Chuyện của một Đại tá Công an, cựu tù Côn Đảo

Thứ Hai, 16/07/2018, 11:14
90 tuổi đời, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, chịu cảnh tù đày khổ ải ở nơi “địa ngục trần gian”, vậy mà ông này luôn nói mình may mắn... Trong căn nhà khang trang tại quận 9 (TP HCM), Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn (Ba Sơn) chậm rãi lần giở lại những tập thơ, dòng hồi ký trên mảnh giấy ố vàng, rách góc và bồi hồi nhớ về một thời sôi nổi...


Người tử tù trở về

Ông Nguyễn Ngọc Sơn (Ba Sơn) sinh ra trong một gia đình nghèo tại phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đang học bậc thành chung, Ba Sơn tham gia phong trào chống Nhật.

Chàng trai trẻ Hà Nội ngày ấy đón chờ và đi theo Cách mạng bằng cả trái tim và lý tưởng. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Ba Sơn chuyển sang chiến đấu ở Trung đoàn Thủ đô và bị địch bắt.

Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn (thứ 2 từ trái qua) trong lần họp mặt với đồng đội.

Năm 1949, chàng trai 20 tuổi bị cùm chân lên tàu bay từ Hà Nội vào Sài Gòn có lính Pháp hộ tống. Ông bị giam tại Khám Chí Hòa với mức án tử hình nên được lính canh đặc biệt chú ý. Sau 4 tháng ở Chí Hòa, Ba Sơn chỉ còn da bọc xương, răng rụng, tóc rụng, ghẻ lở đầy mình.

“Kỹ nghệ nhà tù thực dân thật khủng khiếp, nhưng chúng không thể làm tôi sợ hãi” - Đại tá Sơn quả quyết. Khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta đang chuẩn bị bước vào giai đoạn tổng phản công, thực dân Pháp có phần mềm dẻo với tù nhân chính trị nên đã giảm án tử hình cho tất cả 55 anh em, trong đó có Ba Sơn. Sau đó, chúng lưu đày các người tù ra Côn Đảo với án chung thân.

Chưa kịp nhìn nắng ấm Sài Gòn thì Ba Sơn cùng các tù nhân khác bị dồn lên chiếc tàu chiến ra Côn Đảo. 5 năm ở “địa ngục trần gian” với công việc khổ sai trong xiềng xích, không ít đồng chí của Ba Sơn đã hy sinh, bị vùi thân nơi hàng dương sóng vỗ.

Sự tàn bạo khét tiếng của nhà tù chỉ làm tăng thêm ý chí quyết sống của những người tù. Ba Sơn được bầu vào Liên Chi ủy khu Võ Nguyên Giáp (tên khu nhà tù do Đảng ủy Côn Đảo đặt để giữ bí mật).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ba Sơn cùng Ban liên lạc Chi ủy tổ chức đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc, đòi cải thiện điều kiện ăn ở của tù nhân, chống đánh đập, ngược đãi... Mặt khác, từng Liên khu bí mật vượt ngục.

Tấm Huân chương Quyết thắng tròn 60 năm nay.

Nhiều cuộc vượt đảo, nhiều lần đấu tranh đã làm đau đầu chúa đảo khiến chúng phải nhượng bộ. Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ Pháp ký Hiệp định Genève lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Phía Pháp buộc phải trao trả tất cả những tù chính trị mà họ giam cầm. Ba Sơn được giải phóng, trở về với mẹ già đang khóc cạn nước mắt bởi bản án tử hình của con.

Trở về Hà Nội, Ba Sơn chuyển sang phục vụ trong lực lượng An ninh với những chuyến đi miệt mài và những nhiệm vụ bí mật. Lúc này, súng đã nổ vang trời miền Nam, những người lính miền Bắc lần lượt lên đường đi B.

lLòng nôn nao háo hức, Ba Sơn đã viết tâm thư tình nguyện vào Nam chiến đấu. Ông cho biết: “Muốn đi B phải trải qua cuộc tuyển chọn gắt gao, kỹ lưỡng. Nhóm sĩ quan An ninh chúng tôi được Bộ điều động đi “nhận nhiệm vụ đặc biệt”.

