Chiến sĩ quân y cứu người nơi biên giới

Thứ Tư, 29/12/2004, 07:00

Cái chết đã cận kề với Y Thui trong một ca đẻ rừng bị thổ huyết. Theo phong tục địa phương, người dân chuẩn bị chôn sống cả mẹ lẫn con. Anh lại có mặt kịp thời và mang lại sự sống cho 2 người. Anh là Chu Văn Trường, Thiếu uý quân y, Đồn Biên phòng 673, Đăk Lei, Kun Tum.

Từ thị xã Kon Tum, vượt một chặng đường khá dài gần trăm cây số về Đăk Long, một xã vùng sâu thuộc huyện Đăk Lei, tỉnh Kon Tum, mới gặp được Thiếu úy Chu Văn Trường. Trước khi đi học nghề y sĩ, Trường đã nhiều năm làm công việc "gieo chữ" xóa mù cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới nơi đơn vị đóng quân.

Năm 1995, Chu Văn Trường được đi học ở trường quân y 3 năm rồi trở lại vùng biên giới Đăk Long để tiếp tục công việc của người lính Biên phòng. Nhưng lần này anh lại thêm một nhiệm vụ mới với công việc của một người thầy thuốc.

Đăk Long những năm ấy còn nghèo và hoang sơ lắm. Đất rừng khô cằn, bụi đường mù mịt vào mùa khô, xã chưa có bệnh xá, phần lớn những người dân địa phương đau ốm thì chữa bệnh bằng… lá rừng và cúng "Yàng".

Mới "chân ướt chân ráo" về đồn được vài hôm thì những ca bệnh đặc biệt đầu tiên ập đến. 3 người dân địa phương bị thương nặng được đưa đến nhờ bộ đội cấp cứu. Người nhà khóc rưng rức: "Bộ đội ơi, cứu giúp bà con bị heo rừng nó cắn". Lần đầu tiên cầm mũi kim sợi chỉ, một trách nhiệm hết sức nặng nề với bà con dân làng nên Trường không khỏi lo âu. Khi anh làm xong công việc, các bệnh nhân được cứu sống, dân làng mới nói cười rộn rã và cảm ơn bộ đội rối rít.

Sau câu chuyện đó, dân trong làng Đăk Xây, xã Đăk Long, từ chuyện đứt tay, sẩy chân đến những bệnh nan giải cũng đều đến nhờ bộ đội Trường cứu chữa. Năm 1998, ca đẻ rừng của một phụ nữ dân tộc thiểu số ở làng Dục Lang bị thổ huyết sắp chết. Người làng chuẩn bị chôn cả hai mẹ con, bởi theo phong tục của người địa phương thì nếu mẹ chết, đứa bé cũng phải chôn sống theo mẹ để nó được… "bú".

Nghe tin này, Thiếu úy Trường vội vã xốc một vài dụng cụ, thuốc men chạy thẳng vào rừng tìm bệnh nhân. Khi đến nơi, Trường nhận ngay ra người phụ nữ đang nằm bất động trong vũng máu ở rẫy cà phê là Y Thui. Một sự tái ngộ ngẫu nhiên giữa cô học trò cũ với người thầy giáo mang quân hàm xanh đã từng dạy chữ ở làng càng làm cho Trường bối rối. Cái chết như đến cận kề với Y Thui, nhưng Trường vẫn khuyên bà con đừng chôn sống cô, còn nước còn tát.

Anh tận dụng gốc cây cà phê để treo bình chuyền nước và xử lý việc sót nhau cho sản phụ. Sau gần 2 tiếng đồng hồ "nín thở", Y Thui dần tỉnh, cô đã nhìn rõ khuôn mặt bộ đội Trường và đứa con gái bé nhỏ của mình. Chồng Y Thui đứng bên cạnh mừng rơi nước mắt. Bé gái ấy bây giờ đã hơn 6 tuổi, miệng cháu nói cười lem lẻm thật dễ thương.

Ở làng Dục Lang có một phụ nữ mang tên Y Thia, con của một già làng, mang bệnh trầm kha. Người làng phán rằng: "Cô ấy đã bị "ma lai" bắt rồi!". "Ma lai đã bắt thì phải chết!" - Già làng cũng bảo thế. Người làng đã chuẩn bị sẵn hòm, đặt cạnh cây nêu cúng "Yàng" lần cuối, nếu "Yàng" không bắt được con "ma lai" hại người ấy thì già làng chịu mất con gái vậy.

Trường lại khoác ba lô đến tận nơi. Anh chẩn đoán Y Thia bị bệnh sốt rét nặng nên cho thuốc uống 3 ngày để theo dõi. Sau ba ngày hết thuốc nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Trường băn khoăn, anh đã từng chữa khỏi nhiều căn bệnh sốt rét tương tự nhưng không hiểu sao lại bất lực trước ca bệnh này? Anh quan sát bên giường bệnh nhân phát hiện những bãi nước bọt vàng loang lổ còn đọng lại dưới sàn nhà. Xem thật tỉ mỉ, Trường mới hiểu đây là những ngoạm thuốc do bệnh nhân nhả xuống. Lập tức anh tiếp tục cho thuốc và yêu cầu người nhà cho bệnh nhân uống tại chỗ và giám sát kỹ càng. Hai ngày, rồi ba ngày sau đó, Y Thia đã khỏe mạnh nhanh chóng và nói cười rôm rả.

Hôm chúng tôi đến gặp Chu Văn Trường cũng là lúc anh vừa cứu chữa một bệnh nhân ở làng Đăk Tu thoát chết trong tình cảnh hết sức nguy kịch. Người đàn ông ấy là A Dem bị sốt nặng cả mấy tuần lễ, theo người làng là phải chờ chết. "Ma lai đã nguyền nên phải chết". Cũng như những lần trước, Thiếu úy Trường đã dùng liều thuốc khá mạnh và cắt nhanh cơn sốt của bệnh nhân. Sau 2 ngày được y sỹ Trường cứu chữa, A Dem đã giảm bệnh và dần bình phục hẳn. Bao nhiêu tiếng đồn của dân làng về chuyện lời nguyền của "ma lai" đã bị đánh bật khỏi trong tâm thức lạc hậu của một số bà con.

Gần 7 năm qua, Chu Văn Trường đã dồn hết tâm lực của mình để cứu chữa những người dân nghèo chẳng may bị bệnh ở miền biên giới xa xôi này. Bao cái tết đã đi qua anh không về quê mà vẫn lặng lẽ hy sinh thầm lặng ở miền biên giới xa xôi để cùng vui với cái vui chung của bà con buôn làng, và anh cảm thấy những nơi đó đã thật sự gắn bó như ở quê hương của mình

Ngọc Như - K.N.
.
.