Họ là người chiến sĩ cảnh vệ
Vinh dự được đón Bác về nước
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước ở khắp năm châu, ngày 28/1/1941 (đúng vào ngày mùng 2 Tết Tân Tỵ) lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt
Toàn bộ kế hoạch bảo vệ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo, Người thống nhất cách hoá trang và phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí. Đoàn đi thành ba nhóm theo ba hướng khác nhau. Đúng 12 giờ trưa 28/1/1941 cả đoàn đều có mặt tại đỉnh dãy núi Phia Sum Khảo, nơi có cột mốc 108 biên giới Việt - Trung thuộc xã Trường Hà, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Tất cả các cán bộ cảnh vệ xúc động khi thấy Người đứng lặng đi bên cột mốc 108, mặt hướng về Tổ quốc ngắm nhìn núi rừng trùng điệp, mảnh đất địa đầu của Tổ quốc. Người cúi xuống cầm nắm đất lên hôn và vui vẻ bắt tay chúc Tết mọi người.
Ngay sau khi về hoạt động ở Pác Bó (Cao Bằng), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo thành lập Ban Công tác đội do đồng chí Phùng Chí Kiên phụ trách để thực hiện một số nhiệm vụ trong đó quan trọng nhất là bảo vệ cơ quan và cán bộ đặc biệt. Và đây chính là đơn vị cảnh vệ đầu tiên, sau này phát triển thành lực lượng tinh nhuệ, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ ngày nay.
Các chiến sỹ cảnh vệ được Bác đặt tên
Trong những ngày đầu cách mạng, công tác bảo vệ Bác gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần cách mạng, niềm vinh dự tự hào được bảo vệ Bác, đặc biệt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và được Bác Hồ hướng dẫn về công tác bảo vệ nên lực lượng cảnh vệ đã bảo vệ tuyệt đối an toàn Bác Hồ và các đồng chí Thường vụ Trung ương trong những ngày đầy khó khăn thử thách.
Bảo vệ Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm bản Dlie Sang (Đắk Lắk) năm 2004. |
Ông Tạ Quang Chiến là cận vệ của Bác Hồ trong những ngày đầu cách mạng kể lại: "Chúng tôi đi bảo vệ Bác, nhưng thực tế Người đã dạy chúng tôi rất cặn kẽ về công tác bảo vệ. Trong những tình huống vô cùng nguy hiểm, nhưng với kinh nghiệm hoạt động cách mạng ở nước ngoài và tài ứng xử, Bác đã linh hoạt giải quyết giúp chúng tôi bảo vệ Người an toàn tuyệt đối".
Đầu năm 1947, để bảo toàn lực lượng, các cơ quan của Đảng và Nhà nước được lệnh trở lại căn cứ Việt Bắc. Đi với Bác có 8 đồng chí cảnh vệ đó là: Võ Chương, Vũ Long Chuẩn, Nguyễn Văn Lý, Văn Lâm, Ngọc Hà, Nguyễn Quang Chí, Trần Đình và Nguyễn Hữu Văn. Tuy nhận nhiệm vụ bảo vệ Bác nhưng thực tế các đồng chí cảnh vệ làm tất cả các công việc mà Bác giao như công tác văn phòng, liên lạc… và hậu cần, với tinh thần một người thạo nhiều việc. Song làm việc gì thì bảo vệ Bác vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất đặt lên hàng đầu.
Để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Bác, khoảng hai đến ba tuần, tổ cảnh vệ lại chuyển chỗ ở. Dù căng thẳng bận rộn đến mấy nhưng cứ ổn định chỗ ở Bác lại nhắc các chiến sỹ đảm bảo chương trình học tập chính trị, văn hoá và nghe phổ biến tình hình thời sự. Một buổi sáng mùa xuân năm 1947, trước lúc mọi người bắt tay vào công việc, 8 chiến sỹ cảnh vệ quây quần bên Bác quanh đống lửa như ngồi bên người cha. Bác nhìn mọi người và nói: "Chiến sự ngày một lan rộng, các chú phải quân sự hoá mọi sinh hoạt, may cho mỗi người một chiếc ba lô để đựng đồ dùng, may cho Bác một chiếc để Bác đựng máy chữ".
Sau đó Bác đặt lại tên cho các chiến sỹ cảnh vệ tính theo vòng tròn mọi người đang ngồi: Trường-Kỳ-Kháng-Chiến-Nhất-Định-Thắng-Lợi. Chính trong tình thương bao la của Bác, các chiến sỹ cảnh vệ được Bác đặt lại tên rất vinh dự tự hào luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó. Sau này 8 chiến sỹ cảnh vệ ấy đã trở thành những người cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt của một số cơ quan đơn vị.
