Xứng đáng với sự kỳ vọng

Thứ Hai, 18/04/2016, 16:44
Đội thể dục dụng cụ (TDDC) Việt Nam đã đạt 2 suất chính thức dự Olympic 2016. Thành công của Phạm Phước Hưng và Phan Thị Hà Thanh (2 người đoạt suất chính thức cho TDDC Việt Nam) tương xứng với sự đầu tư và kỳ vọng của nhà quản lý dành cho môn thể thao mũi nhọn này.


Của hiếm của thể thao thủ đô

Phạm Phước Hưng bây giờ đã quá nổi tiếng. Với thao tác nhỏ qua thanh công cụ tìm kiếm google trên internet và bằng từ khóa “Phạm Phước Hưng”, người hâm mộ có thể thấy hàng nghìn kết quả đưa ra để tìm hiểu về chàng tuyển thủ điển trai này.

HLV Trương Tuấn Hiền (người có mặt chỉ đạo Phước Hưng trực tiếp tại vòng loại Olympic vừa qua) trước đây từng phân tích, cậu học trò của mình là người chịu khó và là của hiếm của TDDC Hà Nội.

Thành công giành suất Olympic 2016 với vận động viên như Hưng là điều mừng, mọi người chia sẻ rộn ràng bên ngoài. Năm 2012, ngay khi biết mình giành suất Olympic, Hưng đã chia sẻ: “Tôi mừng tới không ngủ được vì mình không tin có cơ hội dự giải Olympic đầy quan trọng như vậy”. Bốn năm sau, kết thúc thi đấu sau vòng loại Olympic, Hưng chỉ kịp giãi bầy rất thật lòng “Lần thứ hai đi Olympic. Sau bao khó khăn cũng đã làm được rồi. Cám ơn các thầy, cô, gia đình, bạn bè, người thương và người hâm mộ đã luôn động viên Hưng trong thơi gian qua…”.

Tuy nhiên, ít ai biết, sau ánh hào quang ấy, sự chuẩn bị trong tập luyện và thi đấu cọ xát của vận động viên rất căng thẳng có thể mất ăn mất ngủ. Còn nhớ, 10 năm trước, suýt chút nữa, Hưng phải sớm giã từ sự nghiệp vì phát hiện chứng lao xương. Phim chụp cho thấy, cột sống của Hưng đã bị ăn mòn hai đốt, và ngay cả việc đi lại bình thường là không dễ dàng chứ không thể vận động mạnh như vận động viên TDDC.

Phạm Phước Hưng và HLV Trương Tuấn Hiền khi biết tin đoạt suất Olympic 2016.

Ấy vậy, cơn bạo bệnh rồi cũng vượt qua. Hưng trở lại từ năm 2007 để rồi thăng tiến mạnh mẽ nhất. TDDC nam của thể thao Hà Nội giai đoạn gần đây có lứa vận động viên tốt chuyên môn như Đinh Phương Thành, Nguyễn Hà Thanh, Phạm Phước Hưng. Phát triển cùng lứa với nhau nhưng đến giờ, mỗi người đã mỗi số phận.

Hà Thanh là tài năng nở rộ đầy triển vọng nhưng đáng tiếc cựu tuyển thủ quốc gia này phải giải nghệ vì chấn thương. Đinh Phương Thành có năm 2014 và 2015 thăng hoa nhất sự nghiệp (giành HCĐ ASIAD 2014, HCV toàn năng cá nhân SEA Games 2015) nhưng quãng thời gian hiện tại phải chữa trị chấn thương. Phước Hưng may mắn hơn các bạn là vẫn thi đấu tốt.

Trước giờ thi đấu vào tranh vé dự Olympic 2016, cái lưng đau của chàng tuyển thủ còn dán chằng chịt miếng dán giảm đau. Chỉ như thế, khi ra tranh tài, vận động viên không bị cảm giác đau chi phối nên động tác mới hoàn hảo tốt nhất. Sự quyết tâm vượt khó chiến thắng tất cả. Điều đọng lại ở chàng trai này không phải trong kết quả huy chương cụ thể mà là 2 chiếc vé dự Olympic liên tiếp.

