Giữ niềm tin trong chặng đầu thử thách

Thứ Tư, 01/09/2010, 08:15
Bao nhiêu vụ án tham nhũng gây chấn động dư luận đã được đưa ra xét xử, điển hình như vụ Thiên Lợi Hòa ở Lào Cai với hàng loạt quan chức tham nhũng đã bị lôi ra ánh sáng. Đây là thành tích đặc biệt xuất sắc của các cán bộ, chiến sỹ Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, Bộ Công an nói chung và lực lượng phòng, chống tham nhũng Công an địa phương nói riêng.

Khi tìm hiểu để viết bài về lực lượng đặc biệt này, chúng tôi đã phần nào hiểu rõ hơn về những khó khăn, thử thách trong công việc mà các anh, các chị đã lựa chọn và cống hiến...

Đại tá Hoàng Mạnh Chiến, Phó Cục trưởng Cục C48 tiếp chúng tôi và bảo, nếu có viết về lực lượng này phải hết sức thực tế và giản dị. Khi tìm hiểu về lực lượng Cảnh sát điều tra, chúng tôi thấy mỗi nơi có sự khó khăn, gian khổ, nhưng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng cũng khổ và bị chịu những áp lực riêng.

Bởi các đối tượng phạm tội bị các anh điều tra đều là những người có chức vụ, việc điều tra về họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của cá nhân họ cũng như đơn vị họ công tác. Chính vì thế, mọi việc điều tra đều phải thực hiện cực kỳ cẩn trọng và chính xác.

Hơn thế, những người này đều có "sức mạnh ngầm", nghĩa là họ có vật chất và biết bao mối quan hệ. Khi bị "động", lập tức các mối quan hệ được họ huy động tối đa…  Đồng thời, công việc điều tra tội phạm tham nhũng còn bị "soi" từ nhiều nơi: của chính cơ quan chuyển tài liệu, của người tố cáo, người bị tố cáo và cả dư luận…

Chính vì thế, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng có quy định cho các cán bộ của mình, đó là khi phát hiện và điều tra vụ việc tại một đơn vị nào đó, thì đương nhiên các cán bộ điều tra không được phép đi xe ô tô “ưu đãi” của cấp trên đơn vị đó cũng như các bộ phận liên quan xuống nơi làm việc, không được gặp riêng các đối tượng đang điều tra cũng như những người có liên quan, không được tự ý xuống điều tra khi chưa có kế hoạch được lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo Cục phê duyệt…

Giải thích điều này, Đại tá Chiến bảo, khi xuống làm việc tại các đơn vị có đơn tố cáo xảy ra hành vi tham nhũng, các anh luôn biết rằng có những người tố cáo trong đơn vị ấy dõi theo việc làm của mình. Nếu anh chỉ cần đi xe ô tô, hay ăn cơm do lãnh đạo đơn vị cấp trên, hay chính đơn vị đó mời thì người tố cáo sẽ nghi ngờ và mất niềm tin, cho rằng việc điều tra của Công an sẽ không khách quan, họ sẽ không tiếp tục hợp tác với cơ quan Công an.

Mà tìm được và động viên được một công dân dũng cảm tố giác tội phạm tham nhũng là cực kỳ khó, bởi người tố giác hiểu rằng, nếu sự việc bị lộ, cơ quan Công an không làm triệt để thì chính họ, sẽ trở thành nạn nhân của trò trù dập.

Vì thế, bằng cách làm việc nghiêm túc, thận trọng, đúng pháp luật và trong sạch của mình, thời gian qua, lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng đã chiếm được niềm tin của người dân. Trong 3 năm (2007-2009), C48 đã tiếp nhận, xử lý, giải quyết 268 tin báo, tố giác tội phạm thì trong đó đã có 246 tin do công dân tố giác.

Một điều thuận lợi, đó là Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng ra đời sau khi Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự (TCĐTHS) 2004 được ban hành, triển khai thực hiện khoảng 3 năm. Tổ chức của Cục dần dần đi vào ổn định, bảo đảm công tác chiến đấu liên tục, không bị gián đoạn.

Kết quả, 3 năm qua, Cục đã thụ lý, điều tra 33 vụ án với 24 bị can. Trong đó có nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, xảy ra trong việc thực hiện các dự án, các đề án lớn của Nhà nước, gây sự chú ý đặc biệt của dư luận như: Dự án xây dựng cầu Bãi Cháy (PMU18), Dự án xây dựng khu di tích tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; Đề án 112 thuộc Văn phòng Chính phủ…

Tội phạm tham nhũng thời gian qua đã diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi, trong khi đó, cán bộ điều tra của Cục C48 đa số được đào tạo trong các trường Công an, kiến thức về các lĩnh vực chuyên môn không thể rành bằng chính đối tượng phạm tội. Bởi thế, việc đấu tranh chống tội phạm tham nhũng phải phát huy sức mạnh tổng hợp. CBCS của Cục C48 luôn có ý thức tự tìm tòi, nghiên cứu, đồng thời biết vận dụng tối đa kiến thức của các chuyên gia, của những người công tác trong chính lĩnh vực mình đang điều tra…

Cuộc chiến chống tội phạm tham nhũng vào thời điểm nào cũng cực kỳ cam go, quyết liệt. Nó không chỉ ở độ khó của công việc, mà còn ở vấn đề giữ gìn nhân cách cán bộ. Các đối tượng phạm tội có chức, có quyền và có cả nhiều tiền, họ sẵn sàng bằng cách này cách khác tiếp cận cán bộ điều tra để dùng tiền xóa đi tội lỗi của mình.

Đứng trước cám dỗ ấy, không phải ai cũng dễ dàng vượt qua, bởi đằng sau mỗi người đều có một gia đình, một cuộc sống còn nhiều khó khăn chỉ dựa vào thu nhập của đồng lương. Nhưng với danh dự của người chiến sỹ Công an nhân dân, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát chống tham nhũng, các anh đều vượt qua những cám dỗ đó để hoàn thành tốt nhiệm vụ

Hương Giang - Thu Hòa (Báo CAND số 19/8)
.
.