Chuyện về Thiếu tướng Huỳnh Anh

Chủ Nhật, 10/04/2005, 08:31

Nhiều người ở tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Nam và Tp. Đà Nẵng biết đến ông không phải ông là một vị tướng công an, mà còn bởi lòng vị tha, giàu lòng nhân ái của ông... Họ vẫn quen gọi ông bằng cái tên trìu mến: Bác Chín Huỳnh.

Với vóc dáng cao lớn, quắc thước, giọng nói trầm ấm, tuy đã ở tuổi đại thọ 93, ông vẫn còn minh mẫn đến lạ thường.

Từ cậu bé bế con cho thầy trở thành thủ khoa Trường Quốc tử giám (Huế) và thiếu tướng Công an

Buổi sáng đầu xuân 2005, chúng tôi đến nhà riêng Thiếu tướng Huỳnh Anh (tức Chín Huỳnh) ở đường Thủ Khoa Huân, Tp. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Đã bước sang tuổi 93 nhưng trông ông vẫn còn khỏe mạnh. Dáng ông quắc thước, giọng nói sang sảng và rất vui khi biết chúng tôi ở Báo CAND đến thăm. Ông thật thà nói với chúng tôi rằng: “Ở Tp. HCM xa thế, có gì cứ điện ra cho tiện, chứ đi lại tàu xe tốn kém lắm...”.

Đại diện Báo CAND và Lương y Hùnh Sum thăm thiếu tướng Huỳnh Anh.

Mở đầu câu chuyện, Thiếu tướng Huỳnh Anh nói đừng có tướng tá rườm rà, mất thời gian, mà cứ gọi ông là Chín Huỳnh hay ông Chín cũng được. Ông giải thích điều này rất đơn giản: nhà ông chỉ có 3 anh em, còn thứ Chín là ông gọi theo vợ ông bà Võ Thị Loan (tức Chín Loan, nguyên là sĩ quan công an đã nghỉ hưu). Không phải ông nịnh bà Loan mà rõ hơn chỉ vì những nghĩa cử rất cao đẹp mà bà Loan đã dành cho ông suốt cuộc đời tham gia làm cách mạng. Ông kể: “Lấy vợ đã từng có 5 mặt con, nhưng lúc trai trẻ có ở với nhau được mấy ngày đâu. Tất cả việc nhà đều do bà Loan gánh vác...”. Để ghi nhận sự hy sinh cao cả ấy, ông tự đặt cho mình cái tên Chín Huỳnh (Huỳnh là họ của ông), mọi người cũng gọi vậy, riết thành quen.

Đã từng nhiều năm công tác tại Thuận Hải, tôi biết rất rõ về tài năng và đức độ của ông. Nhưng có một điều ông Chín Huỳnh đã từng được triều đình nhà Nguyễn phái về làm quan phụ trách phủ Bình Thuận từ những năm 1936 thì tôi chưa hề được nghe ai kể.

Ông Chín nhớ như in cái ngày ông mồ côi cha năm vừa 4 tuổi. Khi ấy nhà ông nghèo lắm, không có tiền đi học nên ông toàn đứng ngoài dựa cửa học lỏm cái chữ của thầy. Tháng này qua tháng khác, biết đứa nhỏ nhà nghèo, nhưng hiếu học nên thầy giáo cũng động lòng thương, ông được học “dự thính” không phải góp lúa, đóng tiền.

Đức tính ham học cộng với sự thông minh sáng dạ hơn người của cậu học trò Huỳnh Anh thời bấy giờ  chẳng mấy chốc đã lan truyền khắp vùng Điện An, huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Bà Nguyễn Thị Lò (mẹ ông Huỳnh Anh) thấy con trai hiếu học, nhưng chỉ tội nhà nghèo nên chẳng bao giờ dám mơ tới con đỗ đạt, đi xa. Hiểu được lòng mẹ, biết sức học của mình, cậu học trò Huỳnh Anh đã nghĩ ra cách phụ giúp bế con cho thầy, dạy thêm chữ quốc ngữ cho đám học trò con nhà khá giả, để lấy chút thù lao giúp mẹ chạy ăn qua ngày và dành ít tiền lận lưng lên Tam Kỳ học tiếp.

