10 năm 1995-2005 của Bộ Công an.

Từ một cô sinh viên ngơ ngác rời trường đại học, đến nay Nguyễn Việt Hà đã mang quân hàm Trung úy An ninh nhân dân. Ở một đơn vị công tác đặc thù và có nhiều nữ, Việt Hà luôn tiên phong trong phong trào thi đua của Hội phụ nữ. Năm 2008, vì thành tích biên tập và những đóng góp cho công tác phụ nữ, Nguyễn Việt Hà được bình bầu là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được Tổng cục XDLL tặng bằng khen về công tác nữ.

Hỏi, động lực nào để Hà có những thành tích đáng nể thế kia, Hà cười, trả lời giản dị: Chỉ vì mình yêu sách quá nên muốn làm thật nhiều sách hay cho mọi người cùng đọc thôi

Mai Hạ
.
.