Ba cùng với Công an cơ sở: Cục ở "tọa độ xanh"

Thứ Ba, 28/07/2009, 16:13
"Tọa độ xanh" là gì? Sự phân vân đó khiến tôi quả quyết phải có chuyến đi với đơn vị này. Và tôi hiểu nhiều hơn những điều họ ít nói về mình...

>> Ba cùng với Công an cơ sở: Cắm bản phía Sừng Trời

Mục thị "tọa độ xanh"

Ấy là doanh trại Cục An ninh Tây Bắc, Tổng cục An ninh. Gọi Cục ở "tọa độ xanh" trước hết đúng nghĩa đen bởi cảm nhận theo góc độ sinh thái, những ngôi nhà làm việc của anh em trong Cục ẩn dưới màu xanh ngút ngàn tán cây cổ thụ. Có lẽ, đây là một trong số ít đơn vị cấp Cục (không riêng gì trong lực lượng vũ trang) nhưng "hộ khẩu" lại nằm phố núi.

Lần trở lại này, đúng độ hạ chí. Dãy xà cừ và những cây cổ thụ đủ sức rợp bóng, giảm bầu không khí ngột ngạt mùa nắng tháng bảy. Hai năm rồi, xem chừng trụ sở của anh em vẫn chẳng có gì thay đổi, khu làm việc và phòng ở vẫn "tạm trú" trong thửa đất thuộc nhà khách Hào Gia, Yên Bái. Nơi làm việc và nơi ở của anh em gói gọn hai dãy nhà ước chừng 5-7 phòng.

"Giờ anh em đang cắm địa bàn, chỉ khi có việc mới rút về" - Đại tá Nguyễn Văn Hùng, Cục trưởng giải thích. Dãy phía trên rộng hơn một chút, có phòng họp kê ghế băng, ngồi được vài chục người, cạnh đó là bếp ăn với dăm chiếc bàn gỗ. Hôm tôi đến, mấy chiến sỹ đang "khuấy đảo" nồi canh rau ngót ăn cơm trưa, nồi canh làm tôi nhớ những ngày đi học, to đấy nhưng đơn giản chỉ nước xanh đến độ trong veo...

Ở cái vị trí xanh ngút ngàn này, những trận mưa lớn, có cảm tưởng như lạc rừng sâu. Ở đơn vị số xe công hạn chế, anh em ráng giữ gìn. Vậy mà có hôm dù đã cẩn thận để xe dưới gốc xà cừ thì cơn mưa kéo theo gió rừng ồ ạt suýt nữa gây tổn hại lớn.

Thức dậy từ rạng sáng, Đại tá Nguyễn Văn Hùng bước ra sân đã thấy cành xà cừ to bằng bắp chân gãy đổ nằm ngang trên capô xe. Vậy là buổi thể dục sáng thay bằng những xô nước tự mình cọ xát, lau rửa chiếc xe "bị thương" đêm mưa. Cơm trưa tại Cục, anh ít kể về khó khăn của đơn vị, dẫu tôi đã gặng hỏi khá nhiều.

Chan bát canh rau ngót trong veo ấy, vị chỉ huy từng dãi dầu từ miền Đông Nam Bộ tới cao nguyên đất đỏ, thẳng thắn: "Lính an ninh ở đâu cũng chịu thử thách, lao tâm thì phải yêu nghề, cũng chẳng thể so sánh nơi nào gian nan hơn". Biết ý tế nhị của người "cầm trịch" đơn vị "tọa độ xanh", tôi mục sở thị những khu trọ của anh em.

Ngày thường của cán bộ A45 tại vùng cao Tây Bắc.

"Hình như vợ chồng mình là người của dân bản"

Chẳng cứ nơi sầm uất như Hà Nội, phố núi Yên Bái giá nhà trọ cũng vùn vụt tăng. "Hồi mới đến, vợ chồng em thuê căn phòng cấp 4 này có vài trăm, giờ đã tăng hơn hai lần" - Thiếu uý Vũ Thị Kim Huế lau dọn căn phòng ước hơn hai chục mét vuông, ái ngại nói.

