Người cảnh sát cứu hộ dũng cảm cứu dân
- Nhiều chiến sĩ Công an bỏ nhà trong lũ cùng đồng đội cứu dân
- Những người lính cứu hỏa quên mình cứu dân trong vụ cháy chung cư Carina Plaza
- Xúc động những hình ảnh cứu dân trong lũ dữ
- Quên mình cứu dân
Người đã cùng đồng đội không ngại hiểm nguy xông pha vào nơi nguy hiểm cứu người đó là Đại úy Vũ Văn Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh Lai Châu. Anh cũng là người chỉ huy trực tiếp của lực lượng cứu nạn cứu hộ giúp dân ở bản Sáng Tùng, huyện Sìn Hồ trong cơn lũ lịch sử vừa qua.
Chúng tôi gặp Đại úy Vũ Văn Hùng ở bản Sáng Tùng khi anh đang chỉ huy lực lượng cứu nạn cứu hộ khuân vác tài sản của nhân dân từ khu vực sạt lở ra ngoài. Quần áo còn lấm lem bùn đất từ mấy ngày nay, gương mặt mệt mỏi do nhiều đêm mất ngủ nhưng vẫn toát lên vẻ cương trực và nhiệt tình.
Anh cho biết, bà con đã bị trôi hết nhà cửa và tài sản nên đây là lúc cần lực lượng cứu hộ nhất, bởi bên trong đống đổ nát vẫn còn sót lại những vật dụng cần thiết cho cuộc sống sinh hoạt. Thế là các chiến sĩ cứu hộ không quản ngại nguy hiểm, quay vào bản Sáng Tùng, tìm địa điểm an toàn để mang vác lương thực, tài sản ra cho bà con.
Đại úy Vũ Văn Hùng đang kể lại vụ cứu nạn người lái máy xúc. |
Và trong câu chuyện với anh, thật tình cờ chúng tôi được biết, anh là người đã đu dây xuống đáy vực sâu 100m ở xã Pa Tẩn, cứu người lái máy xúc (anh Phạm Văn Sáng bị đất đá lở cuốn phăng khiến máy xúc lộn 5 vòng) từ cõi chết trở về.
Kể lại giây phút phải “cân não”, Đại úy Vũ Văn Hùng vẫn không thể quên. Khi nhận tin báo, Phòng đã cử 15 CBCS tham gia công tác CNCH cùng các thiết bị chuyên dụng đến hiện trường. 21h ngày 26-7-2018, nhóm cứu hộ tiếp cận điểm sạt lở, dùng đèn chiếu sáng công suất cao trên xe CNCH để chiếu sáng và phát hiện nạn nhân đang nằm bất động trên một tảng đá ở dưới vực sâu.
Ngay lập tức hai chiến sỹ được thắt đai an toàn và dây cứu nạn, cầm dao, vừa đu dây xuống vừa phát cây mở lối để đưa nạn nhân lên. Đại uý Vũ Văn Hùng đã trực tiếp cùng đồng đội ròng dây xuống đáy vực tiếp cận nạn nhân. Anh Sáng lúc này bị vết thương sâu ở đầu, bụng, mất máu và bị nhiễm lạnh trên 5 tiếng nên không còn khả năng vận động, huyết áp tụt sâu.
Anh Hùng bố trí một chiến sĩ áp người vào sát nạn nhân đang nằm trên vách đá dưới vực sâu 100m, từ vị trí nạn nhân nằm xuống đáy vực còn 20m nữa nên phải khéo léo áp người vào nạn nhân, đồng thời anh và một chiến sĩ thắt đai cõng nạn nhân trên lưng để đồng đội bên trên kéo dây đưa lên. “Nếu không có các đồng chí Cảnh sát cứu hộ, mạng tôi đã không còn”- kể lại giây phút thoát chết ngoạn mục với phóng viên, anh Sáng cảm động nói.
