Ba đời người đi tìm hài cốt liệt sĩ
Ngôi nhà đơn sơ của anh Lê Thận (41 tuổi) nằm sâu tít cuối con đường ruộng, sau lưng mé sông Trà, nơi có những rễ tre bám chặt vào đất, vững chãi trước xâm thực của lũ nguồn, lũ giặc ngoại xâm. Anh Lê Thận và người vợ phải quần quật cả ngày trời để lo từng miếng ăn cho 3 con nhỏ và một người mẹ già yếu. Tài sản trong nhà anh dường như quý nhất là cái máy rà sắt, dùng để kiếm thêm chút ít thu nhập ngoài nghề thuần nông. Nhưng chính nhờ cái máy nhỏ này mà anh đã tìm được cái điều cả ba đời gia đình phải đi tìm.
Câu chuyện bắt đầu cách đây gần 40 năm, anh kể: Nơi đây chính là căn cứ hoạt động cách mạng của Ban An ninh Quảng Ngãi. Trong những năm khốc liệt kháng chiến chống Mỹ, ông nội của anh là Lê Vị cùng nhiều người dân trong xóm đào hầm dọc theo mé sông, làm nơi ẩn náu, trú chân của các chiến sĩ cách mạng khi hoạt động vùng này, trong đó có đồng chí Nguyễn Trung Quới, sinh năm 1945, quê ở vùng 4, Phổ Thuận, Đức Phổ.
Đầu năm 1965, đồng chí vào lực lượng Công an nhân dân và công tác tại B3 Ban An ninh Quảng Ngãi. Ngày 3-8-1967, khi đang làm nhiệm vụ bị địch phục kích, đồng chí đã chiến đấu ngoan cường và anh dũng hi sinh. Chứng kiến cảnh đau xé lòng đứa con nuôi mà mình che chở bấy lâu đã hi sinh, ông Lê Vị nói: "Để tao ra lấy xác thằng Quới, có gì chết thêm mạng già này nữa không sao đâu".
Ông đã lao ra trước những làn đạn tàn ác của kẻ thù, cùng bà con lén đem xác đồng chí Quới chôn cạnh mé sông. Nhưng bởi cả khu đất dài nơi đây là căn cứ cách mạng nên giặc Mỹ đã tàn phá, ủi san bằng, địa hình mọi thứ đã thay đổi hẳn, không thể xác định được vị trí mộ đã chôn.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nỗi trăn trở phải tìm cho ra hài cốt liệt sĩ Nguyễn Trung Quới, ông Lê Vị cùng con Lê Trung Sơn và người cháu nội Lê Thận cùng các đồng chí, đồng đội, người thân gia đình của liệt sĩ không ngừng đi tìm. Trước khi mất, ông Lê Vị nhắc nhở con cháu giúp ông hoàn thành ước nguyện mà bấy lâu ông trăn trở day dứt là tìm ra ngôi mộ đã thất lạc, quy tụ về nghĩa trang liệt sĩ.
Dòng thời gian cứ chảy, sự tìm kiếm của gia đình ông và đồng đội, người thân vẫn không ngừng trên mảnh đất này. Thế rồi, không phải ngẫu nhiên người cháu ruột của ông - Lê Thận, tự sắm cho mình máy rà sắt đi tìm những mảnh vụn còn rơi rớt lại từ chiến tranh, tạo thêm thu nhập, một phần tiếp tục nhiệm vụ mà cả gia đình ông luôn đau đáu là tìm mộ liệt sĩ.
Một buổi chiều đầu năm 2005, tình cờ anh Thận đang rà máy dò phát tín hiệu có sắt, lưỡi cuốc được vung xuống chạm một ít mảnh đạn bom cùng một chiếc hộp quẹt cũ và cái lược, nhưng không hiểu sao khi về tới nhà, nỗi ám ảnh cái quẹt lửa, cái lược ấy cứ day dứt cả đêm khiến anh không ngủ được! Sáng sớm hôm sau, anh liền đem cuốc quyết khai quật nơi ấy và anh đã phát hiện ra dưới đấy là bộ hài cốt được bao bọc bằng chiếc áo mưa Trung Quốc đã biến dạng.
Đây chính là di vật mà ông nội của anh thường kể lại trước khi chôn đã dùng để quấn xác liệt sĩ Nguyễn Trung Quới. Anh Thận tâm sự, khi đó không thể diễn tả hết nỗi vui mừng xúc động, anh nhẹ nhàng nhặt từng mảnh xương qua bao năm tháng, cố giữ chặt, sợ tuột mất cái quí giá vĩ đại nhất mà ông nội - cha, và cả thế hệ của anh đang đi tìm.
Điều kỳ diệu của tình người: ông nội thương yêu che chở và đau đớn khi chôn cất người con của cách mạng, thì chính người cháu ruột của ông sau 38 năm đã tìm được hài cốt người liệt sĩ ấy. Đây chính là cái thiêng liêng cao quí bao đời người của một gia đình trên vùng đất anh hùng, thấm đẫm tình quân dân - nơi có những con người lớn lên bằng tiếng rì rào của bờ tre sông Trà, kiên cường như dòng sông Trà vẫn dạt dào chảy mãi