Cảnh sát giao thông - Công an Thanh Hóa:

Bám đường ngăn tai nạn

Thứ Sáu, 08/07/2011, 11:00
Giữa hè, trời nắng như đổ lửa, cái nóng hập xuống mặt đường bốc lên ngùn ngụt khiến tôi cay xè mắt. Xe container, xe tải chạy rầm rầm, bụi bay mù mịt càng khiến sự oi bức, ngột ngạt tăng gấp bội.

Dù vậy, tại QL1A, đoạn xã Tùng Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, tổ TTKS thuộc Đội 4.1, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt vẫn kiên trì cắm chốt. Vị trí các anh làm việc là quãng đường thoáng, rộng rãi, tầm nhìn xa nhưng không có bóng cây.

Thấy tôi ngạc nhiên vì việc các anh phải "bêu" giữa cái nắng gắt mà không tìm chỗ nào có gốc cây mát để cắm chốt, Đại úy Nguyễn Văn Minh, Đội phó Đội TTKS 4.1 cười: "Chị nhìn xem cả đoạn đường này có bóng cây nào đâu, với lại, những chỗ có cây thường có tầm nhìn hạn chế không đảm bảo yêu cầu về TTKS". Rồi anh bảo: "Nhà báo cứ đứng khoảng 15 phút sẽ hiểu làm CSGT thế nào".

Thực sự, chưa đầy 10 phút đứng dưới cái nắng như thiêu như đốt, bụi mù mịt, tôi choáng váng, mồ hôi ướt đầm như tắm, đầu gối như khụy xuống, không trụ vững. Thế mới biết, sức dẻo dai, sự chịu đựng của các đồng chí CSGT lớn đến nhường nào. Đưa cho tôi cái khăn bông dày, Trung tá Lê Xuân Trường ân cần: "Loại này nhiều bông, lau mồ hôi thấm lắm, không có nó chúng tôi "chết". Quả thật, chiếc khăn bông dày cực kỳ hiệu quả trong việc thấm mồ hôi khiến cảm giác nóng bức vơi đi khá nhiều. Tôi ngước lên, phía bên kia bàn, Thiếu úy Lê Anh Xuân cũng đang tranh thủ lùa chiếc khăn bông ra phía sau gáy...

Cán bộ CSGT Công an Thanh Hóa kiểm tra giấy tờ phương tiện vi phạm.

"Trụ sở" làm việc của các anh là một chiếc bàn inox chuyên dụng để lập biên bản, "sáng tạo" thêm vài chiếc ghế nhỏ để cặp tài liệu và chiếc khăn bông lau mồ hôi. Chỉ với chừng ấy "cơ sở vật chất" thôi nhưng mỗi ngày 3 ca tuần tra, các anh bám trụ địa bàn, cho dù nắng hay mưa cũng không được rời vị trí. QL1A đoạn qua Thanh Hóa dài 98km, có 2 điểm giao cắt với đường sắt và nhiều đường ngang đấu nối vào các quốc lộ, tỉnh lộ, khá phức tạp về an toàn giao thông vì mật độ phương tiện lớn, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo.

Tôi hỏi Đại úy Nguyễn Văn Minh: "Nắng thế sao các anh không nghỉ ngơi một chút?". Anh cười: "Kể ra nghỉ một lúc thì lãnh đạo đơn vị cũng khó biết được. Nhưng, chỉ cần không thấy bóng CSGT, lập tức các xe phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, có thể gây tai nạn khó lường". Quả vậy, lâu nay mọi người cứ ấn tượng chuyện CSGT "ăn tiền", trong thực tế cũng có trường hợp như vậy nhưng phần đông cán bộ, chiến sĩ CSGT đều nêu cao trách nhiệm của mình trước công việc, trước nhân dân. Chẳng thế mà các anh đã không ngại nắng cháy da, kiên trì bám đường, hướng dẫn giao thông.

Đặc biệt, trong những ngày mưa bão, CSGT cũng là lực lượng tiên phong trong việc giải tỏa các chướng ngại vật, phân luồng đảm bảo giao thông. Bên cạnh đó, CSGT Thanh Hóa cũng là một trong những đơn vị làm tốt công tác phòng chống tội phạm trên tuyến, đã phát hiện được nhiều đường dây vận chuyển hàng cấm, ma túy rất lớn.

Công việc của tổ công tác của Đội TTKS 4.2 trên QL45 do Đại úy Vũ Hoài Oanh, Đội phó làm Tổ trưởng lại có đặc thù khác. Tuyến đường này chủ yếu là các phương tiện trong tỉnh, đa số là xe máy và xe tải vận chuyển hàng hóa, nông sản, vật liệu xây dựng, vì vậy công việc của các anh ngoài việc cắm chốt hướng dẫn giao thông, xử lí vi phạm, chủ yếu các tổ công tác của Đội TTKS 4.2 tuần tra trên đường, nhắc nhở những người vi phạm.

Đặc biệt, các tổ công tác thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương có xe khách nội tỉnh, liên tỉnh, xe tải chở vật liệu xây dựng nhắc nhở, kiểm tra tại bến, không để các phương tiện vi phạm lưu thông trên đường.

Trung tá Lê Đình Bào cho biết: "Năm nay lúa chín muộn nên khoảng nửa tháng nữa mới thu hoạch". Thấy tôi ngạc nhiên, Trung tá Lâm Ngọc Thụ, Đội trưởng cười: "Anh em phải nắm lịch sản xuất của bà con để có kế hoạch tuyên truyền nhắc nhở họ".

Theo đó, hằng năm, trước vụ thu hoạch lúa, các anh đã đến các thôn, xã dọc quốc lộ tuyên truyền, vận động bà con ký cam kết không phơi rơm rạ trên đường, ảnh hưởng đến giao thông. Vào những ngày mùa, khoảng hơn 5h sáng, khi bà con bắt đầu đem lúa thóc, rơm rạ ra phơi, các anh tranh thủ đi dọc tuyến nhắc nhở, yêu cầu họ chấp hành nghiêm. Vào vụ thu hoạch mía đường, công việc nặng nhọc cũng không kém bởi phải thường xuyên bám cơ sở, nhắc nhở không cho các phương tiện chở quá tải, quá khổ ra đường gây ảnh hưởng đến giao thông.

Nhờ những cố gắng vượt bậc của lực lượng chức năng, tình hình an toàn giao thông ở Thanh Hóa được đảm bảo, không xảy ra những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng

Phương Thủy
.
.