Biết hướng thiện cho tội phạm

Thứ Sáu, 17/07/2009, 14:09
Đại úy Lợi chia sẻ, công tác bắt truy nã cũng có những đặc thù rất riêng. Không chỉ là truy bắt và giải đối tượng về địa phương mà rất cần có một cái tâm sáng, hướng thiện để cảm hóa tội phạm...

Khi chúng tôi đang trò chuyện với Đại úy Hoàng Minh Lợi, tiếng chuông điện thoại chợt reo. Anh vội vã xin lỗi chúng tôi vì phải về gấp đưa con đi bệnh viện…

Đã có những lúc anh phải bán toàn bộ tài sản trong nhà để có đủ tiền để phẫu thuật cho con gái. Bao lo toan, vất vả trong công việc và gia đình đang được người chiến sỹ Công an đầy bản lĩnh gánh vác. Vượt qua mọi khó khăn, Đại úy Hoàng Minh Lợi trở thành tấm gương sáng cho cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Yên Bái noi theo.

Trầm tính, không muốn nói nhiều về bản thân mình nhưng khi tiếp xúc với Đại úy Hoàng Minh Lợi, chúng tôi vẫn nhận thấy sự ân cần, ấm áp một cách kỳ lạ. Đã từng công tác tại Đội trinh sát chống tội phạm trên tuyến giao thông rồi chuyển sang công tác tại Đội truy nã, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC14), Công an tỉnh Yên Bái từ năm 1994, những chia sẻ về công việc, cuộc sống của một người đã gắn bó với nghề 15 năm khiến chúng tôi hiểu hơn về công việc của một chiến sỹ làm công tác bắt truy nã.

Thế nhưng, những người bắt truy nã cũng rất cần đến cái tâm hướng thiện để cảm hóa, động viên những người lầm lỗi ra đầu thú giống như một người anh trong gia đình.

Trong những kỷ niệm ngần ấy năm gắn bó với nghề đến bây giờ, Đại úy Lợi vẫn nhớ rất rõ vụ truy bắt đối tượng Phạm Hải Anh, 34 tuổi, trú tại TP Yên Bái phạm tội giết người trốn vào TP HCM.

Sau một quá trình trinh sát, sàng lọc đối tượng, năm 1998, Đại úy Lợi và các anh em đã phát hiện ra Phạm Hải Anh đang hành nghề bán hàng rong tại quận Tân Bình, TP HCM. Công tác bắt giữ đối tượng đã nhanh chóng được thực hiện. Tuy nhiên, điều khó khăn lại là quá trình dẫn giải đối tượng về địa phương. Anh Lợi vẫn nhớ như in, trên đường đi tàu từ miền Nam về, Phạm Hải Anh luôn tìm mọi cách để lẩn trốn hay sẵn sàng nhảy xuống tàu tự tử giống như con hổ đã đến bước đường cùng.

Nhưng bằng sự động viên, an ủi, khuyên can... của anh Lợi, Phạm Hải Anh từ có ý định tự tử đã chuyển sang quyết định sẽ cố gắng cải tạo thật tốt nếu không phải chịu mức án tử hình. Trong quá trình Hải Anh thụ án tại trại giam Tân Lập, anh Lợi vẫn thường xuyên đến thăm bố mẹ Hải Anh, động viên hai bác giữ sức khỏe chờ ngày Hải Anh trở về.

Và, những bức thư mà Hải Anh gửi cho anh Lợi và gia đình từ trại giam với lời hứa cải tạo tốt thực sự là món quà quý giá nhất trong cuộc đời gắn bó với nghề Công an của Đại úy Hoàng Minh Lợi.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại úy Lợi cũng chia sẻ, công tác bắt truy nã cũng có những đặc thù rất riêng. Có những lúc mình phải trò chuyện với người nhà của các tội phạm giống như một người thân trong gia đình, khuyên giải người thân động viên họ sớm ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Làm công tác bắt truy nã là vậy. Không chỉ là truy bắt và giải đối tượng về địa phương mà rất cần có một cái tâm sáng, hướng thiện để cảm hóa tội phạm, một lòng yêu nghề để gắn bó với nghề lâu dài.

Ngoài niềm vui trong công việc, niềm vui lớn nhất với Đại úy Hoàng Minh Lợi chính là cháu Hoàng Minh Hiền, con gái đầu tiên đang theo học năm thứ 4 tại Học viện An ninh nhân dân, nối tiếp nghề của bố. Hình ảnh những cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ như Đại úy Hoàng Minh Lợi đã thực sự là những bó hoa đẹp dâng đời, góp phần bảo vệ sự bình yên cuộc sống

Hương-Hồng
.
.