Võ Văn Hạnh, vì cuộc đời là những mối duyên

Thứ Bảy, 16/05/2020, 10:41
Không một người gác đền nào đứng trong khung gỗ nhiều hơn “cậu” Hạnh với sự nghiệp kéo dài đến 23 năm, không đồng nghiệp nào có bảng thành tích dày như anh với 5 chức vô địch quốc gia và 1 Quả bóng Vàng VN (thủ môn duy nhất từng giành giải thưởng này).

Nhưng cuộc sống xung quanh cựu thủ thành sinh năm 1974 này vẫn là một màn sương mờ ảo với rất nhiều người hâm mộ bởi tính cách có phần trầm lặng của anh.

“Cậu” Hạnh vô tình… vướng “nghiệp” thủ môn

Võ Văn Hạnh sinh tại Phú Yên nhưng là người gốc Nghệ An. Anh đá bóng từ nhỏ trên đường phố trước khi chính thức được đi tập bài bản từ năm 16 tuổi. Ban đầu Văn Hạnh đá tiền đạo, một lần đội thiếu người được kéo xuống bắt gôn, rồi anh em bảo "thôi mày bắt hay thế thì giữ gôn luôn đi", từ đó cuộc đời của Hạnh đóng đinh với vị trí người trấn giữ khung thành.

Ngày đó Phú Yên không có đào tạo cấp độ trẻ, Văn Hạnh chỉ tập ở đội năng khiếu Phú Khánh 1 năm rồi lên đội một. Năm 1993, khi mới 19 tuổi, anh đã có tên trong thành phần đội Phú Yên đá hạng A2 nhưng phải 3 năm sau, năm 1996, Văn Hạnh mới có được suất bắt chính.

Năm 1998, bước ngoặt của sự nghiệp đến với thủ môn sinh năm 1974. Trong một lần Sông Lam Nghệ An mượn sân của Phú Yên để tập luyện trước chuyến làm khách của Khánh Hòa, HLV Nguyễn Thành Vinh của đội bóng xứ Nghệ ấn tượng với anh chàng thủ môn cao lớn, lỳ lợm và mời anh ra Vinh thử việc. 

Đến Sông Lam Nghệ An, Văn Hạnh lập tức có suất bắt chính và nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những người gác đền nổi bật ở giải VĐQG. Tại đây, anh có 2 chức vô địch quốc gia trong 2 mùa liên tiếp 2000, 2001 và là Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2001.

Thành công đó không phải trên trời rơi xuống. Văn Hạnh là một người có tính chuyên nghiệp hiếm thấy ở môi trường bóng đá Việt Nam thời đó. Anh thường xuyên thức dậy từ 5h sáng, nhảy dây, gập bụng và ép cơ trước khi bước vào buổi luyện tập chính thức.

Cũng vì thói quen ấy mà Văn Hạnh bị tiếng “oan” nhiều năm. Số là vào năm 1990, anh đi Huế thấy nhiều người đi chùa, tụng kinh và phát tâm theo Phật. Văn Hạnh ăn chay, mua rất nhiều kinh sách, băng đĩa giảng đạo Phật, rồi áo, chuông, mõ. Vì thói quen dậy sớm, nhiều đồng đội tưởng rằng anh dậy là để… tụng kinh gõ mõ.

Sau này, Văn Hạnh mới giải thích: “Không phải vậy, hồi đó tôi có dậy sớm thật nhưng không phải để tụng kinh gõ mõ. Đội tập lúc 8 rưỡi sáng thì 5h sáng tôi đã dậy để tập luyện. Tập xong mới đeo tai phone nghe giảng kinh sách”. Cũng vì thói quen này, khi chuyển đến SHB Đà Nẵng, đồng đội Giang Thành Thông đặt cho Văn Hạnh biệt danh “cậu” Hạnh và nó theo thủ môn này đến hết sự nghiệp.

Thành tâm hướng Phật, Văn Hạnh có cuộc sống trầm lắng và khá khép kín. Đặc biệt anh không có thói quen sử dụng điện thoại. Vậy mới có chuyện anh chỉ biết được mình được triệu tập lên đội tuyển quốc gia nhờ… đọc báo. 

