“Ngân hàng máu sống” - Hình ảnh đẹp về người chiến sĩ CAND

Thứ Sáu, 05/06/2020, 07:41
Với tinh thần “mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, nhiều năm qua, chuyện về “ngân hàng máu sống” ở Tiểu đoàn Cảnh sát Cơ động, Công an tỉnh Đắk Lắk đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn, bởi đây là một “ngân hàng” không vay, không lãi, chỉ biết cho đi, không yêu cầu nhận lại, là nơi hội tụ của những trái tim có chung nhịp đập yêu thương…

4h30 ngày 28-4, điện thoại của Trung tá Nguyễn Công An, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) - Phòng CSCĐ Công an tỉnh Đắk Lắk liên tiếp đổ chuông. Bên kia đầu dây, một giọng nữ gấp gáp: “Có phải đồng chí An, công tác tại Công an tỉnh không ạ?”. Chưa kịp trả lời, giọng nữ này tiếp: “Bố của em vừa mổ xong đang trong tình trạng nguy kịch và đang rất cần tiểu cầu thuộc nhóm máu O mà trong bệnh viện lại hết nhóm máu này. Anh có thể giúp em được không ạ?”.

Các thành viên trong Câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống” ở Tiểu đoàn CSCĐ.

Biết người nhà bệnh nhân đang rất cần đến mình, Trung tá An chỉ kịp hỏi sơ qua địa chỉ, tình trạng của bệnh nhân và chỉ trong vòng hơn 10 phút, hơn 30 cán bộ, chiến sỹ của đơn vị đã lập tức có mặt để sẵn sàng đến bệnh viện tiếp máu. Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bác sỹ cho biết, vào đêm 27-4, bệnh nhân Nguyễn Danh Lập (54 tuổi, trú tại xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) được người nhà chuyển vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Qua thăm khám, bác sỹ chẩn đoán ông bị viêm tụy nặng và tắc đường ruột nên phải mổ gấp, không sẽ an nguy đến tính mạng.

“Tuy nhiên, sau khi mổ, ông Lập bị thiếu trầm trọng tiểu cầu thuộc nhóm máu O và tại thời điểm đó, trong ngân hàng máu của bệnh viện không còn tiểu cầu của nhóm máu O để truyền cho bệnh nhân. Ngay lập tức, hơn 30 cán bộ, chiến sỹ của đơn vị được đưa đi xét nghiệm nhóm máu, trong số này có Trung sỹ Trần Nam Cường (21 tuổi) có tiểu cầu thuộc nhóm máu O và đủ điều kiện để tiếp máu. Chính sự hỗ trợ kịp thời này mà bệnh nhân Lập đã cứu sống, qua cơn nguy kịch”, Trung tá An nhớ lại.

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Phương (người nhà bệnh nhân Lập) nhớ lại: “Vào thời điểm đó, gia đình tôi có hàng chục người đến xét nghiệm máu nhưng không ai đủ tiêu chuẩn để hiến máu khiến gia đình vô cùng lo lắng. Khi được các bác sỹ tại bệnh viện cho biết, ở Tiểu đoàn CSCĐ có rất nhiều cán bộ, chiến sỹ từng tham gia hiến máu cứu người trong trường hợp khẩn cấp nên tôi đã kêu cứu. Rất may là trong thời điểm bố tôi lâm vào cảnh “thập tử nhất sinh” lại được các cán bộ, chiến sỹ Công an kịp thời cho những giọt máu vô giá. Nhờ đó, bố tôi đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần”.

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp được cán bộ, chiến sỹ của Tiểu đoàn CSCĐ Công an tỉnh Đắk Lắk kịp thời hiến máu giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch trong những năm qua. Theo Trung tá An, thực tế cho thấy, việc cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân tại các cơ sở y tế đôi khi gặp nhiều khó khăn vì nguồn dự trữ máu của bệnh viện không phải lúc nào cũng có, cũng đủ, đặc biệt là các nhóm máu hiếm.

“Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, vào năm 2010, được sự đồng ý của Ban Giám đốc Công an tỉnh, “Ngân hàng máu sống” của đơn vị được thành lập với ban đầu chỉ có vài chục thành viên tham gia. Đến nay, hầu như tất cả anh em trong đơn vị đều tham gia. Có những người chỉ mới hiến 1 đến 2 lần nhưng cũng có người đã hơn 30 lần hiến máu cứu người, trong đó có nhiều trường hợp hiến máu hiếm kịp thời cứu sống bệnh nhân trong cơn “thập tử nhất sinh”, Trung tá An nói.

Là một trong những thành viên tích cực tham gia Câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống” của đơn vị, Thượng uý Nguyễn Thành Công (công tác tại Trung đội Cảnh sát đặc nhiệm, Tiểu đoàn CSCĐ - Phòng CSCĐ Công an tỉnh Đắk Lắk) đã hơn 30 lần tham gia hiến máu, chia sẻ: “Khi biết bệnh nhân cần máu để duy trì sự sống, là một chiến sỹ CAND, bản thân mình phải có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Không chỉ riêng bản thân mình, trong những năm qua, các thành viên trong Câu lạc bộ của đơn vị đều nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người và cảm thấy những giọt máu cho đi càng trở nên ý nghĩa hơn. Tham gia hiến máu không chỉ góp phần tăng cường lượng máu cho công tác khám chữa bệnh mà còn là hành động nhân văn, có ý nghĩa của mỗi cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng”.

Đánh giá về những hoạt động trong công tác hiến máu tình nguyện của cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn CSCĐ Công an tỉnh, ông Nguyễn Đức Phú, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo hiến máu tỉnh Đắk Lắk cho biết, Câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống” ở đơn vị này được xem là một trông những Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả nhất, có sự huy động thành viên nhanh nhất, kịp thời nhất trên địa bàn tỉnh.

“Trong những năm qua, việc hiến máu đột xuất cũng như việc hiến máu theo định kỳ đã đưa tổng đơn vị máu ở Tiểu đoàn CSCĐ Công an tỉnh vượt nhiều lần so với chỉ tiêu Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện giao hàng năm. Có thể nói những việc làm bình dị, thầm lặng nhưng cao quý của cán bộ, chiến sỹ trong Câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống” không những cứu giúp được nhiều người mà còn nhân lên hình ảnh đẹp về người chiến sỹ CAND tận tuỵ, vì nhân dân phục vụ”, ông Phú đánh giá.

Bác sỹ Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết thêm, trong những năm qua, Câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống” ở Tiểu đoàn CSCĐ là một trong những đơn vị đóng góp rất tích cực cho nguồn máu cứu chữa bệnh nhân của bệnh viện. “Bất kể thời điểm nào, từ những ngày lễ, Tết đến đêm khuya mưa gió, khi bệnh nhân cần nguồn máu thì các cán bộ, chiến sỹ ở đây luôn sẵn sàng có mặt để truyền máu cho bệnh nhân. Chính nhờ đó, đã có rất nhiều bệnh nhân được cứu sống trong cơn “thập tử nhất sinh”.

Với tình trạng thiếu máu cứu người chung của các bệnh viện, nhất là các bệnh viện vùng sâu, vùng xa thì hoạt động của Câu lạc bộ này càng có ý nghĩa hơn, thiết thực hơn, góp phần to lớn giúp chúng tôi có thể cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân khi đến bệnh viện cấp cứu và điều trị”, bác sỹ Phong nhấn mạnh.

Văn Thành
.
.