"Nữ hoàng wushu" Thuý Hiền: Vinh quang và cay đắng luôn đi cùng tôi

Chủ Nhật, 29/01/2017, 10:34
Từng đạt đỉnh vinh quang với 7 lần vô địch thế giới, thế nhưng cuộc đời của "nữ hoàng wushu" Nguyễn Thuý Hiền lại nhuốm màu buồn với sự cô đơn tưởng như dài bất tận. Sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi, chị tự nhận mình chưa biết cách yêu, chưa biết nhìn người. Làm mẹ đơn thân với hai đứa con, ở người đàn bà ấy, vinh quang và cay đắng luôn đi cùng nhau, như một lẽ thường tình.


"Tôi rất sợ tiếng chuông báo thức"

Nguyễn Thuý Hiền sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống thể thao tại Gia Lâm (Hà Nội). Bố chị vốn là cựu cầu thủ của đội Sông Lam Nghệ An, chị gái Nguyễn Thuý Vinh là tuyển thủ quốc gia môn cầu mây.

Từ khi 12 tuổi, hai chị em Thuý Vinh – Thuý Hiền đã bén duyên với nghiệp võ dưới sự dìu dắt của võ sư Nguyễn Tùng Lâm.

Thời điểm này, môn wushu mới được du nhập vào Việt Nam. Nhờ năng khiếu đặc biệt, chị được lựa chọn vào đội tuyển wushu Hà Nội.

Dưới sự huấn luyện bài bản bởi HLV Trung Quốc, chị liên tục giành được huy chương tại các giải đấu trong nước. Năm 1993, khi mới 14 tuổi, chị được chọn tham dự giải vô địch thế giới tổ chức tại Malaysia.

Cái tên Nguyễn Thuý Hiền khi đó đã gây chấn động làng thể thao thế giới khi xuất sắc giành HCV nội dung đao thuật và HCB nội dung trường quyền. Sự kiện này cũng đánh dấu việc chị trở thành VĐV đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam giành HCV thế giới.

Đã 23 năm, chị vẫn nhớ y nguyên cái cảm xúc năm nào khi bước lên bục cao nhất nhận huy chương. "Hồi đó, cả đoàn không ai mang theo băng ghi quốc ca Việt Nam vì không ai nghĩ có thể giành HCV. Vậy là lúc lên nhận huy chương, cả đoàn đứng hát bằng miệng, có cả chuyên gia Trung Quốc" – chị kể lại.

Năm 2001 được coi là năm rực rỡ nhất đối với chị khi giành 3 HCV SEA Games và 3 HCV thế giới. Trở về nước, chị được tặng Huân chương Lao động hạng nhất và một căn hộ ở Thành Công. Tính chung, trong cuộc đời thi đấu đỉnh cao của mình, chị giành được tổng cộng 7 HCV thế giới, 2 HCV châu Á, 8 HCV SEA Games. Chị cũng 6 lần đạt danh hiệu VĐV tiêu biểu trong năm của thể thao Việt Nam và được chọn là VĐV rước đuốc trong lễ khai mạc SEA Games 22 diễn ra tại Hà Nội.

Vinh quang nhiều, nhưng cũng không ít lần chị phải đối mặt với thất bại trong gang tấc. Năm 1994, tại ASIAD, do bị lỗi ở bài thương thuật nên chị không có huy chương. Đến năm 1995, tại giải vô địch thế giới, do bài đao thuật không tốt lại bị trọng tài xử ép bài thương thuật, một lần nữa chị đánh rơi HCV, chỉ giành được HCB.

"Ban huấn luyện mong chờ rất nhiều vào tấm HCV trên đất Mỹ nhưng tôi đã không làm được. Mỗi lần thất bại, tôi đều không hài lòng về bản thân. Nhưng thể thao là vậy, chỉ có thể cố gắng hết sức chứ không thể đoán trước được điều gì" – chị tâm sự.

Ít ai hiểu, đằng sau ánh hào quang kia là những cơn đau dạ dày, đau cột sống bởi chấn thương liên miên khi tập luyện và biểu diễn. Có những thời điểm, chị chỉ còn 40kg, vóc dáng gày gò, nhỏ bé.

Dù không có được sức khoẻ tốt giống như nhiều võ sĩ khác nhưng ở chị luôn có một nghị lực phi thường, một khát khao chiến thắng đến cháy bỏng. Đó chính là sức mạnh giúp chị gặt hái thành công tại những đấu trường quốc tế khắc nghiệt.

Sau SEA Games 22, do gặp chấn thương, chị quyết định giải nghệ, trở về làm công tác huấn luyện wushu cho Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội. Giã từ sàn đấu đã 12 năm, chị bảo, đến giờ vẫn sợ mỗi khi nghe thấy tiếng chuông báo thức, bởi nó nhắc lại những ngày tháng khổ luyện vất vả.

"Tôi đã phải trải qua những năm tháng thực sự đơn điệu. Ngày nào cũng tập 3 buổi, buổi sáng phải đặt báo thức để dậy từ 6 giờ và chỉ kết thúc buổi tập vào 5 giờ chiều. Những ngày mùa đông rét mướt, việc dậy sớm chạy bộ luôn là cực hình. Tiếng chuông báo thức ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Cuộc đời VĐV đỉnh cao là vậy, mình đã dấn thân thì phải chấp nhận. Tôi cũng không phải ngoại lệ. Vinh quang và cay đắng luôn đi cùng tôi" – chị nói.

