Đường Hồ Chí Minh trên biển - biểu tượng sáng ngời về ý chí giải phóng dân tộc

Thứ Sáu, 21/10/2011, 14:12
Đường Hồ Chí Minh trên biển là nơi hội tụ sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong cuộc đấu trí, đấu lực với kẻ thù; là nơi tỏa sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng quả cảm, trí thông minh và quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ của dân tộc Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 - 23-10-2011), Báo CAND đã có cuộc  phỏng vấn Phó Đô đốc, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiến, ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải Quân.

PV: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa lịch sử của đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến: Cách đây tròn 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Bác Hồ, Đoàn 759, nay là Lữ đoàn 125 Hải quân nhân dân Việt Nam được thành lập với nhiệm vụ mở tuyến vận tải quân sự chiến lược Bắc - Nam bằng đường biển, tổ chức đưa người và vũ khí chi viện miền Nam. Từ đây, con đường mang tên Hồ Chí Minh trên biển được hình thành, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Đó thực sự là một kỳ tích vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là sản phẩm của ý chí sắt đá, tinh thần quả cảm và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Tuyến vận tải quân sự chiến lược này đã góp phần phát huy sức mạnh của miền Bắc XHCN - nhân tố quyết định nhất, kết hợp với sức mạnh tại chỗ của cách mạng miền Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn của toàn dân tộc, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

PV: Phó Đô đốc có thể cho biết về sự đóng góp của đường Hồ Chí Minh trên biển trong các giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ?

Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến: Việc mở thông con đường vận tải trên biển tiếp thêm sức mạnh cho cả dân tộc đánh Mỹ, tạo nên những chuyển biến quan trọng trong sự phát triển cục diện cách mạng nước ta. Nếu như những chuyến hàng của những năm 1962-1965 góp phần giúp quân và dân miền Nam đánh thắng chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" thì sự tiếp tế của những năm tiếp theo góp phần làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ", "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ - ngụy.

Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, thực hiện chỉ lệnh "thần tốc, đại thần tốc" của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển nhanh nhiều vũ khí hạng nặng và hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ vào miền Tây, kịp thời hiệp chi viện chiến trường.

Số lượng vũ khí và hàng hóa vận chuyển bằng đường Hồ Chí Minh trên biển so với số lượng vận chuyển của đường Hồ Chí Minh trên bộ ít hơn, nhưng lại có ý nghĩa rất to lớn khi vùng ven biển miền Trung, Tây Nam Bộ vận tải trên bộ chưa vươn tới. Vận tải trên biển tuy gian nan, nguy hiểm hơn, nhưng lại có ưu thế về tốc độ, thời gian. Nếu vận chuyển đường bộ mất hàng mấy tháng trời mới tới nơi thì vận chuyển đường biển chỉ cần hơn 1 tuần. Chi phí cho mỗi chuyến vận chuyển trên biển đỡ tốn kém hơn nhiều so với vận tải đường bộ. Ngoài ra, vận tải đường biển còn đảm đương một sứ mệnh cực kỳ quan trọng là vận chuyển những "hàng hóa đặc biệt" có tính sống còn đối với cuộc kháng chiến - đó là các loại vũ khí trang bị lớn, đặc chủng và những cán bộ cao cấp của Đảng, những chuyên gia đặc biệt bổ sung cho chiến trường. 

PV: Vai trò của nhân dân và những chiến sỹ làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển có già trị lịch sử như thế nào?

Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến: Trong suốt những năm chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh trên biển luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của các cấp ủy Đảng, nhân dân và các lực lượng nơi có bến bãi tiếp nhận hàng. Chỉ có nhân dân, con đường mới được khai thông, chỉ có nhân dân, con đường mới giữ được bí mật trong khoảng thời gian dài, những chuyến hàng mới có thể được giải phóng nhanh gọn và những con tàu không số mới có thể liên tục vào Nam, ra Bắc.

Nói tới đường Hồ Chí Minh trên biển còn phải nhắc tới các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của đoàn tàu không số luôn luôn trung thành vô hạn với Đảng, với nhân dân, nêu cao ý chí quật cường, tinh thần mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng xả thân chiến đấu hi sinh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Trung ương, Bác Hồ và quân đội giao phó.

PV: Thưa Phó Đô đốc, Hải quân nhân dân Việt Nam đã và đang làm gì để phát huy truyền thống vẻ vang của đường Hồ Chí Minh trên biển?

Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến: Đường Hồ Chí Minh trên biển là nét độc đáo của chiến lược vận tải quân sự trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có giá trị thực tế vô cùng to lớn. Điều chúng tôi luôn suy nghĩ là làm sao biến những giá trị lịch sử truyền thống thành sức mạnh của hiện tại, biến những bài học kinh nghiệm của ngày hôm qua thành một phần quan trọng trong quá trình hoạt động và phát triển của Hải quân nhân dân Việt Nam hôm nay. Trong những năm qua, phát huy truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, Hải quân nhân dân Việt Nam đã và đang cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trên biển và góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Đô đốc!

Trao giải cuộc thi tìm hiểu "Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển"

Ngày 20/10, Ban Tổ chức cuộc thi tìm hiểu Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển (do Trung ương Đoàn phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức) đã trao giải cho 68 tác phẩm dự thi xuất sắc nhất. Kết quả, chị Nguyễn Thu Hằng (29 tuổi, đoàn viên chi đoàn Vụ Khoa giáo Văn xã, Văn phòng Chính phủ) giành giải đặc biệt cá nhân; nhóm Đoàn tàu không số của học viên Học viện An ninh nhân dân và Thượng úy Đinh Trung Giáp (Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) đoạt 2 giải nhất. Hai giải nhất tập thể thuộc về cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên TP Hà Nội và cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân.

Sau 2 tháng phát động, Ban tổ chức thu được gần 2,6 triệu bài dự thi. Người dự thi cao tuổi nhất là cụ Trần Văn Trừng (94 tuổi ở Nam Định), người dự thi nhỏ tuổi là em Làu Giáng Hương, lớp 2C Trường Tiểu học Quảng Lâm, Đầm Hà, Quảng Ninh và em Hà Lan Hương, lớp 2D Trường Tiểu học Tô Hiệu, thành phố Hải Dương

Việt Hưng

G.Nguyên - D.Hải (thực hiện)
.
.