Người phi công tiêm kích với 3 kỷ lục

Chủ Nhật, 26/12/2004, 07:42
Là người phi công tiêm kích phản lực hạ cánh đầu tiên, Phạm Ngọc Lan đã trở thành phi đội trưởng chỉ huy cùng đồng đội bắn rơi máy bay Mỹ đầu tiên trên bầu trời Việt Nam. Ông cũng là phi công tiêm kích phản lực đầu tiên hạ cánh bắt buộc thành công ngoài sân bay.

Năm 1956, Cục Cán bộ tuyển chọn một số cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân đã từng tham gia chiến đấu và một số học sinh miền Nam tập kết để huấn luyện, xây dựng những đơn vị không quân (KQ) tiêm kích, vận tải.

Được sự trợ giúp của các nước bạn Liên Xô, Trung Quốc, Tiệp Khắc, lớp học viên máy bay thể thao Traine đã trở về nước làm nhiệm vụ, lớp học viên máy bay vận tải hoàn thành chương trình, chuẩn bị về nước, thành lập đơn vị KQ vận tải.

Lớp học viên KQ tiêm kích cũng đã hoàn thành chương trình đào tạo, đủ sức đảm đương nhiệm vụ. Lớp được chuyển về sân bay Mông Tự, tiếp giáp biên giới Việt - Trung, làm nòng cốt xây dựng đoàn KQ tiêm kích mang tên Sao Đỏ. Đoàn vừa huấn luyện nâng cao trình độ vừa sẵn sàng chờ lệnh chuyển về sân bay mới làm nhiệm vụ.

Các phi công Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương (từ trái sang phải).

Sau ngày 5/8/1964, Bộ Quốc phòng ra lệnh cho đoàn KQ Sao Đỏ về nước chiến đấu.

Để đảm bảo cho xuất quân an toàn, Lê Sĩ Hạnh - một cán bộ đại đội nắm vững quy tắc chỉ huy về trước, được phái về trước để trực ở sân bay quân sự Nội Bài. Sân bay Cát Bi được chọn làm sân bay dự bị do Đoàn phó Lê Đình Oánh chỉ huy.

Sân bay Nội Bài điện sang: "Mọi việc hoàn tất, khí tượng tốt, sẵn sàng tiếp nhận!".

Cả sân bay Mông Tự  rùng rùng chuyển động. Phi công ngồi sẵn trong cabin. Từ đài chỉ huy, một phát pháo hiệu đỏ rực bay vút lên, kẻ một đường vòng cung trên nền trời nắng đẹp.

Đoàn trưởng Đào Đình Luyện (sau này là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng) bay trong đội hình phi đội đầu tiên, đảm nhiệm vị trí số 3 cùng Lâm Văn Lích bay ở vị trí số 4. Số 1 dẫn phi đội là Tào Song Minh, Phạm Ngọc Lan ở vị trí số 2.

Đây là những phi công giỏi của đơn vị, tập trung thành phi đội mở đường. Đoàn trưởng Đào Đình Luyện là người chỉ huy tài trí, một phi công kỹ thuật giỏi. Lâm Văn Lích là chủ nhiệm kỹ thuật bay (sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân). Tào Song Minh là Đoàn trưởng Đoàn giáo viên bay, kỹ thuật siêu hạng. Phạm Ngọc Lan chủ nhiệm dẫn đường của toàn đơn vị.

Toàn phi đội nghiêng cánh chào đất nước bạn, nơi anh em học tập, trưởng thành, rồi hướng máy bay về phía Nam. Tiếp sau phi đội thứ nhất, phi đội thứ hai, phi đội thứ ba cất cánh. Các chiến sĩ bay trên trời hôm đó đều biết, cuộc đụng đầu với KQ đế quốc Mỹ rồi đây sẽ vô cùng quyết liệt.

-803! 803! Hồng Hà gọi!

Tiếng gọi phát đi trên sóng điện từ Sở chỉ huy Quân chủng nghe ấm áp, quen thuộc như tiếng mẹ gọi hôm nào. Đoàn trưởng Đào Đình Luyện mừng rỡ.

- Hồng Hà! Hồng Hà! 803 nghe rất rõ!

- 803 cho biết tình hình khí tượng và sức khỏe!

- Báo cáo! Trời đẹp! Sức khỏe tốt!

Trên bản đồ chỉ huy, đoàn KQ tiêm kích như con rồng đỏ theo tay những tiêu đồ viên ào ào bay về phía bắc Hà Nội.

- Còn 80 kilômét!

- Còn 60 kilômét!

Sĩ quan tác chiến thông báo khoảng cách của đoàn KQ tiêm kích cho các đơn vị pháo cao xạ.

- Còn 20 kilômét! Chuyển giao cho đài chỉ huy hạ cất cánh!

Lê Sĩ Hạnh cầm ống nói điều chỉnh đội hình, thông báo khí tượng và các yếu tố ở sân bay cho phi đội hạ cánh. Được lệnh hạ cánh, Phạm Ngọc Lan ở vị trí số 2 nghiêng cánh vào hàng tuyến. Anh nhìn rõ ngọn cờ đỏ trên nóc đài chỉ huy sân bay. Xe xăng, xe khí nén, xe bảo đảm hậu cần và đường lăn, đường hạ, cất cánh bằng bêtông mới tinh khôi, trải dài. Cho tới lúc chiếc máy bay màu bạc nhẹ lướt trên đường băng, Lan mới khoan khoái bóp phanh giảm tốc độ. Phi đội thứ hai hạ cánh.

