Công an Hà Tây: Trước ngày hợp nhất

Thứ Ba, 03/06/2008, 11:58

Nơi nào đó có thể có tâm lý do dự, cầm chừng, nhưng với tính chất công việc của Công an thì không. Đặc biệt, có thể một số tội phạm, tệ nạn xã hội lợi dụng thời điểm chuyển giao này để hoạt động, đòi hỏi các phòng, ban nghiệp vụ phải cảnh giác, đấu tranh mạnh hơn trước… Tôi cảm nhận về họ - những cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tây như vậy khi tìm hiểu các lực lượng ở đây, 2 tháng trước ngày chính thức hợp nhất Công an Hà Tây vào Công an Hà Nội.

Trụ sở Công an Hà Tây nằm sát Bưu điện tỉnh. Những người làm việc lâu năm ở đây nói, trụ sở này ta tiếp quản sau năm 1954, được UBND tỉnh hồi đó giao cho cơ quan Công an quản lý, sử dụng làm trụ sở. Bây giờ, trong khu đất eo hẹp này, 3 dãy nhà mọc lên, trong đó dãy nhà chính nằm khuất phía trái, được xây dựng từ những năm 80 thế kỷ trước, tường ốp bằng loại đá rửa phổ biến thời đó. Đây cũng là khu chủ đạo các phòng nghiệp vụ thuộc lực lượng an ninh, tổ chức, tham mưu như Văn phòng, An ninh điều tra, An ninh văn hóa tư tưởng, An ninh nông thôn… làm việc.

Mặc dù Công an Hà Tây đã có thêm cơ sở 2 dành cho các phòng nghiệp vụ Cảnh sát làm việc, nhưng phải nói điều kiện vật chất, phòng ốc của anh em rất chật hẹp. Phòng An ninh văn hoá tư tưởng nằm ở tầng 2 dãy nhà này, phòng có 4 đội nghiệp vụ nhưng diện tích chỉ có 1 gian phòng rộng chừng 16m2, vừa đủ kê 2 tủ đứng, 2 bàn làm việc, giá để ti vi và chiếc giường con.

Tôi đã đến trụ sở Công an nhiều địa phương, nếu điều kiện cho phép thì mỗi cán bộ, chiến sĩ cần có 1 bàn làm việc, 1 ngăn tủ, nhưng sự khó khăn, chật chội ở đây đã khiến 8 người chỉ có 2 bàn làm việc, vị chi cứ 4 người ngồi một bàn.

"Đây cũng là khó khăn chung của các phòng, ban chức năng trong Công an tỉnh từ nhiều năm nay, vì vậy chúng tôi chia sẻ với anh em và cố gắng sắp xếp hợp lý để không ảnh hưởng công việc chuyên môn" - Thượng tá Nguyễn Công Chiến, Trưởng phòng An ninh văn hoá, tư tưởng tâm sự.

Lại nhớ, hôm chủ nhật (1/6) tới khu nhà này, anh em mỗi đội đều bố trí quân số trực ngày nghỉ cuối tuần. Rất lâu rồi, trở lại phòng làm việc Đội Văn hoá, tôi vẫn nhận ra chiếc ấm điện anh em thường dùng cắm nước pha trà đã có tuổi thọ ngót nghét 20 năm. Ngày nào cũng dùng, ấm bung tay cầm, một chiến sĩ lại cẩn thận "khâu vá", ngay cả chiếc phích, hỏng ruột thì thay ruột khác chứ không có nghĩa phải bỏ cả vỏ phích, bởi thế mà tuổi thọ vỏ phích cũng không thua kém ấm.

Hôm nay đầu tuần, trụ sở Công an tỉnh nhiều phòng, ban họp giao ban. Tính đến mốc Quốc hội ấn định, chỉ vẻn vẹn còn 2 tháng, "nhưng dù là một ngày, một giờ thì ai đảm đương công việc nào, vị trí nào cũng phải cố gắng hoàn tất công việc đó chứ không phải do dự, cho rằng sắp có những thay đổi nên làm việc cầm chừng" - Đại tá Lưu Quang Hợi, Phó Giám đốc Công an tỉnh nói.

Là người phụ trách công tác tổ chức cán bộ, Đại tá Lưu Quang Hợi cho biết, Công an tỉnh đang chỉ đạo lãnh đạo các phòng, ban chức năng phổ biến, quán triệt tới từng cán bộ, chiến sĩ nhằm đảm bảo ổn định tâm lý, hoàn thành nhiệm vụ, tránh các biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra. Nhiều năm làm công tác tổ chức, cán bộ, ông nắm rõ tâm lý cán bộ khi đứng trước điều kiện, hoàn cảnh nào đó.

