Vì sao Nhật Bản quyết tâm tổ chức Olympic Tokyo 2020?
Quyết tâm của người Nhật
Thông báo không hoãn Olympic Tokyo 2020 được IOC đưa ra sau cuộc họp trực tuyến bất thường với các liên đoàn thể thao quốc tế. IOC cũng kêu gọi các VĐV tiếp tục quá trình chuẩn bị để tranh tài tại Thế vận hội, đồng thời bày tỏ tin tưởng đại dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát nhờ nỗ lực của các chính phủ trên toàn thế giới.
Đầu tuần này, trong cuộc họp các lãnh đạo trong nhóm G7, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng khẳng định Olympic Tokyo sẽ vẫn diễn ra từ ngày 24-7 đến 9-8-2020 như dự kiến. Tuyên bố của ông Abe được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất ý kiến nên hoãn Olympic Tokyo đến mùa hè 2021.
Như vậy, giới chức lãnh đạo Nhật Bản và IOC đều đảm bảo rằng Olympic Tokyo 2020 vẫn sẽ diễn ra chứ không bị trì hoãn như nhiều giải thể thao lớn khác tổ chức trong năm nay, tiêu biểu là EURO 2020.
Những phát ngôn từ Nhật Bản thể hiện sự cứng rắn và quyết tâm, như lời ông Shinzo Abe, việc tổ chức Olympic 2020 đúng theo kế hoạch phản ánh tinh thần vượt qua bệnh dịch của nhân loại.
Tuy nhiên, vượt qua đại dịch không thể chỉ bằng cách hô khẩu hiệu. Olympic Tokyo sẽ đón khoảng hơn 11.000 VĐV đến từ 209 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tình hình đại dịch COVID-19 như hiện tại, dù nước chủ nhà có đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng cơ sở và các trang thiết bị y tế, nguy cơ lây nhiễm vẫn là rất lớn.
Làng Olympic rất dễ trở thành một “miếng mồi” cho virus nCoV, không chỉ lây nhiễm cho các VĐV mà còn biến họ trở thành những “người vận chuyển” đem bệnh dịch về quốc gia của mình. Nguy cơ sẽ càng tăng cao hơn khi hầu hết các đoàn thể thao sẽ di chuyển đến Nhật Bản bằng máy bay, hiện đang được xem là môi trường lây nhiễm Covid-19 hàng đầu.
Chính điều này khiến nhiều VĐV ưu tú trên thế giới không muốn tham dự Olympic Tokyo 2020. Kevin Mayer, VĐV người Pháp đang giữ kỷ lục thế giới ở nội dung 3 môn phối hợp cho biết, anh thực sự muốn giải đấu hoãn đến một thời điểm an toàn hơn.
Nước chủ nhà không muốn “mất trắng” khoản đầu tư khổng lồ vào Thế vận hội. |
Lợi nhuận khổng lồ
Trong bối cảnh đó, việc Nhật Bản vẫn quyết tâm tổ chức Olympic Tokyo nhận nhiều phản hồi trái chiều.
Việc hoãn Olympic sẽ có tác động đáng kể đến tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản khi nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào nhà hàng và các hoạt động du lịch để chuẩn bị cho đón một lượt khách quốc tế lớn. Theo ước tính trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Nhật Bản có thể đón 33 triệu lượt du khách trong năm tổ chức Olympic.
Nước chủ nhà, chủ yếu là khối doanh nghiệp tư nhân, cũng đã đầu tư 10 nghìn tỷ Yên (9,2 tỷ USD) để xây dựng các khu liên hợp thể thao, cơ sở hạ tầng phục vụ cho Olympic. Hàng tỷ USD đã được giao dịch trong các gói tài trợ toàn cầu và địa phương. Các nhà tài trợ “móc ví” nhiều nhất được gọi là “Đối tác vàng Tokyo 2020”, cao nhất trong ba cấp tài trợ được Nhật Bản quy định.
