Cảnh sát môi trường và những chuyện không có trong hồ sơ vụ án

Thứ Ba, 13/01/2009, 11:51
Cục Cảnh sát môi trường (CSMT), đặt tại 499 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân (Hà Nội). Đây là năm thứ 2 lực lượng Cảnh sát non trẻ này đón Tết, lẫn trong không khí xuân cán bộ chiến sỹ ở đây vẫn còn bộn bề công việc. Quây quần bên ấm trà đặc, chúng tôi thấy ấm áp hơn trong tiết trời rét ngọt, lất phất mưa xuân để nghe những người trong cuộc kể lại chuyện phá án.

Hơn hai mùa xuân và trên 750 lần nóng bỏng môi trường

So với các đơn vị khác của lực lượng Cảnh sát nhân dân, những chiến sỹ Cảnh sát môi trường vẫn đang ở cái tuổi “chân ướt, chân ráo”. Song không vì thế mà họ kém cạnh trong việc khám phá ra nhiều vụ vi phạm lớn, phanh phui những kẻ đang ẩn mình trong bóng tối huỷ hoại môi trường sống của con người. Họ đang từng bước khẳng định thương hiệu riêng qua những sự kiện “hot” được dư luận quan tâm sau hơn hai năm thành lập.

Có vụ việc đã từng trở thành tâm điểm, được đưa ra trước diễn đàn Quốc hội như: Vụ Công ty cổ phần hữu hạn Vedan (Công ty Vedan) nhiều năm xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm sông Thị Vải (Đồng Nai); vụ Công ty cổ phần Thép Thành Lợi nhập khẩu hơn 434 tấn thép phế liệu về Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) gây ô nhiễm môi trường… Từ bước khởi động đầu tiên, lực lượng Cảnh sát môi trường đã giải quyết nhiều vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc trong xã hội khi điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn; trong bối cảnh vi phạm pháp luật về môi trường dường như đã phổ biến, còn đối tượng vi phạm lại chuẩn bị những chiêu đối phó gian xảo hơn hòng qua mắt các anh.

Để có thể khám phá ra những thủ đoạn ngụy trang tinh vi trên hệ thống “trận đồ bát quái” xả thải của Công ty Vedan, lực lượng CSMT gặp rất nhiều khó khăn. Đại bản doanh của Công ty Vedan trải rộng trên diện tích 120ha, việc tiếp cận vào phía trong không dễ dàng bởi kín cổng cao tường, đường giao thông nội bộ, mọi hoạt động được quản lý bằng hệ thống điện đàm, có lực lượng bảo vệ nghiêm ngặt 24/24h.

Đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng, người trực tiếp cầm quân vào Nam làm vụ án này cho biết: Ngay từ lần đầu đi khảo sát tại Công ty Vedan, các anh đã cảm thấy hoa mắt trước hệ thống xả thải nước thải chằng chịt đường ống, van xả, công tắc… Bằng con mắt nghiệp vụ, các anh nhận thấy, trong hệ thống xả thải này đang có những thủ đoạn che chắn, nhằm bố trí thật, giả lẫn lộn. Lúc này, các anh hiểu, nếu không tìm ra đâu là đường ống ngụy trang dẫn nước thải đã qua xử lý, đâu là đường ống ngầm xả thẳng chất thải độc hại ra sông, giờ nào là giờ bơm xả nước thải thật và đâu là động tác bấm công tắc ma để qua mắt cơ quan chức năng thì vụ án này sẽ đi vào bế tắc. Bởi Công ty Vedan đã có kinh nghiệm trong việc “rào trước” khi có cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra.

Trong quá trình tiếp cận mục tiêu, các trinh sát lại vấp phải thái độ bất hợp tác, che giấu của Vedan. Để tiếp cận và bắt quả tang việc xả nước thải gây ô nhiễm môi trường xuống sông Thị Vải, cứ hàng đêm, như những người đi giăng lưới, các trinh sát phải mò mẫm đi dọc men theo dòng sông đang ngẳc ngoải chờ chết, nép vào những cây cối đang héo rũ bên sông để tránh bị phát hiện… Sau những ngày gian khổ đó, các trinh sát nắm được một số thông tin quan trọng, làm cơ sở đưa những vi phạm của Công ty Vedan ra ánh sáng.