Thượng tướng - Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng một số sĩ quan Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân chủng Không quân đã có mặt ở sân bay. Đoàn trưởng Đào Đình Luyện tập hợp bộ đội đứng nghiêm trước mặt Thượng tướng: “Báo cáo Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng! Đoàn KQ tiêm kích Sao Đỏ có mặt đầy đủ, chờ lệnh Tổng tham mưu và Quân ủy Trung ương cất cánh bảo vệ vùng trời của Tổ quốc”.--PageBreak--

Thượng tướng rất vui. Ông ngắm nhìn gương mặt rắn rỏi, sạm nắng gió, đầy sức sống của bộ đội KQ tiêm kích rồi chậm rãi: “Các đồng chí là những chiến sĩ KQ tiêm kích đầu tiên của Tổ quốc, là cơ sở để hình thành một quân chủng hiện đại, sẵn sàng đọ cánh với quân thù. Các đồng chí chuyển quân về căn cứ an toàn, đầy đủ, đúng kế hoạch là thắng lợi to lớn sau chiến công ngày 5/8”.

Ít lâu sau, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ chiến trường miền Nam ra, tới thăm đơn vị. Đại tướng rất mừng. Trước đây, trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tiễn đoàn học viên KQ tiêm kích lên đường sang nước bạn học tập. Anh em lúc đó còn chưa biết đi đâu, học gì. Ông chỉ tay lên trời, nói: “Đi học lái máy bay MiG!”

Hôm nay trở về Tổ quốc, Đại tướng ứng khẩu hai câu thơ: “Nước ta từ thuở Hồng Bàng/Hôm nay mới thấy Phượng Hoàng tung bay”.

Mấy tháng sau, ngày 3/4/1965, được sự nghi binh thu hút của phi đội Trần Hanh, Phạm Giấy, phi đội Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương cất cánh bay về trời Hàm Rồng. Máy bay địch đang triển khai đội hình bắn phá mục tiêu.

Theo lệnh phi đội trưởng, phi đội chia làm hai mũi bất ngờ công kích vào đội hình máy bay địch. Phan Văn Túc, Phạm Ngọc Lan bám chắc chiếc máy F8U. Vào cự ly có hiệu quả, cả hai đồng loạt nổ súng. Chiếc F8U bốc cháy rần rật. Đây là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị KQ tiêm kích phản lực của ta bắn rơi trên miền Bắc.

Bị bất ngờ trước sự xuất hiện của KQ  ta, KQ Mỹ thay đổi đội hình, độ cao để đối phó. Trần Minh Phương yểm trợ cho Hồ Văn Quỳ công kích. Máy bay địch tăng tốc tháo chạy. Phi đội MiG-17 của ta tiếp tục quần nhau với một bầy F8 biệt danh là “giặc nhà trời” của Hải quân Mỹ.

10h15, số 2 báo cáo bên phải có địch ở cự ly gần. Phạm Ngọc Lan ra lệnh cho số 2 công kích. Vào thật gần, Phan Văn Túc ấn liền ba điểm xạ. Chiếc F8 lạng đi, lửa cháy lem lém ở khoang đuôi.

10h7, Sở chỉ huy ra lệnh phi đội rời khỏi khu vực chiến đấu. Cả hai phi đội yểm trợ, tấn công về đủ. Riêng máy bay của Phạm Ngọc Lan về đến sân bay thì đèn đỏ báo hiệu hết nhiên liệu. Sở chỉ huy cho phép nhảy dù. Tiếc máy bay, Lan quyết định hạ cánh xuống bãi cát bên sông Đuống. Phi công và máy bay an toàn.

Trận đầu KQ phản lực tiêm kích xuất trận thắng lợi giòn giã. Phim chụp trên máy bay in rõ hai chiếc F8U bị KQ ta bắn bốc cháy. Hôm sau, ngày 4/4/1965, phi đội Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm xuất kích bắn rơi hai chiếc F105 của giặc Mỹ.

Ngày 3 và 4/4/1965 được xác nhận là ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của KQ  tiêm kích Việt Nam.

Theo quy ước, ngày 3/2 hằng năm là ngày thành lập Trung đoàn. Cán bộ chiến sĩ, công nhân viên Đoàn KQ Sao Đỏ họp mặt thăm hỏi, cùng nhau ôn lại những ngày chiến đấu gian khổ trước đây.

Dù đã được phong quân hàm Thiếu tướng, Phạm Ngọc Lan vẫn phong độ, sôi nổi như thời phi công tiêm kích. Ông trải qua nhiều cương vị công tác: Đoàn trưởng Đoàn KQ Sao Đỏ, Q. Cục trưởng Cục Quân huấn Quân chủng Phòng không không quân, Phó cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Tổng tham mưu. Gợi nhớ những ngày chiến đấu cũ, ông ngậm ngùi: “Nhớ và biết ơn các anh em trên không, mặt đất đã hy sinh vì thắng lợi của Trung đoàn. Đọ cánh với KQ Mỹ quả thật vất vả, gian khổ. Lăn lộn gần hết cuộc đời, tới nay tôi mới được rảnh rang vui vầy với gia đình, với cỏ cây, hoa lá, thăm hỏi đồng đội”

Trần Kỳ
.
.