14 năm gắn bó với Tây Nguyên
Hội trường Bộ Công an tại 15 Trần Bình Trọng là nơi hội tụ những gương mặt tiêu biểu, những chiến sĩ xuất sắc trên trận tuyến an ninh thầm lặng. Vậy là, đã 14 năm anh xa Hà Nội, xa những kỷ niệm của một thời sinh viên sôi nổi.
Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Học viện An ninh, chàng sĩ quan trẻ Nguyễn Văn Chỉnh đã không trở về vùng đất kinh Bắc quê anh. Nơi anh chọn là mảnh đất Tây Nguyên bạt ngàn nắng gió. Giờ đây, anh nói chuyện với tôi bằng giọng lơ lớ "nửa Nam nửa Bắc", nước da đen bóng khó mà đoán nổi tuổi tác.
Trung tá Chỉnh nhớ lại ngày anh mới vào Gia Lai, Kon Tum nhận nhiệm vụ với đầy âu lo thấp thỏm, tất cả đều bỡ ngỡ. Anh kể rằng, người dân Tây Nguyên rất thật thà chất phác, bọn người xấu đã lợi dụng yếu tố này để tuyên truyền kích động, lôi kéo dụ dỗ bà con.
Để người dân không bị kẻ xấu lợi dụng, những chiến sĩ Công an như anh đã ngày đêm gần gũi, hướng dẫn bà con làm ăn ổn định cuộc sống. Muốn thế, phải biết nói tiếng dân tộc, anh đã tích cực ngày đêm học tiếng.
Khi đã nói được tiếng của người dân địa phương thì bà con rất yêu quý, coi như con cái trong nhà, sẽ giúp đỡ vượt qua mọi khó khăn. Anh đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào Tây Nguyên.
Hàng ngày anh cùng đồng đội xuống các buôn làng, gặp gỡ những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dòng tộc để tuyên truyền, hướng dẫn bà con không nghe theo luận điệu của kẻ xấu, chấp hành tốt chính sách của Đảng và Nhà nước.
Có lần, biết tin bọn người xấu đêm khuya sẽ kéo về buôn làng lôi kéo kích động bà con, anh đã cùng đồng đội thức trắng nhiều đêm liền mai phục trong rừng. Dù mưa rét vẫn ẩn mình trong nương để tìm ra kẻ xấu, không để bọn chúng lừa phỉnh bà con.
Từ một chàng lính trẻ đầy âu lo khi bước chân vào núi rừng Tây Nguyên, nơi cách quê hương anh gần 2.000km, giờ đây, Trung tá Chỉnh đã trở thành người con của các buôn làng, dấu chân anh đã quen thuộc với mảnh Gia Lai, Kon Tum.
Anh bảo rằng, có chuyến đi xuống bản ăn ở và làm rẫy với bà con hàng tháng trời không trở về đơn vị, được bà con yêu quý nên vui lắm. Nước da trắng trẻo thư sinh ngày nào nay đã sạm đen, mái tóc anh đã có sợi bạc.
Nhưng có mấy ai biết được, những đêm khuya trằn trọc không ngủ, anh luôn thao thức nhớ về tổ ấm của mình, một ngôi nhà nhỏ nằm sâu hun hút ở ngõ chợ Khâm Thiên (Hà Nội) mà một năm đôi lần anh mới được trở về. Nơi ấy có người vợ đằng đẵng những năm tháng đợi chờ và 2 đứa con thơ.
Vậy là suốt 14 năm qua anh luôn phải sống trong cảnh chồng Nam vợ Bắc trong nỗi nhớ nhung cồn cào của sự chia xa. Tuy kinh tế gia đình anh còn nhiều khó khăn, cuộc sống còn bộn bề với bao nỗi lo toan nhưng anh đã vượt qua tất cả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ trên trận tuyến an ninh thầm lặng.
Là Phó trưởng Phòng 2, Cục A43, anh không chỉ lo cho bản thân mình mà còn chia sẻ, động viên giúp đỡ những cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn hơn. Anh kể, ở đơn vị anh, một nửa là người Bắc vào Tây Nguyên công tác, họ vẫn nắm tay nhau vượt qua mọi khó khăn gian khổ, mang lại bình yên trên mảnh đất Tây Nguyên, quê hương thứ 2 của họ