Một cán bộ trại tạm giam Nghệ An giỏi cảm hoá người lầm lỗi

Thứ Bảy, 09/07/2005, 07:40
Khi nói đến nữ quản giáo, tôi thường hình dung đó là những cô gái có gương mặt nghiêm nghị và rất khó tiếp xúc. Song khi gặp chị, Đại úy Cao Thị Soa, cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, cảm nhận đó trong tôi tan biến, trước cách nói chuyện hài hước, có duyên và dí dỏm của chị.

Vừa tiếp chuyện chúng tôi, Đại úy Soa vừa mở những túi quà do các gia đình can phạm gửi vào cho những người thân đang bị giam giữ. Mồ hôi trên trán rịn ra nhưng chị Soa vẫn cần mẫn, mọi thứ đồ dùng được chị cẩn thận xếp ra mặt bàn theo thứ tự. Đôi bàn tay người quản giáo tỉ mỉ kiểm tra từng thứ đồ, thậm chí đến từng chiếc kẹo được gửi vào nhằm phát hiện những điều không bình thường. Bởi một điều đơn giản là các đối tượng ở bên ngoài có trăm phương ngàn kế khác nhau để thông cung.

Ngày nào cũng có hàng chục túi quà được gửi vào, những ngày lễ, ngày Tết thì số lượng còn tăng lên gấp nhiều lần. Những lúc như vậy, việc kiểm tra choán hết công việc của chị. Ngoài công tác lưu ký, chị Soa còn được giao nhiệm vụ tiếp dân, quản lý vũ khí và công cụ hỗ trợ của đơn vị. Kể về kỷ niệm trong những lần nhận lưu ký (quà tiếp tế của người thân gửi vào cho phạm nhân), chị Soa bỗng trở nên trầm tư. 

Lần đó, chị tiếp nhận đồ lưu ký do vợ của phạm nhân Nguyễn Thạc Hưng, SN 1933, can tội mua bán ma tuý bị kết án tử  hình. Những ngày đó, vợ Hưng chỉ mang đến gửi lưu ký cho chồng 200 nghìn đồng để chi tiêu trong 6 tháng. Hưng chi tiêu số tiền trên một cách dè sẻn. Ngày phải thi hành án tử hình, Hưng nói với chị Soa: "Cán bộ ạ, tưởng đang được sống thì 52 nghìn đồng còn lại, mua được tại căng tin trại 52 quả trứng vịt cho 52 ngày chờ đợi, nay không được sống nữa, nhờ cán bộ gửi lại số tiền này cho vợ tôi mua trầu cau". Khi làm thủ tục giao lại nguyên vẹn cho vợ Hưng những đồng tiền ấy, chị cảm động rơi nước mắt. Bởi chị  luôn tin rằng, trong phần ác của những con người phạm tội đó vẫn có một phần là lương tâm và mong muốn hướng thiện.

Công việc phải thường xuyên tiếp xúc với người dân, Đại úy Cao Thị Soa luôn hòa nhã, đồng thời hướng dẫn tỉ mỉ, rõ ràng các thủ tục để người dân chấp hành đúng. Qua những công việc hàng ngày, chị thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm của thân nhân gia đình can phạm để tham mưu cho chỉ huy đơn vị có hướng giúp đỡ, động viên những người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, giúp họ yên tâm cải tạo. Người cán bộ trại giam với tấm lòng nhân từ ấy đã luôn lấy tình người để cảm hóa, giúp đỡ các phạm nhân.

Ngoài công tác lưu ký, Đại úy Cao Thị Soa còn được phân công làm Chủ tịch  Hội Phụ nữ của Trại. Dù công việc bộn bề, nhưng chị luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ba năm liên tiếp, Đại úy Cao Thị Soa được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở. Hội Phụ nữ của Trại tạm giam do chị làm Chủ tịch nhiều năm liên tiếp được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng cờ thi đua xuất sắc

Xuân Mai
.
.