Nữ y tá Công an trong “R”- câu chuyện cực kỳ "ám ảnh" của những Anh hùng

Thứ Sáu, 18/08/2017, 07:59
Trong số các đoàn công tác về thăm lại vùng chiến khu căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam năm xưa, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện cùng 2 nữ cựu y tá Võ Thị Tuyết và Võ Ngọc Anh. Những nữ y tá Công an đầu tiên gầy dựng nên Bệnh xá Ban An ninh Trung ương (ANTW) Cục miền Nam giờ đều đã ở cái tuổi 72, tóc bạc, da mồi. Thế nhưng, trong câu chuyện kể của họ vẫn âm vang mãi khúc ca hào hùng về một thời oanh liệt.


Sữa bò pha nước giếng

Bệnh xá Ban ANTW Cục miền Nam ra đời với một tổ công tác lúc đầu ít ỏi với 1 y sỹ, 1 y tá và 1 hộ lý. Sau này, quân số dần tăng lên và đã đảm trách một nhiệm vụ nặng nề trong suốt thời gian kháng chiến chống Mỹ: chăm sóc sức khoẻ cho thương bệnh binh của Tiểu ban An ninh vũ trang, Đoàn An ninh vũ trang 180, chăm sóc cho hàng ngàn học viên Trường An ninh miền Nam, và sau này là chăm sóc cho các đồng chí lãnh đạo Ban ANTW Cục miền Nam. Chị Ngọc Anh và chị Võ Thị Tuyết là một trong những nữ hộ lý ít ỏi ấy!

Vào “R” khi 17 tuổi, chị Tuyết kể, chiến tranh ác liệt, cái chết là thử thách mà anh em luôn phải đối mặt hằng ngày. Thời điểm 1970 là ác liệt nhất, bệnh xá luôn phải di dời địa điểm do bị quân Mỹ thả bom đánh phá. Mỗi lần di chuyển tới địa điểm mới là vô vàn khó khăn. Chẳng phân biệt y tá hay bác sĩ, tay ai cũng chai sần vì cầm cuốc, cầm xẻng đào hào, đào hầm làm nơi trú ẩn, bảo vệ thương bệnh binh. Bom đạn giặc cứ chà xát mỗi ngày. Có ngày mải lo cứu chữa thương binh mọi người đều nhịn cả cơm. Muốn ăn cũng không có lúc nào nấu được.

Đôi bạn cùng chung chiến hào năm xưa tay trong tay ngày gặp mặt các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện 30-4 nhân 55 năm Ngày truyền thống (28-7-2017) tại TP Hồ Chí Minh.

Tháng 5-1970, được lệnh hành quân gấp. Thế là trên mỗi người đều lỉnh kỉnh: ruột tượng gạo; ba lô đựng đồ cá nhân, túi thuốc cứu thương gồm ống bơm tiêm các loại. Chiếc kim tiêm của các y tá trong R ngày ấy cứ mòn vẹt. Kèm theo là một viên đá mài kim tiêm vì không có kim thay như bây giờ. Riêng nồi nấu nước cất thì không được quên. Thêm một khẩu súng choàng qua vai. 

Trên người đã nặng nề thế nhưng còn phải di chuyển thương bệnh binh nặng. Dùng xe thồ chở thương binh. Một người cầm lái ghìm trên một xe thồ đi trước, 2 thương binh nằm trên võng cột vào xe thồ ở giữa. Một y tá cũng ghìm một xe thồ sau làm “chốt”. Cứ như vậy, đẩy, chở thương binh đi. Dẹp cây đổ, đá hộc nằm dọc đường, miễn sao đưa được người tới nơi an toàn.

“Khi ấy, rừng cây ở trong “cứ” 3 tầng dày đặc là thế mà khi bom B52 Mỹ thả xuống mọi sự ngổn ngang thành bình địa, khắp nơi là những hố bom. Cây cối đổ la liệt. Chưa kể, phát hiện chúng thả chất độc da cam xuống, mình phải thật nhanh chân tìm nắp đậy miệng giếng. 

Có lần trong khi di chuyển tới điểm cứ mới, vừa phải dìu thương bệnh binh vừa lo chạy máy bay địch. Gạo nước, thực phẩm đều bỏ lại cả ở điểm cũ, anh chị em không còn gì để bỏ bụng” Trên đường may có 1 người mang một hộp sữa bò, thế là lấy một thau nước giếng, pha cả hộp sữa vào đó, rồi chia nhau mỗi người húp vài miếng để lấy chút hơi sức tiếp tục cáng thương binh. Thế nên, cái tình đồng đội đồng chí ấy nó thấm thía tới giờ!”, chị kể thêm.

Vẫn theo lời chị Tuyết, một lần, Đoàn 94 bộ đội của ta đang hành quân thì bị trực thăng Mỹ phát hiện nên anh em di chuyển vào bệnh xá để trú ẩn. Chúng phát hiện và nã hàng giờ liền pháo dập, bom nổ xuống bệnh xá. Trong trận chiến tàn khốc ấy, 7 cán bộ, y tá của bệnh xá đã hy sinh, 11 người khác bị thương trong khi đang chăm sóc thương bệnh binh.