Phát huy truyền thống của đơn vị anh hùng
Phát huy truyền thống và thành tích của lớp lớp cha anh qua hai cuộc kháng chiến, ngày nay lực lượng cảnh vệ luôn tự hào về trang sử hào hùng của đơn vị anh hùng, quyết tâm vượt lên mọi khó khăn thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Để bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đi chỉ đạo kiểm tra ở khắp các địa phương trong cả nước, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai lũ lụt; đi thăm và làm việc với các nước trên thế giới trong đó có cả các nước đang là điểm nóng của tình hình an ninh chính trị hoặc các nước trước đây đối đầu với ta, lực lượng cảnh vệ nắm chắc tình hình, địa bàn và tất cả các thông tin có liên quan để xây dựng phương án bảo vệ tối ưu, sát hợp nhất.
Các sĩ quan cảnh vệ Việt Nam với đồng nghiệp Mông Cổ trong chuyến tháp tùng Chủ tịch nước thăm Mông Cổ. Ảnh: PV |
Thượng tá Dương Văn Hồng, Phó Trưởng phòng bảo vệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho biết: Tháng 4/2004 trong một chuyến bảo vệ Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đi thăm và làm việc tại tỉnh Hà Tĩnh, theo kế hoạch Tổng Bí thư đi thăm bà con tại bản Rào Tre. Nhưng một tình huống bất ngờ xảy ra. Trước lúc đồng chí Tổng Bí thư đến ít giờ vì mưa to nước chảy xiết làm trôi mất cầu. Để bảo vệ Tổng Bí thư qua suối thăm bà con như kế hoạch đã định, các sỹ quan cảnh vệ đã nhanh chóng phối hợp với địa phương đóng bè đưa Tổng Bí thư đến với bà con trong niềm xúc động. Chuyến công tác đã được Tổng Bí thư khen ngợi lực lượng cảnh vệ.
Quanh năm suốt tháng luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao, lính cảnh vệ gần như không có ngày nghỉ. Tết không có mặt ở nhà là chuyện… bình thường. Cảnh vệ của ta mạnh vì không đơn độc, bên cạnh có nhiều lực lượng khác phối hợp, lại được nhân dân giúp đỡ. Nhiều khi quần chúng là những người phát hiện và thông báo cho cảnh vệ những dấu hiệu, đối tượng nghi vấn để chủ động ngăn chặn phòng ngừa. Các sỹ quan cảnh vệ học được tác phong sinh hoạt của các đồng chí lãnh đạo là gần gũi, ân cần với nhân dân; trong công tác thì khẩn trương, khoa học. Các đồng chí luôn coi cảnh vệ như con cháu trong nhà. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi nghỉ hưu đã đến thăm quê từng chiến sỹ bảo vệ mình. Cầm tay bà mạ của anh cận vệ Hồ Ngọc Hà (quê Quảng Bình), Thủ tướng nói vui: "Tôi trả thằng Hà cho bà còn nguyên vẹn nhé!".
Bảo vệ khách quốc tế là mặt công tác trọng yếu của lực lượng cảnh vệ. Là người có gần ba mươi năm công tác trong ngành, được vinh dự đảm nhận công tác bảo vệ tiếp cận nhiều nhân vật nổi tiếng như: Vua Thuỵ Điển, Tổng thống Hàn Quốc, Vua Campuchia, Chủ tịch nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào… nhưng ấn tượng nhất, sâu sắc nhất với Trung tá Lê Bá Hằng là lần vinh dự được bảo vệ tiếp cận Chủ tịch Cuba Fidel Castro trong chuyến Chủ tịch sang thăm nước ta vào đầu năm 2003. Bình dị, gần gũi và thân thương là cảm nhận chung về hình ảnh vị Chủ tịch cao lớn không chỉ anh Hằng mà cả tốp cảnh vệ đi theo đoàn lần ấy. Chủ tịch Fidel rất quý anh em cảnh vệ Việt
Nhiều thâm niên hơn Trung tá Lê Bá Hằng, đồng chí Hoàng Văn Tự như một kho tư liệu sống về công tác bảo vệ khách quốc tế. Anh cho biết, trong những lần bảo vệ tiếp cận khách quốc tế mà anh đảm nhiệm, thì lần căng thẳng nhất là bảo vệ Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam vào năm 2000. Đoàn Tổng thống Bill Clinton hoạt động liên tục, lịch làm việc, tham quan kín mít, nhưng với bản lĩnh, dày dặn kinh nghiệm, anh luôn chủ động theo sát Tổng thống và sẵn sàng xử lý bất cứ tình huống gì có thể xảy ra. Anh đã hoàn thành chuyến công tác thật hoàn hảo như một đồng nghiệp người Mỹ nhận xét.
Từ tổ bảo vệ Bác Hồ mùa xuân năm 1941 khi Bác về nước của các bậc cảnh vệ tiền bối, đội ngũ cảnh vệ bây giờ đã trưởng thành hơn nhiều. Nhưng có một bài học từ ngày đầu thành lập đến nay vẫn nằm trong trái tim mỗi cán bộ chiến sỹ cảnh vệ. Đó là lòng trung thành tuyệt đối với Đảng với nước với lãnh tụ chính là sức mạnh giúp lực lượng cảnh vệ hoàn thành nhiệm vụ. Họ thật xứng đáng là những người chiến sỹ Cảnh vệ Anh hùng