Kiểm đếm, phân loại số rùa quý hiếm trong vụ buôn bán rùa nhập lậu.

Trong vụ đột kích vào xưởng gỗ ở huyện Thường Tín, đầu năm 2008, lực lượng CSMT Bộ Công an, CATP Hà Nội và Cục Kiểm lâm Việt Nam phát hiện hàng nghìn tấm gỗ, hộp gỗ pơ mu trái phép không giấy tờ hợp lệ. Nhằm tẩu tán gỗ, không cho các trinh sát đưa gỗ ra khỏi kho, các đối tượng đã quyết liệt ngăn cản bằng cách vừa lăng mạ, chửi bới, vừa dùng gạch đá, mảnh thuỷ tinh ném vào lực lượng chức năng. Chưa hết, có đối tượng còn bí mật rải đinh nhằm xịt lốp xe chở gỗ khi cơ quan chức năng vận chuyển tang vật về kho.

Hay chuyện, lái xe chở hàng cố tình cho xe chạy vào đường cấm nội đô TP Hạ Long, hòng “cắt đuôi” sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Và mất tới 23 giờ đồng hồ liên tục, lực lượng chức năng phải thức trắng đêm, nhịn đói, nhịn khát để hoàn tất việc áp tải xe hàng vận chuyển động vật hoang dã gồm hơn 2.600 con rùa, rắn các loại  từ Quảng Ninh về Hà Nội để kiểm đếm và phân loại. Đây chính là vụ CSMT cùng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phá vụ buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã với số lượng lớn nhất từ đầu năm 2008 đến nay, làm rõ việc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Móng Cái (Quảng Ninh) nhập khẩu lô hàng không đúng với giấy phép đã cấp.

Qua hơn 2 năm triển khai hoạt động, lực lượng CSMT đã phát hiện, phối hợp điều tra, xử lý hơn 750 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; xử phạt hành chính và truy thu trên 130 tỷ đồng; cảnh cáo, nhắc nhở hàng trăm doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng chưa đến mức xử lý hình sự hoặc phạt tiền.

Khi môi trường có Cảnh sát

Làm thế nào để môi trường sống mãi xanh tươi, để cho mọi người được học tập, làm việc trong bầu không khí trong lành... đó là điều băn khoăn, trăn trở là mục tiêu hướng tới của các chiến sỹ CSMT khi gánh lên vai trách nhiệm mà xã hội đã giao cho các anh.

Cán bộ Cục Cảnh sát môi trường lấy mẫu nước tại sân golf Vân Trì để phân tích.

Dịp Tết này, Cục CSMT đang tập trung vào 4 chuyên đề lớn: An toàn vệ sinh thực phẩm; chống lây lan dịch bệnh; phát hiện những vi phạm trong xả thải công nghiệp; phát hiện vi phạm trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản… Dẫu đã từng tham gia những chuyến đi như con thoi, những trận đánh bất ngờ mang tính nghiệp vụ cao, những đêm trắng, những bữa ăn thất thường và chứng kiến rào cản từ phía các đơn vị, cá nhân vi phạm, chúng tôi hiểu thêm rằng, còn nhiều nỗi vất vả của lực lượng CSMT trong dịp Tết.

Có những trinh sát trẻ không thể cùng người yêu dạo phố, có những cán bộ mới lên chức bố lần đầu đã phải xa con, có những bữa cơm người vợ và các con đợi chồng… nhưng họ đều chấp nhận gác lại riêng tư, tất cả vì công việc, vì “Màu áo xanh, màu áo tôi yêu” được các anh hát lên khi bắt đầu bước vào một chuyên án mới- khi môi trường có cảnh sát.

Kết quả khởi đầu của các anh, đã và đang được nhân dân đồng tình ủng hộ. Cục trưởng Nguyễn Xuân Lý, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển lực lượng CSMT, cho biết: “Dù còn khó khăn, nhưng từ lãnh đạo đến toàn thể cán bộ chiến sỹ đều sẵn sàng để cùng các cơ quan chức năng bảo vệ môi trường”

Anh Hiếu - Thanh Hiền
.
.