Một người lính hồ sơ tận tụy

Thứ Ba, 09/06/2009, 16:19
Trung tá Hoàng Mạnh Hùng, cán bộ Phòng 3, Cục Hồ sơ Cảnh sát say sưa kể cho tôi nghe về chuyện truy tìm một đối tượng trên "tàng thư can phạm" mà anh vừa phát hiện được.

Hôm ấy (12/5), một cán bộ điều tra Công an quận Bình Tân, TP HCM điện thoại cho biết vừa bắt được một đối tượng phạm tội. Nhưng hắn ta chỉ khai tên là Nguyễn Văn Sĩ, 35 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Tháp, ngoài ra không khai thêm bất cứ điều gì. Sự "gan lì" của đối tượng này đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, cán bộ điều tra "nhờ" anh Hùng tra cứu giùm trên tàng thư căn cước xem hắn là ai.

Không chần chừ, anh Hùng tra cứu ngay. Nhưng trên hệ thống tàng thư, ở tỉnh Đồng Tháp có rất nhiều đối tượng tên là Sĩ. Để có thêm dữ liệu xác định chính xác về đối tượng này, anh Hùng tiếp tục thông tin trở lại cho cán bộ điều tra Công an quận Bình Tân.

Cán bộ này cho biết, đã thu được tấm CMND mang tên Sĩ do Công an tỉnh Đồng Tháp cung cấp. Vật ấy được chuyển ngay ra Hà Nội cho anh Hùng. Với kinh nghiệm tích lũy được trong nhiều năm công tác, chỉ bằng mắt thường, anh đã có thể xác định được dấu vân tay ấy giống với vân tay của một đối tượng tên Sĩ đang bị Công an tỉnh Bến Tre truy nã.

Quả nhiên, qua đối chiếu với tàng thư can phạm, anh Hùng đã xác định chính xác đối tượng kia là Nguyễn Văn Sĩ đã 3 lần thay tên đổi họ. Hắn từng phạm tội cướp giật ở TP HCM, bị Công an quận 6 bắt. Hiện hắn đang bị Công an tỉnh Bến Tre truy nã. Sau khi gây án trộm cắp tài sản tại xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, hắn bỏ trốn. Có lai lịch chính xác về một đối tượng phạm tội, anh Hùng đã mau chóng gửi tới Công an quận Bình Tân để có hướng xử lý sớm nhất.

Với mỗi yêu cầu tra cứu từ các đơn vị nghiệp vụ gửi tới, Trung tá Hùng luôn trăn trở, tìm mọi cách để đáp ứng kịp thời. Bất kể giờ giấc, dù là ngày hay đêm, ngày lễ tết, anh không thể yên lòng khi còn một đối tượng chưa được làm rõ. Còn nhớ, cách đây 2 năm, hôm ấy là ngày nghỉ, Công an phường Trung Tự, quận Đống Đa (Hà Nội) tạm giữ một đối tượng. Để làm rõ hắn là ai và đã có "tì vết" gì chưa thì phải nhờ đến khâu tra cứu tàng thư can phạm. Dẫu là ngày nghỉ nhưng anh Hùng vẫn vui vẻ tới cơ quan.

Qua tra cứu tàng thư, anh Hùng phát hiện đối tượng này đang bị truy nã về tội cướp. Hắn gây án ở thành phố Hồ Chí Minh và trốn ra Hà Nội. Biết tin, các cán bộ Công an thành phố Hồ Chí Minh tức tốc ra Hà Nội dẫn giải đối tượng truy nã về xử lý.

Đã có hơn 30 năm công tác trong nghề, cho tới bây giờ, Trung tá Hoàng Mạnh Hùng không thể nhớ hết mình đã tìm chính xác được bao nhiêu đối tượng, phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử. Một công việc hết sức âm thầm lặng lẽ nhưng không kém phần quyết liệt trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.

Những chiến sĩ Công an ấy, là những người luôn lặng lẽ phía sau những chiến công. "Cứ ngày mỗi ngày triền miên như vậy có đơn điệu không?" - tôi hỏi anh. "Không, tôi rất yêu nghề này" - anh Hùng cười thoải mái. Anh bảo rằng, nghề của anh là những công việc rất phức tạp, cần cặn kẽ tỉ mỉ, khách quan và chính xác, ai đó không có những yếu tố ấy thì chẳng thể trụ được.

Anh Hùng tâm sự, trong quá trình làm việc nó cuốn hút cả tâm trí mình, áp lực công việc cũng lớn lắm, mỗi khi yêu cầu đến dồn dập là phải thức trắng đêm, quên cả việc gia đình để đáp ứng trong thời gian nhanh nhất.

Đã có tới 30 năm làm nghề tra cứu tàng thư can phạm, đó cũng là chuyên môn mà anh đã từng tu nghiệp 5 năm (1984-1989) tại Tiệp Khắc (cũ) về chuyên ngành giám định, nhận dạng vân tay. Say mê khoa học, tận tâm với nghề, với những thành tích đã đạt được, Trung tá Hoàng Mạnh Hùng đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất, 2 Bằng khen của Bộ Công an

PV
.
.