Hơn một triệu người Nhật sẽ được tuyển dụng trong các hoạt động liên quan đến Thế vận hội. Các chuyên gia kinh tế cũng ước tính rằng lợi nhuận dài hạn từ các khoản đầu tư vào địa điểm thi đấu và cơ sở hạ tầng có thể lên đến 225 tỷ USD.
Olympic là một thương hiệu thể thao toàn cầu với lợi nhuận khổng lồ đi kèm bao gồm bản quyền truyền hình, phóng sự, tài liệu, các ấn phẩm, quyền sử dụng logo và nhãn hiệu... Việc thay đổi thời gian tổ chức sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những bản hợp đồng khai thác thương hiệu.
NBCUniversal đã trả hơn 1 tỷ USD để có quyền phát sóng các môn thi đấu tại Olympic Tokyo 2020. Hồi đầu tháng này họ đã bán hơn 1,25 tỷ đô la quảng cáo cho Thế vận hội, một kỷ lục. Mặc dù việc Olympic bị hoãn hay huỷ sẽ là một trở ngại cho các công ty truyền thông, nhưng điều đó không phải là thảm họa. Comcast, công ty mẹ của NBCUniversal đã mua một gói bảo hiểm toàn diện trong trường hợp Thế vận hội bị hoãn hoặc huỷ.
Ở một góc nhìn khác, việc Olympic không thể diễn ra như kế hoạch ban đầu cũng là điều không mong đợi cho chính các VĐV, đặc biệt là ở các môn thể thao ít phổ biến và việc góp mặt vào Olympic là cơ hội tốt nhất của họ để đổi đời.
Nhiều VĐV từ các môn thể thao ít được biết đến đã lâm vào cảnh nợ nần chỉ để thực hiện giấc mơ Olympic của họ, hơn 100 VĐV đã phải lập các trang gây quỹ cá nhân ở Mỹ. Một nữ võ sĩ boxing người Mỹ mới đây tiết lộ rằng Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ cung cấp cho cô chi phí chỉ 300 USD mỗi tháng, tương đương với khoảng 9,67 USD mỗi ngày.
Thời điểm các quốc gia khống chế được đại dịch sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra như thế nào. Các VĐV cần ít nhất khoảng 3 tuần để “làm nóng” trước khi tham gia Thế vận hội. Như vậy, chỉ có những đoàn thể thao từ các quốc gia kiểm soát được Covid-19 trước tháng 7 mới thực sự sẵn sàng để tham dự Olympic.
Ngay cả khi Olympic diễn ra đúng thời điểm đã định, mọi thứ vẫn có thể được sửa đổi để một số quốc gia không tham gia hoặc một số sự kiện nhất định không diễn ra, bên cạnh đó, viễn cảnh các môn thi đấu tổ chức mà không có khán giả cũng đã được tính đến.
IOC sẽ không tổn thất gì nếu Olympic bị hoãn Mỗi thành phố chủ nhà của Olympic được yêu cầu ký hợp đồng với IOC. Một phần trong hợp đồng 81 trang của thành phố Tokyo, nơi diễn ra Olympic 2020 với IOC có điều khoản IOC có thể chấm dứt hợp đồng và huỷ bỏ Olympic nếu IOC có cơ sở hợp lý để tin tưởng, theo những tiêu chuẩn riêng của mình, rằng sự an toàn của những người tham gia Thế vận hội sẽ bị đe dọa nghiêm trọng vì bất kỳ lý do gì. IOC cũng đã có bảo hiểm trong trường hợp Olympic 2020 không thể diễn ra như dự kiến ban đầu, vì vậy câu chuyện chính ở đây không phải là về việc họ mất bao nhiêu tiền, mà là về số tiền mà họ sẽ không kiếm được nếu Thế vận hội bị hoãn hay huỷ. IOC thường phát ngôn việc các VĐV là mối quan tâm chính của họ. Nếu đó là sự thật thì có lẽ Ủy ban Olympic thế giới nên trích một khoản trong quỹ dự trữ 2 tỷ USD để trực tiếp giúp đỡ những người đang gặp khó khăn. |