Ba cùng với Công an cơ sở: Ươm nhụy sống ở miền đá tai mèo

Thứ Tư, 29/07/2009, 09:13

Ở vùng chỉ có đá và đá, một cây bắp lách qua kẽ đất hẹp, lách qua mùa nắng gió đợi ngày thu hoạch là nghiệm đổi bằng hàng trăm ngày công của dân bản. Bám địa bàn tại nơi khắc nghiệt như thế, những chiến sỹ Công an cơ sở không chỉ có nhiệm vụ giữ bản làng bình yên...

>>Ba cùng với Công an cơ sở: Cục ở "toạ độ xanh"

Cán bộ đất cảng lên miền đá làm thầy

Đang hạ chí nhưng Đại úy Phạm Huy Hoàng kể chuyện mùa rét cách đây ba bốn đợt gieo bắp trên những kẽ đất miền đá Mường Khương, Lào Cai. Có lẽ, những đợt rét đến độ đá trơ gan cũng phải co mình thì chính trong môi trường khắc nghiệt ấy càng thấm đẫm men say của tình người miền đá. Bởi vậy, Hoàng, vốn người Hải Phòng, ngót 1 thập niên "dời đô" về miền đá, kể say sưa. Những cái tên nghe một lần không nhớ nổi như xã Tả Gia Khâu, Tả Ngải Chồ đọc líu lưỡi và anh khiến tôi giống như trẻ tiểu học dù đã giỏng tai nghe vẫn phải hỏi đi hỏi lại mấy lần mới chép đúng vào sổ.

Hồi đó, anh về xã Tả Gia Khâu, Mường Khương vừa làm công tác an ninh, vừa vào vai thầy giáo không biên chế. Những buổi học có khi chỉ vài em kê chiếc bàn gỗ, mặt mũi học trò lấm lem cát bụi và ngô nướng, lớp tiểu học nhưng có trò đứng xấp xỉ thầy. Trong nhiều trường hợp, thầy giáo Hoàng kiêm cán bộ tuyên truyền, vận động thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình. "Mùa rét ấy, tôi mang cả chăn đơn vị cấp phát xuống Tả Gia Khâu. Cô bé Giàng Thị Sành học nửa chừng thì nghỉ hàng tuần, gặng hỏi mới hay gia đình ép về lấy chồng chỉ bởi phía nhà gái đã nhận... trâu và gà đồi bên nhà trai. Sành lo sợ khóc ròng, rồi em cũng nói cho tôi biết sự thật" - Hoàng kể chuyện mùa rét năm bắp rẫy rụng hết, gần như dân bản trắng tay.

Chuyến tuần tra ở miền đá của Công an Lào Cai.

Hành trình vận động để Sành dứt được sức ép của gia đình khó hơn leo chín ngọn đồi. Hôm đầu tiên đến gia đình, bố của Sành tìm cách lẩn tránh, rồi ông bắn tiếng chuyện cưới hỏi không thể khác, trâu đã nhận tất phải cưới, không cưới lấy trâu đâu mà đền cho nhà trai.

Sành mới 14 tuổi, ngô nghê như nụ đào rừng, thấy cán bộ Công an đến nhà thì khóc lã chã. Hỏi, Sành bảo muốn đi học, sợ lấy chồng nhưng sợ nhất là... bố! Lần thứ hai, thứ ba, anh cùng Công an xã Tả Gia Khâu tìm đến, ông bố đành chấp nhận tiếp đón nhưng vẫn tuyên bố bắt con gái bỏ học, cưới ngay. Lần thứ tư, Hoàng không gặp bố mẹ Sành tại nhà nữa. Anh và một cán bộ lên rẫy.

Mưa tháng giêng rắc ngọt miền rừng, Sành và bố đang hý hoáy dùng con dao cùn cạy từng vách đá cứng, vén lại kẽ đất ít ỏi trong đó. Thưa chuyện, rồi Hoàng cũng dùng dao cạy đá. Ước gần buổi sáng nhưng hai bố con chỉ cạy được đoạn ngắn, nếu gieo bắp hẳn chưa tới vài chục hạt. Do đá cứng và lượng đất bám ít ỏi, chỉ cần trận mưa, hôm sau gần như công cốc, đất trôi hết.

Nắm được yếu tố này, Hoàng nghiên cứu địa hình núi đá, lượng đất, sau đó đề nghị với người bố khó tính: tạo chỗ trũng phía dưới, lấy lượng đất cạy từ các hốc đá phía trên, đợi khi mưa xuống, đất theo kẽ chảy xuống chỗ trũng, tất sẽ có dăm chục thước gieo bắp, hiệu quả hơn nhiều. Chưa tin, hôm sau cán bộ Hoàng tiếp tục làm thử. Quả nhiên, sau trận mưa lớn, vùng trũng phía dưới trở thành "bãi phù sa" ngay chân núi đá.

Bài học thực tế có nghiệm, bấy giờ Đại úy Hoàng nói: Bí quyết ở chỗ phải học. Con gái bỏ học, lấy chồng, bố nhận được một trâu to khỏe nhưng không có chữ thì vẫn chỉ leo núi chọc đá, rồi trâu hết mà đá cũng rạm chân. Chi bằng, có chữ, sẽ có cách làm mới, rồi sẽ có thêm nhiều trâu, nhiều bắp. Ông bố khó tính quả nhiên bị cán bộ Hoàng thuyết phục, rốt cục ông trả trâu cho nhà trai, Giàng Thị Sành được tiếp tục theo học. Giờ đây, Sành đang học tại Trường Hữu nghị Việt - Lào, mỗi lần trở về thăm nhà cô đều tìm đến Đại uý Phạm Huy Hoàng bày tỏ sự biết ơn. 