Con gái đất Cảng không kém cạnh

Phan Thị Hà Thanh từng bảo, “sau năm 2016 chắc em sẽ dần hướng sang sự nghiệp huấn luyện”. Chia sẻ rất thật ấy của nữ tuyển thủ số một đội TDDC nữ rất dễ thông cảm vì trong hành trang của mình, cô đã có đầy đủ các danh hiệu.

Dù thế, quãng thời gian chuẩn bị thi đấu tranh vé Olympic 2016, Thanh tâm niệm “mình đã tập và thi đấu nên nỗ lực phấn đấu có chiếc vé Olympic thứ 2 trong cuộc đời”. Tối 17-4, tại nơi thi đấu vòng loại Olympic (diễn ra ở Brazil), Hà Thanh đã giành chiếc vé chính thức cho riêng mình. Sau ASIAD 2014 và SEA Games 18-2015, Hà Thanh tưởng chừng phải nghỉ dài hạn do cái cổ chân quá đau.

Phan Thị Hà Thanh và HLV Thanh Thúy sau thi đấu.

Những tháng chuẩn bị cho tranh vé Olympic, cô vừa tập duy trì, vừa kết hợp học hoàn thiện nốt chương trình đại học tại Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh) của mình. Đó là lúc, nhiều người nghi ngại, với chấn thương, Thanh khó hoàn thành được mục tiêu giành suất chính thức Olympic 2016. Thi đấu tại vòng loại cuối cùng tranh vé Olympic 2016, Hà Thanh với đầu gối và cổ chân phải bó lại vì chấn thương nhưng đã đạt kết quả đủ để nhận vé chính thức Olympic 2016.

Thanh của bây giờ đã kinh nghiệm hơn cách đây 4, 5 năm. Trước đây, sở trường của Hà Thanh là nội dung nhảy chống thì bây giờ, thi đấu vòng loại Olympic, cô và ban huấn luyện chọn giải pháp hướng vào nội dung toàn năng. Chỉ có như thế, tính cạnh tranh bớt căng thẳng hơn. Hà Thanh dựa trên điểm và thứ hạng khi hoàn tất các bài nhảy chống, xà lệch, cầu thăng bằng, tự do để tính tổng toàn năng và tạo sự an toàn cho mình.

Cô đã thành công. Hai lần liên tiếp đạt vé dự Olympic (năm 2012, 2016), Hà Thanh tiếp tục là biểu tượng của thể thao Hải Phòng. Nhiều người e ngại, sau đây, khi cô chuyển bước sang huấn luyện, lực lượng TDDC Hải Phòng có khoảng trống nhân lực quá lớn. Điều ấy là của tương lai. Trước mắt, tất cả đều vui vì Phan Thị Hà Thanh giành vé chính thức dự Olympic 2016.

Nỗi buồn khó nói

Môn TDDC thăng hoa, giành 2 chiếc vé chính thức dự Olympic 2016 thì cùng thời điểm, môn taekwondo buồn không nói nên lời. Đội taekwondo Việt Nam gồm 4 vận động viên là Trương Thị Kim Tuyền, Hà Thị Nguyên, Phan Trung Đức, Nguyễn Văn Duy đã thi đấu vòng tuyển chọn Olympic diễn ra tại Philippines. Không ai trong số họ đạt được chiếc vé dự Olympic 2016. Người có cơ hội rõ rệt nhất là Hà Thị Nguyên và Trương Thị Kim Tuyền. Tuy nhiên, tất cả đều không thành công và thua trong khoảnh khắc quan trọng. Từ môn thế mạnh và được xem là số 1 của thể thao Việt Nam nhờ việc lần đầu tiên đoạt HCB tại Olympic Sydney 2000. 

Bây giờ, taekwondo Việt Nam không thể dự Olympic 2016. Chắc chắn sẽ có nhiều phân tích về thất bại này của taekwondo Việt Nam. Với người làm nghề, ai cũng hiểu, mấu chốt của sự thành công trong môn đối kháng võ thuật như taekwondo nằm ở yếu tố con người. Chúng ta vẫn tiếp tục đi tìm những vận động viên triển vọng tương lai để đầu tư. 

Tại vòng loại Olympic môn taekwondo đã khép lại tại Philippines, ở khu vực Đông Nam Á, các quốc gia Thái Lan, Campuchia, Philippines đều có vận động viên giành suất chính thức Olympic 2016.

D.P.

Diệu Phương
.
.
.