Tiến tới kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2010)

Một Đại đội nữ anh hùng

Thứ Sáu, 02/04/2010, 08:33

65 thiếu nữ mới mười chín đôi mươi đã xung phong gia nhập Đại đội nữ Lê Thị Hồng Gấm - Đại đội nữ đầu tiên ở miền Nam. Từ đó, cái tên Hồng Gấm đã trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù... 35 năm sau ngày giải phóng huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi (23/3/1975 và 23/3/2010) đại đội nữ Hồng Gấm đã vinh dự được đón nhận phần thưởng cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nỗi khiếp sợ của kẻ thù

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi là vùng đất đầu mối quan trọng, nơi cung ứng lương thực, thuốc men cho cách mạng ở phía Nam tỉnh Quảng Ngãi. Kẻ địch tìm đủ mọi cách đánh chiếm bằng được Đức Phổ để làm bàn đạp tấn công phong tỏa đường tiếp tế vào căn cứ quân ta ở phía Tây Quảng Ngãi, chia cắt chiến trường Khu V.

Cuối năm 1971 đầu 1972 là thời điểm chiến tranh diễn ra hết sức khốc liệt, cũng trong thời điểm này, rất nhiều cô gái tuổi đời chưa quá 20 đã hăng hái, tình nguyện xung phong ra chiến trường. Mặc dù địch ra sức tấn công, càn quét, nhưng buổi sáng ngày 22/2/1972, dưới chân dốc Ba Hầm, ranh giới giữa huyện Ba Tơ và huyện Đức Phổ, Đại đội nữ Lê Thị Hồng Gấm chính thức được thành lập. Đây là Đại đội nữ đầu tiên thành lập ở miền Nam trong các thời kỳ chống giặc ngoại xâm.

Những cô gái ở lứa tuổi trăng tròn mang theo mình hành trang là lòng dũng cảm, sục sôi ý chí quét sạch giặc xâm lăng. Các cô gái trong đại đội là một đội hình chiến đấu ngoan cường, đầy bản lĩnh. Trong nhiều trận đánh, họ đã ngâm mình dưới nước hàng giờ đồng hồ, mặc cho trời lạnh buốt và bị đỉa cắn rát người, nhưng vẫn đợi địch đến, bất ngờ đồng loạt đánh úp, khiến địch không kịp trở tay. Có hai trận đánh kéo dài cả tháng trời, chị em phải giữ chốt điểm đánh địch giáp mặt. Đó là trận đánh ở Nga Mân, xã Phổ Cường và trận chiến đấu một mất một còn tại hai xã Phổ Thuận, Phổ Ninh. Những ngày đó, chị em phơi mình trong nắng, trong mưa căng mình đối đầu với việc quân địch càn quét.

Đại đội trưởng Nguyễn Thị Cẩm Tư (vị trí thứ 2 từ bên trái sang) đón nhận phần thưởng cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Nhà nước phong tặng đại đội.

Dữ dội, khốc liệt trong chiến trường, nhưng vẫn vang lên tiếng cười, tiếng hát của các chị át đi tiếng bom rơi, đạn lạc… Nhiều đêm trăng sáng, một số chị em rủ nhau ra nằm ngắm trăng và hát cho nhau nghe, thì bất ngờ Mỹ càn quân đến. Thế là các chị em phải lao vào nơi ẩn trú chuẩn bị vũ khí sẵn sàng chống trả lại địch. Nhiều người bị thương do địch tấn công, nhiều chị anh dũng hy sinh đã làm tăng thêm ngọn lửa sục sôi căm thù giặc Mỹ. Họ biến đau thương thành hành động chiến đấu quyết liệt và đã tiêu diệt hơn 1.500 tên địch, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng của toàn dân tộc.

Hạnh phúc đời thường

Sau ngày giải phóng, chị em Đại đội Hồng Gấm lại tiếp tục tham gia phá gỡ bom mìn của kẻ thù để lại, giúp nhân dân khai hoang vỡ hóa khôi phục sản xuất, làm xanh lại vùng đất địch đã từng dùng hóa chất hủy diệt. Đến năm 1977, do yêu cầu giảm quân số, đơn vị giải thể, mỗi chị trở về với quê hương, tiếp tục cuộc hành trình ngày mới.

Trở về với thời bình, những cô gái của Đại đội nữ Lê Thị Hồng Gấm năm nào nay lại lăn lộn vất vả mưu sinh. Dù vậy, họ vẫn không thể quên về một thời hoa lửa. Chiến tranh qua đi, 8 chị đã ngã xuống tại chiến trường, các chị còn lại, không một chị nào trong đại đội lại không bị thương. Tuy nhiên vết thương ấy được các chị tự xoa dịu bằng ký ức hào hùng của thời chiến. Giờ đây các chị lại tiếp tục truyền thống của mình trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước. Ngày lại ngày các chị lại trồng rau, nuôi cá, vui vầy cùng con cháu. Dạy dỗ khuyên bảo các con làm ăn, sản xuất, bảo ban con cháu học hành…

Cuộc sống dẫu còn nhiều gian khó nhưng các nữ chiến sỹ tóc dài ngày nào vẫn hạnh phúc bên người chồng, tình đồng chí, đồng đội của mình. Chị Trần Thị Tươi, là thương binh 1/4, ngụ xã Phổ An bị liệt nửa người và hỏng một mắt. Sau ngày giải phóng, chị đã lập gia đình với anh thương binh cụt một chân - Vũ Ngọc Dân.

Còn Trung đội phó Phạm Thị Tốt (ngụ xã Phổ Văn) thì suốt mấy chục năm qua bên cạnh chăm sóc người chồng thương binh bị mù - Huỳnh Văn Mậu. Và còn nhiều, nhiều gia đình hạnh phúc của những cô gái Đại đội nữ anh hùng, được bắt nguồn từ sự thấu hiểu cảm thông lý tưởng cách mạng.

Giờ đây, mỗi dịp vào ngày lễ lớn, các chị còn lại trong Đại đội nữ anh hùng Hồng Gấm vẫn thường tổ chức gặp mặt. Họ sẻ chia những bộn bề trong cuộc sống và cùng ôn lại những ngày tháng oanh liệt, hào hùng một thời Đại đội nữ anh hùng...

Thành Sự
.
.