Thiếu tướng Phan Văn Minh, Anh hùng LLVTND, nguyễn Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long

Một đời dũng cảm, thủy chung

Thứ Sáu, 18/12/2009, 08:44
Trong mọi tình huống gian khó, hiểm nguy, người chiến sĩ ấy luôn thể hiện tấm lòng tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, tranh thủ sự che chở, giúp đỡ quý báu của nhân dân để xông lên phía trước. Chiến công của Tứ Hải (tên mà đồng đội và nhân dân quen dùng đối với ông - PV), đã góp phần làm chói lọi hình ảnh người chiến sĩ CAND trong đấu tranh chống Mỹ cứu nước, cũng như bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân…

Gian lao mà anh dũng

Thiếu tướng Phan Văn Minh kể, ông là con trai lớn trong gia đình nghèo ở vùng quê An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc Đồng Tháp. Đầu năm 1960, ông tham gia lực lượng du kích, hoạt động bí mật tại xã. "Thấy tôi nhỏ người, hiền từ nên ông Bí thư Chi bộ An Nhơn khuyên tôi làm công việc của y tá vì nghĩ đến tình huống "anh du kích nhí" có bề gì thì sẽ khó "ăn nói" với "anh Ba" - tức ba tôi. Nói thế nhưng chẳng lâu sau, tôi được chọn theo về Ban An ninh huyện, ra đời ngày 15/5/1961, tức sau 20 ngày kể từ khi Ban An ninh tỉnh Vĩnh Long được thành lập. Ông Bí thư Chi bộ nói vui, ngầm động viên tôi: Làm lính cho ông Hai Hùng ngon lắm đó. Ông có súng thiệt đó!".

Ngày 5/7/1961, ông chính thức thoát ly gia đình, tham gia Cách mạng với nhiệm vụ được giao là bảo vệ Trại giam của Ban An ninh huyện.

Đó cũng là những ngày tháng mà ông không thể quên: "Trại được làm bằng cây lá sơ sài trên cụm vườn hoang có rất nhiều cây trâm bầu của ông Sáu Nguy nằm cạnh rạch Bà Khạo, xã An Khánh, huyện Châu Thành. Quanh trại, anh em cho cắm chông tre, chông hầm, dựng rào chiến đấu, đào hầm, công sự bảo vệ trại. Đội bảo vệ chỉ có tôi, anh Bảy, Út Chiến, Tư Trắng, Mười Ba, sau đó bổ sung thêm anh Long và Hai Nhỏ trong khi đối tượng bị giam giữ có lúc lên tới 30 tên. Chúng tôi gác cả ngày đêm, canh giữ chặt từng tên rồi trực tiếp tìm hái từng cọng rau vườn, quơ củi, giăng câu, tát mương, đìa kiếm cá, vào dân xin gạo, từng cây kim, sợi chỉ… lo cho từng bữa ăn, đời sống của phạm nhân. Quan điểm của mình bấy giờ cũng đã là lấy chính nghĩa để giáo dục, cảm hóa và thuyết phục".

Thiếu tướng Phan Văn Minh vẫn thường xuyên thăm hỏi đồng đội từng vào sinh ra tử.

Cuối năm 1963, ông được rút về làm Đội phó bảo vệ Trại giam tỉnh nhưng cũng chỉ là những căn nhà lá đơn sơ như ở huyện. Phạm nhân của Trại tỉnh đông và thuộc loại "có máu mặt" hơn như tình báo, gián điệp, chỉ điểm nguy hiểm. Công việc của anh em bảo vệ quá nặng nề, vất vả. Và cho tới lúc này, ông mới được chính thức sờ và lần lượt cầm trong tay những khẩu súng như trường bá đỏ, K50, sicmacsin... chớ trước đó ở Trại huyện, mấy cây súng tự tạo cốt để răn đe phạm chứ không bắn được.