Sau khi đã thi đậu Primaire ở trường tỉnh, thấy triều đình nhà Nguyễn mở cuộc thi vào Trường Quốc Tử Giám, Huế - một trường danh giá nhất thời bấy giờ, ông liền đăng ký. Tin ở khả năng, học lực của mình, ông quyết chí đi thi. Ngày nhận tin Huỳnh Anh đỗ đầu (thủ khoa bây giờ) Trường Quốc Tử Giám, Huế; và khi nhìn bảng ghi danh rõ tên mình mà ông không dám tin. Liên tục 3 năm học ở Trường Quốc Tử Giám, Huế, ông đều là học sinh xuất sắc. Ông thi đỗ và ra trường sớm hơn 2 năm so với chúng bạn cùng lớp.

Nhắc đến chuyện học, ông Chín lại cười vui: “Cứ tưởng rằng học xong, được trở về quê giúp mẹ, giúp làng, ai dè triều đình lại chú ý đến mình. Vừa ra trường xong đúng 1 năm thì triều đình tấn phong khăn xếp áo dài trở thành Thừa phái, một viên chức của Nam triều... Thế là năm 1936, ông vào phủ Bình Thuận làm quan. Chuyện như vậy không lạ sao được”.

Tuy nhiên, ông đã sớm nhận ra chốn quan trường không phải nơi thích hợp với mình. Đặc biệt là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương luôn da diết theo ông. Cứ theo lời ông nói thì chốn phồn hoa đô hội chẳng làm ông vui thú. Có thể nỗi khổ đã vận vào người ông từ nhỏ, hơn nữa càng đọc nhiều, biết rộng ông càng thấy triều đình nhà Nguyễn có rất nhiều chính sách hà khắc, bóc lột dân lành. Đã rất nhiều lần ông toan từ bỏ chức tước, trở về quê hương làm ăn. Tất cả những uẩn khúc, giày xéo trong lòng ông, ông đều thổ lộ với mẹ và người thân trong gia tộc. Trong họ tộc của ông Huỳnh Anh lúc bấy giờ không phải ai cũng tán đồng quan điểm này, rất nhiều người khuyên ông nên ở lại làm quan. Ông Huỳnh Anh giãi bày: “Nói ra chắc hẳn không phải ai cũng tin mình, song cái kiểu “ngồi mát ăn bát vàng” là không sao chịu được...”. Suy tính trước sau và cuối cùng ông đã quyết định từ quan, về quê.

Trở lại Điện Bàn (Quảng Nam), ông lại chấp nhận cuộc sống lam lũ của người nông dân áo vải. Cũng vì học cao, biết rộng (ông Chín giỏi Hán văn và Pháp văn) nên nhiều người khuyên ông đi dạy học, hoặc làm quan ở ngay chốn quê nhà. Ông Chín không chịu, bởi lẽ đã từ lâu lắm rồi, lòng ông vẫn sục sôi ý chí tham gia cách mạng. Thế rồi, Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được người cậu là Trịnh Quang Xuân (Điện An - Điện Bàn) giới thiệu vào công an.--PageBreak--

Trong những năm từ 1945 đến 1957, ông Huỳnh Anh đã được giao nhiều trọng trách khác nhau như Trưởng Công an quận Tam Kỳ, Quảng Nam, rồi Trưởng ty Công an tỉnh Quảng Nghĩa. Trong phong phào diệt ác trừ gian, thời kỳ đầu cách mạng còn non trẻ, ông Huỳnh Anh đã biết dựa vào sức mạnh quần chúng, triệt để tôn trọng lợi ích của nhân dân. Với tài cầm quân, vốn kiến thức rộng, lại sâu sát thực tế của mình, ông Huỳnh Anh đã cùng các lực lượng công an làm tan rã nhiều âm mưu thâm độc của bọn Việt gian, bọn phản cách mạng.

Theo sự phân công của tổ chức, cuối năm 1957, ông theo chuyến tàu cuối cùng tập kết ra Bắc và sau đó về nhận công tác ở Bộ Công an. Đến năm 1962, khi cách mạng miền Nam đang khó khăn, ông được cấp trên điều về Ban An ninh chiến trường Liên khu V rồi Ủy viên Trung ương Cục miền Nam. Năm 1976, ông làm Giám đốc Công an tỉnh Thuận Hải.