Huế và chồng là anh Phạm Văn Hùng lên cư trú tại đây đã hơn ba năm, sau thời gian hai người "Nam ký" tận TP HCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Câu chuyện về nghề và cuộc sống của hai vợ chồng anh Hùng, chị Huế có thể hiểu như dẫn chứng sinh động trong bức tranh chung mà những cán bộ, chiến sỹ an ninh cơ sở đang trải nghiệm.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, mang giọng nói vùng đá vôi Ninh Bình, Huế vào TP HCM thử việc. Duyên kỳ ngộ khiến chị tổ chức đám cưới tại đây với anh Hùng, khi đó là cán bộ an ninh tăng cường công tác vùng Đông Nam Bộ ở Đồng Nai, Bình Dương. Anh vốn là sinh viên D24, Học viện An ninh, đến thời điểm đó cũng gần thập niên xuôi ngược miền Đông, miền Tây.

Năm 2006, hai người quyết định Bắc tiến và điểm "tập kết" lần này là vùng núi Yên Bái. Nhưng cái nghiệp sống ở làng bản như đã định hình. Vợ chính thức gia nhập quân số A45, thuê phòng trọ cách đơn vị không xa, Thiếu tá Hùng lại bắt đầu rong ruổi những ngày "bản sương giăng, đèo mây phủ". Sau hai năm cắm bản ở Bắc Kạn, Thái Nguyên, bây giờ người lính có hơn thập niên ở Đông Nam Bộ lại chốt ở tuyến biên giới Cao Bằng. "Anh ấy địa bàn nào cũng thích nghi được, tháng một hai lần về thăm vợ lại nói lạc cả tiếng dân tộc thiểu số. Xưa nói tiếng Khơ Me, giờ nói tiếng Nùng, Tày, Thái, nhiều khi em cứ nghĩ hình như vợ chồng mình là người của dân bản, rồi các con cũng nhớ giọng bố như vậy" - Thiếu uý Huế trải lòng.

Chuyện vợ Nam chồng Bắc và ngược lại, với Cục "tọa độ xanh" trở nên thân thuộc. Năm rồi, Thượng uý Lê Thanh Tiến sau thời gian "tắm nắng" ở cao nguyên đất đỏ, xuống những bản ở Đắk Lắk, Gia Lai, anh lại hành trình ra Đông Bắc. Giờ vợ cũng "nhập khẩu" về A45, cũng cảnh như Thiếu uý Huế, vợ đi mạn ngắn, chồng đặng vùng xa, cảnh thuê nhà vẫn đeo đuổi chưa biết đến khi nào. Có hàng chục cặp vợ chồng cùng cảnh thuê nhà như vậy tại Yên Bái.

Trong khi vợ tự xoay xở thì cảnh chồng ngược biên giới, đồng lương vốn đã ít ỏi lại phải... bẻ đôi thuê nhà. Hôm lên Bắc Kạn, một trong các điểm đóng trụ sở của Cục, tôi hiểu cảnh anh em vẫn tá túc như thời sinh viên, cứ vài người một phòng để tiết kiệm. Ngay tại Cao Bằng, Hà Giang, những chiến sỹ lên đây vẫn đều đặn đóng tiền thuê nhà trích từ quỹ lương chưa bao giờ rủng rỉnh của mình.

Tai họa, gác lại niềm đam mê

Xe máy hiện là phương tiện hữu hiệu của anh em, trước hết bởi sự cơ động của nó. Từ Bắc Kạn hay Yên Bái, những chuyến đường trường vượt đèo dốc lên Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, anh em tranh thủ thời tiết mát mẻ thường đi ban đêm, có khi khởi hành từ chiều tối hôm nay, đến nơi là bình minh hôm sau. Những chuyến trèo đèo như vậy thực sự ẩn chứa nhiều hiểm nguy.