Thực địa trên đá

Qua con đường nhựa nằm vắt ngang sườn núi với những dốc cua tay áo, nhóm phóng viên chúng tôi tiếp tục những ngày thực địa vùng cao biên giới Mường Khương. Phó Trưởng Công an huyện Mường Khương Đinh Xuân Thắng, mang vẻ rắn chắc của người miền đá.

Hơn 30 năm gắn bó với mảnh đất biên giới Việt - Trung, nhiều năm làm Công an phụ trách xã, lăn lộn khắp các rẻo biên giới, anh còn giữ vai trò cầu nối kết tình hữu nghị. Tại đây, Đại úy Nguyễn Văn Thịnh cũng từ miền xuôi lên với 12 năm gắn bó với bản vùng cao. Sinh ra và lớn lên ở vùng trung du Thanh Ba, Phú Thọ, Thịnh tốt nghiệp Trường Trung học An ninh nhân dân, lên Mường Khương ngay sau khi ra trường.

Anh kể, làm Công an phụ trách xã phải có kinh nghiệm để vận động bà con, phải hiểu sâu về phong tục tập quán và quan trọng nhất là phải "tác chiến độc lập" được. Xã cách huyện gần trăm kilômét, có bản xa cách xã vài chục cây số đường rừng, điện thoại mang theo cũng chẳng có sóng, chỗ có sóng lại không có điện nạp pin, khi có sự vụ gì tất phải tự quyết định, xử lý "tiền trảm hậu tấu" là việc bình thường.

Hành trang ngày đầu cắm bản của anh xuống xã Tả Ngải Chồ lúc ấy chỉ có ba bộ quần áo, mấy hộp  bánh, gói kẹo cho lũ trẻ trong bản, vài gói thuốc lào, vài chục đôi pin nghe đài, mấy khăn len tặng các mế, các chị... Chàng trai vùng trung du ấy đã bị hút hồn bởi vẻ đẹp hoang sơ của mảnh đất biên cương và nụ cười duyên như hoa rừng của thiếu nữ vùng cao.

Đêm đầu tiên ở bản, khi mọi người đã tập trung đầy đủ, già làng và người dân đón nhận anh như một thành viên trong bản. Nhưng khi chỉ còn anh với bếp lửa bập bùng trên vách nứa, Thịnh đã trăn trở rất nhiều.

Ở khu vực được gọi là cao nguyên đá của Lào Cai, cái quý nhất là nước, để có một thùng nước từ khe đá các thiếu nữ vùng cao này phải dậy từ gà gáy, đi xa mấy cây số đường rừng, hứng được một thùng nước từ khe đá mang về trời đã quá trưa. Rồi những ngày Thịnh lên nương, làm rẫy trồng ngô, trồng sắn cùng bà con, tối về giúp đám trẻ học chữ hay đốt đuốc đến từng nhà giúp thầy cô giáo trong bản động viên các cháu đi học. Chính người thầy lại thành trò khi học ngôn ngữ của bà con...

Câu chuyện của Thượng úy Nguyễn Văn Giang, cán bộ Công an cắm bản trẻ tuổi nhất được nhiều trưởng bản từ chỗ nhận làm con nuôi đến đề nghị làm... con rể. Địa bàn Giang được phân công là xã biên giới Tả Ngải Chồ cách trung tâm huyện gần 16km, một điểm nóng về ma túy. Vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa lăn lộn ở địa bàn, anh mày mò tìm cách học tiếng để có thể nói chuyện được với bà con người Mông, tìm hiểu về phong tục, tập quán và những điều cấm kỵ của họ để tránh "phạm quy". Ban đầu, người dân còn dè dặt với cán bộ, những lúc ấy Giang phải dựa vào lực lượng cán bộ trong xã. Gần đây, anh còn bắt giữ hai đối tượng có lệnh truy nã về hành vi mua bán phụ nữ...

Và... thần núi!

Với Trung tá, Phó Trưởng Công an huyện Mường Khương Đinh Xuân Thắng, sau thời gian cắm bản, anh được ông Lù Quáng Sồ nhận làm con nuôi. Hiện anh Thắng đã giúp cho hai con của ông Sồ tiếp tục theo học, hàng tháng hỗ trợ ông một khoản tiền để chăm lo cuộc sống. Còn Trung tá Hà Minh Hùng, Công an huyện Bảo Thắng lại được ví như "thần núi". Anh phụ trách xã Toòng Già, Bảo Thắng, ở đó có bản người Mông với 54 hộ dân và gần 300 nhân khẩu sống trên núi cao chót vót, quanh năm sương mù che phủ.

Xã 54 hộ này gần như biệt lập với bên ngoài, người địa bàn khác đến đây bị tẩy chay nếu không được dân trong bản cho phép. Mấy năm leo núi ở Toòng Già, rốt cục trưởng bản hiểu rằng những đề nghị của cán bộ Thắng là đúng, từ đó cho phép người của bản hòa nhập với các bản xung quanh. Trung tá Thắng làm được những điều tưởng không thể, cái tên "thần núi" có lẽ mang ý đó nhiều hơn.

Chúng tôi rời Mường Khương khi bóng đêm sập xuống, bản xa le lói điện như hoa nến của rừng... Trung tá Thắng không thừa nhận miền đá là khó nhất. Anh nhắc đến cụm từ "miền Trung khắc nghiệt" rồi bất chợt bảo: "Phải thực địa với lính ma túy xứ lửa mới biết chất lửa của họ thế nào"...

                                                (Còn nữa)

Đăng Trường - Xuân Mai
.
.