Hai Thành - chiến sĩ SBC quả cảm năm xưa đã về cõi vĩnh hằng

Thứ Tư, 26/11/2014, 15:25
Vào những năm đầu giải phóng miền Nam, tại TP Hồ Chí Minh, lực lượng Cảnh sát hình sự, đặc biệt là Đội trinh sát săn bắt cướp (SBC) - Công an TP Hồ Chí Minh đã lập nên những chiến công vang dội trên mặt trận đấu tranh trấn áp tội phạm hình sự... Những chiến công đã làm nên tên tuổi các cán bộ, chiến sĩ SBC như một huyền thoại đường phố Sài Gòn. Nhiều vụ án chấn động dư luận trong nước khi đó đã được làm rõ: vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, vụ án nghệ sĩ cải lương Thanh Nga, vụ bắt cóc con bác sĩ Lã Hỷ, vụ thảm sát tại nhà Quận chúa Mộng Hoa. Một trong những cán bộ Công an đã lập nên những chiến công vang dội ấy là Đại úy Võ Tấn Thành (Hai Thành), Đội trưởng Đội SBC…

Đại úy Võ Tấn Thành (bí danh Hai Thành) sinh năm 1936, quê ở xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Thời thơ ấu của ông là những kỷ niệm buồn đau cơ cực và lòng căm thù giặc sâu sắc. Mới 14 tuổi, Hai Thành được gia nhập bộ đội địa phương. Năm 1954, anh bộ đội Tiểu đoàn 307 Võ Tấn Thành lên đường tập kết ra Bắc, tiếp tục học tập và rèn luyện “ngày Bắc đêm Nam” mong muốn về miền Nam chiến đấu.

Năm 1960, Hai Thành được kết nạp vào Đảng và theo học Trường Công an Trung ương. Vào đầu năm 1975, Hai Thành được cử làm Phó đoàn công tác đặc biệt hơn 100 CBCS lên đường vào Nam để tiếp quản Nha Cảnh sát Đô thành Sài Gòn trong ngày 30/4/1975. Cũng từ hôm đó, cuộc đời Hai Thành gắn với nghiệp Cảnh sát hình sự, luôn sát cánh cùng đồng đội và nhân dân TP viết nên những chiến công anh dũng, mưu trí và xuất sắc làm nên hình tượng đẹp đẽ và cao quý về người chiến sĩ SBC.

Những năm đầu sau giải phóng, tình hình kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh rất khó khăn kéo theo sự phức tạp về an ninh, trật tự, trộm cướp nổi lên khiến người dân hoang mang...

Hai Thành bồng em bé bị bắt cóc đã được giải cứu tận Lâm Đồng.

Cần phải có một lực lượng tinh nhuệ của Công an để chống cướp giật, đó là mục tiêu của lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh đặt ra. Tháng 3/1978, 5 đội SBC ra đời thuộc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 1 với 72 chiến sĩ được tuyển chọn trong lực lượng Công an. Lúc này, tại Công an quận 5, Trung tá Trịnh Thanh Thiệp (sau này là Thiếu tướng) đã thành lập Đội SBC hoạt động hiệu quả, trực diện đối phó với bọn tội phạm nguy hiểm, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân đã sáp nhập cùng SBC thành phố do Thiếu tá Trịnh Thanh Thiệp - Trưởng phòng CSHS phụ trách.

Một trong những vụ án nổi tiếng mà Võ Tấn Thành tham gia khám phá là vụ bắt con trai nghệ sĩ Kim Cương. Chạng vạng ngày 26/11/1977, nghệ sĩ Kim Cương nhòe nước mắt đến gặp Hai Thành xin cứu cháu Toro 5 tuổi bị bắt cóc tại Trường Mẫu giáo Vườn Hồng, quận 3. Bọn cướp gồm 2 tên sử dụng Honda 67, dùng súng khống chế đưa cháu lên xe chạy mất. Giám đốc Công an TP - đồng chí Mai Chí Thọ chỉ đạo phải quyết liệt phá án, Trưởng phòng Trịnh Thanh Thiệp và Đội trưởng Hai Thành căng mắt thâu đêm cùng các trinh sát trong ban chuyên án triển khai các phương án.