Có một điều mà ông Chín rất ít khi kể với mọi người, song ở Thuận Hải ngày xưa, cũng như hôm nay không mấy người quên được, chính là cách chỉ huy đánh án của ông. Nhớ về thời kỳ mới giải phóng, trầm ngâm giây lát, nét mặt như rạng rỡ, vui hơn, ông nói: “Ngoại trừ bọn phản động chống phá cách mạng ở ngay trong thôn, trong ấp có thủ đoạn thật tinh vi xảo quyệt, chứ phần đông bọn phản động theo FULRO bất kể là người Chăm, K'ho, Rắklây, hay Êđê... không phải ai cũng xấu cả đâu. Đa phần họ bị bọn cầm đầu là người xấu, dụ dỗ, mua chuộc. Thời nào cũng vậy, chúng thường “đầu độc” bằng giấc mơ... tự do theo kiểu phương Tây, như ăn ngon, mặc đẹp, hoặc không làm cũng có ăn...".

Vào những năm đầu mới giải phóng, bọn phản động câu kết với các phần tử xấu sống lưu vong ở nước ngoài, ra sức chống phá chính quyền cách mạng. Điển hình là bọn phản động FULRO lợi dụng đồng bào dân tộc, dụ dỗ, lôi kéo nhiều người bỏ lên rừng. Tôi đã được trực tiếp tham gia nhiều trận đánh truy quét FULRO do ông Huỳnh Anh chỉ huy. Cứ mỗi lần sau các trận đánh, tôi lại gặp ông Chín bỏm bẻm nhai trầu ở hầu khắp các cuộc họp dân.

Để giải quyết dứt điểm bọn phản động FULRO, ông Chín Huỳnh nghĩ rất đơn giản: Không thể mãi xách súng lên rừng truy quét bọn phản động. Địa bàn phức tạp nhất được xác định lúc bấy giờ là huyện Ninh Sơn, Ninh Phước và thị xã Phan Rang - Tháp Chàm (nay thuộc tỉnh Ninh Thuận). Ông Chín Huỳnh đã đến từng nhà sư cả, già làng, những chức sắc có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc, vận động họ cùng công an đấu tranh, kêu gọi FULRO về hàng. Cũng chính ông đã mang từng cân gạo, ký muối tặng đồng bào dân tộc khi gặp khó khăn.

Ông kể cho tôi nghe về câu chuyện chiếc võng. Vào một buổi trưa đầu hạ năm 1977, ngay giữa vùng Chăm, khi ông đang căng võng ở dưới gốc cây nằm nghỉ thì có mấy người phụ nữ Chăm bồng con đến bên. Thấy thằng bé cứ chỉ tay xuống chiếc võng, ý muốn nằm, ông liền đứng dậy, vui vẻ nhường võng cho đứa bé. Những người có mặt ai cũng sợ ông mất giấc ngủ, định kéo đi. Ông Chín Huỳnh nhất định bảo bằng được cho đứa nhỏ nằm võng. Rồi đứa bé thích chí vùng vẫy trong võng, nó “bậy” cả ra võng mà ông vẫn vui... Câu chuyện tưởng là đơn giản, vậy mà rất nhiều người Chăm truyền tai nhau. Họ khen: “Ông cán bộ công an hiền và thương đồng bào Chăm nhiều lắm”.

Hay chuyện chị Đàng Thị Trào là người Chăm đi theo FULRO, lúc bị truy quét gắt gao, lẩn trốn về xã Phước Nam (nay thuộc huyện Ninh Phước) thì bị bắt. Theo nguồn tin trinh sát, ông Chín Huỳnh biết rõ Đàng Thị Trào là người yêu của Huỳnh Ngọc Sắng, chỉ huy chính của FULRO lúc bấy giờ, nếu thuyết phục được Đàng Thị Trào sẽ có lợi cho việc bóc gỡ số cơ sở FULRO đang lén lút nằm vùng. Khi bị tạm giam Đàng Thị Trào, do bị Huỳnh Ngọc Sắng tuyên truyền nên không hé răng khai nửa lời mà luôn tìm cách tự tử. Biết được chuyện này, ông Chín Huỳnh đã trực tiếp gặp Đàng Thị Trào. Bằng tất cả tình thương của mình, ông Chín nói với Đàng Thị Trào như nói với đứa con lầm lỗi: “Con còn sống, biết trở về với dân làng là tốt rồi...”. Ngay sau đó, trước mặt sư cả và già làng, ông Chín Huỳnh đã nhận Đàng Thị Trào là con nuôi. Thức tỉnh, nhận ra lẽ phải, Đàng Thị Trào vô cùng cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp của người cha nuôi. Ít ngày sau, chính Đàng Thị Trào đã vạch mặt dã tâm thâm độc của Huỳnh Ngọc Sắng cũng như bọn cốt cán chỉ huy FULRO. Đáp lại lòng tin và sự giúp đỡ, cưu mang của ông Chín Huỳnh, Đàng Thị Trào đã chuộc lại lỗi lầm, khai báo toàn bộ những cơ sở FULRO giấu mặt. Từ lúc nhận Đàng Thị Trào làm con nuôi, ông Chín Huỳnh đã đề nghị với chính quyền cho chị đi học thêm cái chữ và Đàng Thị Trào đã trở thành cô giáo trường làng.--PageBreak--