Nơi nào đó của Hà Tây, có thể có tâm lý do dự, cầm chừng, nhưng với tính chất công việc của Công an thì không. Đặc biệt, có thể một số tội phạm, dụng thời điểm chuyển giao này để hoạt động, đòi hỏi các phòng, ban nghiệp vụ phải cảnh giác, đấu tranh mạnh hơn trước…

Do vị trí trọng yếu của Hà Tây, không chỉ "áo giáp Thủ đô" mà một số đặc điểm tình hình về an ninh - trật tự trên địa bàn nên Hà Tây luôn được Bộ Công an quan tâm, chỉ đạo sát sao. Cơ quan này cũng nhiều lần được nhận Cờ Thi đua của Chính phủ, của Bộ với thành tích xuất sắc đạt được. Kinh nghiệm nhiều năm đánh án cho thấy quy luật, khi Hà Nội làm mạnh, trấn áp mạnh, tội phạm lại tìm cách né ra bên ngoài. Một số lại lợi dụng địa bàn giáp ranh để gây án, tạo tụ điểm.

Chính vì thế mà không thể khi Hà Nội đánh án thì Hà Tây yên lặng được, hai bên cùng hỗ trợ tác chiến, tội phạm mới có thể bị xử lý hiệu quả. Hà Tây cũng phức tạp ở một số "điểm nóng" về đất đai, tình hình tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Giải quyết như thế nào là bài toán của nhiều ngành ở đây, trong đó hiển nhiên Công an làm trụ cột. Nhưng với tính chất đó, nay khi hợp nhất, tất yếu Ban Giám đốc Công an Hà Nội mới và các phòng nghiệp vụ sẽ tích hội được hai điểm: Kinh nghiệm khám phá án, giải quyết các "điểm nóng" ở Hà Tây, giải quyết các tranh chấp an ninh nông thôn của Hà Tây và kinh nghiệm triệt phá những băng, ổ nhóm hình sự nguy hiểm của Hà Nội lâu nay.

Những người đồng nghiệp tác chiến không lạ nhau cả về con người cũng như hoạt động tác nghiệp. Vậy thì, sự tích hợp những thế mạnh đó sẽ tạo điều kiện họ giải quyết có hiệu quả hơn. Nói như vậy, không có nghĩa cái khó bị khỏa lấp. Công an Hà Tây sẽ phá án như thế nào khi hòa vào môi trường mới ở Thủ đô, hội đủ yếu tố phức tạp của tội phạm? Tất nhiên, đó phải là một quá trình làm quen, quá trình học hỏi, mài dũa nhưng trong thời gian đầu, họ tiếp tục đảm nhiệm địa bàn quen thuộc của mỗi nơi, sau  đó bổ sung kinh nghiệm cho nhau, những rào cản đó sẽ bị loại bớt…

Nhớ hôm chủ nhật, đứng đầu cầu Trắng, tiếng loa truyền thanh nghe rõ mồn một bản nhạc hiệu Đài Phát thanh - Truyền hình vùng đất cửa ngõ Thủ đô: "Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh, trời đất Hà Tây quê em dệt lụa”. Lời hát ấy quen lắm, thuộc lắm, gần gũi thân thương cũng như cốt cách và bản tính bình dị quê hương người gái đảm "đồng hợp tác xanh tươi cấy cày thẳng tắp"…

Chẳng phải người của xứ này, tôi cũng nhẩm theo câu hát. Từ rất lâu, rất lâu rồi, tôi đã nhớ và yêu những câu hát ấy, có điều gì đó quyến luyến, đằm thắm, và bây giờ, chút đượm lòng bịn rịn khi biết bản nhạc hiệu của đài sẽ không còn kéo dài thêm lâu nữa…

Hai đầu cầu Trắng người xe nườm nượp. Không biết, trong dòng người ồn ã đó, ai mang nặng câu hát Hà Tây quê lụa, giấu một chút chạnh lòng se sắt thời khắc thiêng liêng trước khi đất và người xứ này thực hiện sứ mệnh lịch sử: Hợp nhất vào Hà Nội vì sự phát triển bền vững của Thủ đô, của đất nước. Lâu nay, tôi ngược xuôi qua cây cầu này không ít, nó là biểu tượng của phố xá Hà Đông, tựa như khi nói Hà Nội thì biết đến cầu Giấy, cầu Chương Dương. Hiếm có một nơi nào trên đất nước, thành phố kề thành phố, chỉ phân cách bằng một biển hiệu trên trục đường Nguyễn Trãi.

Vị trí liền kề ấy, lâu nay gắn kết như lẽ tự nhiên. Dù rằng, vượt qua địa phận Hà Nội, sang Hà Đông, trục đường Nguyễn Trãi vẫn không phân biệt bằng một ngã ba, ngã tư nào. Bởi thế, nếu không để ý, có thể ta đi qua hai thành phố mà không hình dung ranh giới hai địa phận. Nhưng nếu bằng sự thân thuộc, bước tới cầu Trắng, sự cảm nhận khá rõ bởi cốt cách con người và không gian ở đây đã có bản sắc không nhầm lẫn với phía quận Thanh Xuân của Hà Nội.

Hôm nay, tức sau 5 ngày đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Nghị quyết về việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, cảm nhận một Hà Đông - thủ phủ Hà Tây đã rậm rịch lắm

Đăng Trường
.
.