Khắc ghi chiến công một thời đánh giặc

Thứ Hai, 23/03/2009, 10:28
Tiểu đoàn 10 của Ban An ninh khu V một thời chiến tranh đánh giặc cứu nước, lập nên bao chiến công hiển hách đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Tin vui này làm nức lòng biết bao cán bộ, chiến sĩ Công an các tỉnh, thành miền Trung nói riêng và ngành CAND nói chung. Những câu chuyện đánh giặc như huyền thoại của Tiểu đoàn 10 được kể mãi, kể mãi…

Những người lính cảnh vệ dũng cảm

Chúng tôi gặp ông Huỳnh Văn Chanh, nguyên Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn 10, Ban An ninh khu V năm xưa, trong căn nhà nhỏ ở tổ 26, phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Trung tá Huỳnh Văn Chanh là một trong số cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ quả cảm, đã hai lần cứu sống đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy V (sau này là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHXHCN Việt Nam). Bây giờ tuổi đã 74, song trong trí nhớ của ông Chanh vẫn còn khắc ghi bao kỷ niệm về đồng chí, đồng đội của mình trong những tháng ngày gian khổ.       

Sau chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1968, giặc tập trung đánh phá vùng căn cứ và chiến trường khu V bằng hỏa lực mạnh nhất. Hôm ấy, đoàn bảo vệ đồng chí Võ Chí Công đi họp từ Trung ương về lại khu V, do ông Chanh cùng Đại đội trưởng Phạm Công Ẩn phụ trách, trên đường qua địa phận tỉnh Bình Trị Thiên đến giáp giới Quảng Đà, thì trời vừa sập tối.

Do đó, đoàn phải nghỉ lại Binh trạm 559. Nào hay đêm ấy, B52 tập trung đánh phá khu vực Binh trạm 559. Ngay từ loạt bom đầu tiên đã dội trúng căn hầm chữ A có đồng chí Võ Chí Công đang ở làm cho nóc hầm răng rắc sắp ụp xuống.

Không quản ngại hiểm nguy, ông Chanh lao vào lấy thân mình che chắn cho đồng chí Võ Chí Công và khom lưng đỡ lấy mái hầm. Sau khi máy bay địch ngừng ném bom, mọi người xúm vào đưa đồng chí Võ Chí Công lên khỏi hầm. Dự đoán địch sẽ tiếp tục ném bom loạt thứ hai nên ông Chanh cùng ông Ẩn thay nhau cõng đồng chí Võ Chí Công nhanh chóng chạy thoát khỏi khu vực Binh trạm 559.

Đại tá Nguyễn Rã (đứng giữa), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 10 và các đồng đội tại Khu di tích An ninh khu V.

Giọng ông Chanh trầm hẳn xuống, bùi ngùi: "Đúng như nhận định, chừng 15 phút sau địch ném loạt bom thứ hai và Binh trạm 559 đã hy sinh đến 47 đồng chí, bị thương 27 đồng chí khác, trong đó có 2 đồng chí trong đoàn cảnh vệ...".

Đại tá Nguyễn Rã, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 10, Ban An ninh khu V, cũng tâm sự với tôi rằng, suốt cả một thời kỳ đánh giặc, bảo vệ Khu ủy V, đơn vị của ông đã có rất nhiều tấm gương sáng như trường hợp ông Chanh, thậm chí có người hy sinh tính mạng để bảo vệ sự an toàn cho lãnh đạo cấp trên.

Như trường hợp đồng chí Sơ được phân công phụ trách tổ bảo vệ đoàn cán bộ Khu ủy xuống đồng bằng kiểm tra, chỉ đạo phong trào đấu tranh chống địch khủng bố, dồn dân lập ấp một tháng trời đạt kết quả rất tốt, đến khi đưa đoàn trở về tới suối Nước Trắng, xã Phương Đông, huyện Trà My, thì lọt vào vòng vây của địch.

Phát hiện địch gài 2 quả mìn claymo chuẩn bị cho phát nổ, đồng chí Sơ nhanh như chớp lấy thân mình đè lên mìn và nổ súng xối xả về phía địch để đồng đội đưa đoàn công tác Khu ủy rút lui lại phía sau tìm đường khác về căn cứ. Mìn nổ, đồng chí Sơ anh dũng hy sinh…              

Chói lọi chiến công

Trung tá Huỳnh Văn Chanh còn là Đại đội trưởng Đại đội 32 (C32), tiền thân Tiểu đoàn 10, đơn vị đã được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVTND. C32 được thành lập vào cuối tháng 8-1954 tại làng Rô (Phước Sơn), trực thuộc Trung đoàn 365 của Cục Cảnh vệ.

Buổi đầu thành lập, C32 chỉ có 9 đồng chí, trang bị vũ khí trang còn thô sơ. Nhưng về sau C32 đã không ngừng phát triển lớn mạnh thành Tiểu đoàn 10, với biên chế từ 500-600 cán bộ, chiến sĩ, đều là những thanh niên tuổi mười chín, đôi mươi, có quê hương trên khắp miền đất nước.

Những trận đánh oai hùng một thuở còn in đậm trong ký ức những người lính già đầu bạc như Đại tá Nguyễn Rã, Trung tá Huỳnh Văn Chanh và bao cán bộ lão thành cách mạng khác… Đó là trận đánh phối hợp với đội công tác Huyện ủy Tam Kỳ tiêu diệt hàng chục tên ác ôn khét tiếng, phá ấp chiến lược mở rộng vùng giải phóng vào năm 1963; trận đánh bẻ gãy Tiểu đoàn 14 lính ngụy hành quân càn quét tại xã Kỳ Trà, tiêu diệt trên một trung đội địch vào mùa hè năm 1965; hay 7 ngày đêm lăn lộn với núi rừng Trà My mưu trí, dũng cảm đánh tan tác hàng trăm tên địch càn quét vào mùa khô năm 1966... 

Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, đầy rẫy khó khăn, gian khổ ấy, Tiểu đoàn 10 vẫn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ. Chính điều đó đã làm nên Tiểu đoàn 10 quả cảm, một thanh bảo kiếm sắc bén, bảo vệ tuyệt đối an toàn Khu ủy khu V và vùng căn cứ, cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến...

Ngày 9/1/2009, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký quyết định tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVTND cho Tiểu đoàn 10 An ninh Vũ trang khu V về thành tích đặc biệt xuấc sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhân dịp kỷ niệm 34 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), Đảng ủy Công an TW và lãnh đạo Bộ Công an tổ chức trọng thể lễ đón nhận danh hiệu cao quý ấy cho Tiểu đoàn 10 tại Khu di tích lịch sử An ninh Khu V, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam.

Long Vân
.
.