Mãi sau này, anh mới sắm cho mình một chiếc điện thoại di động để tiện việc liên lạc. Chiếc Nokia “cục gạch” được Văn Hạnh dùng làm phương tiện liên lạc chủ yếu đã hơn 10 năm. Anh cũng có một chiếc smartphone, nhưng chỉ dùng để đôi lúc đọc báo và chủ yếu là lên Youtube nghe kinh sách.

Những năm qua, “cậu” Hạnh là HLV thủ môn ở nhiều cấp độ ĐTQG.

Ân – oán và những nỗi buồn

Rành rẽ đạo Phật, Văn Hạnh là người sống rất có trước có sau. Đến tận thời điểm này, anh vẫn nhớ như in ân tình của những nhân vật đặc biệt để lại dấu ấn trong suốt sự nghiệp của mình.

Đầu tiên là ông bầu Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai. Văn Hạnh kể lại “Bầu Đức rất tốt và rõ ràng mọi thứ khi đề nghị tôi về Hàm Rồng. Sông Lam Nghệ An trả tôi hồi đó 5 triệu đồng/tháng, số tiền khá to thời bấy giờ rồi vì lương Ngô Quang Trường, cầu thủ ăn tập ở đội từ nhỏ khi đó, cũng chỉ có 2 triệu/tháng thôi. Về Gia Lai thì tôi được 15 triệu, thuộc nhóm lương cao nhất đội, cũng là cao nhất nhì làng bóng Việt Nam thời bấy giờ.”. Tại HAGL, Văn Hạnh có thêm 2 chức VĐQG các năm 2003, 2004.

Nhưng cố Chủ tịch Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh mới là người mà suốt đời Văn Hạnh không quên. Chuyển từ HAGL sang Đà Nẵng, Văn Hạnh 2 lần đứng trước nguy cơ phải sớm giải nghệ vì những chấn thương nghiêm trọng.

Năm 2006, Văn Hạnh dính chấn thương đầu gối nghiêm trọng. Khi đó một ca mổ bên Singapore có chi phí rơi vào khoảng 300-400 triệu. Khi biết tin, thủ thành này rất sốc. Rơi vào thế đường cùng, Văn Hạnh xin gặp ông Nguyễn Bá Thanh. Anh chia sẻ thật thà “giờ con chấn thương nặng, không có tiền chữa, mong chú giúp đỡ” và hứa với ông rằng nếu mổ gối xong sẽ cống hiến cho Đà Nẵng hết sự nghiệp. Ông  

Thanh đồng ý ngay lập tức, bảo: “Con cứ yên tâm, ai về đây cống hiến rồi thì Đà Nẵng cũng không bao giờ phụ cả”. Văn Hạnh được CLB duyệt chi trả chi phí đưa sang Singapore mổ, Đà Nẵng cử cả một phiên dịch viên đi cùng. 3 năm sau, Văn Hạnh bị thoái hóa sụn ở chân còn lại. Một lần nữa, anh lại nhận được sự giúp đỡ hết lòng của ông Nguyễn Bá Thanh. Nhờ thế mà Văn Hạnh kéo dài sự nghiệp đến tận năm 39 tuổi mới giải nghệ.

Sự nghiệp của Văn Hạnh không chỉ có những đỉnh cao. Anh cũng không ít lần trải qua những giai đoạn suy sụp khi không thể đạt được sự kỳ vọng. Chuyện cống hiến ở ĐTQG là một ví dụ. Thời của Văn Hạnh, anh phải cạnh tranh với nhiều thủ môn đầy tên tuổi như Trần Tiến Anh, Trần Minh Quang. Thật đáng ngạc nhiên nếu biết rằng thủ môn duy nhất trong lịch sử của bóng đá Việt Nam giành danh hiệu Quả bóng Vàng lại chỉ ra sân đúng 1 trận trong suốt 2 kỳ Tiger Cup được triệu tập. 

Và đó là một kỷ niệm buồn khi Việt Nam để thua Malaysia 0-3 trong trận tranh Huy chương Đồng Tiger Cup 2000. Đạo Phật giảng giải rất kỹ về chữ “duyên”, và Văn Hạnh có lẽ cũng hiểu rằng mình không có duyên với ĐTQG khi anh chỉ có vỏn vẹn 3 năm “ăn cơm tuyển” trong suốt sự nghiệp hơn 2 thập kỷ của mình.

Đơn Ca
.
.
.