10 cá nhân được đề nghị tặng thưởng “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2018:

Cuộc chiến đấu quả cảm với “giặc lửa” của chiến sỹ Cảnh sát giao thông

Thứ Bảy, 29/09/2018, 10:47
Thượng úy Nguyễn Văn Tiến, cán bộ Đội CSGT số 12, Phòng CSGT (CATP Hà Nội) – 1 trong 10 gương mặt được đề nghị xét tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2018 tâm sự với tôi như vậy. Anh là cán bộ không quản hiểm nguy, xông vào “biển lửa” cứu người gặp nạn vào cuối tháng 9-2017.

Tôi nhận thông tin Thượng úy Nguyễn Văn Tiến nằm trong danh sách Hội đồng Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội đề nghị xét, tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2018 vào một ngày trung tuần tháng 9-2018. Tiến khá kiệm lời khi nói đến thông tin anh được đề nghị tặng thưởng: “Em không nghĩ mình lại được đề nghị xét thưởng lần này. Ai gặp sự việc như vậy cũng làm như em thôi”.

Thượng úy Nguyễn Văn Tiến có nước da đen rắn rỏi, cử chỉ nhanh nhẹn. Anh để lại nhiều ấn tượng cho những người mới tiếp xúc lần đầu. Anh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đại Hùng, huyện Ứng Hòa (TP Hà Nội). Sớm có nguyện vọng được khoác lên mình bộ trang phục CAND “sắc nắng”, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tháng 10-2008, Tiến đăng ký và thi đỗ vào Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân I. Ra trường, những bài học, kiến thức mà thầy, cô trên giảng đường truyền thụ là “hành trang” cho chiến sĩ CSGT nơi cửa ngõ phía Bắc TP Hà Nội.

Rạng sáng 25-9-2017, như thường lệ, anh cùng Tổ công tác của Đội CSGT số 12 do Đại úy Trương Việt Sơn, Phó Đội trưởng làm Tổ trưởng (thành viên gồm: Đại úy Lê Kế Hiệp, Đại úy Trần Duy Hưng và Đại úy Cao Văn Hồng) làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên dọc tuyến QL6, QL21 – đoạn qua địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội).

Thượng úy Nguyễn Văn Tiến.

Đồng hồ điểm 1h15, khi qua khu vực Tổ 2 (QL6), Khu Xuân Hà, thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ), các thành viên trong Tổ công tác phát hiện ngọn lửa bùng phát tại ngôi nhà của anh Nguyễn Văn Nam (SN 1966). Tiếng kêu la thất thanh của người dân: “Cháy! Cháy rồi! Gọi cứu hỏa đi!”. Đại úy Trương Việt Sơn lập tức yêu cầu Tổ công tác dừng xe, đồng thời chỉ đạo các thành viên vừa khống chế đám cháy, vừa cảnh báo, sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Theo sự phân công, Thượng úy Tiến nhấc máy điện thoại gọi cho chủ nhà nắm bắt tình hình thực tế. Tiếng chuông điện thoại chờ cứ ngân dài, không ai nhấc máy. Sau 7-8 hồi chuông ngân dài lần 2, chị Vân (vợ anh Nam) nhấc máy, hớt hải kêu cứu. Nghe tiếng thảng thốt của chị Vân qua điện thoại, Thượng úy Tiến trấn an: “Chị cứ bình tĩnh, mọi người đang mắc kẹt ở đâu chị?”. Thượng úy Tiến nhớ lại: “Lúc đấy, quan trọng nhất là làm sao nắm được thông tin trong đám cháy, giúp mọi người bình tĩnh tìm lối thoát nạn cũng chờ lực lượng có mặt cứu hộ, cứu nạn”.

Nắm được thông tin vợ chồng anh Nam, chị Vân đang mắc kẹt ở khu vực tầng 3 (phía sau tòa nhà). Khu vực này được bịt kín bởi một hệ thống “chuồng cọp” làm bằng khung sắt. Theo lời “mách bảo” từ con tim, Thượng úy Tiến cùng anh Phương – hàng xóm chị Vân vội leo lên khu vực tầng 3, phá “chuồng cọp” đưa người mắc kẹt ra khỏi khu vực gặp nạn. Lúc này, ngọn lửa bùng lên mỗi lúc một cao. Khói đen ngùn ngụt. Thượng úy Tiến dùng hết sức kéo khung sắt tạo lỗ hổng cho cho anh Nam, mẹ, vợ và hai con thoát ra ngoài.

