Ăn tết trong Trường Giáo dưỡng số 3

Thứ Bảy, 28/01/2006, 08:26

Vào những ngày cuối năm, toàn thể cán bộ, giáo viên và hơn 700 em học sinh Trường Giáo dưỡng số 3 (Bộ Công an) đóng ở địa bàn Đà Nẵng đang rộn rã chuẩn bị để đón xuân về.  

Thầy Đinh Công Sử - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hàng năm, trường chỉ có 1/3 cán bộ được nghỉ phép và một số em học sinh có thành tích học tập, rèn luyện tốt được về ăn Tết. Năm nay, trường có đến hơn 600 em và 60 cán bộ ở lại ăn Tết, chỉ có khoảng 100 em được về nhà. Chế độ ăn Tết của các em được tính cao gấp năm lần so với ngày bình thường, có đủ bánh chưng, thịt cá và bánh kẹo; ngoài ra, các em còn được phát chăn màn và một bộ quần áo mới. Đặc biệt, có những em được ưu tiên cho về nhà ăn Tết nhưng xung phong ở lại, nhường cho bạn khác vì về nhà cũng không còn ai và không có gì để ăn Tết…

Mặc dù Tết ở đây chỉ 3 ngày, từ 30/12/2005 cho tới hết ngày 2/1/2006 (theo lịch âm) nhưng không khí Tết thì đã rộn rã từ hàng tuần, thậm chí cả tháng trước đó. 700 học sinh ở đây được chia thành 14 đội với một giáo viên chủ nhiệm, một giáo viên văn hoá và một cán bộ phụ trách. Từ ngày 28 Tết, các em đã được nghỉ đi lao động cho đến tận ngày 6/1 âm lịch. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp này, các đội lại hân hoan bước vào cuộc thi trang trí Tết với những vật dụng do các giáo viên, cán bộ phụ trách mua từ thành phố về với các chủ đề: thi bày ngũ quả, trang trí phòng Tết cổ truyền với ảnh Bác Hồ, những băng rôn, câu đối, đèn màu và cả những cành mai, đào giấy thắm sắc màu. Những hoạt động sáng tạo tập thể đó giúp các em phần nào vợi bớt nỗi nhớ nhà. Chiều 30 Tết, nhà trường thành lập một hội đồng giám khảo gồm Ban Giám hiệu và các cán bộ chấm thi; đội đoạt giải nhất sẽ được nhận một phần thưởng trị giá 250.000đ, thấp nhất là giải khuyến khích (5 đội) với 120.000đ/đội.

Cô giáo Trần Thị Bích Ngọc cùng học sinh bàn kế hoạch cho ngày Tết sắp tới.

Mặc dù chỉ có 60 cán bộ, giáo viên phụ trách quản lý hơn 700 học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường vẫn luôn đặt mục tiêu: ăn Tết đảm bảo an toàn lên hàng đầu. Bởi thế, trong 3 ngày Tết, các hoạt động vui chơi tập thể như: ném bóng, kéo co, cầu lông, diễn văn nghệ (hát, kịch…) được diễn ra thường xuyên và cuốn hút tất cả các học sinh cùng tham gia, không để cho các em có thời gian ngồi buồn, nhớ nhà mà có thể phát sinh những hành động tiêu cực.

Đêm cuối năm, vào giờ phút chuyển giao thiêng liêng của năm cũ - năm mới, nhà trường tổ chức lễ đón giao thừa tập thể. Các cán bộ, giáo viên và hàng trăm học sinh ngồi chật kín cả hội trường, vừa gần gũi vừa ấm áp như một đại gia đình đang sum họp, cùng ăn kẹo bánh, chia cho nhau thưởng thức một chút quà quê từ gia đình gửi tới, cùng múa hát tập thể, cùng xem tivi, nghe thư chúc Tết của Chủ tịch nước… Đó là giây phút mà mọi lỗi lầm, mặc cảm dường như không tồn tại, mọi sự xa lạ và ngăn cách cũng không còn. Đối với một vài trường hợp lang thang bụi đời hay những em bị thiệt thòi nhiều về mặt tình cảm gia đình trước khi bị đưa vào trường thì đây còn là cái Tết đông vui và ấm áp, no đủ nhất

Thanh Thanh
.
.