Hướng tới kỷ niệm 35 năm ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2010)

Người được phong Anh hùng đầu tiên ở rừng Sác

Thứ Hai, 05/04/2010, 09:49
Trong cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù, những người lính đặc công rừng Sác luôn là người chiến thắng. Những trận đánh, những con người rừng Sác đã viết nên nhiều kỳ tích như huyền thoại. Vì vậy, hơn 30 năm qua, nhiều hãng thông tấn lớn trong và ngoài nước, nhiều nhà quân sự, lịch sử…vẫn thường đề cập đến những chiến công ở rừng Sác - một yết hầu quân sự để đánh vào Sài Gòn.

Đúng 35 năm mừng ngày Đất nước giải phóng, chúng tôi may mắn được gặp người lính đặc công được phong tặng Anh hung đầu tiên ở rừng Sác. Chính anh đã đánh những trận “xuất quỷ nhập thần” làm đảo điên, tan hoang địch trên sông Nhà Bè.

"Cuộc chiến đấu kỳ lạ trong cuộc chiến tranh kỳ lạ"

Sinh ra và lớn lên ở vùng cát trắng Quảng Bình, vừa bước sang tuổi 20, Trịnh Xuân Bảng, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch viết đơn tình nguyện lên đường đánh giặc cứu nước. Sau 3 tháng huấn luyện, anh được phân công về đơn vị bộ binh thuộc đơn vị 365 Tỉnh đội Quảng Bình. Sau nhiều ngày tập luyện, Trịnh Xuân Bảng được chọn bổ sung vào lực lượng Hải quân. Sau đó, Bảng lại được chọn vào đơn vị đặc biệt đặc công nước. Lúc này cả đơn vị anh không ai biết nhiệm vụ sắp tới của mình là gì, chỉ biết suốt ngày đêm luyện tập với đủ các bài, các tình huống; khi ngâm mình suốt ngày đêm dưới bùn đen, khi nhào lặn sâu trong nước đến mức chảy cả máu mồm, máu mũi, có lúc lại ép mình vào cành cây suốt hàng chục tiếng đồng hồ.

Anh hùng Trịnh Xuân Bảng bên vợ đang kể về những ngày tháng ở rừng Sác.

Năm 1966, đơn vị đặc công nước của Trịnh Xuân Bảng nhận lệnh vào Nam chiến đấu. Suốt 9 tháng trời ròng rã đi bộ dọc Trường Sơn, đơn vị Trịnh Xuân Bảng vào đến Đồng Nai, biên chế vào Trung đoàn 10, Quân đoàn 7 đóng quân ở rừng Sác. Đặc khu Rừng Sác là yết hầu của Sài Gòn. Nếu bên nào chiếm được rừng Sác, thì đối phương xét về trên ba bình diện quân sự, chính trị, kinh tế sẽ bị suy sụp và chịu ảnh hưởng trầm trọng bởi huyết lộ này. Rừng Sác là một bãi sình lầy mênh mông với đủ loại cây như sú, vẹt, đước, mắm... Mùa mưa, rừng Sác trở thành một hồ nước lớn mênh mông, mùa khô nơi đây lại hạn hán đất đai nứt nẻ, thiếu nước trầm trọng. Muốn bám trụ được ở đây, đòi hỏi người lính phải có ý chí và thần kinh thép.

Nếu nói địa đạo Củ Chi là "căn cứ chìm" thì rừng Sác là "căn cứ nổi". Trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của một chiến khu trên mặt nước, lại ở vị trí "sân sau" quân thù, để đảm bảo sự tồn tại và tiến công được, lực lượng Đặc khu Rừng Sác phải xây dựng theo hướng đặc công hóa toàn bộ về tổ chức và hoạt động. Sự tồn tại của lực lượng đặc công ở một chiến khu trên mặt nước đã buộc Westmoreland phải thừa nhận: những người lính Mỹ ở đây đã gặp phải "một cuộc chiến đấu kỳ lạ trong một cuộc chiến tranh kỳ lạ".

"Xuất quỷ nhập thần" trong lòng địch

Sau Tết Mậu Thân 1968, địch tập trung vây ráp, phong tỏa, chốt chặn tất cả mọi con đường tiếp tế, nhằm đẩy quân chủ lực ra khỏi vành đai Sài Gòn. Trung đoàn Rừng Sác gần như bị cô lập hàng tháng trời với các đơn vị bạn và người dân. "Thiếu lương thực, còn nước ngọt hằng ngày anh em phải chia nhau từng ly nhỏ, cơn khát quăng quật hằng ngày, hằng giờ. Phải chiến đấu thôi…", nhấp ly rượu đế, Trịnh Xuân Bảng tiếp chuyện. Chỉ huy trưởng kiêm chính ủy của Đặc khu Lương Văn Nho tức Hai Nhã đề ra nhiệm vụ: tập trung "chặn cổ" sông Lòng Tàu, đồng thời đánh các quân cảng, kho tàng, góp phần đánh vào "thủ đô" địch, phát triển chiến tranh nhân dân tại chỗ, giữ căn cứ, bàn đạp, đảm bảo hành lang vận chuyển.