Về những ngày tháng gian lao khi làm chiến sĩ bảo vệ trại giam, ông nhớ như in sự kiện ngày 20/8/1965, khi Trại tỉnh vừa dời về xã Phú Long được khoảng 2 tuần. Sáng sớm đó, Trại nhận được tin địch đổ quân ở trong ngọn Phú Long, đang chia thành nhiều mũi, trên đường càn về hướng trại. Trên sông - phía ngã ba Phú Long, tiếng tàu sắt của địch từ hướng chợ Nha Mân chạy vào mỗi lúc một gần. Trên không, hai chiếc máy bay trinh sát (loại L19) và 6 chiếc trực thăng chiến đấu quần thảo gần sát ngọn cây. Các cánh quân di chuyển ngày càng một gần. Ông vào vị trí chiến đấu mang theo mệnh lệnh của Trưởng trại: "Đội phải dũng cảm, xử lý hết sức khôn khéo, quyết không để địch giải thoát bất cứ tên phạm nào".

Ông kể: "Tôi đang nín thở ém mình trong bụi cây rậm, giữ hàng chục phạm nhân thì bỗng nghe tiếng lào xào, rột rẹt của lá cây. Nhìn kỹ thì thấy cách đó chừng 2m có hai tên địch đang lăm lăm khẩu carbine, nhưng do lo bị đạp phải chông, lựu đạn nên nó chỉ xuống chân mà chẳng hề thấy tôi".

Đoàng, đoàng - hai phát súng vang lên, hai tên địch loạng choạng rồi đổ sụp tại chỗ. Bọn địch lúc này căng hàng ngang bò vào và xả đạn, pháo như mưa về hướng "Việt cộng". Cuộc chiến đấu quyết liệt sau đó khiến Trưởng trại và một cán bộ bị trọng thương. Bốn người lành lặn vừa ém mình bò dưới hỏa lực địch, vừa quyết tâm giành lại sự sống cho đồng chí mình. Cuộc vượt sông Phú Long hôm đó tưởng chừng không thành nhưng nhờ kinh nghiệm của những ngày ở Trại huyện, ông cùng đồng đội bình tĩnh ém mình dưới từng gốc lúa, bụi cỏ, không để sức gió ào ào từ cánh quạt của trực thăng quật xoáy tung ra. Đến chiều tối hôm đó, tất cả trở về địa điểm an toàn.

Vào sinh ra tử với bao nhiêu trận ác liệt nên Tứ Hải luôn biết quý trọng và tranh thủ sự chở che, đùm bọc của nhân dân. "Không bám trụ được trong lòng dân, không tìm được nơi đào hầm bí mật thì khó có thể đạt được mục đích tổ chức phân công".

Nhớ lần ông cùng một cán bộ trinh sát vũ trang tìm tới và được ông Tư Thới cho đào hầm bí mật. Hai anh em chọn vị trí làm hầm là một gốc cây có bộ rễ chằng chịt ở ngoài vườn. Việc đào khá vất vả nhưng cái hầm cũng tạm hoàn tất vào lúc 4h sáng hôm đó rồi ở lại luôn dưới hầm. Nước mới đầu chỉ lấp xấp nhưng tới trưa, dâng tới ngực… Mỗi tối chui lên để đi nắm tình hình, gầy dựng cơ sở, mình mẩy hai chúng tôi toàn bùn sình, ướt đẫm lạnh run. Bà Tư thấy vậy thương quá, muốn cho dời hầm vô nhà nhưng ông Tư thì lại ngại tụi cảnh sát dã chiến luôn hoài nghi, lùng sục.

Ông "đo" lòng chiến sĩ: "Chiến tranh ác liệt, mấy chú không chịu đựng nổi, đầu hàng giặc thì cả nhà tôi chết hết". Tứ Hải thở phào và cảm nhận được tấm lòng của ông Tư: "Chúng tôi là chiến sĩ An ninh luôn tâm niệm lời thề trung thành tuyệt đối với Cách mạng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh chứ không bao giờ có chuyện đầu hàng giặc. Vì những công việc Cách mạng đang rất cần, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, chúng tôi chấp nhận gian lao, thử thách và cả việc hy sinh".

Ông Tư cảm thấy yên lòng khi hiểu được trái tim của các chiến sĩ Cách mạng, sau đó cùng bà Tư canh gác cho việc đào hầm. Nhờ có căn hầm an toàn trong lòng dân, Tứ Hải và đồng đội gặp nhiều thuận lợi hơn, sớm đạt được mục tiêu, tiêu diệt được X - tên tình báo tiểu khu Vĩnh Long, khét tiếng ác ôn, suốt ngày lo lùng sục chỉ điểm bắt, giết nhiều cán bộ của ta, phá nát nhiều cơ sở tuyến hành lang cửa ngõ vào thị xã… vào một ngày đầu năm 1969.