Tốt nghiệp Đại học PCCC, năm 2005 anh Hùng về nhận công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Lai Châu. Ham học hỏi, đam mê với công việc, sẵn sàng nhận nhiệm vụ gian khó, anh đã dần trưởng thành trong môi trường thực tiễn.
Với địa hình rừng núi hiểm trở như Lai Châu, ngoài kiến thức cứu hộ cứu nạn học ở trường, Đại úy Vũ Văn Hùng nhanh chóng nắm bắt kinh nghiệm cứu hộ qua mỗi lần thực tiễn. Chính vì thế mà anh có giác quan nhạy bén trong công tác CNCH. Nhớ lại chuyện anh Hùng cùng đồng đội cứu nhóm thám hiểm bị rơi xuống khe núi trong cánh rừng đại ngàn mà đồng đội của anh, người dân Lai Châu vẫn còn thót tim.
20h30' ngày 9-1-2016, Công an tỉnh Lai Châu nhận được tin báo, tại hang Cống Nước, bản Chu Xái Phìn, xã Lả Nhì Thắng, huyện Phong Thổ có một đoàn thám hiểm hang động gặp nạn. Anh Tạ Nam Long (ở Hà Nội) trong quá trình thám hiểm xuống hang đá có độ sâu 600m, quên khóa chốt an toàn nên bị tụt dây bảo hiểm và rơi xuống miệng hang có độ sâu 40m.
Cú rơi khiến nạn nhân bị gãy xương đùi, chấn thương cột sống, cổ chân phải bị trật khớp, xây xát nhiều vị trí và bị mắc kẹt nhiều giờ trong hang. Do thám hiểm không được cấp phép nên đoàn gồm 6 người đã tự tổ chức cứu mà không báo cho cơ quan chức năng. Sau 24h nạn nhân không có khả năng vận động nên mới báo. Sau khi nhận được sự chỉ đạo của Đại tá Bùi Gia Lượt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, anh và 15 CBCS đã lên đường tới hiện trường.
Tới hiện trường, sau khi quan sát và nắm bắt tình huống cụ thể, nhìn hiện trường rừng núi và xem xét kỹ lưỡng hang động, Đại úy Vũ Văn Hùng khi ấy là Đội trưởng Đội Chữa cháy và CNCH đã cùng anh em tính toán phương án cứu hộ một cách chi tiết. Loại bỏ tất cả nguy hiểm cũng như dự phòng bất trắc phát sinh trong quá trình cứu hộ, lực lượng cứu hộ đã triển khai 2 đường dây cứu nạn bằng cách dùng tấm lót vào vách đá bảo vệ dây vì vách đá tai mèo rất sắc, có thể cưa đứt dây.
Vì cửa hang hẹp, lại sâu, đá sắc nên quá trình xuống hang không tránh khỏi va đập, nhưng quên cả đau đớn, hiểm nguy, anh và đồng đội cố gắng tiếp cận nạn nhân một cách nhanh nhất. Nạn nhân lúc này rất yếu, nên việc đầu tiên anh phải trấn an tâm lý cho nạn nhân, dùng nẹp cố định đùi nạn nhân. Sau đó dùng cáng cứng cố định, dùng dây cứu nạn cứu hộ chuyên dụng, kết hợp thiết bị kéo trượt để kéo nạn nhân lên cửa hang. Từ lúc tiếp nhận tin đến khi đưa nạn nhân an toàn ra ngoài là 14 tiếng.
Còn rất nhiều câu chuyện CNCH của Đại úy Vũ Văn Hùng mà trong khuôn khổ của một bài báo chúng tôi không thể kể hết. Nhưng những vất vả, sự hy sinh quên mình vì nhiệm vụ của anh mãi là hình ảnh đẹp trong lòng người dân. Chính vì thành tích xuất sắc đó mà Đại úy Vũ Văn Hùng hai lần được Chủ tịch nước tặng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì và hạng Ba. Nhiều năm liền anh đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua, được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu và nhiều giấy khen, phần thưởng cao quý khác.