Ngỡ tưởng, những nạn nhân trên sau khi được đưa ra ngoài, “bà hỏa” không còn gây hại đến ai, nhưng cũng chính lúc này, anh Nam hớt hải cho hay, trên tầng 4, hai cháu N.K.N. (SN 2001) và cháu N.K.T. (SN 2006) đang còn mắc kẹt. Không chút chậm trễ, Thượng úy Tiên liền tìm cách tiếp cận khu vực 2 cháu mắc kẹt. Khói lùa ra theo khe giáp ranh giữa anh Nam với các hộ xung quanh và trong tầng 3 khói độc không ngừng túa ra, việc tiếp cận khung sắt “chuồng cọp” ở tầng 4 (phía sau ngôi nhà) không thể thực hiện được.

Trong giây lát, anh tính đến phương án tiếp cận theo hướng phía trước ngôi nhà. Nhanh như cắt, Thượng úy Tiến vòng ra phía trước ngôi nhà. Từ ban công tầng 3, anh thoăn thoắt leo lên ban công tầng 4 bằng tay không (có độ cao gần 3m). “Lúc ấy, không sợ bị ngã, bị lửa, khói độc bén vào sao?”, tôi hỏi.

“Không! Em chỉ mong sao, sớm đưa hai cháu ra khỏi “biển lửa” mà thôi!”, Thượng úy Tiến tiếp lời. Bên dưới, tiếng hò của người dân: “Leo lên đi! Cố cứu lấy hai cháu em ơi!” cứ thế thôi thúc người chiến sĩ CSGT trẻ tuổi. Cửa kính của cửa ra vào được phá vỡ, sức nóng của lửa táp vào mặt anh có tiếng nổ lộp bộp. Thượng úy Tiến rất nỗ lực để xuyên lao vào “biển lửa” cứu hai cháu nhưng không được…

3h sáng, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Những nỗ lực của Thượng úy Tiến cùng cán bộ chiến sĩ Đội CSGT số 12 và lực lượng PCCC đã không ngăn được “giặc lửa” cướp đi sinh mệnh cháu T., cháu N.… Đôi mắt đỏ hoe, mặt đen nhẻm vì bám khói bụi, Thượng úy Tiến buồn lòng: “Em đã không cứu kịp 2 cháu…!”.

Với Thượng úy Tiến, cuộc giải cứu 2 cháu nhỏ trong biển lửa đã thất bại và để lại sự nuối tiếc vô cùng. Nhưng, anh đã cố gắng hết sức mình. Nhân dân, đồng đội và người thân các nạn nhân đã nhìn thấy hình ảnh một chiến sỹ CSGT quên mình, dũng cảm chiến đấu với “giặc” lửa, giành giật tính mạng của nhân dân từ tay tử thần. Tinh thần ấy, sự quyết liệt ấy xứng đáng được tôn vinh.

Đại úy Nguyễn Hoàng Hải, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 12 cho biết, trong quá trình công tác, Thượng úy Tiến luôn nêu cao tinh thần đấu tranh, phòng chống tội phạm trên tuyến. Anh cùng đồng nghiệp luôn vận dụng các biện pháp nghiệp vụ, lật tẩy nhiều vụ phạm pháp hình sự.

Điển hình, vào hồi 10h50 ngày 7-12-2016, tại Km 37+100, QL6, anh đã tham gia tổ công tác do Đại úy Trương Việt Sơn làm Tổ trưởng phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (CATP Hà Nội) bắt giữ đối tượng Nguyễn Duy Ngọc (SN 1985) ở huyện Vân Hồ (Sơn La) đi trên xe ôtô BKS 30A-490.xx có mang theo 10 bánh heroin. Hay như vào hồi 16h ngày 30-3, tại Km421 – QL21 (đường Hồ Chí Minh), Thượng úy Tiến cùng Tổ công tác của Đội CSGT số 12 qua kiểm tra đã phát hiện trên xe ôtô BKS 88A-154.6x chạy hướng Hà Nội – Thanh Hóa đã vận chuyển hơn 100 chiếc sạc điện thoại, 100 chiếc tai nghe, 150 chiếc pin điện thoại, 5 chiếc loa… không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Trần Huy
.
.