Sau khi tống tiền 100 lượng vàng, bọn cướp đã “gài bẫy” trinh sát mất dấu và sau đó trả Toro tại nhà thờ Đức Bà. Trong khi lần dò dấu vết tội phạm thì liên tiếp xảy ra vụ án mạng kinh hoàng tại nhà Quận chúa Mộng Hoa vào 12h trưa 25-8-1978 trên đường Nguyễn Văn Trỗi (nay là Lê Văn Sĩ, phường 1, quận Tân Bình) làm 3 người chết. Rất may đã có một nạn nhân được cứu sống là đầu mối quan trọng của vụ án. Sau 9 ngày truy xét, điều tra, các trinh sát hình sự và Hai Thành đã tóm gọn bọn giết người và bắt chúng phải đền tội trước pháp luật.

Không một phút nào ngơi nghỉ, đêm 26/11/1978, nghệ sĩ Thanh Nga diễn xong vở cải lương Thái Hậu Dương Vân Nga tại rạp Cao Đồng Hưng (Bà Chiểu, Bình Thạnh) cùng chồng về nhà, đến vòng xoay ngã sáu Phù Đổng lúc 23h30 thì bị hai kẻ lạ mặt đi xe 67 áp sát khống chế tài xế Nguyễn Văn Cát, bắt cóc cháu Cúc Cu, con nghệ sĩ Thanh Nga và sau đó xảy ra giằng co, chúng nổ súng bắn chết nghệ sĩ Thanh Nga cùng chồng là ông Phạm Duy Lân.

Cuộc truy lùng sát thủ thật sự của vụ án đã diễn ra vô cùng gay go và cả đổ máu. Nhưng cuối cùng, với tinh thần và quyết tâm cao, sự chỉ đạo sáng suốt, quyết đoán của lãnh đạo Bộ Nội vụ, Công an TP và các đơn vị nghiệp vụ, bọn sát thủ đã phải đền tội. Sau khi phá hàng loạt vụ án, cướp có vũ trang,  Hai Thành cùng các đồng sự như Mai Tấn, Lý Đại Bàng liên tục phá nhiều vụ cướp giết táo bạo trong thành phố và truy bắt những tên tướng cướp khét tiếng tàn bạo, xảo quyệt. Hai Thành để lại dấu ấn rất đậm trong lòng đồng đội, anh em còn bởi những chiến công “đặc biệt” thuyết phục nữ tướng cướp, sát thủ, gái mại dâm… vừa cảm hóa giáo dục, vừa hỗ trợ cho anh với đồng đội phá án. Có những câu chuyện ly kỳ trong băng cướp Bông hồng trắng và những giọt nước mắt người thân nhận lại 11 đứa bé bị bọn bắt cóc bán cho người dân tộc miền núi Lâm Đồng năm xưa.

Trong suốt quãng đời làm người chiến sĩ cách mạng, nhất là khi khoác lên mình sắc phục người chiến sĩ Công an nhân dân, bao giờ Hai Thành cũng đặt trọng trách vì hạnh phúc nhân dân, vì bình yên cuộc sống lên hàng đầu. Và ông đã trọn vẹn phấn đấu hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng cao đẹp ấy. Dù trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, đôi khi gặp cả oan trái, nhưng ông luôn giữ vững lập trường, bình tâm sáng suốt vượt qua mọi hiểm nguy trên bước đường đấu tranh trực diện với tội phạm và những kẻ phản bội - Đại tá Thái Doãn Mẫn, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, nói về đồng chí Hai Thành như thế.

Sau khi rời lực lượng Công an, Hai Thành về làm Chánh án TAND quận Tân Bình đến khi nghỉ hưu. Ông là một người chiến sĩ Công an có trái tim nhân hậu, có tinh thần quả cảm, là một trong những “đại bàng” của Đội SBC Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh, từng là thần tượng trong lòng đồng đội và người dân TP Hồ Chí Minh. Ông đã đi vào cõi vĩnh hằng vào hồi 16h45  ngày 23/11/2014, tại nhà riêng đường Tân Thọ, phường 8, quận Tân Bình.

Hoàng Hải
.
.