Chiến tranh càng lúc càng khốc liệt và nhiệm vụ mà Tứ Hải được phân công càng lúc càng nặng nề. Có lúc, niềm tin của cấp trên, của đồng đội đặt trọn vào ông. Ông kể cho tôi nghe trận tấn công vào Chi khu Bình Minh. Trước giờ xông trận, Trưởng ban An ninh tỉnh gửi cho ông lá thư, trong đó có đoạn: "Dầu phải hy sinh cũng không do dự…".

Chiều 5/4/1972, sau khi tránh được trận mưa pháo đạn ác liệt của địch, anh em mỗi người ăn vội chén cơm vừa sống, vừa khét chan nước mắm rồi hối hả vượt lộ 4 (nay là QL1A) vào vị trí chờ giờ G. Tứ Hải kể lại tâm trạng của ông và đồng đội lúc đó rằng: "Là chiến sĩ Cách mạng, được tham gia đánh giặc, lại được tham gia đánh lớn, đối tượng tiêu diệt là bọn cảnh sát ác ôn, có nhiều nợ máu với nhân dân tại vị trí được xem là phòng tuyến quan trọng án ngữ cửa ngõ vào Cần Thơ - nơi đặt Bộ Tư lệnh vùng IV chiến thuật, ai cũng vui mừng". Đội trinh sát bấy giờ chỉ có 6 anh em gồm ông, Sáu Trắng, Bé Năm (sau này là Đại tá, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long), các đồng chí Hai Cầm, Kiều (đã hy sinh 1974), Được (hy sinh 1972).

"Trước giờ G đêm rạng sáng 6/4/1972, chúng tôi phá được một lỗ hàng rào kẽm gai bò vào khu nghĩa địa ngang Chi Cảnh sát quận. Men theo bờ tường rào cỏ mọc rất rậm rạp, chúng tôi trườn tới áp sát lô cốt chỉ cách bọn cảnh sát đang ngồi nói chuyện chừng 5m. Đúng giờ G, hỏa lệnh của bộ đội đã điểm một ánh chớp sáng rực, tôi tung 2 quả lựu đạn M26 vừa rút chốt sang đám cảnh sát. Sáu Trắng chĩa súng hướng tên lính gác, siết cò. Bé Năm bò qua ném thủ pháo vào lô cốt. Tôi tiếp tục ném nhiều quả thủ pháo vào làm bọn lính không kịp trở tay. Hai Cầm phía sau đánh thúc tới, chiếm phòng máy và phá hủy máy truyền tin. Thấy tên lính gác lô cốt còn sống, cầm súng bắn trả lại, tôi dùng AK bắn yểm trợ cho Bé Năm bò qua gần hơn để tiêu diệt hắn. Xong, tất cả theo mục tiêu đã được phân công trước đó, xông vào, hoàn thành mục tiêu, trong đó tiêu diệt được nhiều tên cầm đầu mạng lưới tình báo, gián điệp và đặc biệt là tên Trưởng Chi cảnh sát ngụy Bình Minh".

Nghe ông kể thêm về ngày ông có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng thị xã Vĩnh Long, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi hỏi vì sao trong tình cảnh đầy khó khăn và hiểm nguy như thế, ông vẫn anh dũng xông lên phía trước, ông bộc bạch rằng, chính vì sống trong điều kiện gian khó, ác liệt nên có điều kiện để trui rèn nghị lực cho mình.

Cho tới bây giờ, ông không thể quên mùi vị chua, chát đến nồng nặc và tanh tưởi rất khó chịu của nước phèn, nước bùn do quá nhiều lần phải "làm quen" với nó để mà sống; không thể quên những muỗi, mồng, đỉa, vắt và những cơn sốt rét hành hạ đồng chí mình đến xanh xao, tiều tụy; đặc biệt không thể quên ánh mắt của đồng đội trước khi anh dũng ngã xuống còn gửi gắm niềm tin chiến thắng vào mình… "Nếu không chấp nhận gian khổ, phấn đấu vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ thì ai sẽ làm thay mình đây. Đảng, Ngành và nhân dân đã tin cậy giao nhiệm vụ thì mình phải thấy đó là điều vinh quang chứ".

(Còn nữa)

Thái Bình
.
.