Ngày ra đi, phía sau Ba Sơn là người vợ cùng 4 đứa con ngây thơ và một đứa vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Tiên lượng trước chuyện “lành ít dữ nhiều”, trước ngày lên đường, Ba Sơn dẫn vợ con ra tiệm ảnh chụp một tấm làm kỷ niệm. Đó là gia tài quý giá nhất ông để lại cho vợ con để nếu ông không thể trở về thì cứ nhìn tấm ảnh đó mà thương nhớ.

Người thầy giáo ẩn mình

Đoàn cán bộ An ninh đi B năm ấy gồm 80 người. Họ đi ôtô từ Hà Nội về Quảng Bình rồi bắt đầu hành quân theo đường Hồ Chí Minh phía Tây Trường Sơn.

Đại tá Sơn bồi hồi: “Trước đó 8 năm, tôi đi Sài Gòn khi đang khoác áo tử tù, bị xiềng chân, khóa tay trên phi cơ của không lực Pháp. Lần này, tôi theo đồng đội “xẻ dọc Trường Sơn” giải phóng Sài Gòn. Cảm giác đặc biệt lắm”.

Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn thời làm Trưởng Công an quận Bình Thạnh.

Cuộc hành quân trên dãy Trường Sơn không cần phải diễn tả thì tất cả mọi người đều hiểu nó gian khổ, hiểm nguy đến nhường nào. Gần 4 tháng trời, đoàn tới Tây Ninh, mang theo những cơn sốt rét rừng lê thê, ám ảnh, tàn phá sức khỏe ghê gớm. Tại Trung ương Cục miền Nam, Ba Sơn nhận nhiệm vụ hoạt động ở Sài Gòn, nơi tập trung các cơ quan đầu não của bộ máy chính quyền Mỹ - ngụy.

Ba Sơn lãnh trách nhiệm tổ chức, nắm tình hình địch, xây dựng cơ sở, chuẩn bị mọi điều kiện có thể cho trận chiến đấu cuối cùng toàn thắng. Ba Sơn hoạt động dưới danh nghĩa thầy giáo với tên Nguyễn Thanh Bình. Từ đây, ông thiết lập được mối quan hệ với nhiều tầng lớp trong thành phố.

Từ anh đạp xích lô đến các chức sắc tôn giáo và cả cán bộ trong bộ máy chính quyền Mỹ- ngụy. 10 năm hoạt động nội thành, Ba Sơn xây dựng được 300 cơ sở quần chúng cách mạng.

Đây là lực lượng vô cùng quý báu, có thể ra đòn với kẻ địch bất cứ lúc nào. Thầy giáo Ba Sơn cần mẫn trau dồi kiến thức. Ông thông thuộc tiếng Pháp, Anh, Nhật, Hoa nên các mối quan hệ càng chặt chẽ, phát triển.

Ngoài ra, Ba Sơn còn có tài làm thơ, soạn nhạc, đàn hát nên được bà Tỉnh trưởng (người được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vị nể) rất quý mến. Bà này đã làm cho Ba Sơn một tấm thẻ nhà báo để dễ bề hoạt động.

Ông làm quen được khá nhiều “quan lớn” thân cận với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và “moi” được khá nhiều thông tin đắt giá chuyển ra vùng giải phóng. Ngày tổng tiến công Sài Gòn, lúc này Thượng úy Nguyễn Ngọc Sơn đã xung phong vào hàng ngũ của đoàn quân giải phóng sau một thập kỷ ẩn mình.