Ông Chín Huỳnh góp nhặt trong cuộc sống bằng những việc làm rất cụ thể nhưng nó lại có sức lan tỏa trong nhân dân. Để thuyết phục bằng được số FULRO bỏ vũ khí, về hàng, ông Chín Huỳnh đã đề ra sách lược là: “Người về, súng về, tư tưởng về” hay: “Người đi gọi có công, người trở về miễn tội”. Để cho ý tưởng này đến mọi người dân, trong rất nhiều cuộc họp quần chúng các thôn ấp, ông Chín Huỳnh đã đến tận nơi truyền đạt giải thích về chính sách nhân đạo này cho mọi người cùng thấu hiểu. Và cũng chính ông lấy danh dự và trách nhiệm của mình bảo đảm những chính sách khoan hồng, nhân đạo được áp dụng ngay cho những người lầm lỗi hoặc ghi công những ai đã giúp đỡ chính quyền.

Cuộc đấu trí trong núi Karon

Trong rất nhiều trận đánh truy quét tàn quân FULRO, ông Chín kể, tôi đặc biệt chú ý về một trận đánh không đổ máu, không mất viên đạn nào mà lại kéo được hàng trăm FULRO mang vũ khí về hàng. Đó là một trận đánh “cân não” giữa ông với một tên chỉ huy cấp trung đoàn FULRO ở ngay bìa rừng, hắn chính là Trượng Thanh Duyên, nguyên là Chính trị viên Trung đoàn FULRO Potholgiara.

Trước ngày giải phóng, Trượng Thanh Duyên từng là giáo viên dạy học tại thôn Hiếu Thiện, xã Phước Nam, Ninh Phước (Ninh Thuận). Là trí thức Chăm lúc bấy giờ, nghe lời bọn xấu xúi giục, Duyên bỏ trốn lên rừng, được bọn chỉ huy FULRO tấn phong cho chức Chính trị viên trung đoàn. Ngày 28 tết (năm 1977) trong một trận đánh tại khu vực rừng núi thôn Trung Mỹ, xã Phước Dân (Ninh Phước), Duyên bị thương. Qua công tác trinh sát, ông Chín Huỳnh được biết Duyên đang lẩn trốn ở khu rừng thôn Hiếu Thiện.

Trượng Thanh Duyên là người có ảnh hưởng rất lớn trong số FULRO Chăm. Tìm hiểu kỹ những cơ sở thường hay tiếp tế cho Duyên ở trên rừng, cũng như vợ con Duyên ở trong rẫy, các trinh sát công an nhận được thông tin Trượng Thanh Duyên rất ngoan cố, tuy đã bị thương song, nhất định không chịu về đầu thú. Dùng cơ sở tiếp cận, sau rất nhiều lần “thương thuyết”, cuối cùng Duyên đề nghị: Cho anh ta được trực tiếp gặp “ông già Chín”.

Ông Chín Huỳnh giải thích: Lúc bấy giờ việc gặp hắn không khó nhưng nguy hiểm hơn cả vẫn là sự tráo trở, sống hai mặt của bọn đầu sỏ FULRO, luôn tìm cách ám sát cán bộ. Vì vậy, yêu cầu của Duyên gặp trực tiếp ông Chín ngay hang ổ của bọn FULRO được đưa ra luận bàn, và có rất nhiều người can ngăn. Biết là nguy hiểm đến tính mạng, song ông Chín Huỳnh hiểu rất rõ yêu cầu của nhiệm vụ, ông đã linh cảm thấy sự cần thiết của buổi chạm trán này. Và trên hết ông Chín mong nếu gặp, thuyết phục được Duyên, bỏ vũ khí về hàng, sẽ có biết bao người không phải đổ máu nữa...

