CA huyện Tuy Đức - Đắk Nông: Con cưng của buôn làng

Thứ Ba, 22/05/2007, 11:34

Bà con buôn làng vẫn kể cho nhau nghe chuyện Công an đến thăm hỏi, động viên tặng quà cho những trai buôn về lại với buôn làng sau khi nghe theo lời kẻ xấu bỏ đi. Cũng nhờ Công an mà Điểu Khuynh, Điểu Ngơ giờ làm ăn giỏi, con cái được đến trường học chữ, nhà đầy ché, đầy chiêng và rượu cần.

Tuy Đức là huyện có đường biên giới với nước bạn Campuchia kéo dài hơn 130km, địa hình hiểm trở với núi cao suối sâu, phần đông dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số... nên Tuy Đức thường được xem là địa bàn khó khăn nhất trong quá trình công tác đối với lực lượng Công an ở Đắk Nông.

Không yêu nghề thì không thể làm trọn nhiệm vụ được giao, đó là tâm tư chung của cán bộ, chiến sĩ trên cao nguyên đá vùng biên giới. Do mới thành lập, nên trụ sở làm việc của Công an huyện còn phải nhờ sự giúp đỡ của Nông trường cao su huyện Tuy Đức.

Lực lượng anh em còn mỏng, song các chiến sĩ Công an nơi đây đang nắm chặt tay nhau cùng bà con buôn làng cố gắng vượt qua những khó khăn thường nhật để buôn làng ăm ắp niềm vui.

Bà con buôn làng vẫn kể cho nhau nghe chuyện Công an đến thăm hỏi, động viên tặng quà cho những trai buôn về lại với buôn làng sau khi nghe theo lời kẻ xấu bỏ đi. Cũng nhờ Công an mà Điểu Khuynh, Điểu Ngơ giờ làm ăn giỏi, con cái được đến trường học chữ, nhà đầy ché, đầy chiêng và rượu cần.

Rót một chum rượu cần đãi khách, Điểu Ngơ kể: "Mình bị kẻ xấu lừa vượt biên, hắn nói cứ đi rồi có nhà, có xe, được sung sướng... nhưng khi theo bọn chúng phải nằm mấy ngày trong rừng mình mới biết mình bị lừa. Mấy lần định trốn về với buôn làng, kẻ xấu lại dọa về bị Công an bắt.

Mình thức trắng mấy đêm rồi nghĩ: phải về thôi, về còn có vợ con, có buôn làng, Công an có bắt cũng được, còn được gặp vợ con một lần. Nhưng khi mình vừa bước vào nhà sàn thì các chú Công an đến động viên, còn cho vay tiền và bày cho cách làm để có cái nhà, cái xe. Giờ mình thường nói với đám thanh niên làng: không đi đâu bằng buôn làng mình cả, phải làm cái nương, cái rẫy rồi có cái nhà, có cái xe thôi...".

Còn khó khăn vất vả nào hơn, khi Công an huyện tổ chức một cuộc họp, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an xã phải mang theo gạo, theo nồi thổi cơm dọc đường mất hai, ba ngày mới về được đơn vị để họp. Để phá một chuyên án, nhiều lúc anh em Công an phải nằm suối, ngủ rừng cả tuần... Song tất cả vì bình yên cuộc sống của bà con buôn làng, tình yêu đất nước, yêu nghề của các chiến sĩ Công an nơi đây luôn được thể hiện trong từng hành động việc làm.

Với phong trào kết nghĩa với từng thôn, buôn, các cán bộ, chiến sĩ Công an Tuy Đức đã thực hiện 3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người dân. Cùng làm việc với các già làng, Công an Tuy Đức đã cảm hóa được hàng chục đối tượng về với cuộc sống hướng thiện. Là huyện sát bên giới nên Công an Tuy Đức đã xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với Công an tỉnh bạn MonDon KiRi của Campuchia để cùng nhau hợp tác giữ vững an ninh trật tự vùng biên hai nước.

Trung úy Trần Quang Trung quê Gio Linh, Quảng Trị mới 30 tuổi đời nhưng anh đã gắn bó với bà con nơi đây hơn 10 năm trời. Mặc cho màu da sạm đi vì nắng gió cao nguyên, Trung cười hiền khô: "Anh em cũng giống như các anh đi làm báo vậy, chạy xe máy vài ba trăm km trong ngày là chuyện bình thường. Nhưng khi về với buôn làng, cùng làm việc với bà con thì vui lắm.

Bà con dân tộc thiểu số nơi đây rất quý cái tình của anh em Công an. Và, để cho bà con "ưng cái bụng" thì anh em trong đơn vị thường nhắc nhở nhau phải quán triệt thực hiện tốt phong trào của Bộ Công an phát động "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Để dân tin, dân yêu, chúng tôi đang cùng nhau cố gắng "Mỗi ngày, làm một việc tốt vì dân". 

Thiếu tá Sô Ha Lợi - Phó Công an huyện tiễn chúng tôi xuống một con dốc dài, phút chia tay anh cầm tay tôi thật chặt: "Còn khó khăn nhiều lắm nhưng anh em động viên nhau, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là hạnh phúc của chiến sĩ Công an"

Sông Lam
.
.