Chuyện ghi ở đơn vị “quả đấm thép”

Thứ Tư, 10/12/2014, 09:42
Lực lượng Cảnh sát cơ động, được ví như “quả đấm thép” của lực lượng Công an nhân dân, vừa tròn 5 tuổi. 5 năm qua, lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) đã làm nên những dấu ấn đáng nhớ, sự trưởng thành vượt bậc và những chiến công…

Đường tới xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) nơi Trung đoàn CSCĐ Thủ đô đóng quân, gió bấc hun hút và làn mưa nhè nhẹ. Chúng tôi đã tới thao trường  huấn luyện của lính Trung đoàn CSCĐ Thủ đô khi trời mưa mỗi lúc một to hơn. Thượng tá Nguyễn Trần Sĩ, Phó Trung đoàn trưởng cho biết, đây đội đặc nhiệm, kia đội hình diễn tập chống bạo loạn, gây rối an ninh trật tự (ANTT)… trước những người lính trẻ hăng say luyện tập trán rịn mồ hôi. Đây là đội quân cận kề địa bàn Thủ đô và các tỉnh giáp ranh Hà Nội, nhiệm vụ rất nặng nề nên việc huấn luyện vô cùng gian khổ.

Người chỉ huy cao nhất ở Trung đoàn, Đại tá Nguyễn Văn Đại nổi tiếng là “hắc xì dầu” nhưng cũng thương lính vô cùng. Anh lính nào mà léng phéng không khép mình vào kỷ luật sắt của đơn vị thì coi chừng khoác ba lô… về quê ngay lập tức. Cánh lính trẻ nghiệm rằng, cứ hôm nào “sếp” Đại mà đi lòng vòng quanh sân, nét mặt đăm chiêu là y như rằng… có chuyện. Tôi hỏi chuyện gì, anh Đại bảo rằng đó là những giây phút căng thẳng phải đưa ra những quyết định quan trọng về sinh mệnh chính trị của một chiến sĩ vi phạm kỷ luật nào đó.

Tôi đã từng biết anh trưởng thành từ một người lính và gắn bó với lực lượng Công an hơn 30 năm qua. Chàng trai quê ở Phú Xuyên (Hà Nội) cứ xa nhà đằng đẵng để tới những vùng đất đầy khó khăn gian khổ. Từng tham gia giải quyết gây rối trật tự ở Tây Nguyên năm 2001 và năm 2004. Khi ở Mường Nhé (Điện Biên) xảy ra vụ tụ tập đông người gây rối ANTT (năm 2011), lúc đó anh giữ cương vị Trung đoàn trưởng CSCĐ Tây Bắc. Bốn năm ở vùng Tây Bắc càng khiến anh mến yêu hơn mảnh đất này. Nơi có những cánh rừng bạt ngàn với hoa ban trắng mỗi độ xuân về. Nơi có đồng bào Mông ở tít trên đỉnh núi phải cuốc bộ mấy ngày trời mới tới bản. Và đáng nhớ hơn cả là có những người dân thật thà chất phác đã bị kẻ địch lợi dụng xúi giục tụ tập đông người gây rối ANTT, làm ảnh hưởng cuộc sống bình yên nơi đây. Với bà con vùng cao Tây Bắc khi đã có niềm tin thì bà con hết mực tin yêu. Có lần Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Đại xuống bản, trưởng bản đã tặng hẳn 1 tạ lúa tám thơm để làm quà. Giá trị không nhiều nhưng đó là niềm tin của người dân nơi đây, thật khó có thể nói hết bằng lời…

Từ vùng núi Sóc Sơn, chúng tôi về Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm, đơn vị “quả đấm thép” của lực lượng CSCĐ. Quên cả giờ nghỉ trưa, Ban chỉ huy Tiểu đoàn vẫn đang hội ý kế hoạch công tác. Đó là nơi hội tụ những con người quả cảm, can trường, không sợ hy sinh gian khổ, từng phối hợp với các Cục nghiệp vụ, Công an các địa phương nhiều lần ra quân thực hiện nhiệm vụ đấu tranh các chuyên án với nhiều loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm có tổ chức. Có xem lính đặc nhiệm luyện tập mới thấy được sự gian khổ, vất vả và cả nguy hiểm. Từ leo dây đột nhập nhà cao tầng, tới bơi giữa dòng sông sâu chảy xiết để cứu hộ, cứu nạn. Hơn ai hết họ hiểu rằng đổ mồ hôi trên thao trường để chiến trường bớt đổ máu.
Chiến sĩ Cảnh sát cơ động luyện tập một pha bay qua vòng lửa.