Vào đúng đêm 30 tết năm 1977, trời tối đen như mực, chỉ còn ít giờ nữa là đến giao thừa, ông Chín Huỳnh và các đồng đội đã vào tận cánh rừng núi Karon, tìm gặp Trượng Thanh Duyên.

Trong ánh sáng yếu ớt của những thanh củi khô cháy dở, ông Chín Huỳnh chủ động hỏi chuyện Trượng Thanh Duyên. Ông Chín nói nhiều về sự lầm lỡ của những người bỏ trốn lên rừng. Đặc biệt là chính sách: “Người đi gọi có công, người trở về xóa tội” mà chính quyền cách mạng đang thực thi ở khắp các bản làng. Tin ở lời ông Chín nói, Trượng Thanh Duyên đề nghị: “Nếu về hàng, xin ông Chín không bỏ tù, không trả thù và không giết hại”. Ông Chín Huỳnh phân tích: Nội chuyện ông cất công vào tận nơi rừng rú hoang vắng này, tìm gặp Duyên cũng như những người lầm lỡ, đã tỏ rõ sự khoan dung của chính quyền cách mạng rồi. Ông mong Duyên cũng như số cốt cán FULRO nên “lập công chuộc tội” trở về với bà con dân bản.

Cảm kích trước nghĩa cử của ông Chín Huỳnh, Trượng Thanh Duyên đồng ý về hàng. Lúc bấy giờ anh ta chỉ còn xin ông Chín Huỳnh một điều: “Để một mình về với gia đình, không có ai áp giải...”. Ông Chính Huỳnh cười vui, tán đồng theo ý Duyên.

Sáng mùng 1 tết, Trượng Thanh Duyên cùng toàn bộ số cốt cán Trung đoàn Potholgiara mang vũ khí về hàng. Rồi chỉ sau đó ít ngày Thiên Sạn - Tiểu đoàn trưởng FULRO Posahnư cùng nhiều người ở các tiểu đoàn FULRO khác trên địa bàn tỉnh Thuận Hải cùng mang vũ khí về giao nộp cho công an.--PageBreak--

Cứ vậy, người nọ truyền cho người kia, ai cũng nhận ra lỗi lầm khi bỏ lên rừng, chống phá cách mạng là có tội với dân, với nước. Một số tên cầm đầu ngoan cố đã bị quần chúng phát hiện, báo cho các lực lượng công an bao vây bắt gọn. Chiến công thì nhiều, song chung quy lại ông Chín Huỳnh trước sau vẫn khẳng định: Có được thành tích ấy phải kể đến công sức của rất nhiều nhân sĩ, trí thức người Chăm. Ông dẫn chứng như nhà giáo Lâm Gia Tịnh hay nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Thiên - Sinh - Cảnh... Ngay từ ngày đầu miền Nam mới được giải phóng, khó khăn ác liệt còn nhiều, các nhân sĩ, trí thức Chăm vẫn ngày đêm lăn lộn cùng ông và cán bộ công an gần dân, động viên anh chị em lầm lỗi trở về. Ông Chín rất tâm đắc điều này: Chỉ có sự đồng cảm sâu sắc, các nhân sĩ Chăm mới giúp mình tận tình đến thế.

Hơn nửa thế kỷ tham gia cách mạng, là một Thiếu tướng của lực lượng Công an, công trạng rất nhiều song tuyệt nhiên ông chẳng hề mảy may màng tới chuyện quyền lợi cá nhân mình. Được biết, vợ chồng ông Chín sinh được cả thảy 5 người con, người con gái lớn của ông bà hiện là đại biểu Quốc hội khóa X, anh Huỳnh Vũ người con trai duy nhất của ông bà nay đang giữ chức Chánh thanh tra Công an tỉnh Bình Thuận, tất cả các con của ông bà đều học giỏi và thành đạt.