Ai cũng biết, những con đường vòng cua miền núi phía Bắc lúc mưa to có thể đánh sập cả mảng đất vùi lấp người và phương tiện. Người vợ ở nhà  nóng lòng âu lo khi chồng vượt núi trong đêm. Đại tá Nguyễn Văn Hùng kể, xe máy dùng nhiều năm, dẫu giá trị vật chất có khi chỉ tương đương tạ thóc nhưng giá trị tinh thần khó gì đổi được.

Bởi vậy, có lần anh em trên đường công tác gặp phải trận mưa lớn, họ cố gắng dắt xe qua cầu nhỏ nước xiết mạnh. Nước dữ cuốn cả người và xe văng khỏi thành cầu, khi hai người bơi vào bờ thì "chiến hữu" Dream đã mất hút. Mấy ngày sau nước rút, anh em mò mẫm dọc bờ suối nhưng vô vọng. Không bỏ cuộc, họ đưa ra đề nghị: Người dân nào tìm được chiếc xe sẽ trả tiền chuộc lớn hơn giá trị của xe. Quả nhiên, sau vài ngày, có người dân đã mang xe đến, anh em mở tiệc nếp nương chia vui và trả công đúng như đã hứa.

Bây giờ, Trung tá Lê Hữu Trịnh vĩnh viễn mất 65% sức khoẻ, anh buộc dừng sự nghiệp ở tuổi ngũ tuần. Trung tá Trịnh vốn người dân tộc Tày, địa hình đèo núi đã thuộc lòng sau hàng chục năm công tác trong màu áo an ninh từ Công an tỉnh đến cán bộ của Cục. Thành thạo là vậy nhưng hiểm nguy nhiều khi khó lường.

Trong chuyến vượt núi từ TP Yên Bái lên Lai Châu, do thời tiết xấu, ngoặt ở đoạn nguy hiểm, Trung tá Trịnh bị tai nạn nghiêm trọng. Sau nửa năm băng bó ở viện, anh rời phòng điều trị với thương tật 65%, gác lại niềm đam mê dang dở. Gặp anh, nước da khô rám hơn cả khắc nghiệt địa hình, người gầy rạc, tôi đắng lòng khi anh vẫn xoay chiếc nạng gỗ nói điều băn khoăn nhất khi thực hiện nghỉ chế độ "tôi muốn trở lại thăm bà con trên đó (Lai Châu)".

Mùa hè này, những cán bộ Cục A45 vẫn tạm trú tại khu tập thể nhà khách Hào Gia cũ, có lẽ cũng chưa biết khi nào dự án trụ sở mới được hoàn thành do khó khăn về tài chính, mặt bằng. Ngồi trong dãy nhà cấp 4 nhưng Đại tá Nguyễn Văn Hùng vẫn "vẽ" viễn cảnh: Mai này chuyển sang trụ sở mới, tận dụng khoảng khuôn viên hai bên để trồng cây và lập... trang trại nhím. "Khi đó, cán bộ dưới Hà Nội lên vừa có đặc sản nhím với măng rừng, lại còn nhím nguyên con mang về làm quà". Dẫu biết câu chuyện mang ý làm vui lòng chiến sỹ nhiều hơn là thực tế thì cũng lộ cảm hứng lạc quan của những con người phố núi.

Tôi nhớ, dịp trước cũng ở căn phòng cấp 4 này, nhân chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sỹ của Cục, Đại tướng Lê Hồng Anh chia sẻ: Những ngày sum họp như Tết Nguyên đán, người người quây quần bên tổ ấm gia đình, còn với cán bộ, chiến sỹ An ninh vẫn can trường đảm nhận tốt nhiệm vụ nơi gian khó. Sự có mặt trong điều kiện như thế làm ấm lòng bà con dân bản, khắc đậm phẩm chất chiến sỹ An ninh.

Vượt xa hơn phạm vi Cục, có những điều nếu không thực địa quả khó giải thích những gì cán bộ Công an "ươm nhụy sống" ở vùng đá tai mèo.

(Còn nữa)

Đăng Trường - Xuân Mai
.
.