Thiếu tá Chu Văn Quang, Tiểu đoàn phó Cảnh sát đặc nhiệm đã kể về trận đánh lớn phối hợp với Công an tỉnh Sơn La khám phá đường dây tội phạm ma túy lớn. Khoảng 21h, trời mưa như trút nước khiến núi rừng Tây Bắc càng rét đậm. Tổ công tác thuộc Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm đã có mặt kịp thời, cuốc bộ 5km đường rừng núi trong trời mưa như trút nước. Lặng lẽ di chuyển trong đêm, đúng 11h30 thì tất cả vào vị trí chiến đấu. Thiếu tá Chu Văn Quang, Phó Tiểu đoàn trưởng và Thượng úy Trần Văn Phụng, Trung đội trưởng động viên anh em phải hết sức chú ý, thực hiện đúng mệnh lệnh chiến đấu. Bởi đây là một đường dây buôn bán ma túy lớn, đối tượng có vũ khí và chúng rất manh động. Phát hiện nhóm đối tượng, các chiến sĩ đặc nhiệm đã khôn khéo tiếp cận, dũng cảm chiến đấu bắt giữ 8 đối tượng (trong đó 2 đối tượng bị thương nặng đã tử vong), thu giữ 11 súng các loại, 108 bánh heroin, khoảng 20.000 viên hồng phiến cùng một số vật chứng khác. Chuyên án kết thúc, đau xót thay đã có 1 đồng chí CSCĐ Công an tỉnh Sơn La hy sinh, 2 đồng chí bị thương.

Đó chỉ là một trong những chiến công xuất sắc của lực lượng này. Mỗi lần ra quân là mỗi lần đối mặt với khó khăn, gian khổ và nguy hiểm, từ những cuộc truy bắt kẻ đâm thuê chém mướn, băng nhóm tội phạm hình sự cộm cán gây nhức nhối cho xã hội tới những kẻ buôn lậu xăng dầu quy mô lớn tại vùng biển tỉnh Thanh Hóa… Với đặc thù, tổ chức theo mô hình vũ trang chiến đấu tập trung có tính cơ động cao, ở nơi nào phức tạp về ANTT, những điểm nóng về ANNT, đều có mặt CSCĐ cùng các lực lượng đấu tranh giải quyết nhanh chóng có hiệu quả.

Nói về lực lượng CSCĐ, Chính ủy Bộ Tư lệnh CSCĐ, Trung tướng Đỗ Đức Kính cho biết, nỗ lực của mỗi cá nhân sẽ góp phần làm nên một tập thể mạnh. Mỗi cán bộ Tiểu đoàn, Trung đoàn thuộc Bộ Tư lệnh CSCĐ từ Nam chí Bắc đều là những chỉ huy giỏi, đang ngày đêm huấn luyện, luyện tập trên thao trường, sẵn sàng ra quân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 5 năm qua, kể từ ngày thành lập (được tách ra từ Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới), phát huy truyền thống hơn 40 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành, lực lượng CSCĐ đã phấn đấu rèn luyện không ngại gian khổ hy sinh, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần giữ vững ANTT của đất nước thân yêu.

Để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ ANTT, Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an hết sức quan tâm, chăm lo cho lực lượng CSCĐ, đã nâng cấp Bộ Tư lệnh, triển khai thực hiện chế độ Chính ủy - Chính trị viên, tăng cường quân số, phương tiện cho lực lượng CSCĐ. Với sự quan tâm đó, lực lượng CSCĐ tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. 5 năm tuổi, 4 năm Bộ Tư lệnh CSCĐ được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. 

Kim Quý - Nguyễn Hằng
.
.