Ông Chín Huỳnh giãi bày: Điều ông mừng hơn cả là hiện nay gia đình ông đã có 3 thế hệ công tác trong ngành Công an (ông bà, con trai, con gái và cháu nội). Các con của ông được rèn luyện, sống trong gia đình rất nền nếp, tuyệt nhiên không ai màng đến chuyện làm giàu phi pháp... Vì lẽ đó mà dù cuộc sống tuy còn nghèo, song ông bà vẫn vui.

Tài sản hiện có hay cuộc sống thường nhật thì ông Chín Huỳnh rất ít khi chú ý đến, nhưng những kỷ vật mà ông luôn cất giữ, nâng  niu ở những nơi trang trọng nhất đó chính là những tấm huân chương trong suốt cuộc đời làm cách mạng. Ông Chín Huỳnh giải thích với tôi rằng, những hiện vật quý hiện ông đang lưu giữ, và thường gọi là “bốn nhất” là niềm tự hào, vinh quang của ông, đó chính là bốn tấm huân chương: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và Huân chương Quyết thắng hạng Nhất. Còn báu vật nữa mà ông Chín đưa cho tôi xem chính là cuốn “Tạp ký” với bút danh là Tùng Hiên. Cuốn "Tạp ký" in hàng trăm bài thơ, có cả những bài thơ chữ Hán do ông sáng tác mà Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Thuận mới xuất bản. Nói về cuốn “Tạp ký” này, ông Chín Huỳnh rất vui. Trong suốt cuộc đời tham gia hoạt động cách mạng, ông không hề có ý định viết hồi ký về mình.

Có một bài thơ cho đến giờ này ông vẫn còn rất nhớ, đó là bài “Mừng thọ Bác”. Ông Chín Huỳnh kể: vào đầu năm 1962, khi ông vừa cùng với đoàn cán bộ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị quốc tế về Lào tại Giơnevơ về nước, chỉ sau đó ít ngày, tổ chức phân công ông tiếp tục vào Nam chiến đấu. Suốt dọc đường Trường Sơn, từ chiến trường Khu V rồi vào Khu VI, biết bao gian khổ ông đã vượt qua. Trên đường hành quân, nhớ đến sinh nhật Bác, ông Chín Huỳnh làm bài thơ “Mừng thọ Bác”. Nguyên văn bài thơ như sau:

Năm qua mừng thọ Bác
Cháu tạm nương “Bạch các”
Tuy sống cảnh phồn hoa
Cháu nguyền không đọa lạc
Năm nay mừng thọ Bác
Cháu dừng chân bên thác
Sắn củ với rau rừng
Liên hoan trong đạm bạc
Hai môi trường tuy khác
Vẫn một lòng hướng Bác
Mong Bác sống dài lâu
Giương cao Chủ nghĩa Mác
Ngay trước giờ xuất phát
Cháu đinh ninh ghi tạc
Lời Bác dạy Công an
“Chiến đấu và cảnh giác”.

Ông Chín Huỳnh cho tôi hay, làm xong bài thơ, ông gửi theo đường giao liên ra Hà Nội. Ông phân tích câu thơ: “Cháu tạm nương “Bạch các” ý ông muốn nói năm 1961, khi dự Hội nghị quốc tế về Lào tại Giơnevơ, ông Chín Huỳnh được bố trí ăn ở tại ngôi biệt thự “Château blanc” ông tạm dịch là “Bạch các”. Đến năm 1974, khi trở ra Hà Nội, lúc này ông Chín Huỳnh mới được Bộ Công an cho hay, bài thơ “Mừng thọ Bác” đã được đồng chí Vũ Kỳ đọc cho Bác Hồ nghe nhân dịp ngày sinh của Người. Ông Chín cảm động lắm, cho rằng đây là một vinh dự to lớn, hoàn toàn bất ngờ đối với ông.

Ông Chín Huỳnh nói: Thơ của ông không hay song đó là sản phẩm tâm tư mà do chính ông ghi lại trong suốt mấy chục năm hoạt động cách mạng. Đối với ông, nó là “báu vật” bởi vì đây là một loại tài sản mà ông để lại cho người thân, thứ tài sản mà “nước không thể cuốn trôi, lửa không thể đốt cháy, kẻ gian không màng đánh cắp, ngay giữa các con ông cũng sẽ không xảy ra tranh chấp gì, mà phỏng như có sự giành nhau nào đó thì ông không những không lo ngại mà lại càng thanh thản và tự hào khi sang thế giới bên kia...”

Xuân Xe
.
.