"Tôi khù khờ trong  tình yêu"

Có được đỉnh cao trong sự nghiệp nhưng trong tình yêu, chị nhận mình là người thất bại, là kẻ khù khờ. Năm 23 tuổi, chị kết hôn cùng ca sĩ Anh Tú sau 3 năm yêu nhau. Cuộc sống hôn nhân tưởng chừng viên mãn khi 2 đứa con lần lượt ra đời. Thế nhưng, chỉ sau 4 năm chung sống, hai người ly hôn khi không thể tìm được tiếng nói chung.

Nói về cuộc hôn nhân đổ vỡ, chị không giấu được tâm trạng buồn: "Cả tuổi thanh xuân tập trung hoàn toàn cho thể thao, tôi không có kinh nghiệm để nhìn người xem họ có phù hợp với mình hay không. Phần lớn thời gian tôi tập huấn ở Trung Quốc, không có cơ hội giao lưu gặp gỡ với ai. Khi bước vào tình yêu, tôi khù khờ lắm, như một tờ giấy trắng. Lúc kết hôn, tôi và anh Tú mới 23 tuổi, còn quá trẻ. Càng sống với nhau càng nhận thấy sự khác biệt. Anh Tú còn nhiều đam mê, như con ngựa bất kham, tôi không giữ được".

Vẻ đẹp trẻ trung của VĐV Thuý Hiền.

Sau ly hôn, chị sống một mình nuôi con, trong khi chồng cũ đã có hạnh phúc mới. Ngoài công việc huấn luyện, chị kinh doanh thời trang để có thêm thu nhập. Chị vận động cứ như con thoi, không ngừng nghỉ, không mệt mỏi.

Chị bảo, nếu không làm thêm thì sao đủ tiền nuôi hai đứa con, lương công chức hàng tháng nhận được chỉ vài triệu đồng. Mỗi khi rảnh rỗi, chị lại tập chơi bóng bàn, như một cách cân bằng lại cuộc sống, vừa là để tìm lại cảm giác thi đấu. 

Ở cái tuổi gần 40, chị vẫn giữ được sự trẻ trung và hồn nhiên. Luôn cười và luôn đẹp. Dường như, ở người đàn bà ấy có một sự bình thản đến không ngờ. Có lẽ, đó là dũng khí giúp chị đi qua sóng gió cuộc đời mình để rồi tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.

Hỏi chị có trách chồng cũ không, chị lắc đầu: "Tôi không trách gì anh Tú, có trách chỉ tự trách mình thôi. Cuộc sống của tôi vốn đã không êm đềm từ khi còn nhỏ rồi. Phải sống xa bố mẹ, tôi thiếu thốn tình cảm. Cứ tưởng cuộc sống hôn nhân sẽ bù đắp cho tôi nhưng anh Tú lại là người đàn ông đào hoa. Có lẽ duyên phận của chúng tôi chỉ đến vậy".

Ẩn sau nụ cười của chị là một nỗi cô đơn sâu thẳm. Chị nói, cuộc đời chị là chuỗi ngày cô đơn bất tận. Ngay cả khi đang chìm đắm trong tình yêu, chị vẫn cảm thấy cô đơn.

Hỏi chị sao không đi tìm hạnh phúc mới, chị cười nhẹ nhàng: "Hạnh phúc chắc vẫn đang "tắc đường" với tôi. Tôi không mong nhà lầu, xe hơi, chỉ mong một hạnh phúc giản dị, ngày đi làm, tối về nhà có chồng con. Thế nhưng, duyên phận vẫn chưa cho tôi gặp được người phù hợp".

Dễ dàng cảm nhận, ở chị luôn tràn đầy năng lượng. Cách đây ít lâu, người ta còn thấy chị đóng phim khi xuất hiện trong bộ phim "Nữ đại gia". Chị bảo, chị không thích sự ồn ào của thế giới showbiz. Với chị, điện ảnh chỉ như một cuộc dạo chơi. 

Chị nhận lời đóng phim đơn giản chỉ vì đó là vai võ thuật, có liên quan đến wushu. Sắp tới, nếu có vai diễn hợp lí thuộc dòng phim võ thuật, chị vẫn sẽ nhận. Đó cũng là một cách để chị sống lại với đam mê.

Trọn tuổi thanh xuân gắn bó với wushu, chị thấu hiểu hơn ai hết về sự được – mất mà thể thao mang lại. "Ở Việt Nam, VĐV còn bị thiệt thòi nhiều lắm. Có hàng nghìn VĐV tham gia thi đấu nhưng rất ít người sau khi giải nghệ được nhận vào biên chế chính thức. Có những VĐV sau khi giải nghệ cũng đã hết tuổi học, muốn theo con đường khác rất vất vả. Có những người sau khi giã từ sàn đấu vẫn còn chịu hậu quả của những chấn thương trong suốt những năm thi đấu triền miên. Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi có một công việc đúng chuyên môn, được biên chế của thể thao Hà Nội và còn được tặng một căn hộ nữa. Cho tới tận bây giờ, việc tặng căn hộ cho VĐV đạt thành tích cao vẫn cực kì hiếm. Nếu không có wushu, có lẽ không ai biết tới Thuý Hiền" – chị trải lòng.

Khánh Vy
.
.
.