Mổ dưới mưa bom

Chị Ngọc Anh sinh năm 1945, vào “R” từ năm 18 tuổi. Vào năm 1970, thời điểm chiến tranh ác liệt nhất, chị cũng là một trong 25 học viên được cử đi học lớp y tá ngắn hạn tại Ban Dân y, sau đó thực tập trực tiếp tại bệnh xá 15 ngày. Chị được học băng bó vết thương một cách bài bản hơn, học tiêm thuốc, cầm máu cố định vết thương, trị bệnh thông thường để về bệnh xá tiếp tục phục vụ. 

Trở về bệnh xá cũng là lúc Mỹ và chính quyền Sài Gòn mở rộng chiến tranh sang Campuchia, chị được phân công phục vụ lực lượng y tá ngay trong bệnh xá nhưng cũng chăm sóc cho thương binh bộ đội. Ngày 10-5-1970, bệnh xá được lệnh rút đi vì cứ điểm bị lộ. Một nhóm phải đi theo hướng hành quân của Trung ương Cục, một bộ phận phải trực ở lại. Sáng đó, máy bay địch ào tới. Và B52 được thả xuống. Lúc này, chị Tuyết đã bị thương vào đợt di chuyển trước. Đêm ấy, các bác sĩ đã chuẩn bị đưa chị Tuyết lên bàn mổ xử lý vết đạn xuyên qua phổi.

“Trong hầm tôi đã được cởi bỏ quần áo để cho ca phẫu thuật. Bất ngờ, địch ào tới bỏ bom đợt thứ 2. Toàn bộ bệnh xá trùm trong lửa đạn. Tôi nằm dưới hầm không một mảnh vải che thân. Y tá Hồng lúc đó nhảy xuống hầm, chồm tới và lấy tay tôi kéo lên cổ cô ấy nhưng nào tôi có ôm nổi. Máu chảy tràn trề ướt đẫm người. Tôi hôn mê đi!”, chị kể. Sau này tỉnh lại, chị Tuyết mới biết, khi ấy, y tá Thuý Hồng dù nặng chỉ chừng 40kg, chị Tuyết nặng cả 50kg nhưng lúc đó Hồng mạnh như… thần, bế bổng chị Tuyết quăng lên miệng hầm rồi đẩy chị lăn tròn xuống hào. Vừa ra được thì hầm cũng phát nổ.

Kết thúc trận càn ấy, chị Tuyết ngoài vết đạn xuyên phổi phải, thêm 1 viên đạn xuyên qua ngực bên trái, cùng 2 viên khác găm trên cả 2 bắp tay.

Cũng trong trận càn ác liệt ấy, ở một đoạn hào, chị Ngọc Anh đang mang bầu 5 tháng và cũng bị thương trước đó vào đùi và đang nằm chờ điều trị. Nhưng lúc địch đánh tới, một mảnh đạn xẹt ngang qua bụng chị. Chị lấy tay chặn dòng máu chảy, lo ngại cho đứa con trong bụng. Thằng con trai lớn của chị khi ấy mới 2 tuổi cũng bị đạn bắn trúng bàn chân phải. Cả hai mẹ con nằm trên chiến hào không có nắp. Địch bắn tỉa sát sạt trên đầu. Chị bị đạn vào đùi không làm sao di chuyển. Lúc đó anh chị em chạy tới bồng hai mẹ con ra khỏi, đồng thời lấy nẹp tre băng cho chị cố định vết thương. Nghe tin chị bị thương, anh Huỳnh Thanh An là chồng chị (cán bộ An toàn khu) vội chạy sang và cùng anh em đưa chị lên cáng trên võng. Họ cáng chị cả đêm trong rừng, tới gần sáng mới tới được một chiếc hầm tạm để phẫu thuật. Trận càn năm ấy, cũng là lần cuối cùng chị được ông xã chăm sóc. Sau đó, thời điểm chỉ còn cách 1 tháng là giải phóng miền Nam, chồng chị đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.

Sau giải phóng, chị Ngọc Anh được xếp diện thương binh loại 4/4, hưởng chế độ gia đình liệt sĩ và tham gia công tác Mặt trận, nuôi 2 con nhỏ tại Tây Ninh. Chị Võ Thị Tuyết cũng là thương binh 4/4, làm y tá tại Bệnh viện 30-4 tới năm 1989 về hưu.

Ngẫm lại những năm tháng đầy ác liệt ấy, chị Tuyết trầm giọng: “Nói thực lúc đó khi bị thương tôi thấy mình thật vô dụng, vì mình đang là người cáng anh em, giờ để họ cáng lại mình. Anh em ai cũng gầy gò, ốm yếu lại phải vác mình trên vai. Dù biết đồng đội không ai bỏ ai trong chiến trường nhưng mình cứ nghĩ hoài tới giờ chưa hết. Tôi nhớ y tá Đặng Công Suốt, anh Hồng (sau này về làm việc tại Tây Ninh) khiêng tôi mà vai họ trầy trụa. Còn Thúy Hồng, tôi cứ thương cô ấy mãi. Nhờ có những đồng đội mà tôi còn sống tới ngày nay!”.

Huyền Nga
.
.