Nói về cuộc đời mình, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn không giấu niềm xúc động: “Tôi đã may mắn hơn rất nhiều người khi trải qua hai cuộc kháng chiến vẫn lành lặn thân thể. Tôi trở về nhà vẫn được sà vào lòng mẹ già, được ôm người vợ thân yêu và những đứa con thơ bé. Đồng đội của tôi thì không thể...”.

Trưởng Công an quận đầu tiên

Yêu TP Hồ Chí Minh từ những năm tháng ẩn mình hoạt động, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn đã tình nguyện ở lại để cùng nhân dân xây dựng thành phố giàu đẹp. Ông được phân công làm Trưởng Ban An ninh quận Thạnh Mỹ Tây (quận Bình Thạnh ngày nay).

Nhiệm vụ đầu tiên của ban An ninh là tham gia bảo vệ an toàn Lễ mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cuộc mít tinh được tổ chức trọng thể tại quảng trường Dinh Độc Lập với sự có mặt của hầu hết lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đã được đảm bảo an ninh tốt nhất, thành công rực rỡ.

Địa bàn Thạnh Mỹ Tây thuộc cửa ngõ vào thành phố nhưng lực lượng chuyên trách ít, trong tình hình còn nhiều bất ổn. Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn đã linh hoạt bố trí, phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, chiến sĩ.

Đội Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng xuống đường làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và chốt chặt ở các khu vực trọng điểm. Công an phường, dân quân tự vệ và thanh niên ở các khóm, ấp tham gia đảm bảo an ninh trật tự.

Trong những ngày diễn ra đổi tiền trên địa bàn quận, Đại tá Sơn cùng lãnh đạo Ban chỉ huy họp bàn cử trinh sát an ninh, hình sự tăng cường tại các điểm thu đổi tiền. Tổ chức giám sát, ngăn ngừa đối tượng gây án.

Nhớ lại ngày chính quyền sơ khai, Đại tá Sơn tự hào cho biết: “Đợt đổi tiền diễn ra 3 ngày đêm nhưng không hề xảy ra bất cứ rắc rối nào. Các điểm đổi tiền được bảo vệ tuyệt đối. Để đảm bảo an ninh trật tự tốt như vậy, anh em Công an gần như không được ngủ và cũng không về nhà”.

Tình hình an ninh trật tự trong những ngày đầu giải phóng hết sức phức tạp. Nạn thất nghiệp, nạn đói đe dọa nghiêm trọng. Tội phạm giết người, cướp của, xì ke, ma túy, mại dâm, cờ bạc bắt đầu hoạt động trở lại. Số người ăn xin, mê tín dị đoan, coi bói diễn ra thường ngày, tập trung thành tụ điểm trên các con đường lớn.

Ở tuổi 90, ông vẫn nhớ rất rõ ký ức.

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Công an quận Thạnh Mỹ Tây mở chiến dịch truy quét bọn lưu manh du đãng, thu gom, phân loại đưa về các trung tâm hoặc giáo dục tại gia đình.

Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn nhớ lại: “Công việc của Công an rất nhiều mà lực lượng thì mỏng, cơ sở vật chất thiếu thốn. Nhiều tổ chức chống phá cách mạng nổi lên. Hoạt động rải truyền đơn, kích động tập hợp lực lượng... Anh em phải chia nhau ra làm, mỗi tổ chỉ có một hai người thôi, làm tất cả từ trinh sát, bắt phạm rồi đi thu gom vũ khí, súng đạn... Vất vả, khó khăn nhưng đó là những ngày tháng tươi đẹp nhất của người chiến sĩ Công an”.

Năm 1976, thành lập chính quyền ba cấp, quận Bình Hòa và Thạnh Mỹ Tây hợp nhất thành quận Bình Thạnh, Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn được cấp trên tin tưởng giao làm Trưởng Công an quận. Dấu ấn của ông đã in đậm trên những bước trưởng thành của đơn vị Công an tại đây.

Ngọc Hoa
.
.