Lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng (Bộ Công an):

55 năm trưởng thành cùng đất nước

Thứ Năm, 03/11/2005, 09:59
Cách đây vừa đúng 55 năm, để bảo vệ những thành quả cách mạng, xây dựng và phát triển lực lượng Công an nhân dân, ngày 7/11/1950, tại chiến khu Việt Bắc, Hồ Chủ tịch đã ký ban hành Sắc lệnh 150/SL về "Tổ chức các trại giam". Đây là văn bản đầu tiên có giá trị pháp lý cao nhất của Nhà nước ta về công tác quản lý trại giam.

Từ đó đến nay, vượt lên bao gian nan và thử thách, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an được giao nhiệm vụ quản lý trại giam đã trải qua cuộc hành trình đầy gian khổ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Còn nhớ, ngay sau khi có Sắc lệnh của Chủ tịch nước, tháng 5/1952, Trại giam Trung ương số 1 do Nha Công an Trung ương trực tiếp quản lý đã được thành lập tại Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. ít lâu sau, trước yêu cầu của công tác đánh địch, Trại giam Trung ương số 2 ra đời tại xã An Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Đối tượng bị giam giữ, cải tạo ở 2 trại giam này chủ yếu là số ngụy quân, ngụy quyền, gián điệp, phỉ có nhiều tội ác với nhân dân.

Từ những kết quả đạt được tại các trại giam do Nha Công an Trung ương quản lý, lần lượt các trại giam thuộc các ủy ban kháng chiến tỉnh, thành được thành lập như Trại liên khu 3 (Thanh Hóa); Trại Bình Di (Vĩnh Phúc); Trại Mai Côi (Phú Thọ); Trại Sơn Cẩm (Thái Nguyên); Trại Yên Khương (Sơn La); Trại Bến Hới (Nghệ An). Tương tự như thế, ở Nam Trung Bộ, hệ thống các trại cải tạo cũng được thành lập ở Sài Gòn - Gia Định, Long An, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Khánh Hòa, Bình Định nhằm cải tạo các đối tượng ngụy quân, bọn ác ôn... góp phần tích cực vào việc bảo vệ an toàn các khu căn cứ.

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, để đáp ứng những đòi hỏi của công cuộc cải tạo XHCN, xây dựng miền Bắc làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, nhằm thực hiện tốt chủ trương giáo dục, cải tạo theo Nghị quyết số 49 của ủy ban Thường trực Quốc hội, chúng ta đã cảm hóa, giáo dục được hàng nghìn đối tượng, làm mất chỗ dựa và cơ sở xã hội của địch, giúp cho việc điều tra, phá các vụ án của lực lượng Công an đạt hiệu quả cao.

Cũng trong thời kỳ này, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến phá hoại miền Bắc hòng ngăn chặn sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam. Các trại giam trở thành mục tiêu bắn phá của bọn chúng. Nhiệm vụ đặt ra cho các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát quản lý trại giam lúc này là vừa phải đảm bảo an toàn tính mạng cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân, vừa phải áp dụng các biện pháp quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân cho phù hợp với thời chiến. Còn nhớ, trong thời điểm ấy, nhiều trại giam bị máy bay Mỹ ném bom, bắn phá; trong đó có một số trại bị đánh phá nhiều lần.

Song, do chủ động phòng ngừa, triệt để sơ tán nên hầu hết các trại đã hạn chế đến mức thấp nhất sự thiệt hại, đặc biệt là đã không để xảy ra những biến động xấu trong các trại. Thời gian này, lực lượng Cảnh sát ở một số trại giam đã phối hợp với Cục Quân pháp, Bộ Quốc phòng, đảm bảo quản lý chặt chẽ số phi công Mỹ bị bắt làm tù binh, đối xử nhân đạo với họ. Nhiều đơn vị trại giam ngày ấy, sau này đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cùng với việc thực hiện hiệu quả công tác cải tạo phạm nhân ở các trại giam, trong những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, nhiều gia đình bị ly tán, bố mẹ không có điều kiện quản lý, giáo dục, chăm sóc con dẫn đến nhiều trẻ em hư, vi phạm pháp luật. Trước tình hình đó, ngày 18/12/1967, Chính phủ ban hành Quyết định số 217/TTG về việc thành lập Trường Phổ thông công nông nghiệp (PTCNN) và giao cho Bộ Công an quản lý, giáo dục, dạy văn hóa, dạy nghề cho học sinh nhằm cải tạo những thanh, thiếu niên hư trở thành những thanh niên tốt, có ích cho xã hội.

Các trường giáo dưỡng này đã quản lý, giáo dục hàng ngàn học sinh từ bỏ thói hư tật xấu trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Đặc biệt là thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Bộ Công an luôn quan tâm chỉ đạo công tác quản lý các trại giam từ việc củng cố, kiện toàn tổ chức đến việc từng bước hoàn chỉnh cơ sở, hành lang pháp lý, cải thiện điều kiện ăn, ở cho phạm nhân cũng như quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ cả về vật chất lẫn tinh thần. Hành lang pháp lý này đã tạo ra thế và lực mới cho lực lượng Cảnh sát làm công tác quản lý các trại giam. Tại các trại giam, chúng ta đã xây dựng được một số mô hình về công tác giáo dục cải tạo như: ban thi đua, đội tự quản, tổ hòa giải...

Những việc làm đó, trên thực tế đã xây dựng được nếp sống trật tự, kỷ cương, tạo môi trường lành mạnh và điều kiện thuận lợi để phạm nhân yên tâm cải tạo, ngăn chặn tệ "đầu gấu", "anh chị" trong các nhà giam, buồng giam. Những hoạt động mang tính nhân văn trong giáo dục, cải tạo phạm nhân, trại viên, học sinh thể hiện truyền thống nhân ái, vị tha của dân tộc, đã đem lại hiệu quả giáo dục rất cao đối với phạm nhân, trại viên, học sinh. Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, Bộ Công an đã mở trên 2.000 lớp học tập chính trị cho trên 1 vạn phạm nhân, trại viên; và tổ chức học tập pháp luật, nội quy, quy chế cho trên 400.000 phạm nhân, trại viên; mở trên 600 lớp học văn hóa, xóa mù chữ cho hơn 25.000 phạm nhân, trại viên...

9 năm qua (1996-2004), các trại đã xét giảm án cho 192.115 phạm nhân cải tạo tiến bộ và trên 20.000 lượt trại viên, học sinh; đề nghị và được Chủ tịch nước quyết định đặc xá giảm hết thời hạn phạt tù cho trên 4 vạn phạm nhân.
Với những thành tích trên, thời gian qua đã có 17 đơn vị được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVTND và 5 cá nhân Anh hùng LLVTND. Nhiều gương chiến đấu dũng cảm trong lực lượng Cảnh sát trại giam vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công, nhiều đồng chí lập thành tích xuất sắc, được Chính phủ, Bộ Công an tặng bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác

Lưu Vinh
.
.