Nhiệm vụ là vậy, song lúc này cả đơn vị chỉ còn một quả đạn B40, vài băng đạn AK thì ăn nhằm gì so với hỏa lực của địch. Gần 3 tháng trời, cả rừng Sác yên ắng đến kỳ lạ, không một tiếng súng nổ, anh em đặc công đều tập luyện chờ ngày phá vỡ vòng vây quần nhau với địch. Đáng lo nhất là nhân dân 10 xã quanh rừng Sác có người đã dao động, khi bọn chiêu hồi ngày nào cũng lu loa là "Việt cộng đã bị tiêu diệt hết ở rừng Sác".

Một buổi tối, anh em đang tập luyện thì đồng chí Hai Nhã và Trung đoàn trưởng Trần Bá Uớc xuống đại đội đặc công yêu cầu: Phải vào căn cứ địch ở Nhà Bè gây ra vụ nổ lớn để lấy lại niềm tin cho người dân, đồng thời để cảnh cáo địch.

Nhận lệnh của cấp trên, cả đơn vị của Trịnh Xuân Bảng lại phải trằn trọc suy nghĩ vì biết kiếm đâu ra chất nổ. Khi cả đơn vị đang suy tính thì Trịnh Xuân Bảng xung phong nhận nhiệm vụ. Ngày hôm sau, Trịnh Xuân Bảng cùng một số đồng đội đào lấy một quả bom chưa nổ. Sau đó anh tháo hạt nổ, cài mìn hẹn giờ, sau đó Bảng chọn thêm 2 đồng đội là Trần Dần (quê Hà Tĩnh) và Nguyễn Chất Xê (quê Thái Bình) lên đường. Trước khi đi, đồng đội đã nắm chặt tay các anh thật lâu.

Trịnh Xuân Bảng báo cáo với thủ trưởng: "Chắc chắn chúng em sẽ kích nổ được quả bom, song về chắc không kịp", thủ trưởng Hai Nhã quay mặt đi giấu nước mắt. Ba chiến sĩ đặc công dùng tay đẩy quả bom nổi lờ mờ trên mặt nước, các anh buộc phải bơi đứng. Mỗi khi gặp tàu tuần tiễu của địch, tất cả lại phải nín thở chìm dưới mặt nước. Đến 3h sáng, Trịnh Xuân Bảng và đồng đội đã đưa được quả bom tiếp cận chiếc tàu chở 1,5 vạn tấn vũ khí của địch ở Nhà Bè.

Hàng chục lần các anh cài bom rồi lại phải rút ra vì hàng chục tàu bảo vệ của địch cứ lượn lờ xung quanh. "Nếu địch phát hiện, không những mình chết, bom không nổ mà cũng để lại tâm trạng không tốt cho đồng đội ở nhà", Trịnh Xuân Bảng bảo vậy. Sau hơn tiếng đồng hồ, đặt được quả bom vào vị trí, Bảng và đồng đội rút lui. Khi các anh đang hụp lặn trên mặt sông để về đơn vị, thì nghe tiếng nổ vang trời trên sông Nhà Bè. Hơn một tuần lặn lội trên sông, Trịnh Xuân Bảng và đồng đội về tới đơn vị, khi đơn vị tưởng các anh đã hy sinh nên chuẩn bị làm lễ truy điệu trong rừng Sác.

Sau vụ nổ trên sông Nhà Bè, Trịnh Xuân Bảng còn đánh hàng trăm trận "xuất quỷ nhập thần" trong lòng địch. Năm 1969, Trịnh Xuân Bảng là đặc công ở rừng Sác đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Trịnh Xuân Bảng bám trụ ở rừng Sác cho đến ngày Sài Gòn hoàn toàn giải phóng.

Trở về sau hơn 100 trận đánh

Năm 1987, Trịnh Xuân Bảng về hưu với quân hàm Trung tá. Hằng ngày người dân vùng cát Quảng Hưng vẫn thấy cựu binh Trịnh Xuân Bảng cần mẫn cùng vợ trồng nhiều hécta cây rừng để ngăn sóng, chắn cát. "Khi chiến tranh thì cầm súng, giờ hoà bình thì cầm cuốc" người lính rừng Sác bảo vậy.

Cuối năm 2008, nhân dịp vào thăm và chúc Tết nhân dân Quảng Bình, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã vào thăm gia đình Trịnh Xuân Bảng. Hơn một giờ đồng hồ được ngồi tâm sự với Chủ tịch trong căn nhà ấm cúng của mình, có lẽ đó là phần thưởng vinh dự nhất đối với người Anh hùng rừng Sác. Giờ đây mỗi lần nói về cuộc đời mình, về những ngày chiến đấu ở miền Nam thống nhất Tổ quốc, Trịnh Xuân Bảng thường bảo: "Tôi nghĩ tất cả những người lính từng chiến đấu quật cường để đất nước có ngày hôm nay đều xứng đáng được gọi là anh hùng"

Dương Sông Lam
.
.